Ứng dụng công nghệ trong giáo dục mầm non
Điểm sáng của các hồ sơ giáo viên mầm non năm 2019 phải kể đến việc
ứng dụng công nghệ trong việc dạy trẻ mầm non - lứa tuổi chưa dễ dàng
được cho phép tiếp cận công nghệ. Trong đó, gây ấn tượng nhất trong ngày
xét duyệt đầu tiên là phần trình bày của cô giáo Phạm Minh Ngọc (Trường
Mầm non Mai Dịch, quận Cầu Giấy).
Trong quá trình dạy trẻ, cô Ngọc đã ứng dụng những phần mềm như: Trí
tuệ bé yêu, Cây cọ nhí, Bé yêu khám phá, Phát triển ngôn ngữ, Toán học.
Với 4.750 trò chơi, bài tập giúp trẻ “học mà chơi, chơi mà học”, cô Ngọc
đã tạo hứng thú học ở trẻ thông qua tiếp cận công nghệ từ sớm.
Cô Phạm Minh Ngọc trình bày sáng kiến thiết kế phần mềm giáo dục trước hội đồng xét duyệt
Ông Đặng Bảo Linh, chuyên gia về Công nghệ giáo dục tại Hệ thống Giáo
dục HOCMAI, thành viên Hội đồng xét duyệt, bày tỏ mong muốn được đồng
hành cùng cô phát triển và phổ biến những phần mềm đặc thù dành cho lứa
tuổi mầm non nhằm phát huy trí tuệ của trẻ.
Hoặc trường hợp cô Nguyễn Hồng Linh, giáo viên trường Mầm non Mỹ Đình
I, quận Nam Từ Liêm, người dân tộc Mường, đã từng sợ hãi trước CNTT
nhưng cô vượt lên chính mình, biến nỗi sợ thành thế mạnh, tự tìm tòi học
hỏi. Cùng với sự giúp đỡ của chị em đồng nghiệp, cô đã mạnh dạn ứng
dụng CNTT để thiết kế trò chơi toán học cho trẻ, đồng thời, giúp trẻ tập
làm quen và tập tương tác với công nghệ. Năm học 2017-2018, đề án “Ứng
dụng CNTT trong thiết kế trò chơi toán học cho trẻ” của cô đã đạt loại B
cấp quận.
Cô Nguyễn Hồng Linh - Giáo viên trường Mầm non Mỹ Đình I, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Bên cạnh đó, hội đồng cũng ghi nhận tâm huyết của cô Nguyễn Thị Thường,
Phó Hiệu trưởng trường Mầm non Ánh Sao, quận Thanh Xuân, một nhà giáo đã
trên 50 tuổi, vẫn không ngừng nghiên cứu, học hỏi và ứng dụng công nghệ
vào thực tiễn giảng dạy, đồng thời chia sẻ với đội ngũ giáo viên. Cô đã
tự tay dùng các phần mềm để thiết kế và xây dựng “Thư viện ảnh động”.
Sau khi được cô động viên, 100% giáo viên trong trường đã biết khai thác
tài liệu trên mạng và sử dụng “Thư viện ảnh động” để soạn giáo án điện
tử, trình chiếu, minh họa cho các bài giảng của mình trên Powerpoint.
Cô giáo Nguyễn Thị Thường, nhà giáo đã trên 50 tuổi, vẫn không ngừng nghiên cứu, học hỏi và ứng dụng CNTT
Và ứng dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến thế giới
Về vận dụng khoa học giáo dục tiên tiến, đa số cô giáo đã chọn phương
pháp Montessori hay STEAM làm kim chỉ nam cho các sáng kiến của mình.
Báo cáo trước Hội đồng, nhiều cô giáo chia sẻ rằng, bằng chính bàn tay
mình, các cô sử dụng thành thạo máy cắt, máy khoan để biến những nguyên
vật liệu bỏ đi như lốp xe, vỏ lon, vỏ hộp… thành đồ chơi cho trẻ và tạo
ra những giáo cụ hình quả, cây, chữ cái, hình các con vật để cuốn hút
trẻ.
Các cô cũng tạo ra các hoạt động cho trẻ được hòa mình với thiên
nhiên, được trải nghiệm các nghề nghiệp công an, lính cứu hỏa, nông dân,
nội trợ, được vui tham gia các sự kiện văn hóa… Từ đó không chỉ giúp
trẻ tự tin, mạnh dạn giao tiếp mà còn nuôi dưỡng những tình cảm của trẻ
đối với những người xung quanh, đồng thời cuốn hút trẻ tiếp thu kiến
thức một cách tự nhiên.
Những điểm sáng có thể kể đến là hoạt động do cô Nguyễn Thùy Linh,
giáo viên trường Mầm non Phùng Xá, huyện Mỹ Đức tổ chức. Trẻ được đi
trải nghiệm làng nghề truyền thống, được biết cách nghệ nhân tạo ra
“chăn tơ tằm do tằm dệt” và được tự tay tham gia một khâu đơn giản ở
làng nghề. Hay như cô Phạm Thị Thúy, trường Mầm non Hoa Sen, huyện
Thường Tín, đã kích thích trẻ khám phá tìm tòi qua những hoạt động kì
thú, ví dụ như tiết mục biểu diễn ảo thuật “chiếc ghim nhảy múa” để gợi
cho trẻ tò mò và sau đó, cô giải thích sự kỳ diệu của nam châm.
Chuyên đề “Đổi mới hình thức tổ chức hoạt động giờ ăn cho trẻ”, giúp
trẻ cảm thấy hứng thú với giờ ăn, học cách ăn văn minh và kỹ năng tự
phục vụ bản thân, cũng là một trong những sáng kiến vô cùng thiết thực
của cô giáo Nguyễn Thị Hậu, trường Mầm non Vĩnh Hương, quận Hoàng Mai.
Cô Hậu nhận thấy trẻ có những lo lắng khi đến giờ ăn, vì thế cô đã cùng
nhà trường triển khai tổ chức tiệc buffet và bữa cơm văn phòng. Kết quả
thu được rất khả quan khi trẻ háo hức chờ đến giờ ăn và phụ huynh quan
tâm hơn tới thực đơn của con.
Ngoài tìm tòi sáng tạo thay đổi phương pháp dạy học, các nhà giáo
trên cương vị quản lý cũng dành nhiều tâm huyết tạo ra các hoạt động
giúp giáo viên yên tâm công tác, tin tưởng vào nghề. Điển hình như cô Cù
Minh Hương, Bí thư Chi bộ - Hiệu trưởng trường Mầm non Trung tâm Nghiên
cứu Bò và Đồng cỏ, huyện Ba Vì, với suy nghĩ rằng “thầy cô hạnh phúc sẽ
thay đổi tất cả”, đã tổ chức những sân chơi lành mạnh ngoài giờ nhằm
nâng cao đời sống tinh thần cho cán bộ giáo viên, tăng sự gắn bó giữa
gia đình các thầy cô giáo và nhà trường. Đó là những “Ngày hội tri ân
các mẹ”, “Hội gia đình gắn kết yêu thương”...
Sáng kiến “Ngày hội tri ân các mẹ nhân ngày phụ nữ Việt Nam” của cô Cù Minh Hương
“Tôi đánh giá cao tinh thần vượt qua khó khăn, tự tìm tòi, học hỏi
của các nhà giáo khối Mầm non trong việc ứng dụng công nghệ giáo dục vào
thực tiễn giảng dạy, tạo nên những thay đổi đáng khâm phục và truyền đi
những cảm hứng tích cực đến các đồng nghiệp. Tôi rất mong những sáng
kiến và ý tưởng của các nhà giáo năm nay sẽ được lan rộng trong toàn
ngành giáo dục, để giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo”
thực sự ý nghĩa và đi vào cuộc sống, giúp cho các nhà giáo và nhà trường
phát triển hơn nữa” - ông Nguyễn Ngọc Ân, Phó chủ tịch, Chủ
nhiệm UBKT Công đoàn giáo dục Việt Nam, thành viên Hội đồng xét duyệt
chia sẻ sau buổi xét duyệt khối Mầm non.
Giải thưởng “Nhà giáo tâm huyết, sáng tạo” do Sở GD&ĐT cùng Công
đoàn ngành Giáo dục Hà Nội phối hợp với Hệ thống giáo dục HOCMAI tổ chức
nhằm mục đích động viên, khuyến khích và tôn vinh những nhà giáo Hà Nội
tâm huyết, sáng tạo trong công tác giảng dạy, đóng góp vào phong trào
thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” năm học 2018 - 2019 vừa
qua. Các ngày xét duyệt khối Tiểu học, khối THCS và khối THPT sẽ tiếp
tục diễn ra từ ngày 18 tới 23-9.