Mùa xuân sáng tạo
Một trong những minh chứng rõ nét nhất về sự sáng tạo của học sinh Thủ đô chính là chân dung những học sinh với công trình sáng tạo trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học Hà Nội (Hasef). Tính đến năm 2017, cuộc thi đã 7 lần được ngành GD&ĐT Hà Nội tổ chức. Cuối năm vừa qua, cuộc thi cấp Thành phố đã diễn ra tại trường THPT Chu Văn An với cuộc triển lãm, tranh tài của 80 đề tài của 153 tác giả. Đây đều là những đề tài được lựa chọn kỹ bởi trong vòng sơ khảo, Ban tổ chức đã nhận được tới 325 đề tài đăng ký dự thi từ các trường THCS, THPT.
Trong lịch sử có những tấm gương anh hùng nhỏ tuổi như cậu bé Nguyễn Hiền ở phủ Thiên Trường (Nam Định) mới 13 tuổi đã trở thành Trạng nguyên nước Việt, vượt qua sự thách đố xâu chỉ qua những vòng xoắn ốc. Còn trong xã hội hiện đại, chúng ta bắt gặp những công trình sáng tạo đầy chất trí tuệ của học sinh dù các em mới đang học ở cấp THCS. Điều đáng mừng là số lượng các công trình của học sinh nhỏ tuổi ngày càng tăng. Nếu so với các cuộc thi trước thì Hasef 2017 có sự gia tăng đột biến các công trình nghiên cứu của học sinh THCS với 142 đề tài dự sơ khảo, đặc biệt có cả những trường mà điều kiện học tập của các em còn nhiều khó khăn như ở huyện Phú Xuyên, Mỹ Đức… Nhận thấy từ cuộc sống gần gũi quanh mình những vấn đề cần nghiên cứu và mong muốn tìm ra giải pháp cho những vấn đề đó, các em đã có nhiều đề tài tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường như “Điều chế nước rửa bát sinh học từ quả chanh, muối tinh và giấm trắng” (THCS Bế Văn Đàn), “Máy khử khuẩn sử dụng tia tử ngoại cho nguồn nước uống hoặc sinh hoạt” (THCS Nhật Tân), “Kính cảm biến hồng ngoại dành cho người khiếm thị” (THCS Lê Quý Đôn). Từ vùng quê của “sông trăng, sông lụa” Mỹ Đức, các em học sinh THCS Phù Lưu Tế đã nghĩ tới sản phẩm “Mặt nạ dưỡng da do người điều khiển con tằm tự dệt”. Đó là những ý tưởng khoa học xuất phát từ thực tế, đậm chất nhân văn rất đáng khích lệ.
Học sinh quan sát, bàn luận về những sản phẩm sáng tạo
Tìm hiểu kỹ hơn về từng công trình nghiên cứu mới thấy hết được suy nghĩ nghiêm túc, vì cộng đồng của học sinh, cũng như tính khoa học của mỗi đề tài các em thực hiện. Cụ thể như công trình nghiên cứu "Máy khử khuẩn sử dụng tia tử ngoại cho nguồn nước uống hoặc sinh hoạt" của học sinh Nguyễn Ngọc Phúc và Bùi Thế Hưng (trường THCS Nhật Tân, quận Tây Hồ). Sau một thời gian nghiên cứu, hai em đã chế tạo thành công máy khử khuẩn sử dụng tia tử ngoại cho nguồn nước uống hoặc nước sinh hoạt cho nhân dân vùng đồng bào lũ lụt trong giai đoạn khó khăn. Kết quả nghiên cứu của các em đã được kiểm nghiệm lâm sàng trên động vật. Sau đó là kiểm nghiệm của viện vệ sinh an toàn thực phẩm có kèm theo giấy xác nhận kiểm tra an toàn nguồn nước.
Hai học sinh Nguyễn Công Huy và Phan Trường Anh Khôi (lớp 8H trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm) thì đam mê đề tài "Cánh tay robot điều khiển bằng suy nghĩ Mind – arm" với mục tiêu chế tạo được một cánh tay robot điều khiển được suy nghĩ dùng bộ đọc sóng não emotiv insight để giúp người khuyết tật có một cánh tay được in 3D bình thường, như thật, phù hợp với người sử dụng mà giá rẻ, để phân phối không chỉ giúp đỡ cho Việt Nam mà còn khắp thế giới. Kết quả là hai em đã in 3D được một cánh tay, điều khiển được nắm/mở bằng suy nghĩ, lập ra được phương pháp nghiên cứu, triển khai được đề tài và hướng phát triển cho đề tài. Đây cũng là một trong 8 đề tài đoạt giải Nhất tại cuộc thi Hasef năm học 2017 – 2018.
Trong khi đó học sinh Nguyễn Viết Chí Quân và Lê Nhật Minh (trường THCS Thành Công, quận Ba Đình) lại có ý tưởng sáng tạo đôi giày cho người khiếm thị với mục tiêu thiết kế một thiết bị đơn giản, nhỏ gọn, rẻ tiền để gắn lên giày của người khiếm thị, giúp họ đi lại dễ dàng hơn. Phương pháp của hai em là sử dụng sóng siêu âm để xác định khoảng cách với chướng ngại vật. Sau đó dùng bảng mạch adruino lập trình và chế tạo thiết bị thu phát sóng siêu âm và phát ra cảnh báo. Kết quả là sản phẩm của hai học sinh hoàn thành với mức giá 300 nghìn đồng, thời gian hoạt động liên tục 36 tiếng với độ chính xác 90%.
Dùng công nghệ để hạn chế tác hại của công nghệ
Sáng tạo công nghệ không đồng nghĩa với việc lơ là học tập trên lớp. Thực tế, các đề tài nghiên cứu của học sinh Thủ đô đều bắt nguồn từ những kiến thức cơ bản mà các em đã học được trên lớp. Các em đã biết áp dụng lý thuyết vào thực tiễn để giải quyết các vấn đề của cuộc sống. Dù học ở các trường khác nhau nhưng nhờ tình yêu khoa học kết nối, các em đã cùng làm việc để hoàn thiện các công trình nghiên cứu.
Chẳng hạn khi nhìn vào đề tài "Phát hiện kháng nguyên ưng thu CEA người trên invitro bằng hạt nano phát quang Gd2O3", nhiều người sẽ liên tưởng đến những điều xa lạ, vượt quá khả năng của học sinh. Thế nhưng theo chia sẻ của chủ nhân đề tài, hai học sinh Bùi Kỳ Anh (lớp 11A3, trường THPT Lê Lợi) và Lê Thị Thùy Linh (lớp 12A, trường THPT Quốc tế Việt Nam VIS) thì: Chúng em nảy sinh ý tưởng nghiên cứu từ kiến thức học được trong SGK. Cụ thể, qua chương trình sinh học lớp 10, chúng em biết được trên bề mặt màng tế bào có các "dấu ấn sinh học" glicoprotein đặc trưng cho từng loại tế bào. Từ những kiến thức cơ bản, chúng em đã thu thập thông tin, gắn kết logic để tìm ra quy luật, tìm hướng nghiên cứu. Để có thể hoàn thành nghiên cứu và kiểm nghiệm kết quả nghiên cứu, chúng em đã nhờ đến sự giúp đỡ của thầy cô giáo và Viện khoa học Vật liệu và Viện công nghệ gen.
HS cẩn thận kiểm tra công trình nghiên cứu của mình
Nhiều ý kiến cho rằng, học sinh ngày nay đam mê công nghệ cũng là điều dễ hiểu bởi từ nhỏ các em đã được tiếp xúc với điện thoại thông minh, máy tính và các đồ dùng công nghệ. Thế nhưng điểm đáng mừng khi nhìn về thế hệ trẻ hiện nay chính là các em không chỉ có khát khao làm chủ công nghệ đang có mà còn muốn phát triển công nghệ lên những tầm cao mới. Thậm chí một số học sinh còn có ý tưởng táo bạo là sử dụng công nghệ để hạn chế tác hại của công nghệ và đề tài "Thay đổi thói quen sử dụng facebook của học sinh THPT thông qua việc thiết kế và sử dụng phần mềm ứng dụng" của học sinh Tạ Phan Mỹ Ngân (THPT Lê Lợi) và Nguyễn Hải Nam (THPT Cầu Giấy) là một ví dụ điển hình.
Chia sẻ về ý tưởng của công trình, hai em học sinh cho biết: "Thí nghiệm nổi tiếng của Palop về "tiếng chuông và con chó" đã cho chúng em thấy rằng: Một hành động lặp đi lặp lại sẽ hình thành nên thói quen, một thói quen lặp đi lặp lại sẽ hình thành tính cách. Với dân số khoảng 93 triệu người, Việt Nam có hơn 46 triệu người thường xuyên sử dụng facebook, đứng thứ 22 toàn cầu về số lượng người dùng. Điều đó cho thấy việc sử dụng facebook trở nên rất bình thường. Tuy nhiên, việc sử dụng facebook bất cứ khi nào muốn, bất cứ ở nơi đâu đã hình thành nên thói quen xấu trong học sinh THPT tạo nên hiện tượng sống ảo, lười nhác trong học tập, giảm kỹ năng giao tiếp, sự nghèo nàn trong biểu lộ cảm xúc yêu thương với người thân, thầy cô và bạn bè. Từ khi facebook xuất hiện cho tới nay đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về lợi ích cũng như tác hại của nó nhưng chưa có công trình nghiên cứu nào đưa ra giải pháp cụ thể giúp người dùng thay đổi thói quen sử dụng facebook theo hướng tích cực, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh. Chúng em nghĩ rằng, facebook là phần mềm ứng dụng cài đặt trên điện thoại người dùng và chúng em có thể thiết kế một phần mềm theo quy trình tâm lý cài đặt tương tác với facebook để thay đổi thói quen sử dụng facebook của học sinh. Khi học sinh cài đặt phần mềm này, thời lượng sử dụng facebook trong ngày sẽ được gửi về email của người bảo trợ, giúp CMHS, nhà trường có thể quản lý thời gian vào facebook của học sinh".
Sau thời gian thử nghiệm 1 tháng trên 50 học sinh cho thấy 45% người dùng xếp hạng phần mềm đạt tiêu chuẩn 5 sao và không có người dùng gỡ cài đặt phần mềm. Các bạn đều có sự thay đổi về thái độ, hành vi và thời gian vào facebook theo hướng tích cực.