Hà Nội đã có nhiều phong trào thi đua, cuộc vận động tôn vinh nét đẹp của nhà giáo Thủ đô, tiêu biểu như cuộc vận động: “ Xây dựng Nhà trường văn hóa- Nhà giáo mẫu mực- Học sinh thanh lịch”, phong trào “Nhà giáo Hà Nội giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn”, “Cô giáo người mẹ hiền”, thi giáo viên dạy giỏi các cấp… Cũng nhằm ghi nhận và biểu dương thành tích của các thầy cô giáo, tuy nhiên giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” có nhiều nét mới gắn với các tiêu chuẩn cụ thể.
Chủ tịch CĐGD Hà Nội Trần Thị Thu Hà cho biết: Với mục đích tôn vinh những nhà giáo Hà Nội nhiệt tình, tâm huyết với nghề dạy học; có đóng góp xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” trong năm học 2016 – 2017; Khích lệ các nhà giáo Hà Nội tích cực tự học tập, rèn luyện, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn giáo dục mỗi cơ sở, tạo ra những hiệu quả mới, những chuyển biến mới ở mỗi đơn vị nhà trường; Quan tâm, động viên nhà giáo ở những cơ sở giáo dục còn khó khăn có những sáng tạo độc đáo, tháo gỡ khó khăn cho đơn vị, giúp đỡ những học sinh yếu kém, những học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên đạt kết quả cao trong học tập và trong cuộc sống hoặc có những biện pháp giúp đỡ những học sinh có năng khiếu phát triển tài năng…, giải thưởng đã đề ra những tiêu chuẩn cụ thể ở 2 nội dung: tâm huyết và đổi mới, sáng tạo. Đặc biệt, tiêu chuẩn tâm huyết đặt ra yêu cầu, nhà giáo phải là người biết khơi nguồn, truyền cảm hứng cho học trò; là tấm gương cho học sinh noi theo. Còn với tiêu chuẩn đổi mới, sáng tạo, đòi hỏi nhà giáo phải có sáng kiến, giải pháp cụ thể được áp dụng, nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục tại đơn vị được Hội đồng khoa học của giải thưởng đánh giá cao, được đồng nghiệp, học sinh đồng tình cao khi công bố trên các trang báo chí, trang thông tin điện tử của Hà Nội; đồng thời phải là người tích cực tham gia có hiệu quả và có những giải pháp phù hợp giúp đỡ nhau trên cơ sở xây dựng các nhóm "Nhà giáo cùng nhau phát triển” trong các tổ, khoa chuyên môn, trong các nhà trường, các cụm trường.
Tiêu chuẩn được đề ra khá cụ thể, rõ ràng, song điều mà Ban tổ chức giải thưởng mong muốn nhận được đó là những cá nhân được đề nghị nhận giải thưởng phải thực sự là những gương mặt nhà giáo tiêu biểu, được học sinh kính trọng tin yêu, cha mẹ học sinh tin tưởng và đồng nghiệp ghi nhận những đóng góp cả về chuyên môn và phong cách sư phạm...
Quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo cần sự vào cuộc nghiêm túc, trách nhiệm và sáng tạo của đội ngũ cán bộ, giáo viên. Và những nhà giáo được tín nhiệm bầu chọn nhận giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” năm học 2016-2017 sẽ là nhân tố lan tỏa những giá trị cao đẹp của đội ngũ nhà giáo trong xu thể đổi mới và hội nhập.
* Đối tượng xét tặng giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo”
- Các thầy giáo, cô giáo, các cán bộ quản lý hiện đang công tác tại các cơ sở giáo dục thành phố Hà Nội, công tác trong ngành giáo dục ít nhất 5 năm liên tục trở lên. Năm học 2016 - 2017 được cơ sở giáo dục bình chọn là một trong những cá nhân xuất sắc tiêu biểu của phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học của đơn vị”.
- Giải thưởng chỉ xét tặng cho cá nhân nhà giáo, không xét tặng tập thể.
* Tiêu chuẩn để xét tặng giải thưởng
Tiêu chuẩn tâm huyết với nghề:
- Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có ý thức tự học, tự bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ hoặc tích cực vượt khó học tập nâng cao trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
- Có nhiều thành tích, tâm huyết và cống hiến cho ngành GD&ĐT Thủ đô (Đã được các cấp khen thưởng).
- Có tinh thần trách nhiệm cao trong công tác, luôn vươn lên khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được học sinh và đồng nghiệp tín nhiệm cao thông qua bỏ phiếu tín nhiệm ở tổ chuyên môn và Hội đồng giáo dục nhà trường.
- Khơi nguồn, truyền cảm hứng, tâm huyết, sáng tạo, là tấm gương cho học sinh noi theo.
- Tích cực chỉ đạo, tổ chức, thực hiện nhiệm vụ mang lại hiệu quả giáo dục cụ thể: bồi dưỡng học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém, làm thay đổi và nâng cao chất lượng hiệu quả ở nhà trường (Có học sinh giỏi cấp Thành phố, cấp Quốc gia, Quốc tế hoặc có thành tích bồi dưỡng học sinh yếu kém).
Tiêu chuẩn đổi mới, sáng tạo:
- Chủ động, sáng tạo trong việc vận dụng khoa học giáo dục tiên tiến, vận dụng những sáng kiến kinh nghiệm tiên tiến vào thực tiễn quản lý giảng dạy.
- Có sáng kiến, giải pháp cụ thể được áp dụng, nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục tại đơn vị được Hội đồng khoa học của giải thưởng đánh giá cao, được đồng nghiệp, học sinh đồng tình cao khi công bố trên các trang báo chí thông tin điện tử của Hà Nội (Đã có SKKN hoặc đề tài nghiên cứu khoa học được các cấp có thẩm quyền công nhận).
- Tích cực tham gia có hiệu quả và có những giải pháp phù hợp giúp đỡ nhau trên cơ sở xây dựng các nhóm "Nhà giáo cùng nhau phát triển” trong các tổ, khoa chuyên môn, trong các nhà trường, các cụm trường.
* Quy trình xét chọn
Bước 1: Cá nhân nhà giáo và công đoàn cơ sở đối chiếu với tiêu chuẩn giải thưởng, xét thấy đủ tiêu chuẩn sẽ thống nhất làm hồ sơ xét thưởng.
- Viết báo cáo thành tích khẳng định những việc làm cụ thể thể hiện sự tâm huyết với nghề, những cơ sở khoa học và hiệu quả giáo dục của những hoạt động sáng tạo.
- Các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT Hà Nội gửi hồ sơ lên Thường trực Ban tổ chức giải thưởng Công đoàn giáo dục Hà Nội (Số 87 phố Thợ Nhuộm - Hoàn Kiếm - Hà Nội). Các đơn vị trực thuộc quận, huyện, thị xã nộp hồ sơ về Công đoàn Giáo dục quận, huyện, thị xã sau đó Công đoàn Giáo dục quận, huyện, thị xã xét chọn và gửi lên Công đoàn Giáo dục Hà Nội. Hạn cuối ngày 28/5/2017.
Bước 2: Thường trực Ban chỉ đạo giải thưởng Công đoàn giáo dục Hà Nội tổng hợp và xét chọn vòng Sơ khảo.
Bước 3: Hội đồng xét giải thưởng của ngành giáo dục Hà Nội xét chọn vòng Chung khảo: Lựa chọn 50 nhà giáo đạt giải thưởng (mỗi giải 10 triệu đồng). Trao quà và chứng nhận cho 50 nhà giáo được vào vòng Chung khảo (mỗi nhà giáo một phần quà và 2 triệu đồng). Quà và phần thưởng do Công ty Cổ phần HOCMAI tài trợ.
Ban tổ chức giải thưởng công bố và trao giải tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.
*Hồ sơ đề nghị xét thưởng giải
- Bản sơ yếu lý lịch tóm tắt quá trình hoạt động giáo dục của nhà giáo.
- Bản báo cáo thành tích và minh chứng (Có chữ ký, đóng dấu) khẳng định những việc làm cụ thể thể hiện sự tâm huyết với nghề, những cơ sở khoa học và hiệu quả giáo dục của những hoạt động giáo dục sáng tạo.
- Tờ trình đề nghị của Công đoàn cơ sở, Công đoàn giáo dục quận, huyện, thị xã đề nghị Ban tổ chức giải xét thưởng.