Đặc điểm thể hiện học sinh không hứng thú với môn Tin
Theo cô Trần Thị Hương, kiến thức Tin học 11 là về lập trình và các bài toán tin học thường liên quan đến Toán học. Nếu học sinh không nắm vững kiến thức Toán sẽ rất khó để tư duy thuật toán trong Tin học, dẫn đến khả năng viết chương trình gặp nhiều khó khăn.
Cũng có học sinh tiếp thu kiến thức chậm, không nắm được cú pháp và ý nghĩa của các câu lệnh. Do đó, không vận dụng được kiến thức đó vào thực hành, làm bài tập.
Ngoài ra, cô Trần Thị Hương cho biết, do kiến thức cơ bản của môn Tin học có liên quan nhiều đến môn Toán nên những học sinh học yếu Toán cũng đồng nghĩa với tư duy viết chương trình Tin học cũng rất kém. Dẫn đến, việc áp dụng kiến thức Tin học để làm bài tập thực hành gặp rất nhiều khó khăn, chỉ trông chờ vào giáo viên giải bài trên lớp và chép vào vở.
Ngoài ra, do điều kiện cơ sở vật chất chưa hoàn thiện, nhiều trường học được trang bị chỉ có một phòng máy với một số lượng rất hạn chế nên việc thao tác trên máy là cực kỳ hạn chế.
Học sinh nông thôn, gia đình khó khăn ít có điều kiện được tiếp xúc với máy tính nên không thành thạo khi sử dụng máy tính. Với kỹ năng cơ bản về máy tính yếu, việc áp dụng cho đối tượng làm bài tập thực hành trên máy là rất chậm và không ít khó khăn.
Nhiều học sinh thí thiếu tính tự giác và động cơ học tập, có em khá các môn tự nhiên hưng vẫn ngại học Tin học. Hầu hết các em này trong giờ học thường thiếu tập trung, có thái độ rất thụ động và thờ ơ trong việc học. Trên lớp không chú ý, về nhà lại không học bài cũ nên kiến thức nắm rất hời hợt, càng khó vận dụng lí thuyết để viết chương trình.
Cô Trần Thị Hương cho rằng, nếu giáo viên không sớm nhận ra những hiện tượng trên thì nhận thức của học sinh ngày càng thụ động trong tiếp thu kiến thức, dẫn đến các em không đáp ứng được chuẩn kiến thức của môn học và những kĩ năng cơ bản.
Tạo tâm lí thoải mái cho học sinh
Bí quyết đầu tiên giúp học sinh hứng thú với môn Tin, theo cô Trần Thị Hương là không tạo áp lực cho học sinh.
“Một số giáo viên luôn đòi hỏi cao đối với những học sinh nhưng không tìm hiểu xem liệu học sinh có thể đáp ứng được những yêu cầu đó không” – cô Hương cho biết.
Trong quá trình dạy, giáo viên phải có thái độ nhẹ nhàng khi các học sinh mắc khuyết điểm, cư xử khéo léo, xử lí tốt các tình huống sư phạm.
Việc đánh giá nhận xét phải công bằng, khách quan và công tâm, công khai kết quả trong các giờ kiểm tra và nhận xét bài làm của học sinh. Không nên đánh giá quá thấp sẽ làm cho học sinh chán nản, nên tạo cho học sinh một niềm tin khi học môn này.
Giáo viên cũng cần có kiến thức vững vàng để giải đáp thắc mắc một cách thuyết phục, khuyến khích học sinh mạnh dạn hỏi bài khi chưa hiểu.
Đồng thời, xây dựng cho học sinh thói quen học tập tích cực, động viên kịp thời những học sinh tiến bộ, cung cấp phương pháp học tập đúng đắn, khuyến khích học sinh không ngừng cố gắng, tạo điều kiện để mọi học sinh trong lớp đều có cơ hội phát biểu trong giờ học.
Tăng cường sử dụng phương tiện dạy học, thực hành
Ví dụ, với bài “Các thủ tục chuẩn vào ra đơn giản”, giáo viên dạy theo phương pháp thông thường, học sinh sẽ không nhớ và không hiểu việc nhập dữ liệu từ bàn phím và đưa dữ liệu ra màn hình như thế nào. Nhưng nếu sử dụng một chương trình pascal đơn giản và minh họa, học sinh sẽ hiểu và nhớ lâu hơn.
Để giờ thực hành đạt hiệu quả, giáo viên cần chuẩn bị thật kĩ tiến trình bài thực hành, lựa chọn nội dung phù hợp với từng lớp. Giáo viên có thể lựa chọn các chương trình đơn giản đã viết trên lớp làm nội dung buổi thực hành sau đó.
Có thể thực hành thêm nội dung trong sách giáo khoa vì có những lớp kiến thức học sinh khá kém,không nắm bắt được hết nội dung trong sách giáo khoa của tiết đó.
Đối với học sinh: Cần nghiên cứu trước nội dung buổi thực hành và phải mang đầy đủ sách vở cần thiết, tránh hiện tượng không nắm được trước nội dung sẽ không chủ động trong quá trình thực hành.
Giáo viên có thể hướng dẫn trước một số công việc trên máy chiếu trong phòng thực hành để học sinh quan sát, sau đó để các em tự thực hành.
Giáo viên cần thường xuyên quan sát trong phòng máy vì rất nhiều học sinh tranh thủ chơi điện tử hoặc thực hành không đúng nội dung mà giáo viên yêu cầu.
Sử dụng bài giảng điện tử, minh hoạ từ thực tế
Trong tiết học, nếu giáo viên sử dụng hợp lí bài giảng điện tử, sẽ đạt hiệu quả rất cao; không phải làm việc nhiều nhưng lại kích thích sự hứng thú tiếp thu bài giảng ở học sinh.
Trong chương trình Tin Học 11 sử dụng rất nhiều thuật toán cơ bản ở lớp 10. Tuy nhiên, do học từ đầu năm lớp 10 nên hầu như học sinh không nắm được.
Chính vì vậy, việc ôn tập và củng cố những thuật toán này khá quan trọng đối với học sinh. Nhưng nếu chỉ ôn tập theo phương pháp truyền thống sẽ không đạt được kết quả như mong muốn.
Hiện nay, trên mạng internet có rất nhiều tài liệu minh họa thuật toán rất sinh động và hấp dẫn để tích hợp trong bài giảng điện tử, giúp việc ôn tập lại kiến thức cũ cho học sinh không có gì quá khó khăn.
Cô Trần Thị Hương cũng cho rằng, một vấn đề quan trọng để tạo ra thuật toán đó chính là ý tưởng. Một trong những phương pháp để truyền đạt lại ý tưởng thuật toán cho học sinh đó là liên hệ gần gũi từ thực tế giúp học sinh hiểu rõ vấn đề và nhớ lâu.
Chú trọng đến dạy tư duy thuật toán cho học sinh
Ngôn ngữ lập trình pascal chỉ là ngôn ngữ để chuyển tải thuật toán, nên giáo viên không nên quá đi sâu vào ngôn ngữ này mà chủ yếu vẫn là truyền đạt thuật toán cho học sinh.
Đối với mỗi bài tập nào đó giáo viên cần phải yêu cầu học sinh đưa ra ý tưởng sau đó đến thuật toán, nên khuyến khích học sinh đưa ra nhiều ý tưởng và thuật toán khác nhau. Sau đó sẽ phân tích để tìm thuật toán tối ưu.
Khi đi tìm một ý tưởng, thuật toán cho bài toán nào đó, học sinh không chỉ ôn tập và rèn luyện kiến thức môn Tin học mà còn là vận dụng và tổng hợp kiến thức môn Toán và rất nhiều môn học khác nhau và trong thực tế cuộc sống hằng ngày.
Trong chương trình Tin học, có 2 loại câu lệnh lặp, đó là For - do và While – do. Giáo viên có thể yêu cầu học sinh chuyển đổi qua lại giữa 2 loại câu lệnh trên. Ví dụ trên chúng ta đã sử dụng For – do vậy có thể sử dụng While – do không, nếu được hãy cài đặt bằng while – do.
Đến đây không chỉ đòi hỏi học sinh phải nhớ từng loại câu lệnh mà còn đòi hỏi tư duy vì tuỳ từng bài toán mới có thể chuyển đổi chứ không phải bài nào cũng có thể.
Tích cực hoá hoạt động nhóm
Để thực hiện được phương pháp này giáo viên cần lập kế hoạch bài dạy cụ thể và chi tiết. Dự kiến cách chia nhóm, số lượng nhóm, nhiệm vụ và thời gian thảo luận trình bày. Thiết kế bài giảng cần chuẩn bị hệ thống câu hỏi, nhằm khuyến khích học sinh tích cực, hào hứng suy nghĩ ở mức độ cao và sâu hơn.
Với môn Tin học, việc chia nhóm để thực hiện khá dễ dàng, vì mỗi nhóm có thể viết 1 chương trình con nhỏ hay một đoạn của chương trình lớn sau đó ghép tất cả các nhóm thành một chương trình lớn.
Hoặc có thể để cho mỗi nhóm tiến hành 1 công đoạn trong công việc lập trình trên máy tính như ý tưởng, viết chương trình, hiệu chỉnh, chạy các bộ test.