Trái tim hướng về học trò
Nậm Mười là một xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn, được nhà nước xếp vào diện hưởng chính sách Chương trình 135. Xã có hơn 3000 nhân khẩu, hầu hết là đồng bào người dân tộc Dao, H’Mông và Thái. Các thôn bản cách trung tâm xã trung bình 8km, thôn xa nhất cách 16km. Đời sống bà con các dân tộc nơi đây cũng đã có nhiều đổi thay nhưng vẫn còn không ít khó khăn nên việc quan tâm, tạo điều kiện học tập cho con em gặp nhiều hạn chế. Hiện các em học sinh người dân tộc Dao, H’Mông và Thái sinh sống ở 9 thôn bản đang theo học tại 3 điểm trường: La Háu Pành, Làng Cò và Khe Kim. Thầy và trò Nậm Mười phải cố gắng để đối mặt với những khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất cũng như thiết bị, đồ dùng dạy học…
Vượt chặng đường khúc khuỷu, gập ghềnh hơn 200 km để đến với thầy trò trường PTDTBT -TH Nậm Mười, trao cho các thầy cô giáo và các em những phần quà ấm áp nghĩa tình, nhằm kịp thời động viên, chia sẻ cùng tập thể thầy và trò nhà trường nhân dịp Tết đến, xuân về trên rẻo cao, đoàn thiện nguyện của cô giáo Hứa Thu Huyền không cảm thấy cái khó khăn, vất vả của việc di chuyển mà chỉ cảm nhận được sự nồng ấm trong ánh mắt của thầy trò nhà trường và nụ cười rạng rỡ của những tấm lòng thiện nguyện.
Cô giáo Huyền bên học trò
Xuân đã về trên vùng đất nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Yên Bái, Nậm Mười chìm trong sương khói bảng lảng của tiết trời xuân. Xa xa, những bản làng người Mông thấp thoáng ẩn hiện sau làn khói lam chiều và phủ kín cả khung trời miền rẻo cao ấy là những sóng cải vàng rực rỡ trên những thửa ruộng bậc thang cao ngút ngàn. Lũ học trò nhỏ tung tăng đến trường, khó khăn, thiếu thốn không làm chùn bước của thầy trò ngôi trường TH Nậm Mười trên con đường đến với tri thức…
Chủ trương xây dựng cơ sở vật chất, tạo điều kiện học tập cho con em ngày một tốt hơn là khát vọng thường trực của Đảng ủy, UBND xã Nậm Mười, nhưng do nguồn lực có hạn, nên nhiều dự định chưa biết bao giờ mới thành hiện thực. Các em học sinh học tại 3 điểm trường là: La Háu Pành, Làng Cò và Khe Kim. Khó khăn lớn nhất đối với thầy và trò trường PTDTBT-TH Nậm Mười là lớp học còn đơn sơ, thiếu ánh sáng, cơ sở vật chất nghèo nàn. “Vì thế, được đem mùa xuân nhân ái, chứa đựng tình cảm của mọi người lên với các em thơ Nậm Mười là hạnh phúc đối với tôi”- Nhà giáo Hứa Thu Huyền bộc bạch. Và “Mùa xuân cho em” lần này đã bước sang năm thứ 6, đúng với lời hứa sâu nặng ngày cô giáo Huyền mới trở về vùng đất này, chứng kiến bao khó khăn của thầy trò nhà trường: "Nậm Mười ơi, chúng tôi sẽ trở lại!".
Tấm lòng nhân ái của nhà giáo Hứa Thu Huyền, với những suy nghĩ và việc làm xuất phát từ trái tim của người thầy, người mẹ đã có sức lan tỏa trong cộng đồng. Nhiều cơ quan, doanh nghiệp, các doanh nhân, cựu chiến binh, nhà giáo, tình nguyện viên, các bậc phụ huynh và các em học sinh… đã nhiệt tình ủng hộ, tài trợ và tham gia đồng hành, góp phần vào thành công chung của các chương trình thiện nguyện do cô phát động và tổ chức. Cô luôn tâm niệm: “Làm tốt hoạt động từ thiện nhân đạo nhằm chia sẻ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, mong muốn một xã hội tốt đẹp hơn, đồng thời qua việc làm thiết thực đó nhằm góp phần tuyên truyền, giáo dục lòng nhân ái cho các thế hệ học sinh”… Với cô, sống trên đời cần lắm một tấm lòng sẻ chia, yêu thương.
Tâm huyết, sáng tạo mỗi ngày
Từ một cô giáo trẻ dạy học nơi vùng cao Yên Bái, qua nhiều lần thuyên chuyển công tác, năm 2012, cô giáo Huyền được UBND quận Long Biên điều động và bổ nhiệm giữ chức vụ Hiệu trưởng trường tiểu học Giang Biên - một ngôi trường luôn đứng ở vị trí cuối của bảng xếp hạng các trường trong quận; các phong trào hoạt động của nhà trường chưa thực sự hiệu quả, không thu hút được học sinh; nhiều phụ huynh trên địa bàn chưa thực sự yên tâm về chất lượng đội ngũ và chất lượng giáo dục... Bằng tâm huyết, nỗ lực và tình yêu thương dành cho học sinh, sự đồng cảm với đồng nghiệp, cô giáo Huyền đã mạnh dạn và quyết tâm đổi mới, sáng tạo trong công tác quản lý, chỉ đạo, khắc phục mọi khó khăn nhằm xây dựng uy tín, khẳng định chất lượng và phát triển nhà trường, thu hút học sinh về học đúng tuyến tại trường…
Sau gần 8 năm quản lý và điều hành các hoạt động của trường tiểu học Giang Biên; các phong trào hoạt động của nhà trường đã được khởi sắc, ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Năm 2017, UBND quận Long Biên đã quan tâm đầu tư kinh phí cải tạo và xây dựng trường tiểu học Giang Biên khang trang với đầy đủ trang thiết bị hiện đại phục vụ cho hoạt động giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh. Có nhiều giáo viên và học sinh đạt giải cao trong các cuộc thi do Ngành và Quận tổ chức. Ngoài việc thực hiện chương trình giảng dạy theo quy định của Bộ GDĐT, học sinh còn được giáo dục các kỹ năng sống, được làm quen với bộ môn Tiếng Anh và chương trình song ngữ; tham gia các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo; được phụ huynh tin tưởng, tín nhiệm và yên tâm gửi gắm con em vào học tại trường. Hàng năm, số học sinh đăng ký tuyển sinh vào lớp 1 của nhà trường ngày càng tăng (năm học 2012-2013 số học sinh lớp 1 là 92 học sinh/3 lớp; đến năm học 2018-2019: số học sinh lớp 1 là 260 học sinh/6 lớp). Từ một ngôi trường thuộc diện "tốp cuối" của quận, không thu hút được sự quan tâm, tin tưởng của phụ huynh, đến nay, trường TH Giang Biên đã thực sự chuyển mình và không ngừng phát triển, khẳng định được chất lượng và hiệu quả đào tạo. Trường TH Giang Biên giờ đây thực sự là ngôi trường "Thân thiện, đầy mơ ước và giàu lòng nhân ái", là địa chỉ tin cậy của nhiều phụ huynh học sinh.
Với cô giáo Hiệu trưởng Hứa Thu Huyền, đổi mới luôn cần người thầy giáo bên cạnh sự tâm huyết phải sáng tạo mỗi ngày, trong mỗi việc để đạt hiệu quả cao nhất. Bản thân cô, ngoài công việc chuyên môn chính là quản lý chỉ đạo các hoạt động giáo dục ở trường, cô còn tích cực tham gia hoạt động lĩnh vực âm nhạc. Cô có nhiều tác phẩm âm nhạc đạt giải thưởng qua các cuộc vận động sáng tác ca khúc cho thiếu nhi; được phát sóng rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và được triển khai đến các trường học, các quận huyện trên địa bàn Thành phố Hà Nội và cả nước. Cô đã nghiên cứu và ứng dụng thành công đề tài "Soạn lời mới cho các làn điệu dân ca quen thuộc, nhằm giáo dục tình yêu quê hương đất nước, tình cảm thẩm mỹ cho học sinh" được Sở GDĐT Hà Nội xếp loại B và phát hành hàng nghìn đĩa CD, DVD triển khai đến các trường Mầm non, Tiểu học và THCS trên địa bàn Thành phố tham khảo, sử dụng. Từ thành công qua việc đưa dân ca vào trường học, cô đã mạnh dạn tự học sáng tác ca khúc qua nhiều hình thức: Học qua các nhạc sĩ có chuyên môn giỏi; Mua tài liệu hướng dẫn và tự học qua Internet... Các ca khúc cô viết cho thiếu nhi đều gắn với nội dung tuyên truyền giáo dục nhân văn và gần gũi, dễ thuộc, dễ nhớ đối với học sinh nên đã giành nhiều giải cao tại cuộc thi Hát và sáng tác ca khúc dành cho thiếu nhi. Tiêu biểu như các ca khúc: Mái trường em yêu; Em yêu trường của em; Bốn mùa em yêu; Chú hải quân (phỏng thơ Vân Đài)…
Vinh dự đón nhận Giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo năm 2019, nhà giáo Hứa Thu Huyền xúc động: “Giải thưởng là nguồn động viên lớn lao để mỗi nhà giáo nói chung và bản thân tôi nói riêng thấy cần phải nỗ lực hơn nữa, không ngừng đổi mới, sáng tạo mỗi ngày, tâm huyết cống hiến vì nghề, vì trò… Điều này càng quan trọng hơn khi năm học 2020-2021, ngành GDĐT bắt tay vào triển khai Chương trình phổ thông mới cho học sinh lớp 1, đòi hỏi mỗi nhà giáo phải chủ động, sáng tạo và khoa học khi đón nhận luồng gió mới mà mục tiêu là mang đến cho học trò nguồn tri thức, kiến thức phù hợp với sự phát triển của các em cũng như của thời đại”…