PV: Năm học 2016 – 2017 tiếp tục được đánh giá là một năm dẫn đầu của ngành GD&ĐT Hà Nội. Xin Giám đốc cho biết những kết quả nổi bật mà thầy và trò toàn ngành đã đạt được trong năm học?
-Giám đốc Nguyễn Hữu Độ: Năm học 2016 - 2017, được sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, UBND TP, ngành GD&ĐT Hà Nội đã triển khai tốt các nhiệm vụ trọng tâm năm học và đạt được những kết quả toàn diện. Với tinh thần chủ động, tích cực, ngành tiếp tục tham mưu với Thành ủy-HĐND-UBND TP đề xuất các chỉ tiêu về phát triển GD&ĐT.
Chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững, chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục phát triển. Việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy được đẩy mạnh ở tất cả các cấp học, ngành học. Học sinh Thủ đô giành nhiều thành tích ấn tượng trong các cuộc thi quốc gia, quốc tế. Năm học này, tại kỳ thi HSG Quốc gia, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu toàn quốc về số lượng và chất lượng giải với 146 giải (trong đó có 11 giải Nhất). Trong các kỳ thi Olympic Quốc tế, học sinh THPT giành được 21 giải và Huy chương gồm 6 HCV, 7 HCB, 3 HCĐ và 5 giải Khuyến khích. Ở các cuộc thi quốc tế và khu vực dành cho học sinh cấp THCS, học sinh Hà Nội đã giành được hơn 160 Huy chương các loại. Tại kỳ thi THPT quốc gia của Thành phố năm 2017 có 60.559 thí sinh đỗ tốt nghiệp, đạt tỷ lệ 99,36%.
Không chỉ giỏi về văn hóa, học sinh Thủ đô còn tích cực và nổi bật trong các hoạt động thể dục thể thao, văn nghệ và các hoạt động khác với thành tích xuất sắc tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ IX năm 2016 và Hội thao Giáo dục quốc phòng an ninh học sinh THPT toàn quốc lần thứ II năm 2017 (ngành GD&ĐT Hà Nội giành giải Nhất toàn đoàn).
Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục của Thủ đô có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, tỷ lệ giáo viên đứng lớp ở các bậc học, cấp học 100% đạt chuẩn, trong đó tỷ lệ trên chuẩn giáo viên mầm non là 63,5%; Tiểu học: 92,6%; THCS: 79,4%; THPT: 28,6%.
Kết quả việc xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia là một điểm nhấn của ngành GD&ĐT Thủ đô trong năm học vừa qua. Tỷ lệ trường đạt CQG toàn Thành phố là 48,5% (1.249/2.576 trường), trong đó: công lập là 57,3% (1.214/2.117 trường). Ngành đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học theo hướng tập trung, rõ mục tiêu, kết hợp kiên cố hóa với chuẩn hóa và hiện đại hóa.
Đáng chú ý, việc ứng dụng CNTT trong quản lý, dạy và học đã có nhiều đổi mới. Sở GD&ĐT Hà Nội đã triển khai thực hiện việc tuyển sinh trực tuyến vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 từ năm học 2016-2017 trên toàn thành phố, đánh dấu sự quyết tâm trong việc thực hiện chủ trương của Chính phủ về ứng dụng CNTT trong đổi mới quản lý, điều hành và cải cách thủ tục hành chính, góp phần tăng cường tính minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân Thủ đô. Từ năm học 2016 – 2017, Sở áp dụng quy chế quản lý và sử dụng sổ điểm điện tử ở tất cả các trường THCS, THPT và Trung tâm GDTX trên toàn thành phố. Với khoảng 1 triệu học sinh phổ thông, Hà Nội đang tiến tới việc quản lý điểm, học bạ điện tử, kết nối với Cổng thông tin của thành phố và có thể cung cấp tài khoản cho phụ huynh truy cập bất cứ lúc nào để có thể theo dõi tình hình học tập, rèn luyện của con em mình ngay từ năm học này.
NGƯT. TS Nguyễn Hữu Độ - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội trao thưởng cho các đơn vị tiêu biểu
Trong năm học vừa qua, ngành GD&ĐT Thủ đô tiếp tục chủ động đẩy mạnh hoạt động hợp tác và giao lưu quốc tế. Được sự phê duyệt của UBND TP Hà Nội, từ năm học 2017-2018, ngành GD&ĐT Hà Nội thí điểm chương trình giáo dục song bằng THPT Việt Nam và A Level của CIE, Anh quốc tại trường THPT Chu Văn An. Sở đang tích cực hoàn thiện các đề án đăng cai tổ chức thi Olympic quốc tế tại Thủ đô Hà Nội; cuộc thi Toán học Hà Nội mở rộng (HOMC) dành cho học sinh lớp 10 THPT và lớp 8 THCS có sự tham gia của học sinh quốc tế từ năm 2018. Đăng cai tổ chức kỳ thi Olympic Toán và Khoa học quốc tế dành cho học sinh tiểu học lần thứ 16 (IMSO) tại Việt Nam vào năm 2019.
Xác định phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược, là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH và hội nhập quốc tế, Sở GD&ĐT Hà Nội đã triển khai mô hình cung ứng dịch vụ trình độ, chất lượng cao, đến nay đã có 15 trường tham gia ở các loại hình trường và các cấp học…
*Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục của Thủ đô có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Điều này có vai trò thế nào trong sự phát triển của ngành GD&ĐT Hà Nội, thưa Giám đốc?
- Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục là yếu tố giữ vai trò then chốt, góp phần tạo nền tảng cho ngành GD&ĐT Thủ đô phát triển bền vững. Những thành tích mà ngành đạt được trong thời gian qua có sự đóng góp to lớn của các thầy, cô giáo.
Trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29/NQ-TW, đội ngũ nhà giáo luôn ở vị trí số 1 trong mọi khâu, mọi hoạt động, lĩnh vực. Nghị quyết 29-NQ/TW khẳng định quan điểm cốt lõi nhằm đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT là thay đổi cách dạy học, cụ thể là chuyển quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Phương pháp dạy và học của nhà giáo vì thế cần có nhiều điều chỉnh so với cách thức truyền thống, không phải là truyền thụ một chiều theo lối "thầy đọc, trò ghi". Người thầy trở thành người thiết kế các hoạt động giáo dục theo hướng lấy học trò làm trung tâm, tạo cơ sở để học trò chủ động, sáng tạo trong cập nhật tri thức, hình thành kỹ năng… Điều này đòi hỏi mỗi thầy, cô giáo phải nỗ lực tự học, tự bồi dưỡng, tự đổi mới để đáp ứng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, chuẩn nghề nghiệp giáo viên và các yêu cầu đổi mới, đồng thời sẵn sàng “đi trước, đón đầu” trong việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới vào năm học 2018-2019. Về phía ngành đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2017-2022 là nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng theo hướng thiết thực, bám sát thực tiễn.
Cũng để nâng cao năng lực đội ngũ, bên cạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, ngành GD Hà Nội hướng tới việc xây dựng động lực cho người thầy giáo. Có 3 yêu cầu đặt ra với các cơ sở giáo dục, đặc biệt với đội ngũ cán bộ quản lý khi tạo dựng động lực cho CBGV, đó là: biết làm; có điều kiện để làm và muốn làm. Hội tụ 3 yêu cầu này, chúng ta sẽ có đội ngũ CBGV không chỉ dạy giỏi mà còn sáng tạo, tâm huyết với nghề và chủ động trước những yêu cầu đổi mới giáo dục.
* Xin Giám đốc cho biết, năm học 2017 – 2018, công tác giáo dục và đào tạo của Thủ đô sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào?
-Năm học mới 2017-2018, ngành GD Thủ đô đề ra phương hướng: Tăng cường nền nếp, kỷ cương, dân chủ trong nhà trường; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường; nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo; quan tâm phát triển phẩm chất, năng lực người học; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh, sinh viên…
Để đảm bảo mọi hoạt động giáo dục, đào tạo diễn ra hiệu quả, thực chất, ngành sẽ tập trung rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông, đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng trong giáo dục phổ thông. Tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch số 143/KH-UBND về phát triển giáo dục mầm non TP đến năm 2020; chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới… Ngành cũng tập trung nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy, học và quản lý giáo dục, triển khai mô hình giáo dục điện tử, lớp học, trường học thông minh. Tăng cường cơ sở vật chất, huy động mọi nguồn lực đầu tư cho giáo dục, đào tạo; mở rộng, phát triển quan hệ hợp tác với các tổ chức giáo dục quốc tế, các cơ sở giáo dục nước ngoài, trao đổi giáo viên với các nước có quan hệ hợp tác với Bộ GD&ĐT và UBND TP, coi đây là bước tiếp cận, chuẩn bị về đội ngũ nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới, căn bản toàn diện GD&ĐT theo tinh thần NQ29/NQ-TW của BCH Trung ương…
Bám sát sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Thành phố, ngành GD&ĐT, các cơ sở giáo dục cần chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động để các nhiệm vụ của năm học mới diễn ra đúng tiến độ, lộ trình và hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra.
* Thành phố đang tập trung rà soát tổng thể quy hoạch mạng lưới trường học nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng quá tải ở một số trường khu vực nội thành. Ngành GD&ĐT Thủ đô sẽ triển khai nhiệm vụ này thế nào trong năm học 2017-2018, thưa Giám đốc?
- Năm học 2017-2018, mạng lưới các trường học trên địa bàn TP tiếp tục phát triển với 2.669 trường học, gần 53 nghìn nhóm lớp với hơn 1,8 triệu HS, so với cùng kỳ năm học trước tăng 42 trường, hơn một nghìn nhóm lớp, 95 nghìn HS. Mầm non và tiểu học là hai cấp học có sự phát triển mạnh về quy mô HS... Nhu cầu bổ sung trường, phòng học là cấp thiết, song hầu hết các đơn vị đều đang đối mặt với hai khó khăn cơ bản là kinh phí và quỹ đất.
Trước thực tế này, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu Sở GD&ĐT, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội tham mưu, đề xuất UBND Thành phố chỉ đạo đầu tư, xây dựng trường, lớp đảm bảo nguyên tắc ưu tiên theo thứ tự đang thiếu trường học, đang phải học tạm, học nhờ, thiếu trường đạt chuẩn quốc gia. UBND các quận, đặc biệt là các quận nội thành quan tâm, tích cực, chủ động kiểm tra, rà soát quỹ đất do di dời doanh nghiệp, cơ quan,... để quy hoạch, bố trí xây dựng trường học. Sở GD&ĐT phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính đề xuất UBND Thành phố có cơ chế chính sách về trách nhiệm khi đầu tư xây dựng các khu đô thị, các chung cư phải xây dựng trường học. Nếu không đủ đất để xây dựng trường học phải có nghĩa vụ đóng góp với UBND các quận, huyện, thị xã để các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư xây dựng trường học trên địa bàn.
Theo chỉ đạo của TP và xuất phát từ thực tiễn, trong thời gian tới, ngành GD&ĐT Thủ đô tiếp tục rà soát quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp học gắn với các điều kiện đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Đối với khu vực nội thị, quy hoạch trường, lớp theo hướng mở rộng ra khu vực ngoại thành để khắc phục tình trạng sĩ số lớp quá đông do thiếu quỹ đất; Tăng cường xã hội hóa để thành lập mới các trường tư thục chất lượng cao; Phát triển trường, lớp mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư.
Đối với các khu vực có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn cần có lộ trình sắp xếp điểm trường, lớp hợp lý, trong đó chú ý đến cấp học mầm non và tiểu học; Phát triển số lượng trường học đạt chuẩn, phù hợp với quy hoạch để đáp ứng đa dạng nhu cầu học tập của nhân dân.
Ngành cũng sẽ tăng cường và nâng cao chất lượng công tác dự báo về phát triển trường lớp, đội ngũ phù hợp với điều kiện của từng vùng, miền trong toàn TP.
* Một trong năm nhóm giải pháp trọng tâm của ngành GD&ĐT để thực hiện 9 nhiệm vụ năm học 2017-2018 là đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục và đào tạo. Theo Giám đốc, ngành GD&ĐT Hà Nội cần làm gì để thực hiện tốt giải pháp này?
- Công tác truyền thông có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của xã hội nói chung và trong công tác giáo dục và đào tạo nói riêng. Đó là một trong những lý do mà ngành GD&ĐT Hà Nội có riêng một cơ quan thông tin ngôn luận, nghiên cứu lý luận của ngành là Tạp chí Giáo dục Thủ đô. Mới đây, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã có Quyết định thành lập Ban công tác truyền thông ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội gồm 29 thành viên. Ban công tác truyền thông có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền trong ngành GD&ĐT; tăng cường các hoạt động truyền thông về giáo dục và đào tạo trên Cổng thông tin điện tử http://hanoi.edu.vn của ngành và trên Tạp chí Giáo dục Thủ đô; đồng thời kịp thời cung cấp và xử lý các thông tin xảy ra để định hướng dư luận và cha mẹ học sinh một cách đúng đắn, chuẩn xác nhất… Ban công tác truyền thông sẽ ban hành kế hoạch truyền thông cụ thể trong năm học 2017-2018; xây dựng và triển khai kế hoạch truyền thông một cách bài bản, chuyên nghiệp.
Trong thời gian tới, Sở cũng sẽ đầu tư, nâng cao chất lượng Cổng thông tin điện tử của ngành để thông tin nhanh nhất, chính xác nhất các chủ trương, văn bản chỉ đạo và hoạt động của ngành cũng như của cơ sở.
Đóng góp vào công tác truyền thông của ngành, Tạp chí Giáo dục Thủ đô đã có nhiều nỗ lực, chủ động xuất bản các số Tạp chí hàng tháng và kịp thời đăng tải thông tin hoạt động của ngành, của cơ sở lên Cổng thông tin điện tử của ngành và Trang tin điện tử của Tạp chí. Tạp chí đã phối hợp với các phòng, ban của Sở, phòng GD&ĐT các quận, huyện để có được những thông tin truyền thông mang tính định hướng đến CBGV-NV trong toàn ngành cũng như chuẩn hóa thông tin trước dư luận xã hội. Để làm tốt hơn nữa vai trò là cơ quan ngôn luận, nghiên cứu lý luận của ngành GD&ĐT Hà Nội, Tạp chí cần chủ động đổi mới tích cực về cả nội dung và hình thức. Trong đó, quan tâm truyền thông nhanh, đúng các chủ trương, chỉ đạo của ngành cũng như các hoạt động của cơ sở. Quan tâm xây dựng những bài viết chuyên sâu mang tính khoa học, những thông tin chính luận để góp phần định hướng dư luận và bạn đọc, CBGV-NV trong ngành về những vấn đề, sự kiện liên quan đến giáo dục, đào tạo. Phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban của Sở, ngành GD&ĐT các quận, huyện để đa dạng hóa các hình thức thông tin, truyền thông; phát hiện và tuyên truyền nhiều mô hình hay, gương người tốt việc tốt, biểu dương những tấm gương điển hình tiên tiến của ngành…
*Xin trân trọng cảm ơn Giám đốc!