Biến môn học “khô khan” thành những bài giảng sinh động
Chúng tôi về thăm Trường THPT Trần Đăng Ninh, ngôi trường thầy giáo
Trần Bá Thọ đang công tác vào một ngày đầu tháng 8. Với vai trò Phó bí
thư Đoàn trường, thầy Thọ cùng đội ngũ giáo viên trong trường đang khẩn
trương chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để đón học sinh vào năm học mới.
Nhiệt tình, chân thành là ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi gặp thầy Thọ.
Thầy Thọ tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội,
chuyên ngành Giáo dục Thể chất-GDQPAN năm 2009, đúng vào thời điểm Bộ
Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành chương trình GDQPAN cấp THPT và
áp dụng thực hiện từ năm học 2008-2009. Thầy Thọ may mắn là một trong
số giáo viên được đào tạo giảng dạy môn GDQPAN hệ chính quy nên được Ban
giám hiệu Trường THPT Trần Đăng Ninh nhận vào giảng dạy từ cuối năm
2009.
Lớp dạy bơi miễn phí của thầy giáo Trần Bá Thọ.
Dù đã tròn 10 năm gắn bó với nghề dạy học nhưng cho tới bây giờ, thầy
Thọ vẫn không lúc nào quên ánh mắt tò mò của học sinh khi môn GDQPAN bắt
đầu được dạy chính khóa trong chương trình giáo dục của cấp THPT. Cũng
dễ hiểu, bởi trước đó, các em chỉ được tiếp cận kiến thức về GDQPAN vào
đầu mỗi năm học. Thời điểm ấy, không ít phụ huynh, học sinh và cả một số
giáo viên chỉ xem GDQPAN là môn phụ, học cho có và dạy cũng cho có.
Điều này khiến thầy Thọ rất trăn trở. Làm thế nào để tạo hứng thú cho
học sinh với môn học? Làm thế nào để thay đổi định kiến môn phụ-môn
chính?... Thầy cứ đau đáu với những câu hỏi ấy.
Và rồi mỗi giờ lên lớp, thầy Thọ đều mặc chiếc áo bộ đội màu xanh. Thầy
giảng cho các em hiểu vai trò của GDQPAN, môn học góp phần giáo dục
toàn diện cho học sinh về lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội. Thầy thổi
hồn vào mỗi bài giảng bằng những câu chuyện thực tế từ thời chiến đến
thời bình để các em tự hào và trân trọng đối với truyền thống đấu tranh
chống ngoại xâm của dân tộc, của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt
Nam. Ngoài 1 tiết/tuần trên lớp, thầy Thọ còn tận tình dành riêng 4-5
tiếng mỗi tuần dạy các em những kỹ năng quân sự ngoài thao trường. Bằng
những giờ dạy sinh động, môn học tưởng chừng khô khan dần cuốn hút học
sinh. Có em còn tìm đến thầy vào giờ ra chơi để thầy trò cùng nhau trao
đổi kiến thức. Sự nhiệt thành của thầy thực sự truyền cảm hứng cho học
sinh. Các em quý mến gọi thầy là “Người thầy mặc áo lính”.
Mưa dầm thấm lâu, công sức của thầy Thọ được học trò đền đáp bằng kết
quả học tập tốt và thay đổi rõ rệt sau mỗi học kỳ. Nhưng điều khiến thầy
Thọ hài lòng hơn cả là hầu hết các em đã biết vận dụng kiến thức môn
học vào cuộc sống, đơn giản như việc các em đã tự biết băng bó những vết
thương khi tập luyện thể dục-thể thao hay xử trí khi bạn bị say nắng.
Không ngừng học hỏi, sáng tạo
Thấy trò ham học hỏi, đam mê luyện tập, thầy Thọ lại càng tích cực
hướng dẫn. Yêu trò, tâm huyết với môn học thôi thúc thầy không ngừng tìm
tòi, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp và thực tiễn để đổi mới, sáng
tạo trong hoạt động dạy và học. Trong bảng thành tích của mình, liên
tiếp trong 8 năm học, từ năm học 2011-2012 đến 2018-2019, thầy Thọ đã có
8 sáng kiến kinh nghiệm xếp loại B, C cấp TP Hà Nội về môn GDQPAN,
trong đó có sáng kiến chế tạo thiết bị đồ dùng dạy học tự làm “Hộp đồ
dùng đa năng” đoạt giải ba cấp thành phố trong Cuộc thi “Thiết kế đồ
dùng dạy học tự làm”. Thay vì dạy “chay” lý thuyết, “Hộp đồ dùng đa
năng” vừa hỗ trợ việc giảng dạy của thầy trên lớp, vừa giúp học sinh
liên hệ với thực tiễn. Sau cuộc thi, sản phẩm này được Sở GD&ĐT phổ
biến rộng rãi tới các trường trên địa bàn thành phố vì tính ứng dụng
cao.
Một trong những sáng kiến mà thầy Thọ tâm huyết nhất là kết hợp thiết
bị điện tử thông minh trong quá trình huấn luyện QPAN. Nhận thấy cuộc
Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi ngành giáo dục phải thay đổi cách dạy
cho phù hợp, nhất là môn GDQPAN, năm học 2016-2017, thầy Thọ tìm tòi,
sáng tạo thành công sản phẩm “Thiết bị điện tử thông minh trong GDQPAN”.
Một lần nữa, sản phẩm của thầy nhận được giấy khen của Sở GD&ĐT TP
Hà Nội và được đồng nghiệp đánh giá cao vì tính năng, tác dụng, dễ làm,
chi phí thấp, dễ bảo quản, có thể ứng dụng rộng rãi trong các trường
THPT, trung cấp, cao đẳng, đại học trong huấn luyện QPAN. Quá trình ứng
dụng sản phẩm đã mang lại hiệu quả rất cao trong giảng dạy, huấn luyện
của giáo viên và thành tích luyện tập của học sinh. Đã có nhiều đồng
nghiệp gọi điện, tìm đến đặt mua những sản phẩm của thầy để phục vụ việc
giảng dạy thực tiễn, nhưng thầy Thọ không bán mà sẵn sàng chia sẻ,
hướng dẫn chi tiết, cụ thể để đồng nghiệp tự làm.
Không chỉ nỗ lực rèn luyện bản thân, thầy Thọ còn là tấm gương sáng,
tiêu biểu trong các hoạt động phong trào văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể
thao của nhà trường. Trong vai trò là Phó bí thư Đoàn trường, Bí thư Chi
đoàn cơ quan, thầy luôn nghiên cứu, học hỏi, luyện tập các biện pháp
đổi mới nên liên tục mang về cho nhà trường, công đoàn cơ quan và cụm
Ứng Hòa-Mỹ Đức các thành tích đáng tự hào, như: Huấn luyện học sinh hai
năm học liên tiếp (2012-2013 và 2013-2014) đoạt Huy chương Vàng bóng đá
nữ do Sở GD&ĐT TP Hà Nội tổ chức; tổ chức cho học sinh luyện tập,
tham gia Giải chạy việt dã Báo Hànộimới và đoạt giải nhất toàn đoàn
huyện Ứng Hòa năm học 2016-2017 và 2017-2018…
Một giờ dạy môn Giáo dục Quốc phòng và An ninh của thầy giáo Trần Bá Thọ.
Trải qua chặng đường 10 năm gắn bó với nghề, thầy Thọ đã nỗ lực góp sức
xây dựng Trường THPT Trần Đăng Ninh trở thành điểm sáng của ngành
GD&ĐT Thủ đô. Trò chuyện với chúng tôi, nhà giáo Nguyễn Văn Quảng,
Phó hiệu trưởng phụ trách Trường THPT Trần Đăng Ninh nhận xét: “Thầy Thọ
là một giáo viên mẫu mực, nhiệt tình, tâm huyết, có lối sống giản dị,
được đồng nghiệp và học trò quý mến. Tuy là giáo viên trẻ nhưng thầy rất
nỗ lực học hỏi, phấn đấu để đổi mới phương pháp giảng dạy. Nhờ vậy, môn
học GDQPAN được học sinh nhà trường đón nhận và rất yêu thích”.
Chắp cánh ước mơ cho học sinh nghèo
Đã hơn 6 năm nay, ngoài việc dạy học môn GDQPAN, thầy Thọ làm thêm nghề
mộc và dạy bơi cho học sinh vào mỗi dịp hè. Cũng bởi xuất thân là con
nhà nông nên ước mơ từ nhỏ được đến bể bơi như các bạn cùng trang lứa
của thầy Thọ đã thôi thúc thầy dạy bơi miễn phí cho các em học sinh
nghèo. Nghĩ là làm, dù thu nhập còn thấp nhưng với tấm lòng thiện
nguyện, thầy Thọ đến từng hộ dân có hoàn cảnh khó khăn ở xã Hồng Dương
(huyện Thanh Oai) và ở thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa) để vận động phụ
huynh cho con tham gia lớp học bơi miễn phí. Thấm thoát 3 năm trôi qua,
lớp học bơi miễn phí của thầy đã chắp cánh ước mơ bơi lội cho hàng trăm
học sinh nghèo.
Ngày dạy học rồi làm thêm, tối đến thầy say mê nghiên cứu, sáng tạo,
thiết kế đồ dùng dạy học. Vất vả đấy nhưng động lực để thầy Thọ miệt mài
cống hiến bằng cả trái tim lẫn khối óc là tình cảm quý mến, trân trọng
của bao lứa học sinh, phụ huynh và đồng nghiệp dành cho thầy. Thầy Thọ
tâm sự: “Hạnh phúc của tôi là thấy học sinh tươi vui nên tôi cố gắng
cống hiến hết sức lực để đóng góp vào sự nghiệp “trồng người”, xứng đáng
với người chiến sĩ cách mạng kiên cường Trần Đăng Ninh-một trong những
học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng chính là tên ngôi trường
tôi đang vinh dự được giảng dạy”.
Với sự cố gắng, nỗ lực không ngừng, thầy giáo Trần Bá Thọ đã có 8
năm liên tiếp đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được Thành đoàn
Hà Nội tặng bằng khen, nhiều huy chương và giấy khen các loại của Sở
GD&ĐT, Công đoàn ngành giáo dục Hà Nội và danh hiệu “Nhà giáo Hà Nội
tâm huyết, sáng tạo” do Sở GD&ĐT thành phố trao tặng trong năm học
2017-2018.