Giáo viên Trường Mầm non Thanh Xuân Trung làm bài giảng điện tử dạy học sinh cách phòng chống virus. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
"Trẻ mầm non đi học hay nghỉ ở nhà cũng thế, chỉ cần có người trông là ổn," "học online, tiểu học trở lên mới cần thiết, chứ trẻ mầm non có cũng được, không có cũng chả sao”… là suy nghĩ ban đầu của khá nhiều người có con ở độ tuổi mầm non buộc phải nghỉ học để phòng, chống dịch COVID-19.
Tuy nhiên, qua hơn 2 tháng nghỉ học, nhiều bậc cha mẹ đã phải thay đổi suy nghĩ khi cùng con xem các clip bài giảng được nhà trường gửi tới, các hoạt động giao lưu trực tuyến giữa cô và trò.
Nghệ sỹ bất đắc dĩ
Một giáo viên ngồi phía trước, tay giữ chặt chiếc điện thoại di động, quay không sót một chi tiết nào. Ngồi đối diện là một giáo viên khác với trang phục chỉnh tề, gương mặt tươi tắn, hào hứng giảng bài. Trên bàn là các “đạo cụ” phục vụ cho một tiết học. Cứ thế, một tiết học về cách vắt cam, cách gấp quần áo, cách rửa tay đúng cách... ra đời.
Cô giáo Nguyễn Hoàng Thúy An, Trường Mầm non Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết để “lên hình," ngoài việc chuẩn bị trang phục chỉnh chu, gọn gàng, các cô còn phải tập dượt nhiều lần trước khi quay.
"Các con nhìn thấy cô giáo quen thuộc của mình đã cảm thấy vui rồi nhưng khi quay clip gửi về cho phụ huynh, chúng tôi cũng bảo nhau phải luôn tươi cười, nét mặt thân thiện để các con còn muốn xem nhiều lần. Hơn nữa, các clip này gửi về cho gia đình của trẻ, có nghĩa là chúng tôi đang được trình diễn cho rất nhiều người cùng xem. Như vậy, trang phục, lời ăn tiếng nói phải đúng mực và dễ hiểu," cô Thúy An cho biết thêm.
Cũng với cách làm như vậy, cô giáo Bùi Minh Ngọc, Trường Mầm non Tràng An (phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội) còn sáng tạo và kỳ công hơn nữa khi tự mình cắt ghép, lồng thêm vào clip những hình ảnh, đoạn nhạc để cuốn hút trẻ.
“Trong clip hướng dẫn trẻ phòng, chống dịch COVID-19, tôi đã thêm vào những đoạn nhạc, hình ảnh minh họa để trẻ dễ hiểu, dễ nhớ hơn về những kiến thức giữ gìn sức khỏe. Cuối clip, tôi cũng khéo léo đưa vào những lời kêu gọi sự chung tay của phụ huynh học sinh trong việc đồng hành với giáo viên rèn con trong thời gian con nghỉ học," cô Minh Ngọc chia sẻ.
Không chỉ nội dung các kiến thức văn hóa mà cả một tiết học tập thể dục cũng được các giáo viên thực hiện rất ấn tượng. Nhiều giáo viên đã chọn khung cảnh thiên nhiên để quay bài tập cho học sinh. Cũng có giáo viên chọn phòng tập quen thuộc để trẻ dễ tiếp thu. Cứ như thế, cả người quay và người diễn đều say mê, không ngại “diễn” đến cả chục lần để có được khung hình như ý, cô đẹp và nhạc hay để gửi đến học trò.
Theo ông Phạm Gia Hữu, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân (Hà Nội), ngay từ khi học sinh Hà Nội được nghỉ học để phòng, chống dịch COVID-19, Phòng đã chỉ đạo các trường thực hiện nghiêm túc công tác vệ sinh, khử khuẩn trường lớp học; đồng thời, yêu cầu các trường chủ động phối hợp với gia đình học sinh triển khai việc dạy học online và học trên truyền hình.
Riêng đối với cấp học Mầm non, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân còn gửi các văn bản đến 11 phường trên địa bàn yêu cầu tăng cường phối hợp quản lý, giám sát các nhóm trẻ, các trường mẫu giáo tư thục.
“Chúng tôi yêu cầu các trường mầm non nghiên cứu tâm lý, độ tuổi của trẻ để xây dựng ngân hàng giáo án phù hợp với từng lứa tuổi. Bên cạnh đó, các trường phải rà soát lại trình độ công nghệ thông tin của đội ngũ giáo viên để đảm bảo việc thực hiện tốt các giáo án đó. Nội dung các bài giảng phải có sự cân bằng giữa kiến thức học tập và dinh dưỡng cho trẻ," ông Phạm Gia Hữu cho biết thêm.
Phụ huynh dần thích nghi
Bên cạnh các clip bài giảng gửi cho phụ huynh học sinh, nhiều trường mầm non còn tổ chức cho giáo viên thực hiện các hoạt động giao lưu trực tuyến với trẻ mẫu giáo lứa tuổi lớn với tần suất 1-2 lần/tuần.
“Chúng tôi lựa chọn trẻ mẫu giáo lứa tuổi lớn để triển khai các hoạt động giao lưu trực tuyến với giáo viên vì trẻ đã lớn, khả năng giao tiếp tốt hơn những lứa tuổi bé hơn. Chúng tôi cũng quy định thời gian cô và trò giao lưu không được quá 20 phút để đảm bảo sức khỏe cho trẻ và bắt buộc tại những buổi giao lưu trực tuyến đó phải có sự tham gia của phụ huynh," bà Nguyễn Thúy Thuận, Hiệu trưởng Trường Mầm non Trung Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết.
Theo bà Nguyễn Thúy Thuận, thời gian đầu, tỷ lệ trẻ tham gia các hoạt động giao lưu trực tuyến không cao nhưng chỉ sau buổi đầu tiên, số trẻ tham gia đã tăng lên đáng kể. Nhiều phụ huynh còn phản ánh trên nhóm lớp rằng trẻ luôn mong chờ để được trò chuyện cùng với cô giáo.
Chị Mai Thu Hoài, có con 3 tuổi (phường Mai Động, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết trước đây, khi nhận được những clip bài giảng giáo viên gửi qua nhóm lớp, tôi thấy khá lạ lẫm và cho rằng không cần thiết. Đến nay, sau khi cùng con xem các clip này, tôi đã dần thích nghi với cách học và dạy con tại nhà.
“Quả thật có xem clip mới thấy cách để đưa kiến thức vào đầu trẻ không hề dễ dàng. Trước giờ, tôi cứ nghĩ mình nói thế là con sẽ hiểu và hướng dẫn con theo cách của người lớn. Thế nhưng, có học và chơi cùng con, tôi mới hiểu làm gì cũng phải có phương pháp và trình tự," chị Thu Hoài bộc bạch.
Chị Nguyễn Minh Quyên, có con 5 tuổi (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng chia sẻ: Khi giáo viên thông báo trên nhóm lớp về hoạt động giao lưu trực tuyến, chị cảm thấy nghi ngại. Chị nghĩ, trẻ mầm non biết gì mà học online. Cháu còn nhỏ, nhìn màn hình máy tính đến 30-40 phút sẽ không tốt cho sức khỏe. Thế nhưng, chị vẫn đăng ký cho con tham gia.
“Thì ra không phải là học online. Trong 20 phút, con tôi được gặp gỡ, trò chuyện với cô giáo và các bạn trong lớp, cháu hào hứng hẳn lên và tích cực tham gia các hoạt động cô hướng dẫn. Nội dung cũng chỉ xoay quanh các câu chào hỏi, những lời dặn dò các con giữ gìn sức khỏe, chịu khó ăn uống và tập thể dục cùng bố mẹ," chị Quyên nói.
Các bài giảng giúp học sinh mầm non được học những kiến thức phù hợp lứa tuổi, tạo điều kiện cho phụ huynh ở nhà tự rèn, tự dạy học cho các con trong thời gian nghỉ dài. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Theo bà Nguyễn Thị Kim Chi, Hiệu trưởng Trường Mầm non Cổ Nhuế 2 (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), các hoạt động giao lưu trực tuyến do các giáo viên của trường tổ chức đã thu hút được sự tham gia, mong chờ của các học sinh. Trước khi triển khai các hoạt động này, nhà trường đã khảo sát nhu cầu của phụ huynh trẻ.
Cũng triển khai hoạt động giao lưu trực tuyến từ đầu tháng 4/2020, đến nay, gần 90% trẻ của Trường Mầm non Mai Dịch (quận Cầu Giấy, Hà Nội) tham gia. Bà Nguyễn Thị Lê Huyền, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, để đạt được tỷ lệ cao học sinh tham gia học qua clip và các hoạt động trực tuyến, nhà trường đã xây dựng kế hoạch nội dung cho từng bài giảng, tập huấn cho từng giáo viên về phương pháp sư phạm, đồng thời tích cực trao đổi với phụ huynh để đạt được sự đồng thuận.
“Rất may mắn là phụ huynh của trường rất tích cực đồng hành cùng nhà trường trong việc học cùng con, hướng dẫn cho con tại nhà. Trong tình hình dịch bệnh như thế này, sự chia sẻ của các gia đình là sự động viên rất lớn đối với đội ngũ giáo viên," bà Nguyễn Thị Lê Huyền cho biết.
Bên cạnh việc dạy học trên truyền hình, học trực tuyến đang được triển khai ở cấp tiểu học và cấp phổ thông, có thể nói các mô hình, cách làm của nhiều trường mầm non trên địa bàn Hà Nội đã góp phần thực hiện tinh thần "Tạm dừng đến trường, không dừng việc học" của Bộ Giáo dục và Đào tạo, dần tạo được sự thích nghi và hưởng ứng của đông đảo phụ huynh và học sinh./.