Báo cáo tại hội nghị, Trưởng phòng GDNN – GDTX, Sở GDĐT Hà Nội Nguyễn Thị Diệp Hồng cho biết: Hiện toàn Thành phố có 29 trung tâm GDNN-GDTX với 1.014 học viên chương trình GDTX cấp THCS; 29.750 học viên chương trình GDTX cấp THPT; 103.283 học viên học nghề hướng nghiệp cấp THCS; 80.823 học viên học nghề hướng nghiệp cấp THPT. Có 17 trung tâm GDNN-GDTX, trường THPT tổ chức giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT kết hợp với dạy nghề tại 32 trường TCCN, CĐ, ĐH với số lượng học viên là 12.532 học viên.
Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Phạm Văn Đại phát biểu tại hội nghị
Triển khai công tác kiểm tra đánh giá kết quả học kỳ I năm học 2019-2020, các trung tâm GDNN-GDTX đã tổ chức kiểm tra học kỳ nghiêm túc, đúng quy chế ở tất cả các khâu ra đề, coi, chấm và nhận xét, đánh giá học viên; đảm bảo thực chất, khách quan, trung thực, công bằng, đánh giá đúng năng lực và sự tiến bộ của học viên; phổ biến tới học viên kế hoạch, nội dung ôn tập học kỳ 1, đảm bảo 100% học viên có đầy đủ kế hoạch, nội dung ôn tập, đặc biệt chú ý học viên học tại các lớp buổi tối, học tại cộng đồng và tại các lớp liên kết; chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm lớp phối hợp với giáo viên bộ môn phân nhóm học viên theo khả năng nhận thức, đồng thời bố trí các giáo viên có khả năng, kinh nghiệm và nhiệt tình để hướng dẫn ôn tập; vận động giáo viên nhận đỡ đầu học viên có học lực yếu trong suốt thời gian ôn tập…
Công tác giáo dục hướng nghiệp đã được các trung tâm GDNN-GDTX thực hiện nghiêm túc, nhiều trung tâm đã bố trí giáo viên kiêm nhiệm công tác hướng nghiệp, tâm lý học đường; tổ chức được nhiều buổi tư vấn cho học sinh định hướng nghề nghiệp tương lai, từ đó giúp cho học sinh nhận thức trách nhiệm bản thân, có ý thức vươn lên trong học tập (điển hình như trung tâm Thạch Thất, Sơn Tây...). Thực hiện kế hoạch tổ chức các hoạt động thi, giao lưu về phòng chống tai nạn thương tích tại cơ sở và cấp thành phố, các Trung tâm tổ chức giao lưu tại 5 cụm Phúc Thọ, Mê linh, Tây Hồ, Thanh Trì, Thanh Oai. Hoạt động này có tác dụng rất tốt trong việc giáo dục học viên cách phòng, chống các tai nạn thương tích trong nhà trường, gia đình và ngoài xã hội.
Kết thúc học kỳ I, có 71% học viên THPT, 63% học viên THCS học tại Trung tâm GDNN-GDTX xếp loại hạnh kiểm tốt. Về học lực, có 40% học viên THPT, 23% học viên THCS đạt khá, giỏi…
Triển khai công tác xây dựng xã hội học tập, các trung tâm GDNN-GDTX đã chủ động phối hợp với Phòng GDĐT, Hội Khuyến học địa phương triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 177/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội về xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2013-2020. Các trung tâm GDNN-GDTX đã chủ động phối hợp với các ban ngành của địa phương điều tra, nắm bắt nhu cầu học tập của người dân, tận dụng tối đa cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên sẵn có tại địa phương, tổ chức dạy văn hoá và các chuyên đề bồi dưỡng, nghề ngắn hạn cho người dân cho người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất các kiến thức về tin học, y tế, và các kiến thức khác. Tiêu biểu là trung tâm Tây Hồ, Thanh Xuân, Thanh Trì, Hà Đông...
Toàn cảnh hội nghị
Thực hiện nhiệm vụ xóa mù chữ, Sở GDĐT chỉ đạo các Phòng GDĐT chủ động phối hợp với TTGDNN-GDTX tổ chức điều tra, thu thập thông tin về số người mù chữ, mở rộng đối tượng điều tra từ 15 đến 60 tuổi, đặc biệt quan tâm đến các đối tượng thiệt thòi, trẻ em gái, phụ nữ, người dân tộc thiểu số. Các phòng GDĐT làm tốt công tác xóa mù chữ là: Thanh Xuân, Sóc Sơn, Nam Từ Liêm, Đan Phượng, …; nhiều trung tâm GDNN-GDTX làm tốt công tác xóa mù chữ, trong đó có những trung tâm GDNN-GDTX Thanh Oai còn tổ chức lớp xóa mù chữ cho các đối tượng đặc biệt, trẻ khuyết tật, trẻ em cơ nhỡ, đối tượng cai nghiện, phạm nhân như: Trung tâm GDNN-GDTX Thanh Xuân mở lớp tại nhà văn hóa phường, nhà dân dành cho 13 trẻ em khuyết tật, cơ nhỡ; Trung tâm GDNN-GDTX Sóc Sơn mở 2 lớp xóa mù chữ cho học viên tại trại cai nghiện số 3 và số 6 với 36 học viên…
Các Phòng GDĐT đã phối hợp với Hội Khuyến học quận, huyện, thị xã chủ động tham mưu với các cơ quan chức năng kiện toàn ban quản lý trung tâm HTCĐ, rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của trung tâm HTCĐ. Xây dựng thí điểm mỗi quận huyện, thị xã có từ 2 đến 3 mô hình trung tâm HTCĐ hoạt động hiệu quả, bền vững; tăng cường huy động các nguồn lực từ ngân sách nhà nước và từ xã hội hóa giáo dục để xây dựng CSVC, mua sắm thiết bị, phương tiện hoạt động của các trung tâm HTCĐ.
Hiện, Hà Nội có 2168 trung tâm ngoại ngữ, tin học, trung tâm bồi dưỡng văn hoá, kỹ năng, tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học (DVTVDH) đăng ký hoạt động. Công tác quản lý nhà nước trên địa bàn đối với các trung tâm đã đi nào nền nếp, triển khai hiệu quả kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động; hướng dẫn và đôn đốc các trung tâm ngoài nhà trường thực hiện đúng các quy định của nhà nước trong lĩnh vực hoạt động, đồng thời phát hiện được những sai phạm, những nội dung chưa đúng quy định để kịp thời chấn chỉnh…
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các Trung tâm GDNN-GDTX đã trao đổi các nội dung gắn với đặc thù hoạt động của ngành, trong đó tập trung vào các vấn đề: nâng cao chất lượng dạy và học; tăng cường quản lí học viên tại trung tâm GDNN-GDTX; giải pháp tăng cường ôn tập cho học sinh lớp 12 thi THPT quốc gia; nâng cao chất lượng đội ngũ CBGV; đổi mới việc xếp loại, đánh giá học viên…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Phạm Văn Đại đã ghi nhận kết quả đạt được của ngành học GDTX-CN trong học kỳ I, nêu rõ những khó khăn, hạn chế trong từng lĩnh vực hoạt động… Đồng chí nhấn mạnh: Bước vào học kỳ II năm học 2019-2020, ngành học GDTX cần tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng dạy và học, đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng đối với học viên lớp 12, chuẩn bị đầy đủ kiến thức cho học viên dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2020; Tăng cường công tác quản lý, tổ chức hoạt động dạy học và thi nghề phổ thông theo chương trình quy định của Bộ GDĐT; Các trung tâm GDNN-GDTX chủ trì, phối hợp với Phòng GDĐT quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch chỉ đạo và tổ chức thực hiện dạy nghề hướng nghiệp cho các trường THCS trên địa bàn theo đúng Chương trình GDNPT cấp THCS 70 tiết (3 tiết/buổi) của Bộ GDĐT, phù hợp với kế hoạch của Sở GDĐT; Quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ CBGV - NV, cộng tác viên trong các cơ sở GDTX; Chú trọng đầu tư CSVC, trang thiết bị và đồ dùng dạy học, phòng thí nghiệm, phòng thực hành; thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực đảm bảo chất lượng dạy và học. Khuyến khích việc xây dựng các chuyên đề để thực hiện giáo dục nghề phổ thông phát huy năng lực học sinh. Thực hiện nghiêm túc việc đánh giá, xếp loại học sinh học nghề phổ thông theo qui định của Bộ GDĐT.
Cũng trong học kỳ II, Sở sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các TTGDNN-GDTX, trung tâm ngoài nhà trường. Chỉ đạo và tổ chức nghiêm túc, chặt chẽ, đúng qui chế các kỳ kiểm tra cấp chứng chỉ của các trung tâm ngoại ngữ, tin học đặc biệt đối với học viên trung tâm GDNN-GDTX thi lấy chứng chỉ cộng điểm tốt nghiệp THPT Quốc gia. Chuẩn bị các điều kiện để tổ chức tốt các kỳ thi: Hội thi giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi; Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp Thành phố môn Ngữ văn và Sinh học; Thi học viên giỏi lớp 12 cấp thành phố 7 môn: Ngữ văn, Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch Sử, Địa lý. Tăng cường kiểm tra sự phối hợp, liên kết dạy văn hóa, dạy nghề giữa các trung tâm GDNN-GDTX và các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học đặc biệt chú trọng kiểm tra cơ sở vật chất của trường liên kết đặt lớp học văn hóa theo chương trình GDTX cấp THPT, đảm bảo đầy đủ các cơ sở vật chất theo đúng quy định, kiên quyết xử lý, kiến nghị không giao chỉ tiêu văn hóa năm học 2019-2010 đối với những đơn vị liên kết không đủ điều kiện cơ sở vật chất.