Dự Chương trình Tết Sum vầy năm 2024 có đồng chí Trần Thế Cương - Thành ủy viên, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội; đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội; các đồng chí Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn, Trần Lưu Hoa, Phạm Quốc Toản, Vương Hương Giang; các đồng chí lãnh đạo các ban LĐLĐ Thành phố, lãnh đạo các phòng Sở GDĐT Hà Nội, các đồng chí lãnh đạo phòng GDĐT quận, huyện, thị xã; Hiệu trưởng, Chủ tịch công đoàn các đơn vị trực thuộc Sở GDĐT Hà Nội cùng các CBGV,NV, các em học sinh đại diện CBGV,NV và học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong ngành GDĐT Hà Nội.
Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Thế Cương cùng Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn
Thông tin về công tác chăm lo đời sống đội ngũ CBGVNV học kỳ I, năm học 2023 - 2024 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội Đỗ Văn Nam cho biết: Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội hiện đang quản lý trực tiếp 198 Công đoàn cơ sở (130 đơn vị công lập và 68 đơn vị ngoài công lập) với tổng số 12.229 đoàn viên. Thời gian qua, Công đoàn ngành đã tập trung đổi mới nội dung, phương thức chỉ đạo hoạt động; nắm chắc tình hình, có nhiều giải pháp thiết thực, tổ chức triển khai các chương trình, kế hoạch công tác. Công tác đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và chăm lo đời sống cho CBGVNV được quan tâm. Các chế độ chính sách đối với nhà giáo cơ bản được thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Cụ thể, Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội đã chỉ đạo Công đoàn cơ sở thực hiện tốt chức năng chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho CBGVNV; hướng dẫn các đơn vị chủ động thực hiện vai trò đại diện trong việc tham gia các Hội đồng Thi đua - Khen thưởng, nâng lương, quy hoạch, bổ nhiệm, sắp xếp, luân chuyển và có tiếng nói bảo vệ quyền lợi cho CBGVNV, nhất là trong việc ký hợp đồng lao động và Thỏa ước lao động tập thể ở các đơn vị ngoài công lập. Tính đến hết học kỳ I năm học 2023 - 2024, đã có 58/68 đơn vị ngoài công lập ký kết Thỏa ước lao động tập thể (đạt 85,3%); 100% đơn vị công lập tổ chức Hội nghị cán bộ, viên chức, người lao động; 100% đơn vị ngoài công lập tổ chức Hội nghị người lao động.
Bên cạnh đó, Công đoàn các cấp thường xuyên phối hợp với chuyên môn tham mưu đề xuất với cơ quan chức năng về ban hành chế độ, chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý; tập trung vào chế độ của giáo viên mầm non, an toàn vệ sinh lao động trong các trường học, đơn vị, chế độ khen thưởng, chế độ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; tích cực giám sát, phản biện việc thực hiện chế độ chính sách, các quy định đối với CBGVNV, kiến nghị với chính quyền đồng cấp giải quyết các chế độ như khen thưởng, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích CBGVNV đã được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế của cơ quan, đơn vị...
Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân trường học ngày càng đi vào nền nếp, thực hiện đúng Luật định, phát huy vai trò trong hoạt động giám sát, giải quyết kịp thời những vướng mắc từ cơ sở. Việc thực hiện quy chế dân chủ trong trường học tiếp tục được mở rộng và đi vào thực chất, góp phần quan trọng xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong đơn vị và nền nếp kỷ cương trong công tác.
Trong học kỳ I năm học 2023 - 2024, các đơn vị đã xây dựng nội quy, quy chế chi tiêu nội bộ cho năm học mới. Nhiều đơn vị thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên, xây dựng quy chế khen thưởng và thưởng hàng tháng cho đội ngũ CBGVNV. Công đoàn nhiều đơn vị đã tổ chức các hoạt động thiết thực như: Duy trì bếp ăn trưa, phòng nghỉ trưa cho các đoàn viên; tổ chức sinh nhật cho đoàn viên theo tháng, theo quý; khám sức khỏe định kỳ cho đội ngũ CBGVNV... Công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ… được duy trì, đảm bảo cảnh quan, môi trường sư phạm trong các nhà trường. Các Công đoàn cơ sở đã có nhiều hoạt động cụ thể, hiệu quả, thiết thực, tri ân, hướng về người lao động.
Các đ/c Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Vương Hương Giang và Phạm Quốc Toản trao quà cho CBGV,NV có hoàn cảnh khó khăn.
Đặc biệt, đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, CĐGDHà Nội đã phối hợp với Sở GDĐT Hà Nội cùng chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành tập trung chăm lo đời sống đội ngũ CBGV,NV và học sinh, trong đó đặc biệt quan tâm tới CBGV,NV có hoàn cảnh khó khăn, CBGV,NV diện chính sách và học sinh con CBGV,NV khối trực thuộc vượt khó học giỏi. Cùng với việc tổ chức các hoạt động gặp mặt, tặng quà, thăm hỏi giáo viên và học sinh có hoàn cảnh khó khăn, diện chính sách, các nhà trường có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, tổ chức gói bánh chưng, gặp mặt tất niên... nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho CBGV,NV và học sinh.
“Đối với công tác chăm lo cấp Thành phố, LĐLĐ thành phố Hà Nội hướng dẫn các đơn vị hỗ trợ quà Tết cho 10% tổng số đoàn viên có khó khăn. Kết quả, hỗ trợ và tặng quà tổng số 2.202 lượt CBGV,NV và 151 học sinh với tổng kinh phí là gần 2 tỷ đồng. Trong đó: LĐLĐ Thành phố hỗ trợ 275 CBGV,NV có hoàn cảnh khó khăn với số tiền gần 373 triệu đồng, tặng quà 31 vợ chiến sĩ đang công tác tại biển đảo với tổng trị giá 62 triệu đồng; ngành GDĐT Hà Nội hỗ trợ 1.754 CBGV,NV có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền hơn 1,4 tỷ đồng, tặng quà 31 CBGV,NV là vợ và 111 học sinh là con chiến sĩ đang công tác tại biển đảo với tổng số tiền 71 triệu đồng. Vào ngày 30 - 31/1 tới đây, Ban Giám đốc Sở cùng Ban Thường vụ Công đoàn Ngành sẽ tổ chức 5 đoàn thăm hỏi, tặng quà trực tiếp các giáo viên mắc các bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt nhằm chia sẻ, động viên kịp thời các nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn. Cũng trong dịp này, ngành phối hợp với Công ty Vinfast tạo điều kiện để 280 CBGV,NV được mua xe máy điện giảm giá 32%”, Chủ tịch CĐGD Hà Nội Đỗ Văn Nam thông tin.
Trong khuôn khổ chương trình, Ban Tổ chức cũng trao khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực, vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động và các tập thể đạt thành tích trong phong trào xây dựng trường học “Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn”.
Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Thế Cương và Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Lưu Hoa trao khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực, vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”.
Bên cạnh công tác chăm lo nhà giáo, người lao động tại ngành GDĐT Hà Nội, các nhà giáo Thủ đô luôn phát huy những nghĩa cử cao đẹp “thương người như thể thương thân”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Trên tinh thần ấy, CBGV,NV Thủ đô hưởng ứng ủng hộ Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Vì biển đảo do Thành phố phát động, hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà công vụ tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Đắk Nông mỗi tỉnh 500 triệu đồng. Hiện nay, có nhiều đơn vị trường học cùng ngành GDĐT quận, huyện, thị xã đã lặn lội đến với các điểm trường vùng giáo dục khó khăn các tỉnh bạn để tặng quà mùa đông, dịp Tết với mục tiêu không để giáo viên và học sinh không có Tết. Nhiều trường ngoài công lập đã đẩy mạnh phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” để dạy trực tuyến hàng ngàn tiết tiếng Anh cho học sinh vùng giáo dục khó khăn...
Phát biểu chỉ đạo tại chương trình, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Thế Cương đã ghi nhận những kết quả Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội đạt được trong công tác chăm lo thời gian qua, đồng thời đề nghị các đơn vị, nhà trường chủ động triển khai trợ cấp cho các nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn và diện chính sách bằng nhiều nguồn lực tại cơ sở để các nhà giáo Thủ đô có cái Tết ấm áp, bình an, vui vẻ.
“Với các nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn, quan điểm của lãnh đạo ngành chúng tôi luôn đồng hành sẻ chia những khó khăn cùng các đồng chí, các em học sinh hãy vươn lên vượt qua những khó khăn của chính bản thân mình để học tập tốt xúng đáng với những kỳ vọng của cha mẹ, thầy cô”, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội nhắn nhủ.