Năm học 2017-2018, ngành học Giáo dục Thường xuyên-chuyên nghiệp Hà Nội đã triển khai và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học đề ra. Các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) đã thực hiện có hiệu quả Chương trình, Kế hoạch của Thành ủy, UBND Thành phố và các phong trào thi đua. Các hoạt động xây dựng xã hội học tập từ cơ sở được đẩy mạnh và thu được kết quả tốt. Việc củng cố, phát triển mô hình hoạt động của các cơ sở GDTX theo hướng bền vững được duy trì…
Trong năm học, 29 trung tâm GDNN-GDTX đã tổ chức liên kết học TCCN với hơn 18.000 học viên vừa học văn hóa vừa học trung cấp nghề. Các trung tâm đã tổ chức giảng dạy cho 3.434 lớp với hơn 126.000 học sinh học nghề phổ thông và tham gia tổ chức thi nghề phổ thông cho gần 70.000 học sinh THPT.
Toàn cảnh hội nghị
Đặc biệt, năm học này, bên cạnh việc dạy nghề hướng nghiệp cho học sinh THCS và THPT, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tập huấn thí điểm bộ tài liệu giáo dục khởi nghiệp cho gần 100 cán bộ chỉ đạo Sở, các Phòng GD&ĐT, CBGV các trường THCS, THPT, trung tâm GDNN-GDTX thuộc 4 huyện ngoại thành là Gia Lâm, Hoài Đức, Chương Mỹ, Thạch Thất. Qua đợt tập huấn này, nhiều trung tâm GDNN-GDTX đã đưa nội dung giáo dục hướng nghiệp vào giảng dạy
Với mục đích nâng cao chất lượng dạy và học, tạo phong trào thi đua giữa các Trung tâm GDNN-GDTX, năm học 2017-2018, Sở GD&ĐT đã tổ chức thi chọn học viên giỏi Thành phố các bộ môn văn hóa lớp 12 chương trình GDTX cấp THPT. 290/622 học sinh tham gia đã đạt giải; trong đó có 13 giải Nhất, 81 giải Nhì, 92 giải Ba và 104 giải Khuyến khích…
Đáng chú ý, các phòng GD&ĐT quận, huyện đã chủ động phối hợp với các Trung tâm GDNN-GDTX tổ chức điều tra, thu thập thông tin về số người mù chữ trên địa bàn. Theo đó, đã tổ chức các lớp xóa mù chữ, giúp công tác xóa mù chữ ở các độ tuổi được nâng lên đạt trên 99%. Cũng trong năm học vừa qua, công tác xóa mù chữ của Hà Nội được Bộ GD&ĐT công nhận “đạt chuẩn mù chữ cấp độ 2, tại thời điểm tháng 2 năm 2017”.
Phó Giám đốc Phạm Văn Đại phát biểu tại hội nghị
Đối với các Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ), đã xây dựng thí điểm mỗi quận, huyện, thị xã có từ 2 đến 3 mô hình TTHTCĐ hoạt động hiệu quả, bền vững. 193 TTHTCĐ xếp loại tốt, 238 TTHTCĐ xếp loại khá và 153 TTHTCĐ xếp loại trung bình…
Trong năm học tới 2018-2019, ngành GDNN-GDTX tiếp tục thực hiện có hiệu quả các đề án, kế hoạch của Trung ương và Thành phố đối với GD&ĐT; phát triển, nâng cao hiệu quả quản lý và hoạt động; đẩy mạnh các hoạt động xây dựng xã hội học tập cũng như công tác xóa mù chữ… Đồng thời, triển khai tốt các TTHTCĐ, Trung tâm Ngoại ngữ tin học và các Trung tâm bồi dưỡng văn hóa, kỹ năng; Trung tâm bồi dưỡng chuyên ngành ngắn hạn…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại đề nghị: Trong năm học 2018-2019, ngành học Giáo dục Thường xuyên- chuyên nghiệp cần quan tâm nâng cao chất lượng hoạt động các loại hình để thu hút học viên và đẩy mạnh các hoạt động xây dựng xã hội học tập. Trong đó, các trung tâm GDTX-GDNN cần tổ chức lại hoạt động theo 3 hướng: dạy chương trình phổ thông; hướng nghiệp dạy nghề; dạy văn hóa và chuyên đề bồi dưỡng cho cán bộ công chức… Để đảm bảo chất lượng các hoạt động GD&ĐT, các đơn vị cũng cần tập trung tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ CBGV-NV, đa dạng hóa các chương trình, nội dung dạy học, chú trọng phát triển các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn, giáo dục khởi nghiệp đáp ứng mọi đối tượng người học…