Nước mắt thầy- trò
Thời gian vừa qua, xã hội đã rất đau xót, bất an trước hàng loạt những vụ việc đáng buồn xảy ra trong trường học như phụ huynh bắt cô giáo quỳ; học sinh đâm thầy giáo bị thương; cô giáo 3 tháng lên lớp không giảng bài; giáo viên phạt học sinh uống nước giặt giẻ lau… Sau mỗi sự việc tiêu cực xảy ra trong nhà trường, cùng với những nỗi đau, sự chua xót là những giọt nước mắt. Nước mắt của thầy, trò, của các bậc cha mẹ và những ai quan tâm đến sự nghiệp giáo dục, đến sự phát triển của trẻ thơ... Những hành xử tưởng chừng như “nằm ngoài” ngành Giáo dục, giờ diễn ra đến mức nhói lòng ở một số nhà trường, thầy bạo hành trò, trò đánh trọng thương thầy, thầy quỳ gối trước mặt cha mẹ học sinh, cô mạt sát trẻ… Thời đại của công nghệ thông tin, mỗi sự việc tiêu cực xuất hiện trên mạng, trên báo chí đồng nghĩa với việc gia tăng sự hoài nghi, suy giảm niềm tin của người dân vào sự nghiệp giáo dục, đào tạo, vào truyền thống “tôn sư trọng đạo” tốt đẹp của dân tộc.
Ảnh minh họa
Những thế hệ học sinh của hôm nay và ngày mai sẽ được dạy làm người thế nào trước những lệch lạc xảy ra trong môi trường sư phạm- môi trường giáo dục lâu nay được coi là chuẩn mực, văn hóa, văn minh, thanh lịch và thân thiện. Liệu những nhà giáo vẫn luôn đau đáu, tâm huyết với nghề, với trò, có phong cách đạo đức chuẩn mực có bị dao động trước những tác động, sự lên án của xã hội? Liệu học trò có còn giữ được đạo làm trò trước những nỗi đau mà bạn mình phải gánh chịu? Liệu cha mẹ học sinh có còn gửi trọn niềm tin cho ngành Giáo dục?... Rất nhiều câu hỏi đặt ra, cần có sự định hướng kịp thời và phù hợp để xây dựng môi trường giáo dục thực sự chuẩn mực được vun đắp từ mối quan hệ tốt đẹp giữa nhà trường- gia đình- xã hội, giữa thầy và trò…
"Trống" đào tạo chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng sống cho sinh viên sư phạm
Trước những bức xúc của xã hội về những chuyện đau lòng xảy ra trong nhà trường, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã họp với nhóm nghiên cứu xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học. Nhiều nguyên nhân dẫn tới sự lệch chuẩn trong văn hóa ứng xử đã được các thành viên nhóm nghiên cứu thẳng thắn chỉ ra. Trước hết đó là sự tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường dẫn tới những thay đổi trong đời sống xã hội, thay đổi những giá trị truyền thống, trong đó có môi trường giáo dục.
Một bộ phận thầy cô giáo chưa được trang bị, chuẩn bị đầy đủ nhận thức và tâm thế trước những tác động "tiêu cực" từ bên ngoài xã hội. Trong chương trình, quá trình đào tạo giáo viên hiện nay vẫn còn để “trống” mảng đào tạo về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng sống cho sinh viên; giáo viên không được bồi dưỡng thường xuyên về phương pháp sư phạm, năng lực chuyên môn… “Lỗ hổng” này trong đào tạo dẫn tới có một số thầy cô giáo chưa đáp ứng năng lực và theo kịp sự biến động về tâm lý của học sinh, cá biệt còn có biểu hiện thiếu trách nhiệm, cứng nhắc, chưa chia sẻ với học sinh.
Đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn cũng là nguyên nhân dẫn tới việc một bộ phận giáo viên chưa toàn tâm toàn ý với công việc giảng dạy và chăm sóc, giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho người học.
Bên cạnh đó, áp lực cuộc sống hiện đại khiến nhiều bậc phụ huynh phó thác con cái họ cho nhà trường làm cho mối quan hệ nhà trường - gia đình ở một số nơi còn lỏng lẻo hay cách ứng xử thiếu chuẩn mực trong một số gia đình đã tác động tới quá trình hình thành nhân cách của các em… Trong khi đó, giải pháp giáo dục từ gia đình và sự phối hợp quản lý giữa gia đình - nhà trường sẽ là mấu chốt để mang lại hiệu quả tích cực cho quá trình giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh.
Nghiên cứu từ thực tế cũng cho thấy, hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống hiện nay trong các nhà trường chưa đáp ứng được nhu cầu, mong muốn của học sinh, sinh viên; vẫn còn mang tính áp đặt của giáo viên mà chưa quan tâm đến tâm lý lứa tuổi của các em hoặc mang tính phong trào. Thời lượng dành cho các môn Đạo đức, Giáo dục công dân và các hoạt động giáo dục khác đóng vai trò "dạy người" còn "khiêm tốn", ở một số nơi bị xem nhẹ. Theo ý kiến các chuyên gia, đây là vấn đề mà chương trình giáo dục phổ thông mới cần nghiên cứu và giải quyết.
Hiện nay, một số trường phổ thông đã xây dựng được các quy tắc ứng xử trong nhà trường nhưng về cơ bản còn chung chung, đa số học sinh chưa quan tâm, giáo viên chưa đủ cơ sở pháp lý để thực hiện. Vì vậy, nhóm nghiên cứu đề xuất, Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu, đưa ra một khung quy tắc văn hóa ứng xử trong trường học chi tiết để học sinh, giáo viên, phụ huynh có thể thực hiện, kèm theo đó là chế tài thưởng - phạt cụ thể và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.
Chương trình GDPT mới sẽ cân bằng giữa dạy "chữ" và dạy "người"
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ theo hướng cân bằng giữa dạy “chữ” và dạy “người”. Tuy nhiên, trước mắt cần ưu tiên và tập trung ngay vào việc xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học phổ thông, cần thay đổi tư duy khi đưa ra các qui định, đảm bảo các yêu cầu: Khả thi, dễ thực hiện, dễ nhớ; quy định rõ những điều cần làm, không được làm; quy định chế tài cụ thể, trách nhiệm của mỗi cấp: trường, sở, địa phương; trách nhiệm của học sinh, giáo viên, phụ huynh…
"Đừng quy định chung chung kiểu như học sinh phải ngoan ngoãn, lễ phép mà nên quy định cụ thể để hướng dẫn dễ thực hiện, ví dụ như học sinh gặp thầy cô giáo phải dừng lại, khoanh tay chào hay giáo viên gặp học sinh phải niềm nở, vui vẻ… có như vậy thì mọi người dễ hiểu, dễ thực hiện và giám sát, đánh giá được" - Bộ trưởng đề nghị.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang triển khai 3 đề tài khoa học cấp nhà nước về xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, thông qua mối quan hệ nhà trường - gia đình - xã hội để giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa và đề xuất mô hình tư vấn tâm lý hiệu quả đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng đề nghị nhóm nghiên cứu và ban soạn thảo xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa trong trường phổ thông bám sát, khai thác những kết quả nghiên cứu này để có cơ sở thực tiễn cho quá trình xây dựng. Chương trình giáo dục phổ thông mới cần nghiên cứu và giải quyết bất cập về các môn Đạo đức, Giáo dục công dân và các hoạt động giáo dục khác đóng vai trò “dạy người”.
Bộ trưởng nhấn mạnh: "Bộ quy tắc ứng xử văn hoá trong trường học phổ thông phải được ban hành trước năm học mới 2018-2019 để triển khai thực hiện ngay từ đầu năm học, kèm theo đó là các chế tài đủ mạnh. Đây sẽ là giải pháp quan trọng nhằm xây dựng văn hóa ứng xử trường học hiệu quả trong thời gian tới".
Diệp Anh
*Bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội: “Đào tạo tuyển dụng giáo viên phải gắn với vấn đề đãi ngộ”:
Chúng ta phải đặt câu hỏi, liệu 20% ngân sách nhà nước có đủ để trả lương hết cho hơn 1 triệu giáo viên trên cả nước hiện nay hay không? Chính sách đối với những cơ sở ngoài công lập có được công bằng bình đẳng, để thu hút các thầy cô vào giảng dạy ở các trường này hay chưa?… Tôi nghĩ, lương các nhà giáo phải được xếp cao hơn trong bảng lương công nhân viên chức Nhà nước. Đây là vấn đề lớn, chúng ta phải giải quyết được vấn đề này mới có thể đặt ra các vấn đề khác. Còn về vấn đề bạo lực học đường, hiện có quá nhiều tồn tại cần phải được giải quyết. Chúng ta muốn tuyển nhà giáo, chúng ta phải đặt mình vào vị trí của nhà giáo, xem xét các quy định cũ còn phù hợp trong giai đoạn đổi mới này không. Những nhà giáo không đáp ứng được sự thay đổi, phải nhường chỗ cho những giáo viên trẻ có năng lực hơn. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần nâng cao kiến thức cho phụ huynh, để họ thấu hiểu học sinh và cả giáo viên…
*Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa: “Đội ngũ nhà giáo quyết định chất lượng giáo dục”.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang quan tâm chất lượng đội ngũ, nâng cao chất lượng trường sư phạm, trong đó có cả việc siết chặt đầu vào. Bên cạnh đó, Bộ sẽ có quy định để tuyển chọn những người có năng lực, đào tạo chú trọng chuyên sâu trình độ vừa đào tạo chuẩn cả đạo đức sư phạm. Các quy chuẩn về giáo viên, cán bộ quản lý cũng cần sửa đổi, hoàn thiện.
Ngoài ra, sau những vấn đề nảy sinh khiến dư luận băn khoăn về năng lực, đạo đức nhà giáo, Bộ cũng lưu ý hơn đến công tác đối thoại giữa học sinh, giáo viên, nhà trường. Bộ sẽ rà soát các văn bản, điều lệ, quy chế, hoàn thiện các chuẩn nhà giáo, phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp và quan trọng là sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đồng thời yêu cầu các địa phương lập đường dây nóng sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến, vấn đề do học sinh, phụ huynh, giáo viên phản ánh.
Song song với đó, công tác tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường cần được đẩy mạnh để học sinh hiểu và có kỹ năng ứng xử phù hợp. Việc học sinh súc miệng bằng nước giặt giẻ lau bảng ở Hải Phòng cho thấy các em đang thiếu kỹ năng bảo vệ bản thân. Vì vậy, công tác xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh cần được chú trọng, tránh lặp lại những chuyện đáng tiếc tương tự.
*PGS. TS Đặng Quốc Bảo- nguyên Hiệu trưởng Học viện Quản lý giáo dục: “Bộ quy tắc cần xây dựng trên các mối quan hệ cốt lõi trong nhà trường”.
Trong nhà trường có 4 mối quan hệ cốt lõi liên quan mật thiết đến những vấn đề xã hội, đó là quan hệ giữa trò và trò, thầy và thầy, thầy và trò, nhà trường và cộng đồng… Bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học cần được xây dựng trên các mối quan hệ cốt lõi này. Trong đó, ở mối quan hệ được cho là then chốt nhất, nền tảng nhất, đóng vai trò xương sống trong nhà trường, đó là quan hệ thầy- trò thì khi xây dựng bộ quy tắc cần được chú trọng đặc biệt, để mỗi tiêu chí đặt ra mang tính hài hòa, cần thiết và khả thi. Bác Hồ kính yêu đã dạy: “Trong trường cần có dân chủ… Dân chủ nhưng trò phải kính thầy, thầy phải quý trò chứ không phải là cá đối bằng đầu”. Còn Nhà hiền triết cổ Hy Lạp Aristoste đã có lời bàn: “Quan hệ thầy trò phải là quan hệ tình bạn đạo đức”… Những lời dạy của tiền nhân, của Bác Hồ rất đáng để suy ngẫm và vận dụng khi xây dựng và vận dụng các quy tắc ứng xử văn hóa, văn minh trong mỗi nhà trường.
Chúng ta đang ở thời kỳ Cách mạng Công nghiệp 4.0, sự nghiệp đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo không đứng ngoài sự phát triển như vũ bão này. Để nhà trường phát triển hiện đại, vững mạnh, không bị tác động bởi những hệ lụy tiêu cực thì mỗi người học khi bước chân vào nhà trường cần xác định trong mình 3 sứ mệnh: người thầy- người trò và người bạn; trò có sự tương tác với thầy trên tinh thần tôn trọng và đạo đức…
PV
(Ghi)