Hiện nay, toàn thành phố Hà Nội có 772 trường tiểu học, gần 762.000 học sinh, tăng 8 trường, hơn 23.000 học sinh so với năm học 2018-2019. Tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày tiếp tục tăng với 96,5%. Sỹ số trung bình học sinh/lớp là 40 học sinh.
Việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được các đơn vị tiếp tục duy trì. Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của các trường tiểu học trên địa bàn thành phố là gần 36.000 người, trong đó 100% cán bộ, giáo viên đạt chuẩn về trình độ đào tạo; tỷ lệ trên chuẩn đạt 99,9% đối với cán bộ quản lý và 96,3% đối với đội ngũ giáo viên.
Các phòng GDĐT đều tích cực tham mưu UBND quận, huyện, thị xã mở rộng diện tích, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường phấn đấu đạt Chuẩn quốc gia. Tính đến hết tháng 10/2019, toàn thành phố đã có 519 trường tiểu học được công nhận đạt Chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 67,2%, trong đó có 30 trường đạt Chuẩn quốc gia mức độ 2. Ngoài ra, còn có 5 trường được công nhận trường tiểu học Chất lượng cao.
Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng phát biểu tại hội nghị
Học kỳ I vừa qua, 100% các trường đã thực hiện nghiêm túc chương trình môn học, đảm bảo các yêu cầu đạt về kiến thức, kỹ năng theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của Bộ GDĐT quy định. Chất lượng giáo dục đạo đức, chất lượng dạy và học tiếp tục được nâng cao, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình học tập và đạt các tiêu chí về năng lực và phẩm chất đều đạt cao. Công tác quản lý chỉ đạo và thực hiện đổi mới phương pháp dạy học luôn chủ động tích cực đã đem lại hiệu quả tốt.
Các quận, huyện, thị xã đều đã xây dựng kế hoạch, triển khai và tổ chức tập huấn bồi dưỡng đội ngũ cho cán bộ và giáo viên cốt cán về công tác phổ cập giáo dục. Các địa phương đều đã tăng cường các giải pháp và đẩy mạnh ứng dụng phần mềm phổ cập giáo dục nhằm nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học. Công tác giáo dục trẻ khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được quan tâm.
Học kỳ II năm học 2019-2020, cấp Tiểu học sẽ tăng cường các giải pháp cải tiến đổi mới nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng dạy và học, đặc biệt là các biện pháp đổi mới dạy học theo hướng nâng cao năng lực và phẩm chất học sinh gắn với việc đánh giá xếp loại học sinh theo Thông tư 22 của Bộ GDĐT; Tiếp tục đổi mới công tác quản lý, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên; Chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, đội ngũ để triển khai chương trình GDPT 2018 đạt hiệu quả cao nhất…
Tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã cùng trao đổi xung quanh một số nội dung như: Sữa học đường; an ninh an toàn trường học; thu chi; việc dạy kỹ năng sống cho học sinh; công tác chuẩn bị đội ngũ giáo viên dạy lớp 1 cũng như việc lựa chọn SGK lớp 1 cho năm học 2020-2021…
Toàn cảnh hội nghị
Ghi nhận những nỗ lực của cấp học Tiểu học trong học kỳ I vừa qua, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng đề nghị, thời gian tới, các phòng GDĐT cần tích cực chủ động tham mưu với địa phương làm tốt công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp. Các nhà trường xây dựng kế hoạch cụ thể khắc phục triệt để những tồn tại yếu kém. Triển khai công nghệ thông minh vào công tác quản lý, các phần mềm hỗ trợ bài giảng tạo điều kiện tốt nhất cho các thầy cô giáo và học sinh tiếp cận với đổi mới phương pháp dạy học.
Đồng chí Giám đốc Sở cũng đề nghị các nhà trường quan tâm đến vấn đề an ninh, an toàn trường học. Tăng cường công tác tuyên truyền phòng ngừa xâm hại trẻ em. Khi có bất kỳ sự việc gì xảy ra, nhà trường cần phải báo cáo với các cấp thẩm quyền một cách trung thực, trong thời gian sớm nhất. Quan tâm đổi mới công tác chỉ đạo quản lý, tạo dựng cảnh quan môi trường sư phạm tạo khí thế trong nhà trường, rà soát làm sao cho công việc đạt hiệu quả hơn. Để chuẩn bị cho công tác tuyển sinh lớp 1 năm học 2020-2021 và chương trình GDPT 2018, các phòng GDĐT cần thực hiện nghiêm túc việc phân tuyến tuyển sinh đồng thời chuẩn bị tốt nhất mọi mặt về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên để triển khai có hiệu quả chương trình GDPT 2018.