Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng
Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng năm 2017, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn cho biết: Năm 2017, Sở GD&ĐT Hà Nội và hai trường được phân công tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng là trường Bồi dưỡng Cán bộ giáo dục Hà Nội và trường Trung cấp Sư phạm Mẫu giáo Nhà trẻ đã cơ bản hoàn thành kế hoạch được giao với tổng kinh phí đã chi là gần 25 tỷ đồng (đạt 96,8%) để bồi dưỡng cho hơn 84 nghìn học viên. Năm 2017 là năm thứ hai ngành giáo dục tiếp tục triển khai bồi dưỡng đại trà cho gần 70 nghìn CBQL và giáo viên các trường mầm non, tiểu học, THCS của 30 quận, huyện, thị xã.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng phát biểu tại Hội nghị
Sở GD&ĐT Hà Nội đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cơ bản đáp ứng được yêu cầu của các cấp quản lý. Sở đã tích cực chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng trong ngành, phân công rõ trách nhiệm cho từng đơn vị và mỗi cá nhân. Công tác kiểm tra, giám sát được đẩy mạnh, chấn chỉnh kịp thời những sai sót trong công tác tổ chức đào tạo, bồi dưỡng. Các phòng GD&ĐT đã tích cực triển khai bồi dưỡng cho đội ngũ. Một số quận, huyện chủ động trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên cốt cán để tổ chức bồi dưỡng lại cho 100% CBQL và giáo viên trên địa bàn quận, huyện, thị xã. Các cơ sở được giao nhiệm vụ tổ chức đào tạo bồi dưỡng tiếp tục cải tiến nội dung, phương pháp tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng như: Sử dụng các phương tiện hiện đại phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng. Tài liệu bồi dưỡng được cấp phát đầy đủ cho học viên trước mỗi buổi học. Hình thức tổ chức các lớp đào tạo phong phú, linh hoạt, phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng người học và các cơ sở giáo dục…
Bên cạnh những ưu điểm như trên, công tác đào tạo, bồi dưỡng cũng còn một số hạn chế như thời gian tổ chức các lớp bồi dưỡng đại trà tập trung chủ yếu vào hai tháng hè nên có quận, huyện còn lúng túng trong công tác chỉ đạo, quản lý; chưa đáp ứng tốt các yêu cầu cần thiết về giáo viên và cơ sở vật chất; đội ngũ giáo viên ngoài công lập thường xuyên biến đổi, chưa có cơ chế chi kinh phí bồi dưỡng cho khối ngoài công lập (trừ mầm mon) nên các phòng GD&ĐT khó quản lý để triển khai tốt hoạt động đào tạo, bồi dưỡng…
Nội dung đào tạo, bồi dưỡng gắn với chương trình giáo dục phổ thông mới
Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Nguyễn Quang Tuấn nêu rõ: Năm 2018 là năm đầu tiên ngành GD&ĐT Hà Nội thực hiện Quyết định số 2315/QĐ-UBND của UBND TP.Hà Nội về việc triển khai Đề án nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng CBQL và giáo viên, ngành chủ trương bồi dưỡng bằng hình thức mời chuyên gia nước ngoài sang giảng dạy cho đội ngũ CBQL và giáo viên các cấp học, sau đó tiếp tục chọn lọc trong số đó những học viên xuất sắc để đưa ra nước ngoài bồi dưỡng. Ngoài những nội dung đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ như thông lệ hàng năm, năm 2018 còn là năm triển khai các điều kiện chuẩn bị cho chương trình, sách giáo khoa mới, toàn ngành sẽ tập trung rà soát lại đội ngũ giáo viên để phân loại và xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.
Toàn cảnh Hội nghị
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, các phòng chuyên môn của Sở GD&ĐT Hà Nội quan tâm triển khai nghiên cứu, chỉ đạo xây dựng nội dung đào tạo, bồi dưỡng gắn với chương trình giáo dục phổ thông mới. Đổi mới nội dung đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu của chương trình, SGK mới và nhu cầu thực tế về đào tạo, bồi dưỡng của các quận, huyện, thị xã. Tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho đội ngũ CBQL, giáo viên toàn ngành. Phối hợp với văn phòng Sở xây dựng hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin để bồi dưỡng qua mạng; Các phòng GD&ĐT lập danh sách và cử CBQL, giáo viên tham dự các lớp đào tạo, bồi dưỡng đầy đủ và đúng thành phần. Đảm bảo 100% giáo viên cốt cán được cử đi bồi dưỡng có thể tham gia giảng dạy ở các lớp bồi dưỡng đại trà. Lựa chọn những CBQL và giáo viên xuất sắc tiêu biểu của các cấp học, môn học để tham dự lớp bồi dưỡng về chương trình và SGK mới. Phối hợp với trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục và các cơ sở đào tạo bồi dưỡng có uy tín để triển khai các hoạt động bồi dưỡng đại trà tại đơn vị; Các đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chủ động phối hợp chặt chẽ với các phòng chuyên môn của Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã để xây dựng lộ trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên theo chương trình giáo dục phổ thông mới và xây dựng chương trình chi tiết cho từng chuyên đề bồi dưỡng trước khi tổ chức bồi dưỡng; chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, điều kiện phục vụ bồi dưỡng…
Các đại biểu tham dự hội nghị đã có nhiều ý kiến tham luận xoay quanh những khó khăn và thuận lợi của đơn vị trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giáo viên, đặc biệt là công tác đào tạo chuẩn bị cho chương trình và SGK mới và đã đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị để việc đào tạo, bồi dưỡng đạt hiệu quả cao. Thầy giáo Nguyễn Xuân Trường - Hiệu trưởng trường THPT Thanh Oai A, huyện Thanh Oai đề xuất trước khi đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên, cần gửi trước nội dung để giáo viên nghiên cứu; thời gian tổ chức cần bố trí phù hợp giảm thiểu ảnh hưởng của việc giảng dạy của các nhà trường; có thể tổ chức bồi dưỡng tại các cụm, liên cụm để giáo viên đỡ phải đi xa. Trưởng phòng GD&ĐT quận Hai Bà Trưng Trần Lưu Hoa thì đề xuất Sở GD&ĐT quan tâm đến công tác bồi dưỡng trực tuyến để tạo điều kiện cho nhiều CBQL, GV có thể tham gia đào tạo đồng thời đào tạo, bồi dưỡng cho cả cán bộ chuyên viên của các phòng GD&ĐT. Bà Hoàng Thị Hương, chuyên viên phòng GD huyện Chương Mỹ kiến nghị đội ngũ giảng viên đào tạo, bồi dưỡng phải là những thầy cô giáo đã được sàng lọc, có trình độ chuyên môn giỏi để chuyển tải được những nội dung đổi mới đến học viên…
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng đã ghi nhận những kết quả mà các phòng GD&ĐT và các nhà trường cũng như các cơ sở được giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đạt được trong năm vừa qua. Đồng chí đề nghị, năm 2018, công tác chuẩn bị cho kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cần được đưa ra một cách tổng thể cho toàn ngành, cho từng cấp học. Việc chuẩn bị giáo trình, tài liệu, cơ sở vật chất phải có kế hoạch cụ thể rõ ràng. Bên cạnh đó, cần chú trọng đến công tác quản lý trong quá trình tổ chức các lớp học, nghiêm túc trong việc kiểm tra, đánh giá trong quá trình đào tạo để làm sao sau khi được đào tạo, bồi dưỡng về văn hóa nhà giáo Hà Nội sẽ được lan tỏa ở các địa phương; Trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục và các phòng chuyên môn của Sở cần phối hợp thống nhất nội dung đào tạo. Toàn ngành cũng cần nâng cao công tác truyền thông để các thầy cô giáo, cha mẹ học sinh và toàn xã hội hiểu sẵn sàng cho việc thực hiện chương trình và SGK mới.