Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện
Năm học 2015-2016 là năm học thứ ba toàn ngành giáo dục tích cực triển khai nghị quyết số 29/NQ-TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, ngành đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Toàn ngành đã nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra, tạo được bước chuyển biến rõ nét về chất lượng và hiệu quả giáo dục đào tạo.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng (bên phải) trao Cờ thi đua xuất sắc của Bộ cho ngành GD&ĐT Hà Nội
Năm học này, quy mô giáo dục Hà Nội tiếp tục được ổn định và phát triển mạnh. Mạng lưới trường, lớp được mở rộng, cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư xây dựng, cơ bản từng bước được kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân thủ đô và yêu cầu đào tạo nhân lực trong thời kỳ mới. Mạng lưới các trường MN, phổ thông, GDTX, GDCN hiện có 2.622 trường học và các cơ sở giáo dục, 51.798 nhóm lớp, hơn 1,7 triệu học sinh (tăng so với cùng kỳ năm trước 48 trường, 3.010 nhóm lớp và 55.209 học sinh).
Chất lượng giáo dục toàn diện tiếp tục được nâng cao. Cụ thể ở cấp học MN, đã duy trì có chất lượng kết quả phổ cập cho trẻ em 5 tuổi và tăng tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi được đến trường. Hiện đã có 580/584 xã của 30 quận, huyện, thị xã đạt chuẩn phổ cập. Số trẻ MN ra lớp tăng hơn 35 nghìn trẻ so với năm trước. 100% trường, lớp thực hiện chương trình GDMN mới, sử dụng hiệu quả Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi; Cấp Tiểu học tiếp tục quan tâm đến chất lượng dạy học giữa các vùng miền trên địa bàn Thành phố. Toàn Thành phố đã huy động được 100% trẻ 6 tuổi ra lớp 1. 30/30 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn phổ cập Tiểu học đúng độ tuổi mức độ II. Cấp học THCS và THPT đẩy mạnh việc vận dụng dạy học giải quyết vấn đề, các phương pháp thực hành trong các môn học, bảo đảm cân đối giữa việc truyền thụ kiến thức, rèn luyện kỹ năng và định hướng thái độ, hành vi cho HS. Triển khai tốt mô hình “trường học kết nối”.
Năm học vừa qua, Sở đã tổ chức thành công các hội thi GVDG. Học sinh Thủ đô tiếp tục giành nhiều thành tích ấn tượng trong các cuộc thi quốc gia, quốc tế. Trong kỳ thi HSG Quốc gia năm 2016, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu toàn quốc về số lượng, chất lượng giải với 147 giải (trong đó có 14 giải Nhất). Cuộc thi KHKT dành cho HS trung học cấp Quốc gia có 17/18 đề tài đoạt giải. Trong các kỳ thi HSG quốc tế, học sinh THPT giành được 10 Huy chương Olympic quốc tế và khu vực… Không chỉ giỏi về văn hóa, HS Thủ đô cũng đạt nhiều thành tích đáng biểu dương trong các phong trào VHVN – TDTT. Tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc khu vực II tại Nam Định, đoàn VĐV học sinh Hà Nội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi giành ngôi thứ Nhất toàn đoàn với 56 HCV, 46 HCB, 55 HCĐ và được Bộ GD&ĐT tặng 8/10 Cờ cho các môn dự thi.
Công tác thi và tuyển sinh có nhiều điểm mới
Năm học 2015-2016, công tác thi và tuyển sinh của ngành GD&ĐT Hà Nội có nhiều điểm mới như: Tiếp tục thực hiện tốt chủ trương 3 tăng, 3 giảm và 4 rõ trong công tác tuyển sinh của Thành phố. Tổ chức tốt các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2016-2017, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016. Đặc biệt là việc triển khai ứng dụng phần mềm tuyển sinh trực tuyến vào các trường MN, lớp 1, lớp 6 đã giúp cho CMHS thuận lợi trong việc đăng ký tuyển sinh, giảm thời gian đi lại, tăng cường tính minh bạch, công khai, công bằng trong tuyển sinh.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trao Cờ thi đua xuất sắc của UBND TP cho các đơn vị
Bên cạnh đó, công tác xây dựng trường chất lượng cao và trường đạt Chuẩn quốc gia được đẩy mạnh. Đến năm học 2015-2016, Hà Nội có 11 trường có quyết định công nhận là trường Chất lượng cao. Tổng số trường đạt Chuẩn quốc gia là 1.135 trường, trong đó tỷ lệ trường đạt CQG toàn Thành phố là 44,8%, tỷ lệ công lập là 52,7%.
Năm học 2016-2017, ngành GD&ĐT Hà Nội sẽ tập trung thực hiện tốt 7 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Rà soát sắp xếp mạng lưới trường lớp, hoàn thiện quy hoạch tổng thể hệ thống giáo dục trên toàn Thành phố; Đổi mới công tác quản lý giáo dục và đào tạo; Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy, học và công tác quản lý giáo dục; Đầu tư cơ sở vật chất và tăng nguồn lực cho phát triển giáo dục…
Chú trọng giáo dục kỹ năng sống, sẵn sàng hội nhập quốc tế
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chúc mừng những kết quả mà thầy và trò ngành GD&ĐT Hà Nội đạt được trong năm học vừa qua. Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định: Ngành GD&ĐT có vai trò vô cùng quan trọng, dạy học hơn 1,7 triệu học sinh, chiếm ¼ dân số thành phố. Hà Nội xác định việc đầu tư cho giáo dục là việc trọng tâm và quan trọng trong 5 năm tới. Ngay từ đầu năm 2016, thành phố đã đầu tư xây dựng 26 trường tại 13 quận, huyện, và tháng 9 tới sẽ đầu tư xây dựng 40 trường. Trong quá trình xây dựng, chú ý tới tất cả các tiêu chuẩn, từ bảng viết, chỗ ngồi, lớp học... nhằm tạo ra không gian để học sinh được học trong điều kiện học tập tốt nhất. Hà Nội cũng đã rà soát toàn bộ quỹ đất hiện có, kể cả những quận khó về đất như Hoàn Kiếm để xây dựng trường học.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội nghị
Chủ tịch UBND TP khẳng định: Chúng ta đang bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế, ngành GD&ĐT đang thực hiện Nghị quyết 29 của BCH TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Hà Nội là Thủ đô của cả nước, tiêu chuẩn về giáo dục phải cao hơn các địa phương khác, không chỉ dừng lại ở mục tiêu đạt chuẩn quốc gia, phải phấn đấu để bằng tú tài của học sinh Hà Nội được thế giới công nhận. Học sinh ra trường không phải mất thời gian học lại ngoại ngữ, học thêm vài năm để được cấp bằng tú tài quốc tế. Để làm được điều này, Hà Nội vẫn áp dụng chương trình giáo dục của Bộ GD&ĐT, tuy nhiên cần bổ sung thêm chương trình nâng cao, đạt chuẩn quốc tế.
Chủ tịch UBND TP đề nghị ngành GD&ĐT Hà Nội trong năm học 2016 – 2017 thực hiện tốt chủ trương, kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp của Bộ GD&ĐT. Đặc biệt, cùng với công tác giáo dục kiến thức cho học sinh, giáo dục phải gieo cho các em lòng nhân ái, sự sáng tạo, khả năng tự lập. Các trường cần tổ chức các cuộc thi phát huy tính sáng tạo của các em; quan tâm giáo dục Luật an toàn giao thông cho học sinh. Tối thiểu một năm cần có 1 tuần giáo dục cho các em Luật giao thông đường bộ. Từ đó có sự lan tỏa tới gia đình, xã hội; giảm tỷ lệ học sinh đeo kính; giáo dục cho các em ý thức bảo vệ môi trường…
Về công tác quản lý, ngành GD&ĐT Hà Nội cần tổ chức nhiều cuộc thi kỹ năng quản lý của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng. Các cơ sở giáo dục phải minh bạch thu chi để CMHS nắm được sự đóng góp của họ là xứng đáng. Đặc biệt, từ 5/9 Hà Nội sẽ quản lý hơn 1,7 triệu học sinh bằng học bạ điện tử. Để làm tốt việc này, cũng như việc tuyển sinh đầu cấp qua mạng điện tử, đòi hỏi cán bộ quản lý, giáo viên các nhà trường phải nghiêm túc, tích cực và năng động.
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết: Thời gian tới, Hà Nội sẽ dành ngân sách để xây dựng trung tâm đào tạo kỹ năng sống. Học sinh THCS và THPT phải đến đó để học tập và rèn luyện ít nhất 1 tuần/năm học. Đây chính là điểm riêng của giáo dục Hà Nội. Từ đầu tháng 9, Hà Nội đã thống kê hơn 28 nghìn cây xanh để trồng tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thủ đô. Bên cạnh đó, sẽ đầu tư chăm lo cho sức khỏe học sinh. Mục tiêu đề ra là năm 2017 – 2018 hoàn thành việc cung cấp nước sạch cho học sinh và xây dựng khu nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn cho các em.
PCT UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý trao Bằng khen của UBND TP cho các đơn vị
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ khẳng định: Năm học 2016 – 2017, ngành GD&ĐT Hà Nội sẽ thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, và của thành phố Hà Nội. Đặc biệt, ngành sẽ chú trọng tới những nội dung của Nghị quyết 29 về công tác đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục. Ngành đã đề ra 7 nhiệm vụ trọng tâm trong năm học, trong đó chú trọng đặc biệt đến đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục. Cụ thể, phải đổi mới phương pháp theo hướng phát huy tính tích cực chủ động sáng tạo của học sinh.
Giám đốc Sở cũng đề nghị sau hội nghị này, mỗi ngành học, mỗi quận huyện đều tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới 2016 – 2017 để chỉ đạo tới từng hiệu trưởng các đơn vị nắm rõ và thực hiện đúng chủ trương, kế hoạch phát triển giáo dục năm học mới.
Tại hội nghị, Sở GD&ĐT Hà Nội đã được Bộ GD&ĐT trao Cờ thi đua Xuất sắc; UBND Thành phố Hà Nội trao Cờ thi đua Xuất sắc cho 40 đơn vị là các nhà trường, các phòng GD và trao Bằng khen cho 26 đơn vị.