Khơi gợi tình yêu âm nhạc cho học trò
Theo tổng kết của Sở GDĐT Hà Nội, thực hiện phong trào hát ca khúc thiếu nhi năm 2019, các trường tiểu học trên địa bàn Thành phố đã dạy cho học sinh hát một số bài hát trong tuyển tập các ca khúc thiếu nhi được nhiều thế hệ học sinh yêu thích, kết hợp với các bài hát truyền thống của trường vào những giờ sinh hoạt tập thể, ngoại khóa, giờ tăng cường môn Âm nhạc. Nhiều trường đã dàn dựng cho học sinh múa hát tập thể, quay video ca nhạc công phu, tạo sự gần gũi với học sinh. Tất cả đã góp phần tạo không khí sôi nổi cho các em mỗi ngày đến trường và khơi gợi lên tình yêu âm nhạc trong mỗi học trò.
NGƯT.TS Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ GDĐT phát biểu tại hội nghị
Về phong trào sáng tác ca khúc dành cho thiếu nhi, Ban tổ chức đã nhận được 119 ca khúc với nội dung phong phú như: ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi quê hương, đất nước, bảo vệ chủ quyền biển đảo, tình yêu Hà Nội, viết về thầy cô và mái trường…
PGĐ Sở GDĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến trao Giấy khen cho các phòng GDĐT đạt thành tích trong thực hiện phong trào
Thành viên Hội đồng thẩm định gồm Ban giám đốc Sở GDĐT Hà Nội, các phòng chuyên môn của Sở và các nhạc sĩ chuyên nghiệp, uy tín của Hội nhạc sĩ Việt Nam như nhạc sĩ Hoàng Lân, nhạc sĩ Trần Nhật Dương, nhạc sĩ Lại Hồng Phong đã lựa chọn và xếp giải cho 17 ca khúc, trong đó có 5 ca khúc xếp loại A, 6 ca khúc xếp loại B và 6 ca khúc xếp loại C.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ trao Giấy khen của Sở GDĐT Hà Nội cho các tác giả có tác phẩm đoạt giải A
Phong trào “Hát và sáng tác ca khúc dành cho thiếu nhi” năm 2019 đánh dấu chặng đường 5 năm tổ chức của ngành GDĐT Hà Nội. Bắt đầu được phát động trong các tường tiểu học của thành phố Hà Nội từ năm 2015, phong trào này đã tạo cho học sinh một sân chơi bổ ích, lành mạnh, có chiều sâu trí tuệ, từ đó giúp các em phát triển toàn diện (đức, trí, thể, mĩ). Phong trào đã có sự lan tỏa mạnh mẽ, bằng chứng là không chỉ có các giáo viên sáng tác các ca khúc cho thiếu nhi mà Ban tổ chức còn nhận được 20 bài hát do các cựu giáo chức viết. Đặc biệt hơn, nhiều học sinh dù còn nhỏ tuổi nhưng cũng đã tự sáng tác các bài hát và gửi tham gia phong trào.
Mở rộng xã hội hóa trong việc tổ chức phong trào
Đánh giá về phong trào “Hát và sáng tác ca khúc dành cho thiếu nhi”, nhạc sĩ Hoàng Lân – thành viên Hội đồng thẩm định nhận định: “Đây là hoạt động thiết thực và đáng quý. Cho đến nay theo tôi biết thì trên cả nước mới có Sở GDĐT Hà Nội tổ chức được phong trào này. Mỗi mùa tổ chức, số lượng và chất lượng sáng tác lại càng tăng lên”. Nhạc sĩ Hoàng Lân mong Sở GDĐT Hà Nội mở rộng đối tượng tham gia, không chỉ có giáo viên Hà Nội mà còn từ các tỉnh thành khác, đồng thời người lao động của nhiều ngành nghề khác có sáng tác dành cho thiếu nhi cũng có thể tham gia.
Các tác giả có tác phẩm đoạt giải B nhận Giấy khen của Sở GDĐT Hà Nội
Phát biểu tại hội nghị, NGƯT.TS Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ GDĐT khẳng định: “Âm nhạc có vai trò rất lớn trong việc hình thành nhân cách của thiếu nhi. Bộ đang thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông, định hình 5 phẩm chất chủ yếu và 10 năng lực cần có của học sinh. Trong số đó, có những phẩm chất cần được hình thành qua âm nhạc. Trong số 10 năng lực có năng lực thẩm mỹ nghệ thuật. Phong trào Hát và sáng tác ca khúc dành cho thiếu nhi không chỉ tạo sân chơi bổ ích mà còn góp phần đổi mới dạy và học môn Âm nhạc”.
Các tác giả có tác phẩm đoạt giải C nhận Giấy khen của Sở GDĐT Hà Nội
Một số hình ảnh học sinh biểu diễn các sáng tác của giáo viên Hà Nội
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: Sáng tác ca khúc cho thiếu nhi là việc không dễ, phải thấu hiểu các em. Vì vậy, thời gian tới, Sở GDĐT Hà Nội cần tổ chức các lớp tập huấn, để các thầy cô biết cách viết cho thiếu nhi. Ngoài ra, cần thực hiện xã hội hoá trong việc tổ chức phong trào. Cụ thể, đối tượng tham gia rộng, không chỉ giới hạn trong giáo viên. Đồng thời, tìm kiếm, vận động những mạnh thường quân tài trợ cho cuộc thi, mang đến giải thưởng giá trị, khích lệ và tạo động lực cho các tác giả.