Năm học 2018 - 2019, Hà Nội có 2.689 trường và 1.986.809 học sinh (tăng 48 trường và tăng gần 110.000 học sinh). Trong đó, công lập có 2.182 trường với 1.734.596 học sinh và trường tư thục có 507 trường với 252.213 học sinh. Ngoài ra, năm học này, Hà Nội có thêm 9 trường THPT đưa vào hoạt động (trong đó có 2 trường công lập, 1 trường công lập tự chủ và 6 trường tư thục). Toàn TP đã cải tạo, sửa chữa được 387 trường học các cấp và xây dựng chống xuống cấp cho 40 trường để đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất trong năm học mới.
Thời gian qua, Sở GD&ĐT đã trao kinh phí hỗ khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt cho 2 trường của huyện Quốc Oai mỗi trường 100 triệu đồng và 5 trường của huyện Chương Mỹ mỗi trường 200 triệu đồng… Nhờ đó, công tác chuẩn bị cho năm học mới ở những huyện bị úng ngập đến nay đã hoàn tất.
Phó Giám đốc Lê Ngọc Quang phát biểu tại hội nghị
Năm học mới, ngành GD&ĐT Hà Nội triển khai 9 nhiệm vụ chủ yếu với 5 nhóm giải pháp cơ bản. Điểm mới đáng chú ý trong năm học này là ngành GD&ĐT Thủ đô sẽ tăng cường hội nhập quốc tế trong GD&ĐT, mở rộng mô hình đào tạo song bằng THCS Việt Nam – IGCSE, Cambridge ở 7 trường THCS; chương trình song bằng Tú tài THPT Quốc gia Việt Nam và Tú tài Anh quốc – Chứng chỉ A Level, Cambridge tại trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam… Cùng với đó, ngành sẽ tập trung triển khai Đề án Chương trình Sữa học đường nhằm nâng cao tầm vóc cho trẻ em mầm non và học sinh tiểu học; triển khai giảng dạy đại trà bộ tài liệu Giáo dục an toàn giao thông cho học sinh phổ thông; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành và trong các hoạt động của ngành, phấn đấu có 52 thủ tục hành chính đạt mức độ 3,4…
Tại hội nghị, đại diện các cơ quan báo chí đã đặt câu hỏi trao đổi xoay quanh các vấn đề: Tuyển sinh đầu cấp; giảng dạy bộ tài liệu ATGT trong trường học; chương trình song bằng; thiếu trường học trong các khu chung cư, đô thị; sĩ số học sinh ở nhiều nơi còn cao; tuyển dụng giáo viên… Trả lời các vấn đề này, đại diện lãnh đạo các phòng GD&ĐT, đại diện phòng tham mưu của Sở GD&ĐT Hà Nội đã nêu rõ: Hà Nội hiện đảm bảo đủ số lượng giáo viên và đồng bộ về cơ cấu, đáp ứng theo yêu cầu dạy học thực tế; khi thực hiện chương trình phổ thông mới sẽ có sự bổ sung cho phù hợp. Hà Nội sẽ đẩy mạnh dạy và học ngoại ngữ trong trường học, đa dạng hóa các loại hình học tập, trong đó có mô hình trường chất lượng cao, chương trình song bằng thực hiện theo Luật Thủ đô. Việc giảng dạy bộ tài liệu giáo dục ATGT trong trường học nhằm giáo dục ý thức về ATGT cho học sinh, hướng các em trở thành những tuyên truyền viên phổ biến văn hóa giao thông đến với gia đình và xã hội… Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang nhấn mạnh: Hà Nội hiện đang khẩn trương rà soát quy hoạch mạng lưới trường học đến từng phường, xã trên địa bàn thành phố để có sự điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu thực tế, từng bước giảm sĩ số học sinh ở một số địa phương. Các nhiệm vụ của năm học được xây dựng, trong đó có nhiều điểm mới đều nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho việc dạy và học theo hướng toàn diện, đổi mới và hội nhập…