Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2017-2018, được sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, UBND Thành phố, ngành GD&ĐT Hà Nội đã triển khai tốt các nhiệm vụ trọng tâm năm học và đã đạt được những kết quả toàn diện. Với tinh thần chủ động tích cực, ngành tiếp tục tham mưu với Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố đề xuất các chỉ tiêu về phát triển giáo dục và đào tạo, các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục được đầu tư tốt hơn.
Năm học vừa qua, ngành GD&ĐT Hà Nội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng và công nhận trường đạt CQG năm 2017 là 80/130 trường đạt 162,5% kế hoạch, nâng tỷ lệ trường đạt CQG toàn Thành phố lên 52%, trong đó công lập là 62%. Chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng giáo dục mũi nhọn có chuyển biến mạnh mẽ và rõ nét. Đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên được tăng cường, đảm bảo chất lượng chuyên môn và năng lực sư phạm. Công tác quản lý, kiểm tra đánh giá không ngừng được đổi mới. Các hoạt động, phong trào thi đua được tổ chức sôi nổi, thiết thực, có ý nghĩa.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang phát biểu tại hội nghị giao ban
Chuẩn bị cho năm học 2018-2019, công tác thi và tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6, lớp 10 đã được ngành GD&ĐT Hà Nội chuẩn bị kỹ càng. Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, Hà Nội có tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 79.625 TS với tổng số điểm thi dự kiến là 123 điểm, 3.363 phòng thi. Ngành điều động 7.775 cán bộ giảng viên, giáo viên tham gia làm công tác coi thi và 1.230 cán bộ, nhân viên phục vụ đảm bảo an ninh cho các điểm thi.
Để chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ năm học 2018 - 2019, trên địa bàn các quận, huyện, thị xã của TP đã xây mới và thành lập mới được 70 trường học các cấp học. Đối với khối trực thuộc đã thành lập mới 7 trường THPT. Ngoài ra, toàn TP đã cải tạo, sửa chữa được 387 trường học các cấp học với 2.450 phòng học được xây mới và 2.552 phòng học cải tạo, sửa chữa …
Công tác ĐTBD tiếp tục được lãnh đạo các cấp quan tâm chỉ đạo với mục tiêu tổ chức tốt việc bồi dưỡng cho CBQL và giáo viên về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học và lý luận chính trị. Thực hiện kế hoạch của Bộ GD&ĐT về việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cơ sở, giáo viên phổ thông thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, Sở GD&ĐT đang xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cho giáo viên theo lộ trình của Bộ, tăng cường triển khai bồi dưỡng qua mạng cho giáo viên đại trà để đảm bảo 100% đội ngũ giáo viên được bồi dưỡng trước khi bắt đầu triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới đối với từng cấp học. Tới thời điểm hiện tại, ngành GD&ĐT Hà Nội đã chuẩn bị tốt mọi điều kiện về đội ngũ CBQL, giáo viên và nhân viên cho năm học 2018-2019.
Tại Hội nghị, báo chí quan tâm trao đổi các nội dung liên quan đến công tác tuyển sinh vào lớp 6, lớp 10; tăng học phí, chương trình tuyển sinh song bằng, tiếng Anh liên kết, đánh giá việc giảng dạy Bộ tài liệu giáo dục nếp sống thanh lịch,văn minh cho học sinh Hà Nội…
Giải đáp những vấn đề này, đại diện Ban Giám đốc và các phòng liên quan của Sở GD&ĐT Hà Nội đã thông tin đầy đủ, cụ thể những nội dung mà báo chí quan tâm.
Trước câu hỏi về việc nhiều cha mẹ học sinh cho con em học thêm để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển vào lớp 6 THCS nhưng sau đó Sở GD&ĐT lại thay đổi hình thức là xét tuyển, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Quốc Toản khẳng định, Sở chưa bao giờ có văn bản có hướng dẫn tuyển sinh THCS bằng phương thức thi tuyển.
Hiện, Sở GD&ĐT vẫn hướng dẫn các trường thực hiện phương thức xét tuyển học bạ học sinh. Tuy nhiên, thực hiện Quy chế sửa đổi bổ sung của Bộ GD&ĐT về tuyển sinh THCS, THPT, năm nay, các trường THCS có số học sinh dự tuyển nhiều hơn so với chỉ tiêu thì có thể lựa chọn một trong hai phương thức: Xét tuyển học bạ hoặc kết hợp xét tuyển học bạ với kiểm tra đánh giá năng lực học sinh. Các nhà trường xây dựng kế hoạch tuyển sinh (trong đó nêu rõ phương thức tuyển sinh) báo cáo với phòng GD&ĐT để trình UBND quận, huyện, thị xã phê duyệt.
Trước tình hình số lượng học sinh thi vào lớp 10 tăng đột biến, gây áp lực căng thẳng cho các bậc phụ huynh và công tác tổ chức tuyển sinh, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Quốc Toản cho biết, để đáp ứng chỗ học cho học sinh THPT, Hà Nội đã thành lập mới 7 trường THPT, đầu tư cải tạo các trường THPT xuống cấp, cơ bản đáp ứng chỗ học cho học sinh THPT.
Ngoài ra, một trong những điểm mới của công tác tuyển sinh năm nay tại Hà Nội là cho phép các trường THPT ngoài công lập và trường THPT công lập tự chủ tài chính được thực hiện tuyển sinh bằng cách xét tuyển học bạ. Vì vậy, những học sinh chỉ có nhu cầu học trường ngoài công lập hoặc trường công lập tự chủ tài chính không cần tham gia tuyển sinh vào lớp 10. Đến nay, số học sinh đăng ký thi là 94.499 học sinh, đã giảm gần 10.000 học sinh so với thống kê trước đó, giảm áp lực đáng kể cho học sinh tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Chưa kể, Hà Nội có 712 cơ sở các trường THCS, THPT công lập đủ tiêu chuẩn làm điểm thi nhưng mới chỉ sử dụng đến 185 điểm, vì thế không có áp lực tổ chức thi THPT như nhiều phụ huynh lo lắng.
Về dự kiến tăng học phí trong năm học 2018 – 2019, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Viết Cẩn cho biết, Sở GD&ĐT và Sở Tài chính đã có tờ trình TP về phương án tăng học phí. Việc thực hiện tăng học phí dựa trên các nguyên tắc phải phù hợp đời sống người dân trên địa bàn, theo đúng lộ trình được HĐND TP đề ra và đảm bảo đầu tư tốt hơn cho giáo dục. Mức tăng không vượt quá 2% thu nhập của người dân. Đảm bảo tất cả đối tượng chính sách được miễn giảm học phí. Theo đó, mức thu học phí dự kiến trong năm học mới với khối các trường nội thành là 155.000 đồng/học sinh/tháng, học sinh nông thôn 75.000 đồng/học sinh/tháng, học sinh miền núi 19.000 đồng/học sinh/tháng.
Phát biểu chỉ đạo buổi giao ban, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Trần Xuân Hà ghi nhận và đánh giá cao những kết quả ngành GD&ĐT Hà Nội đạt được trong năm học 2017-2018. Phó Trưởng ban nhấn mạnh: Báo chí cần đồng hành cùng ngành giáo dục trong việc thông tin, tuyên truyền một cách toàn diện, đặc biệt là về công tác tuyển sinh đầu cấp cho năm học mới với phương châm không để một học sinh nào không có chỗ học; Cập nhật phản ánh các điều kiện học tập cho năm học mới; bám sát đẩy mạnh tuyên truyền về việc phối hợp giữa gia đình – nhà trường và xã hội; Lan tỏa tấm gương của các tập thể, các thầy cô giáo cũng như học sinh đến toàn xã hội.