Nâng chuẩn giáo viên phù hợp với yêu cầu đào tạo ra nhà giáo dục chứ không phải ra “thợ dạy”
*Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV đã thông qua dự án Luật Giáo dục năm 2019. Luật Giáo dục năm 2019 quy định về hệ thống giáo dục quốc dân; cơ sở giáo dục, nhà giáo, người học; quản lý nhà nước về giáo dục; quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động giáo dục. Xin TS cho biết ý kiến của mình về những điểm mới trong Luật giáo dục năm 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020?
- Theo tôi, có thể nói điểm mới lớn thứ nhất trong Luật giáo dục năm 2019 là có sự thay đổi trong tiếp cận giáo dục, đặc biệt với giáo dục phổ thông, đó là chuyển từ cách tiếp cận cũ -tiếp cận nội dung sang tiếp cận mới phù hợp với xu thế thời đại hơn là phát triển năng lực. Chương trình giáo dục phổ thông mới mà Bộ GDĐT đã công bố cũng chuyển hướng sang tiếp cận năng lực. Vậy tiếp cận năng lực là gì? Tiếp cận nội dung là cách tiếp cận theo hướng phát triển mang tính đồng loạt, còn tiếp cận năng lực hướng tới ưu tiên phát triển năng lực của từng cá nhân, nó sẽ phát huy năng lực của mỗi cá nhân chứ không chỉ tạo ra cái gì đó cho chung tất cả. Bởi mỗi người học có những sở trường khác nhau, có hướng phát triển khác nhau, đây là cách tiếp cận rất đúng và phù hợp với xu thế. Tuy nhiên, có một điều mà tôi băn khoăn là giáo dục Việt Nam từ nhiều thế hệ trước đến nay, những người làm công tác quản lý giáo dục và làm công tác giảng dạy đa số trưởng thành và phát triển theo hướng tiếp cận nội dung, phát triển năng lực là cách tiếp cận rất mới đối với đội ngũ CBGV, bởi vậy đội ngũ các nhà quản lý, giáo viên cần phải có sự thay đổi để dạy học theo cách tiếp cận mới này, nếu không sẽ lại quay về cách dạy theo hướng tiếp cận cũ. Theo tôi, đó cũng chính là một thách thức với giáo dục Việt Nam.
Cũng theo hướng tiếp cận này, mới đây, trong hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói: các trường sư phạm phải đào tạo ra nhà giáo dục chứ không phải là thợ dạy. Vậy thay đổi này được thể hiện như thế nào trong Luật giáo dục năm 2019. Theo luật giáo dục cũ, trình độ chuẩn của giáo viên MN, TH là trung cấp sư phạm, trình độ chuẩn của giáo viên THCS là cao đẳng và THPT là đại học. Trong Luật mới, trình độ chuẩn giáo viên đã thay đổi hẳn, cụ thể trình độ chuẩn giáo viên MN là cao đẳng sư phạm trở lên, còn giáo viên TH, THCS, THPT phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên. Việc nâng chuẩn này rất phù hợp với yêu cầu đào tạo ra các nhà giáo dục. Bởi nếu như chỉ đào tạo ra những người truyền thụ kiến thức chuyên môn thì yêu cầu chuẩn như cũ là vừa, nhưng nếu yêu cầu đào tạo ra những nhà giáo dục thì những nhà giáo dục đó phải am hiểu về giáo dục học, về tâm lý lứa tuổi, về đo lường và đánh giá trong giáo dục cũng như rất nhiều vấn đề khác… do đó đòi hỏi trình độ của họ phải cao hơn, sâu hơn thì mới có thể làm được công việc của một nhà giáo dục.
Ví dụ ở Phần Lan, trình độ chuẩn của giáo viên tiểu học là trình độ thạc sỹ, những hiểu biết về giáo dục học, sư phạm học lứa tuổi của họ rất uyên thâm chứ không chỉ dựa vào sách giáo khoa và chương trình do các cơ quan quản lý giáo dục biên soạn, phát hành. Nhiệm vụ của giáo viên tiểu học ở Phần Lan là phải phát triển được chương trình cho từng đối tượng học sinh dựa trên năng lực của các học sinh đó. Mỗi học sinh trong lớp có một tiêu chí khác nhau để phát triển tối đa năng lực của mình. Đấy mới là cách dạy tiếp cận năng lực học sinh. Nếu giáo viên không làm được điều đó thì vẫn chỉ là dạy theo hướng tiếp cận nội dung. Vì vậy, các nhà quản lý, giáo viên của chúng ta phải thay đổi thói quen và cách nghĩ, phải nâng cao năng lực của mình để đáp ứng với yêu cầu mới.
Về điểm mới thứ hai có liên quan đến hệ thống giáo dục, tôi thấy trong Luật quy định chưa được rõ ràng, nó dường như là một hệ thống giáo dục không nhất quán vì đây là cắt ghép của hai mảng giáo dục, một là giáo dục thông thường và thứ hai là giáo dục nghề nghiệp. Hai mảng này không thống nhất trong quản lý nhà nước mà chia ra làm hai cơ quan quản lý, như thế hệ thống giáo dục của chúng ta là cắt ghép lại với nhau. Hậu quả của việc cắt ghép là không chủ động để phát triển được cơ cấu nhân lực và nó có thể tạo ra cơ cấu nhân lực méo mó. Mỗi bên chạy theo một hướng khác nhau. VD hệ thống giáo dục quen thuộc sắp xếp theo trình độ học vấn, hết lớp 1 lên lớp 2, rồi lên lớp 3…; hết tiểu học lên THCS rồi lên THPT… điều này phù hợp với quy định của UNESCO gọi là “Phân loại tiêu chuẩn quốc tế về giáo dục - 2011”, có hiệu lực trên toàn thế giới bắt đầu từ năm 2014. Nó cho phép so sánh được các chương trình đào tạo của nước này hay nước khác, của trường này hay trường khác có tương đương hay không. Đấy là hệ thống giáo dục chúng ta vốn đã có. Còn hệ thống giáo dục thứ hai là hệ thống giáo dục nghề nghiệp lại sắp xếp theo kỹ năng nghề nghiệp của người được đào tạo. VD sơ cấp lên trung cấp, sau đó có thể học lên cao đẳng, liên quan đến tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp của người được đào tạo, có thể không liên quan nhiều đến trình độ học vấn. Theo tôi, hai hệ thống khác nhau phải có cách lồng ghép như thế nào đó cho thống nhất. Ngoài ra, ở hệ thống giáo dục xuất hiện trình độ cao đẳng trong giáo dục nghề nghiệp nhưng cao đẳng nghề nghiệp của chúng ta lại không phù hợp với thông lệ chung của quốc tế mà nó thấp hơn so với cao đẳng của quốc tế. Điều đó được thể hiện ở mấy điểm sau:
Thứ nhất theo quy định trong Luật giáo dục năm 2019, cao đẳng không thuộc về giáo dục đại học, trong khi trên thế giới trình độ cao đẳng thuộc giáo dục đại học. Như thế trình độ cao đẳng của chúng ta thấp hơn so với trình độ cao đẳng thế giới công nhận.
Thứ hai, theo điều 34 của Luật giáo dục, điều kiện đầu vào của cao đẳng cũng thấp hơn so với thông lệ chung của thế giới. Thông lệ chung của thế giới là phải tốt nghiệp THPT hoặc tương đương (VD: Trung học chuyên nghiệp, Trung học nghề), điều 34 của Luật giáo dục quy định người học không cần tốt nghiệp THPT mà chỉ cần học qua chương trình giáo dục phổ thông để nhận được giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT. Nếu học một chương trình mà không có đánh giá thì làm sao có thể biết người học hoàn thành hay không hoàn thành. Điều đó đã hạ thấp đầu vào của cao đẳng.
Một quy định nữa ở điều 34 là để vào được cao đẳng, người học có thể không cần phải học chương trình THPT mà chỉ cần có giấy chứng nhận hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa THPT tối thiểu, các trường dạy nghề chịu trách nhiệm đào tạo và cấp giấy chứng nhận này, quy định như vậy rất lỏng lẻo. Theo tôi, nếu không triển khai nghiêm túc, cẩn thận sẽ hạ thấp trình độ cao đẳng của chúng ta. Trình độ cao đẳng Việt Nam chỉ là của Việt Nam chứ không phải là trình độ cao đẳng của thế giới, của hội nhập, đương nhiên sẽ không được quốc tế công nhận.
*Về vị trí, vai trò của nhà giáo, Luật quy định rõ: “Nhà giáo có vai trò quyết định bảo đảm chất lượng giáo dục, có vị thế quan trọng trong xã hội, được xã hội tôn vinh” (Khoản 2 Điều 66). Điều này cho thấy Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá rất cao vai trò, vị trí của nhà giáo trong mối quan hệ đối với xã hội và sự nghiệp giáo dục. Thực tế thì sự ghi nhận đã thật sự xứng đáng chưa, thưa TS?
- Đúng là vai trò của nhà giáo trong Luật giáo dục năm 2019 đã được khẳng định một cách rõ ràng. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nói nhà giáo không phải là thợ dạy mà phải là nhà giáo dục, như vậy vị thế của nhà giáo đã được nâng tầm. Trong Luật giáo dục, trình độ chuẩn của giáo viên cũng đã được nâng lên. Đấy là điều mà chúng ta hướng tới. Còn hiện tại, rõ ràng sự ghi nhận thật sự chưa tương xứng, điều đó thể hiện ở việc thời gian vừa qua có những giáo viên đã bỏ nghề, sinh viên cũng không mặn mà với ngành sư phạm.
* Luật giáo dục năm 2019 quy định học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học. Người được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sau 02 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí nhà nước đã hỗ trợ. Ý kiến của TS về vấn đề này, bởi thực tế hiện nay, sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp nhiều?
- Có thể thấy, quy định này là để khuyến khích mọi người đi theo nghề giáo. Lâu nay, sinh viên sư phạm vẫn không phải đóng học phí, nhưng, tại sao hiện nay các em lại không thích sư phạm?. Nguyên nhân chính là do tương lai của nghề sư phạm rất mong manh. Sư phạm là một ngành rất hay, hấp dẫn, trước đây khi chúng ta có những chính sách thay đổi về lương, đối tượng giáo viên… điểm đầu vào một số ngành học của sư phạm rất cao. Tuy nhiên, hiện nay, điểm đầu vào cao lại tập trung ở ngành công an, quân đội là bởi các ngành này ra trường có việc làm, chế độ đãi ngộ tốt. Trở lại quy định của Luật giáo dục, sinh viên được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sau 2 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí nhà nước đã hỗ trợ. Theo tôi, quy định này cần phải sửa trước khi Luật đi vào cuộc sống, bởi sau hai năm được phân công công việc nếu các em không làm thì mới phải bồi hoàn, còn nếu các em không xin được việc làm trong ngành giáo dục lại là chuyện khác.
Gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương với việc đào tạo giáo viên trên địa bàn
*Theo TS, đâu là nguyên nhân của việc sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm và chúng ta phải làm gì để giải quyết tình trạng này?
- Những năm vừa qua chúng ta định hướng vào ngành sư phạm là định hướng ngay từ đầu. Nghĩa là đã vào sư phạm là học sư phạm. Trước đây, sinh viên khi vào trường, học giáo dục đại cương ở giai đoạn 1, sau đó giai đoạn 2 mới phân theo ngành nghề. Còn bây giờ đã vào sư phạm phải theo sư phạm, nếu như vậy thì cơ chế lại phải khác. Chỉ tiêu phải xuất phát từ nhu cầu thực tế. Vì chỉ tiêu đào tạo sư phạm của chúng ta không gắn với nhu cầu thực tế nên sinh viên ra trường nhiều em không có việc làm, dẫn đến các em phải làm lao động giản đơn, thu nhập thấp. Rõ ràng, chúng ta cần phải xem lại chính sách phát triển, nếu định hướng ngay từ đầu vào sư phạm thì phải gắn liền với chỉ tiêu và đơn đặt hàng. Nhưng ai là người đặt hàng phải có câu trả lời. Từ trước đến nay, trong ngành sư phạm, đặt hàng là một đơn vị, tuyển dụng lại là đơn vị khác, cuối cùng không có ai chịu trách nhiệm.
Ở đây, chúng ta nên nhìn nhận một vấn đề, người biết rõ nhất nhu cầu về giáo viên của địa phương chính là lãnh đạo địa phương, do đó phải gắn trách nhiệm đào tạo cho chính quyền địa phương bởi chính quyền địa phương nắm rõ trên địa bàn của họ thừa thiếu giáo viên như thế nào, họ tính được hàng năm. Cho nên, theo tôi đối với giáo viên THPT có thể do Bộ GDĐT quản lý vì số lượng không nhiều, Bộ có thể điều động các trường đào tạo. Còn các địa phương đều có các trường cao đẳng, trung cấp sư phạm trực thuộc nên việc đào tạo giáo viên MN, TH và cả giáo viên THCS nên giao cho địa phương quản lý, từ việc giao nhiệm vụ, đến việc phân bổ chỉ tiêu cho từng trường, từng cơ sở giáo dục trong tỉnh, khi sinh viên ra trường thừa, trách nhiệm sẽ thuộc về lãnh đạo địa phương chứ không phải Bộ GDĐT. Bộ GDĐT chỉ chịu trách nhiệm về việc chỉ đạo đảm bảo chiến lược sư phạm, chất lượng chương trình chứ không làm nhiệm vụ phân bổ giáo viên. Nếu chúng ta làm được như vậy sẽ giải quyết được tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm.
*Để có thể tuyển được người tài vào sư phạm, chúng ta cần phải có thêm những chính sách gì, thưa TS?
- Như trên tôi đã nói, chính sách đầu tiên là phải bảo đảm chắc chắn cho sinh viên sư phạm ra trường có việc làm. Thứ hai là chúng ta phải nâng dần chế độ đãi ngộ đối với giáo viên. Tuy nhiên, việc nâng này không phải là nâng đột biến, nhưng cũng không thể quá chậm. Như vậy, học sinh khá giỏi sẽ vào sư phạm bởi chắc chắn có việc làm và thu nhập cũng không đến nỗi nào.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên thay đổi quy trình tuyển giáo viên mà như ở rất nhiều nước phát triển đã làm. Đó là tuyển sinh viên có kết quả học tập tốt ở tất cả các ngành như Toán, Lý, Hóa, các ngành về cơ khí, chăn nuôi, trồng trọt… chứ không phải sinh viên học ngành sư phạm. Tuyển những sinh viên đã tốt nghiệp hoặc cả những người đang làm việc ở ngành nghề khác nhưng thực sự yêu thích nghề giáo, rồi tổ chức đào tạo về sư phạm cho họ (ở các nước đào tạo trong khoảng 1 năm). Như vậy sẽ đỡ mất chi phí hỗ trợ cho họ trong quá trình học đại học mà chỉ mất chi phí đào tạo trong một khoảng thời gian ngắn. Theo tôi, đấy là một phương án ít tốn kém mà lại chọn được người tài vào sư phạm.
*Bộ GDĐT đã xây dựng dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm và thành lập một số trường sư phạm trọng điểm, TS có suy nghĩ gì về việc này?
- Theo Đề án sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm của Bộ GDĐT, cả nước trước mắt chỉ hình thành 2 trường sư phạm trọng điểm mà lấy gốc là 2 trường Sư phạm Hà Nội và Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Và gộp thêm một số trường sư phạm khác để hình thành nên một Đại học Sư phạm lớn. Các trường sư phạm ở các địa phương thì thành phân hiệu của Đại học Sư phạm lớn, hoặc không làm nhiệm vụ đào tạo mà chỉ làm nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên. Đến sau năm 2025, sẽ thành lập thêm một Đại học Sư phạm trọng điểm thứ 3 nữa ở miền Trung.
Ảnh minh họa
Theo tôi, việc ghép các trường đại học cùng lĩnh vực với nhau thành một đại học lớn như đại học quốc gia là không ổn. Kinh nghiệm muốn giảm đầu mối là phải ghép các trường khác lĩnh vực với nhau để thành một đại học đa lĩnh vực, chứ ghép 3 hoặc 5 trường sư phạm với nhau thì cũng vẫn chỉ là một trường đại học sư phạm quy mô lớn hơn. Ghép như vậy sẽ không khả thi, bởi các trường đang hoạt động độc lập và có những thế mạnh của riêng mình, rất khó chấp nhận cho tổ chức, sắp xếp lại.
Các trường sư phạm ở địa phương thực tế chủ yếu đào tạo giáo viên MN, TH, THCS, còn các trường trọng điểm như Đại học Sư phạm Hà Nội truyền thống là đào tạo giáo viên THPT. Nếu xét về bề dày đào tạo giáo viên MN, TH, THCS thì các trường ở địa phương có ưu thế hơn. Nếu ghép thành phân hiệu của một trường có bề dày ít hơn, họ sẽ khó chấp nhận.
Theo tôi, về phân cấp, các trường ở địa phương lâu nay vẫn đào tạo giáo viên MN, TH, THCS thì vẫn giao nhiệm vụ đó cho họ, nhưng phải giao việc quản lý toàn diện cho lãnh đạo địa phương. Còn những trường như Đại học Sư phạm Hà Nội cùng với việc đào tạo giáo viên THPT sẽ tập trung làm nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên, giảng viên, đào tạo trình độ cao như đào tạo sau ĐH (thạc sĩ, tiến sĩ) bởi những trường ở địa phương không làm được việc đó. Ngoài ra, cũng nên nâng cấp các trường ở địa phương và hỗ trợ cho họ mở các trường thực hành chất lượng cao hoạt động theo cơ chế tự chủ.
Các trường Trung cấp Sư phạm thì giải thể là đúng, tuy nhiên trước khi giải thể nếu họ đủ điều kiện nâng lên được thành cao đẳng thì nâng lên, còn nếu sau một thời gian quy định không đủ điều kiện thì mới giải thể.
*Xin trân trọng cảm ơn TS!