Thu nhập của nhiều giáo viên còn thấp
Hiện nay, thang bảng lương của nhà giáo đã được xếp theo thang bảng lương chung tại Bảng lương số 3 của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP. Theo đó, lương của nhà giáo không thấp hơn so với những viên chức cùng loại (khối viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công có 4 loại: A, B, C và D thì nhà giáo được xếp từ bậc B trở lên). Đối với công chức là chuyên viên, giáo viên trung học có mức lương xuất phát điểm là 2,34 và cao nhất là 4,98. Công chức loại B, giáo viên Tiểu học, Mầm non có thang bậc lương từ 1,86 đến 4,06. Tuy nhiên, giáo viên Tiểu học, Mầm non cũng như tất cả các nhà giáo vẫn có những cơ hội, điều kiện để thăng hạng, nâng ngạch nên bảng lương sẽ tiếp tục được cải thiện theo quy định hiện nay. Như vậy, thang bảng lương đối với nhà giáo được đặt ở vị trí thống nhất tùy từng ngành nghề, trình độ đào tạo. Ngoài ra, trong những năm vừa qua, Chính phủ cũng rất quan tâm đến phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo với nhiều mức từ 25% đến 70%; phụ cấp thâm niên đã được thực hiện từ năm 2011 cho đến nay; nhà giáo công tác ở các địa phương, vùng, miền khác nhau thì có phụ cấp, trợ cấp khác nhau.
Ưu tiên tăng thu nhập cho giáo viên ở vùng khó khăn
Trao đổi với báo chí, ông Trần Kim Tự, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ (Bộ GD&ĐT) cho biết, chính sách tiền lương hiện nay với nhà giáo căn bản đã bám sát Nghị quyết Trung ương lần thứ 2 khóa VIII, Nghị quyết Trung ương lần thứ 8 khóa XI. Tuy nhiên, cùng với tình hình chung và so với cuộc sống hiện tại, thu nhập bằng lương của một bộ phận cán bộ, giáo viên còn thấp, đặc biệt là giáo viên mới, nhà giáo đang công tác ở những vùng, miền có điều kiện khó khăn. Ở một số nơi, theo phân cấp hiện hành và do thiếu chỉ tiêu biên chế, nhiều nhà giáo được cấp huyện ký hợp đồng ngoài chỉ tiêu biên chế, giáo viên hưởng lương theo bảng lương của Nhà nước thì có mức lương tương đương như những giáo viên khác. Tuy nhiên, có thể giáo viên đó không được hưởng chế độ phụ cấp dành cho nhà giáo (chẳng hạn phụ cấp thâm niên) .
Cũng theo ông Tự, với những giáo viên làm việc theo hợp đồng ở các trường học, do trường ký và trả lương theo thời vụ 9 đến 12 tháng thì lương của giáo viên lại phụ thuộc vào kinh phí của trường học. Như vậy, theo hợp đồng lương của giáo viên làm việc ở các trường không được tính theo thang bảng lương của Nhà nước, vì thế có tình huống là nhiều thầy cô giáo làm việc hợp đồng cho trường học nhiều năm nhưng lương chỉ khoảng một vài triệu đồng/tháng. Bất cập này không nằm ở chính sách lương mà nằm ở cơ chế tuyển dụng, chỉ tiêu biên chế.
Nỗ lực để cải thiện đời sống nhà giáo
Hiện nay, giáo viên mầm non có bậc lương còn thấp, đời sống còn khó khăn nên để tăng lương, giáo viên phải nâng cao trình độ, có thành tích đóng góp cho ngành để được nâng hạng. Công tác đào tạo giáo viên mầm non đã đạt trình độ đại học và sau đại học. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đặt vấn đề chuẩn là trình độ Trung cấp nên mặc dù sinh viên tốt nghiệp đại học ra là giáo viên mầm non nhưng lại hưởng mức lương còn thấp, khởi điểm là 1,86. Đối với giáo viên Tiểu học do chuẩn là trình độ Trung cấp và thực tế hiện nay phần lớn là đào tạo trình độ Cao đẳng nhưng vẫn xếp lương xuất phát điểm là 1,86 chứ không phải 2,1. Giáo viên THCS cũng được đặt theo chuẩn trình độ Cao đẳng vẫn hưởng lương 2,1 chứ không phải là 2,34 trong khi đa số đã đào tạo trình độ đại học. Ngoài ra, một bộ phận nhà giáo đang công tác ở cơ sở được điều về làm công tác quản lý ở phòng GD&ĐT; sở GD&ĐT nhưng lại chỉ được hưởng phụ cấp công vụ mà lại không được hưởng phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi.
Nhằm nâng thu nhập cho nhà giáo nói chung và giáo viên trực tiếp đứng lớp nói riêng, trong những năm qua, Bộ đã đề xuất và phối hợp với các bộ, ngành để đưa vào thực hiện một số chính sách. Theo đó, một công chức ngoài mức lương theo quy định trong thang bảng lương chung, có thêm phụ cấp công vụ 25% thì các nhà giáo ngoài lương có thêm phụ cấp ưu đãi (phụ cấp đứng lớp) với tỷ lệ bằng 25 - 70% mức lương, tùy theo địa bàn - lĩnh vực công tác và phụ cấp thâm niên (được tính cả khi GV đang công tác và khi nghỉ hưu).
Theo khảo sát của Bộ với mẫu trên 30.000 GV thì mức bình quân phụ cấp ưu đãi là 36% và phụ cấp thâm niên là 18% so với lương đang hưởng. Ngoài ra, với tham mưu của Bộ, Thủ tướng đã ban hành quyết định bảo lưu phụ cấp ưu đãi (tối đa 3 năm) cho các nhà giáo được điều động về các cơ quan quản lý (phòng GD&ĐT, sở GD&ĐT) làm công tác chuyên môn. Bộ cũng tham mưu để Thủ tướng ban hành quyết định hỗ trợ một lần cho các nhà giáo đã nghỉ hưu mà chưa được hưởng phụ cấp thâm niên trong lương hưu. Tính đến nay có hơn 191.500 nhà giáo trong diện này được hưởng trợ cấp 1 lần, tổng kinh phí là 2.236 tỉ đồng. Trung bình mỗi nhà giáo nhận được 11,5 triệu đồng.
Trong khi ngân sách có hạn mà việc tăng lương lại rất cần thiết, để thu hút học sinh và giáo viên giỏi gắn bó với nghề sư phạm, ông Tự cho biết: Chính sách chăm lo tăng thu nhập cho đội ngũ nhà giáo nên ưu tiên nhằm vào những người giỏi, những người có đóng góp xuất sắc phải được khen thưởng xứng đáng và có sự động viên về lương. Bên cạnh đó là những giáo viên có mức lương thấp mà lại làm việc vất vả hoặc giáo viên giảng dạy ở vùng đặc biệt khó khăn. Những đối tượng này thường là giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học mới vào nghề. Một đối tượng khác cũng cần quan tâm tăng thu nhập là những người phục vụ trong các trường học vì công việc của họ cũng khá vất vả nhưng mức lương lại thấp, xuất phát điểm chưa đến 2,0 mà lại không có phụ cấp gì.
Câu hỏi “Bao giờ giáo viên sống được bằng lương?” mới đây lại được hâm nóng tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII khi đại biểu Nguyễn Xuân Thủy (đoàn Phú Thọ) trăn trở, công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về lĩnh vực giáo dục còn nhiều nội dung chưa làm được, đó là cải cách chế độ tiền lương cho đội ngũ nhà giáo. “Hiện nay lương nhà giáo xếp thứ 14 trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp. Trong cải cách giáo dục, quan trọng nhất là yếu tố về con người, chính là đội ngũ nhà giáo, nếu không có người thầy giỏi sẽ không có học trò giỏi. Có thể thấy, vị trí, vai trò người thầy rất quan trọng. Vì vậy chúng ta phải thực sự thay đổi, cải cách chế độ cho nhà giáo hiện nay” – đại biểu Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh.