*Nhà giáo Phạm Đức Nam- Giám đốc Trung tâm nghề- giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố (quận Hoàn Kiếm):
Hạnh phúc vì được mang ánh sáng tri thức đến cho học trò
Những ngày đầu xuân, gặp nhà giáo Phạm Đức Nam- Giám đốc Trung tâm nghề- giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố, một trong những gương mặt tiêu biểu của Nhà giáo Thủ đô vừa vinh dự được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp Thành phố năm 2016”, thấy hiểu hơn về nỗ lực của những người thầy giáo đang ngày, đêm miệt mài dạy chữ, truyền kiến thức cho những học trò.
Nhà giáo Phạm Đức Nam (ngoài cùng hàng trên) cùng các học sinh khiếm thị
Tự hào khi nói về nơi mà Trung tâm đang hoạt động, nhà giáo Phạm Đức Nam cho biết: Thế hệ CBGV-NV chúng tôi ngày hôm nay luôn nhớ về sự khởi đầu của Trung tâm, nhớ đến tấm lòng hảo tâm của nhà văn hóa, nhà chí sĩ- liệt sĩ yêu nước Nguyễn Văn Tố đã hiến tặng tài sản của mình để chúng tôi có được ngôi trường ngày hôm nay. Nơi đây đã ra đời Hội Trí tri Bắc Kỳ vào năm 1898, sau đó là trụ sở của Hội truyền bá quốc ngữ, là cái nôi của Hội Quốc tế ngữ, một tổ chức xã hội quy tụ những tri thức hàng đầu như Nguyễn Văn Tố, Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Văn Huyên, Trần Huy Liệu… Tại đây đã mở được nhiều lớp bình dân học vụ, bổ túc văn hóa, cùng toàn dân xông vào mặt trận “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt”. Năm xưa, nhiều cụ trong CLB chiến sỹ diệt dốt đã từng được Bác Hồ phong tặng danh hiệu “anh hùng diệt dốt” - đó là cụ Nguyễn Trung Thiết.
Thầy Nam bộc bạch: Với truyền thống lịch sử hơn 1 thế kỷ, vinh dự, tự hào nhưng cũng là trách nhiệm lớn với các thế hệ thầy và trò Trung tâm để làm sao kế tục được sự nghiệp của những người đi trước, đồng thời đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ chính, đó là công tác xóa mù chữ, sau xóa mù chữ; bổ túc THCS, THPT, chương trình THPT thí điểm; dạy nghề phổ thông, dạy nghề hướng nghiệp, giáo dục cộng đồng, các CLB chuyên đề đáp ứng nhu cầu người học…
Lẩn khuất giữa phồn hoa đô thị, khu chợ đêm, những bến tầu xe vẫn còn nhiều mảnh đời bất hạnh. Những đứa trẻ lang thang, cơ nhỡ, gia đình ly tán… phải bỏ dở việc học lên Thành phố mưu sinh. Đau đáu trước những hình ảnh đáng thương ấy, giáo viên Trung tâm đã đến tận nơi vận động, tập trung các em lại, giúp các em học tập. Các lớp học lần lượt được mở ra, các thầy cô tạm gác lại những nhọc nhằn, bộn bề của cuộc sống để mang tri thức đến cho các em. Thầy Nam cho biết: Không ít em sau khi hoàn thành chương trình xóa mù chữ, tiếp tục hoàn thành chương trình bậc tiểu học, THCS, bổ túc THPT. Khi ra trường, có kiến thức trong tay, nhiều em đã tìm được việc làm phù hợp.
Say sưa nói về nghề, về trò, nhà giáo Phạm Đức Nam không chỉ muốn nói lên sự nỗ lực của thầy mà sau mỗi câu chuyện là cả sự trân trọng những nghị lực của trò, nhất là những học trò khuyết tật, trò khiếm thị, trò có hoàn cảnh khó khăn… Thầy Nam chia sẻ: Người khiếm thị rất thông minh, ham học, khát khao được trau dồi ánh sáng văn hóa. Tuy nhiên, cơ hội học tập với họ không nhiều, nhiều địa phương không có điều kiện giảng dạy cho đối tượng này, vì vậy họ phải chịu rất nhiều thiệt thòi. Trước khó khăn này, từ năm 1993, Trung tâm đã nhận dạy cho học sinh khiếm thị. Đặc điểm lớp HS khiếm thị là các em có hoàn cảnh rất khó khăn về kinh tế và thời gian các em phải đi học cả ngày thứ bảy và chủ nhật, đòi hỏi giáo viên phải có tính năng động, sáng tạo trong giảng dạy, chấp nhận dạy vào ngày nghỉ, ngoài ra nhiều khi phải quên đi quyền lợi riêng của bản thân để giúp các em học sinh khiếm thị được hoà nhập vào cộng đồng.
Không chỉ có tấm lòng, các giáo viên dạy học sinh khiếm thị của Trung tâm còn phải trang bị cho mình phương pháp giảng dạy phù hợp, dù chưa từng được đào tạo ở trường sư phạm. Các thầy cô giáo phải khổ công học tập trong thời gian dài, không những có thể đọc, viết chữ nổi, đánh máy tính chữ nổi mà còn phải thu băng chuẩn bị bài giảng để học sinh có thể nghe lại ở nhà… Đến nay, Trung tâm đã và đang đào tạo hơn 200 HS khiếm thị, đã có trên 100 em tốt nghiệp THPT, nhiều em thi đỗ vào các trường ĐH-CĐ. Khi ra trường, các em đã có việc làm ổn định, đảm nhận công tác ở Hội người mù các cấp của Hà Nội và các tỉnh khác…
Làm công tác quản lý, nhưng nhà giáo Phạm Đức Nam vẫn tham gia dạy Văn cho học sinh khiếm thị. Tận tâm, đồng cảm với từng học trò, thầy xúc động khi nói về học sinh lớn tuổi nhất Nguyễn Những, năm nay đã 53 tuổi vẫn lặn lội từ Hưng Yên về Trung tâm học; về em Ngô Văn Hiếu đã tốt nghiệp khoa Toán-Tin trường CĐSP Hà Nội (hiện là thầy giáo dạy môn Toán trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu), em Khúc Hải Vân được phong danh hiệu Hiệp sỹ Công nghệ thông tin đã thiết lập được phần mềm đọc sách giáo khoa cho học sinh khiếm thị, em Chu Văn Hòa đã hoàn thành khóa học Thạc sĩ, em Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Thảo Đan có khả năng đàn, hát rất hay, đang theo học tại Nhạc viện Hà Nội… Nói về sự trưởng thành của học sinh khiếm thị, ánh mắt của nhà giáo Phạm Đức Nam luôn ngời lên niềm hạnh phúc và chứa chan cảm xúc yêu thương, cảm phục. Anh chia sẻ: Nhìn các em chịu bất hạnh, thiệt thòi vẫn tràn đầy nghị lực và niềm tin vào cuộc sống, vào thầy cô giáo, không ngại khó khăn để kiếm tìm con chữ mới thấy cuộc sống còn nhiều điều đáng trân trọng, học hỏi. Khát khao, ước mơ của các em trong những lần Trung tâm tổ chức gặp mặt ngày Xuân tuy nhỏ bé nhưng thật lớn lao. Qua mỗi tiếng đàn, lời ca, các em muốn chạm đến chân trời tri thức bằng ánh sáng của trái tim, bằng chính khả năng của các em bên cạnh sự sẻ chia của xã hội…
*Nhà giáo Lê Thị Lan – Hiệu trưởng trường TH Sơn Công (huyện Ứng Hòa):
Giỏi việc trường, đảm việc nhà
Năm 2017 với nhà giáo Lê Thị Lan là dấu mốc thật đặc biệt, đánh dấu chặng đường 25 năm gắn bó với nghề dạy học của cô.
Cô là em út trong gia đình có 4 anh chị em, bố là liệt sỹ, mẹ một mình nuôi các con ăn học. Năm đang học lớp 10, mẹ bị mắc bệnh hiểm nghèo, bởi vậy khi đó, cô chỉ ước muốn đi học nghề y để về chữa bệnh cho mẹ. Thế nhưng duyên phận lại đưa cô học trò nghèo đến với nghề giáo. Nhìn lại chặng đường đã qua, nhà giáo Lê Thị Lan bộc bạch: “Sau này, khi đã theo đuổi nghề giáo, khi đã được tiếp xúc, dạy dỗ các em nhỏ, tôi cảm thấy rất yêu nghề. Tôi rất vui khi nhìn thấy nụ cười hồn nhiên, nhìn thấy từng bước phát triển của các em. Tôi đã đặt quyết tâm sẽ cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp “trồng người”.
Khi nhà giáo Lê Thị Lan được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường TH Sơn Công, cách trung tâm huyện Ứng Hòa hơn 9 km, trường có 5 điểm trường nằm ở 4 thôn, cách xa nhau, đường đi lại khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn: Điểm trường chính chỉ có 8 phòng học còn xung quanh là ao sâu bùn lầy cỏ mọc hoang. Điểm trường lẻ ở thôn Vĩnh Thượng cũng chỉ có 4 phòng học, còn lại là ao sâu và bùn lầy, điểm trường ở thôn Hoàng Dương và thôn Nghi Lộc nằm trên khu đất của chùa và cũng chỉ có 4 phòng học. Các trang thiết bị phục vụ cho dạy và học thiếu thốn. Sau bao ngày trăn trở, cô đã mạnh dạn đề xuất với chính quyền cho phép dồn điểm trường. Ban đầu gặp khó khăn do phụ huynh phản đối quyết liệt nhưng không vì thế mà cô nản lòng, sau nhiều lần kiên trì tổ chức tuyên truyền thuyết phục tới phụ huynh, ban đại diện cha mẹ học sinh, lãnh đạo xã, lãnh đạo thôn vào cuộc và phụ huynh cũng đã tin tưởng nhất trí dồn 2 điểm trường lẻ về học tại điểm trường chính.
Xác định muốn có trò giỏi thì phải có thầy giỏi, chính vì vậy nhà giáo Lê Thị Lan luôn quan tâm đến việc bồi dưỡng đội ngũ CBGV nhà trường, luôn tạo điều kiện và động viên khích lệ họ đi học nâng cao trình độ, đồng thời thường xuyên tổ chức các chuyên đề để CBGV trao đổi bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; mời giảng viên về dạy CNTT cho CBGV-NV nhà trường. Đến nay đội ngũ CBGV-NV trong biên chế của trường có trình độ trên chuẩn là 93,1%, trong đó trình độ đại học là 51,7 %; Chất lượng giáo dục học sinh hàng năm đều đạt trên 99% hoàn thành, HS hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%, các phong trào VHVN, TDTT luôn đứng tốp đầu của huyện.
Không chỉ đạt nhiều thành tích cao trong công tác, đặc biệt là danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cấp Thành phố năm 2016” do Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trao tặng, nhà giáo Lê Thị Lan còn được biết đến với hình ảnh nữ cán bộ quản lý “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”, là “Cô giáo người mẹ hiền”. Chồng là thương binh, vì vậy, trong cuộc sống, cô phải xử lý không ít khó khăn. Mỗi khi trái nắng trở trời vết thương của anh thường xuyên tái phát đau nhức, có những lúc cô phải thức thâu đêm để chăm sóc cho người bạn đời của mình. Khi chồng đau nhức, cáu gắt, cô vẫn nhẹ nhàng, an ủi động viên anh. Nhà giáo Lê Thị Lan thường tranh thủ hoàn thành việc nhà vào sáng sớm, sau đó đến trường, hoàn thành công việc tại trường, hạn chế để việc tồn đọng. Đôi lúc chồng phải điều trị ở bệnh viện, cô phải sắp xếp khoa học để vừa làm tốt việc ở trường, nhưng vẫn có thời gian chăm sóc chồng. Nhờ sự khéo léo vun vén nên hiện cô có được gia đình hạnh phúc, 2 người con đều đang học đại học.
Tết là khoảng thời gian nhà giáo Lê Thị Lan có thể tạm gác công việc để dành trọn thời gian chăm lo cho gia đình. Nói về mong ước cho năm mới, cô chia sẻ: Tôi mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, đầu tư kinh phí xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất, san lấp ao và xây nhà đa năng cho nhà trường. Mong các em học sinh trường TH Sơn Công sau này sẽ trở thành những con người thành đạt, mang lại nhiều giá trị cho xã hội.
*Cô giáo Lưu Thị Lan Hương- giáo viên trường Tiểu học Dịch Vọng A (quận Cầu Giấy):
Say mê sáng tạo khơi dậy lòng ham học ở trẻ
“Học sinh tiểu học còn nhỏ tuổi, sức tập trung của các em chưa cao, nhanh nhớ nhưng cũng nhanh quên. Để trẻ thực sự yêu trường yêu lớp, giáo viên chúng tôi phải luôn tìm tòi, đổi mới phương pháp cũng như hình thức dạy học để thu hút học sinh”, với suy nghĩ như vậy, cô giáo Lưu Thị Lan Hương, giáo viên trường Tiểu học Dịch Vọng A, quận Cầu Giấy đã không ngừng sáng tạo mang đến cho học sinh những bài giảng hấp dẫn, khơi dậy lòng ham học ở trẻ, để mỗi ngày đến trường với các em thực sự là một ngày vui.
Tốt nghiệp trường ĐHSP Hà Nội, sau một thời gian dạy ở trường ngoài công lập, năm 2006, cô giáo Lưu Thị Lan Hương về dạy tại trường TH Dịch Vọng A, quận Cầu Giấy. Tâm huyết, lòng yêu nghề mến trẻ của cô được gửi gắm vào những giáo án đầy tính sáng tạo, ứng dụng CNTT hiệu quả. Nhớ lại những ngày đầu tiên khi mới áp dụng CNTT vào việc thiết kế giáo án điện tử, cô Lan Hương kể: “Khi máy tính bắt đầu được sử dụng rộng rãi trong nhà trường, bước đột phá là việc sử dụng máy chiếu và giáo án điện tử soạn bằng phần mềm Power Point (PP). Tôi rất thích thú khi thấy những bài giảng trước đây phải sử dụng quá nhiều đồ dùng dạy học cồng kềnh thì giờ đây nhờ có máy tính đã trở nên sinh động và thú vị hơn gấp nhiều lần. Lúc ấy trong tôi thôi thúc ý nghĩ làm sao mình cũng soạn được giáo án điện tử hay như thế để đưa vào giảng dạy. Qua các buổi tập huấn tôi hiểu rõ hơn về sự ưu việt của giáo án điện tử trong dạy học hiện đại, tôi đã mua sách về tự học, tự mày mò xem với mỗi bài giảng nên thiết kế như thế nào cho hay và hấp dẫn”.
Khó có thể nói hết được niềm vui của cô giáo Lan Hương khi lần đầu tiên cô thiết kế được chiếc xe máy chuyển động phục vụ cho tiết dạy thi GVDG môn Toán lớp 5 “Tôi và đồng nghiệp đã rất sung sướng, mọi người không hiểu vì sao tôi lại làm được như thế vì ngày đó mới ứng dụng phần mềm trình chiếu PP nên việc thiết kế được như vậy đối với những giáo viên không chuyên về máy tính như chúng tôi đã là một thành công ngoài mong đợi”- cô Lan Hương chia sẻ.
Nhận được những phản hồi tích cực từ bạn bè đồng nghiệp, học sinh thích thú, ham học, lĩnh hội kiến thức nhanh hơn, không khí học tập của lớp sôi nổi và hào hứng hơn với những bài giảng điện tử, cô giáo Lan Hương như có thêm động lực tiếp tục học hỏi, tìm hiểu nghiên cứu các phần mềm mới để thiết kế những bài giảng điện tử, bài giảng e-Learning. Cô thành thạo sử dụng các phần mềm như Power point, Violet, Photoshop, Window movie maker, Adobe presenter…. Nhiều hôm, khi học sinh đã về hết, cô vẫn cặm cụi cắt phim, lồng ghép nhạc… vào các đoạn tư liệu để phục vụ cho bài dạy của mình.
Quá trình say mê với CNTT của cô giáo Lan Hương đã được ghi nhận với những giải thưởng như: giải Nhì cuộc thi Xây dựng Bài giảng điện tử cấp Thành phố (năm học 2008-2009); Giải C cấp Thành phố sản phẩm CNTT với bài giảng E-learning môn Địa lý lớp 4 (năm học 2013-2014); Giải Nhì cuộc thi Quốc gia Thiết kế bài giảng E- Learning chủ đề Dư Địa Chí Việt Nam; Giải Khuyến khích cuộc thi Quốc gia Thiết kế bài giảng E- Learning chủ đề Dư Địa Chí Việt Nam (năm học 2015-2016)...
Tinh thần ham học hỏi của cô giáo Lan Hương đã lan tỏa, tạo ra một không khí thi đua sôi nổi về ứng dụng CNTT vào thiết kế bài giảng điện tử đến rất nhiều đồng nghiệp trong trường.
Yêu nghề, mến trẻ, say mê sáng tạo, nhiều năm qua, cô giáo Lưu Thị Lan Hương luôn được công nhận là giáo viên giỏi, liên tục được nhận Giấy khen đã có sáng kiến, sáng tạo tiêu biểu trong phong trào thi đua “Lao động sáng tạo” của CNVCLĐ quận Cầu Giấy; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Dạy tốt – Học tốt” năm học 2014 -2015. Năm 2016 vừa qua, cô đã vinh dự được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Thành phố. Nhưng có lẽ trên hết, giải thưởng lớn nhất đối với cô chính là niềm tin của các bậc phụ huynh và sự yêu mến của các học trò nhỏ mà vì các em cô đã nỗ lực không ngừng để có những bài giảng tạo sự hứng thú, tạo cho các em có môi trường học mà chơi, chơi mà học.