Tập thể Cán bộ, giáo viên, nhân viên (CBGVNV) nhà trường đã nỗ lực, phấn đấu không ngừng để “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” đúng theo các nội dung quy định tại Kế hoạch số 56/KH-BGDĐT ngày 25/01/2017 của Bộ GDĐT với mô hình “Vườn trong phố” nhằm tạo điều kiện tốt nhất môi trường hoạt động, giúp trẻ mạnh dạn, tự tin, khỏe mạnh, phát triển toàn diện. Nhà trường xác định đây là việc khó và mới nhưng đem lại hiệu quả cao trong giáo dục trẻ. Vì vậy, căn cứ vào sự đầu tư của Quận, các tiêu chí xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm và thực trạng, nhà trường đã tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
1. Khảo sát thực trạng, bồi dưỡng và tập huấn cho CBGVNV
Ngay từ những ngày đầu thực hiện chuyên đề, nhà trường đã tiến hành khảo sát 100% CBGVNV về kiến thức, kỹ năng xây dựng môi trường giáo dục, khảo sát cơ sở vật chất (CSVC) từ đó xây dựng kế hoạch cụ thể, đảm bảo nhu cầu thực tế của nhà trường như: chủ động mời các chuyên gia của Bộ, Sở GDĐT về tập huấn cho đội ngũ CBGV về kỹ năng xây dựng môi trường giáo dục, cũng như khai thác hiệu quả CSVC, sắp xếp môi trường lớp học của trẻ phù hợp từng độ tuổi, xây dựng khung cảnh sư phạm thân thiện, an toàn, tăng cường các khu hoạt động trải nghiệm cho trẻ …; Bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp ứng xử, kìm chế cảm xúc, chia sẻ tình cảm, kỹ năng khai thác, ứng dụng CNTT trong điều hành, quản trị nhà trường và công tác chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục trẻ; Cử giáo viên tham gia các khóa học về ứng dụng phương pháp Montessori để triển khai, tổ chức sử dụng giáo cụ cho trẻ hoạt động nhằm cung cấp kỹ năng thực hành cuộc sống, phát triển các lĩnh vực khác cho trẻ hiệu quả.
2. Xây dựng môi trường giáo dục trong và ngoài lớp học
Đối với môi trường lớp học: Được thiết kế không gian đảm bảo ánh sáng, thoáng mát về mùa hè, ấm áp vào mùa đông và đặc biệt đưa cây xanh vào lớp học và khu vệ sinh của trẻ tạo không gian gần gũi, thân thiện với thiên nhiên. Bố trí, sắp xếp hệ thống giá kệ, đồ dùng đồ chơi khoa học, có ký hiệu cụ thể theo trật tự, có nguyên tắc nhằm giúp trẻ dễ lấy, dễ cất, dễ sử dụng.
Giáo viên thiết kế hệ thống bài tập tại các góc chơi của trẻ, phù hợp theo từng lĩnh vực và từng độ tuổi, chuẩn bị nguyên học liệu phong phú, đa dạng theo nội dung hoạt động, đổi mới trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục, tái sử dụng các sản phẩm của trẻ hiệu quả trong việc xây dựng môi trường học tập.
Đặc biệt, năm học 2017-2018 là năm học đánh dấu cho bước chuyển biến mạnh mẽ về phương pháp giáo dục. Nhà trường được UBND Quận đầu tư bộ giáo cụ trực quan ứng dụng phương pháp Montessori trong thực hành cuộc sống cho 04 lớp/04 lứa tuổi trị giá gần 700 triệu đồng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đội ngũ giáo viên trong giáo dục trẻ.
Đối với các phòng chức năng: Được trang bị đầy đủ CSVC phù hợp, hiện đại theo chức năng từng phòng. Có nội quy, lịch hoạt động cụ thể theo từng độ tuổi và từng môn học để trẻ được tham gia tất cả các hoạt động như: Múa, Đàn, Võ, Vẽ, Kisdmart, làm quen tiếng Anh… nhằm giúp trẻ phát triển toàn diện (tư duy, thẩm mỹ, thể chất, quan hệ tình cảm xã hội). Đặc biệt nhà trường đã đầu tư và xây dựng một phòng hoạt động chung về ứng dụng phương pháp Montessori trị giá 500 triệu đồng với các giáo cụ trực quan được bố trí sắp xếp khoa học và sử dụng hiệu quả.
Đối với môi trường ngoài lớp học: Với thế mạnh là diện tích sân vườn rộng, nhà trường đã sắp xếp bố trí, quy hoạch hệ thống vườn rau, bồn hoa, cây cảnh, cây xanh, bóng mát, cây ăn quả theo từng khu vực. GV đã tận dụng không gian để cung cấp kiến thức, các ý tưởng sáng tạo, xây dựng các chuyên đề để hướng dẫn trẻ thực hành, thao tác, rèn luyện kĩ năng tham gia các hoạt động khám phá, trải nghiệm và tiếp xúc gần gũi với thiên nhiên như được nhổ cỏ, trồng rau, chăm sóc cây... Ngoài ra, trẻ được thu hoạch rau, củ, quả trong vườn trường, có ý thức bảo vệ môi trường và thành quả lao động tập thể. Hệ thống vườn rau của trường không chỉ giúp trẻ có cơ hội trải nghiệm mà còn cung cấp rau sạch cho trẻ ăn tại trường mỗi tuần từ 3->4 bữa.
Các khu vui chơi được quy hoạch đảm bảo diện tích 50% sân chơi là sân cỏ hoặc được trải thảm cỏ nhân tạo, giúp trẻ được vận động, giao lưu, tham gia các hoạt động tập thể đảm bảo an toàn với sân bóng đá mini, khu vui chơi liên hoàn, khu vui chơi thể chất, khu giao lưu các trò chơi tập thể… Tận dụng hệ thống sân vườn rộng, xây dựng hệ thống bể vầy cát, nước, các khu trải nghiệm, các khu vực hoạt động mang tính dân gian truyền thống (Thả cá, úp nơm, khám phá vật chìm vật nổi, hồ sen, tạo hình với các loại lá cây, nguyên vật liệu sẵn có trong vườn trường), giúp trẻ được thỏa sức trải nghiệm, sáng tạo.
Bên cạnh việc xây dựng môi trường giáo dục trong lớp, ngoài sân trường, nhà trường còn tận dụng diện tích tại các sảnh hành lang, khu vực cầu thang để thiết kế xây dựng góc không gian sáng tạo, góc trải nghiệm của trẻ (góc đọc truyện, làm sách, đóng kịch, làm rối tay, tạo hình bằng các nguyên vật liệu thiên nhiên,…) giúp trẻ có cơ hội hoạt động, trải nghiệm mọi lúc, mọi nơi.
3. Thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục
Trong công tác xã hội hóa giáo dục thì việc phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh là việc làm vô cùng quan trọng. Ngay từ buổi họp phụ huynh học sinh đầu năm học, nhà trường đã tuyên truyền kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học, trong đó đi sâu về việc “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, đồng thời nêu rõ vai trò của các bậc phụ huynh trong việc kết hợp giữa gia đình và nhà trường tạo môi trường giáo dục thân thiện, an toàn cho trẻ. Phụ huynh học sinh đã nhiệt tình ủng hộ ngày công lao động, một số phụ huynh làm nghề nông ủng hộ các giống rau theo mùa, các giống cây trồng, chậu hoa, cây cảnh, cây ăn quả (mít, xoài, bưởi, các loại hoa lan.....), quy hoạch sân vườn, đổ đất, hướng dẫn kỹ thuật trồng cây, trồng rau, góp phần cải thiện bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ tại trường trị giá gần 300 triệu đồng. Đặc biệt là sự kết hợp thường xuyên khi tổ chức các sự kiện ngày hội, ngày lễ cho trẻ (Trung thu yêu thương; Bé với ngày hội tiếng Anh; Giáng sinh vui vẻ; Hội chợ xuân; Bé với môi trường và an toàn giao thông; Bé sáng tạo…hoặc các hoạt động tham quan dã ngoại).
4. Kết quả
Thực hiện hiệu quả các biện pháp trên, năm học 2017-2018, trường đạt giải Nhất cấp Quận và giải Xuất sắc cấp Thành phố Hội thi “Xây dựng môi trường GD lấy trẻ làm trung tâm” do Sở GDĐT tổ chức với chủ đề “Vườn trong phố”. Mô hình không chỉ triển khai hiệu quả tại trường, mà còn phát huy tới 100% các trường MN công lập, tư thục khác trên địa bàn Quận và đón nhiều Đoàn các Quận, Huyện, Tỉnh bạn đến thăm quan, học tập.
Đối với trẻ: Luôn được gần gũi thiên nhiên, thỏa sức sáng tạo, trải nghiệm cuộc sống, được trang bị kiến thức, cung cấp kĩ năng thực hành cuộc sống và đặc biệt GV luôn khích lệ trẻ tham gia các hoạt động theo nhóm, tăng cường ý kiến cá nhân để trải nghiệm. Trẻ mạnh dạn, tự tin, phát triển tư duy, kiến thức sinh động về thế giới thiên nhiên, khám phá, trải nghiệm lao động tập thể, phát triển thể chất nhanh, mạnh, bền, khéo,….
Đối với giáo viên: Chất lượng đội ngũ giáo viên ngày càng được nâng cao, sáng tạo, đổi mới trong phương pháp, hình thức tổ chức chăm sóc, giáo dục trẻ, kỹ năng nghề, giao tiếp, ứng xử, tác phong làm việc khoa học đáp ứng yêu cầu của khung năng lực vị trí việc làm. Trong 04 năm học, có 18 giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp Quận, trong đó có 03 giải Nhất, 03 giải Nhì, 02 giải Ba, 01 giải Nhất (Năm học 2018-2019, 01 giáo viên đạt giải Nhất dạy giỏi cấp Thành phố). Nhiều năm trường đăng cai điểm chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” và quản lý nuôi dưỡng cấp Quận, đạt giải Nhất, Nhì nhân viên nuôi dưỡng giỏi, đã đón các trường, lớp MN trong Quận đến thăm quan, học tập.
Đối với phụ huynh: Với tinh thần làm việc đoàn kết, nhiệt tình, yêu nghề, yêu trẻ, tập thể nhà trường đã tạo được niềm tin tuyệt đối của các bậc phụ huynh, nhân dân trên địa bàn Phường, phụ huynh ngày càng tin tưởng.
Có thể nói việc xây dựng môi trường GD trong trường MN là thực sự cần thiết và quan trọng. Hiệu quả của chuyên đề “Xây dựng trường MN lấy trẻ làm trung tâm” có ý nghĩa sâu sắc trong đổi mới hình thức, phương pháp GD trẻ. Bên cạnh việc tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ của lãnh đạo các cấp, các Ngành, đặc biệt sự chỉ đạo sát sao của phòng GDĐT, sự quan tâm, khích lệ đội ngũ là điều kiện vô cùng quan trọng. Tạo cho đội ngũ GV sự hứng thú, niềm say mê trong khám phá, sáng tạo trong đổi mới hình thức tổ chức hoạt động lấy trẻ làm trung tâm. Người quản lý phải là người tiên phong đi đầu trong các hoạt động, xây dựng và triển khai kế hoạch sát với tình hình thực tế của trường, tận dụng mọi nguồn lực, phát huy tiềm năng, nội lực của cha mẹ HS để triển khai hiệu quả.
Một số hình ảnh hoạt động của nhà trường
Phụ huynh ủng hộ ngày công đổ đất quy hoạch sân, vườn
Giờ thể dục sáng của học sinh toàn trường
Trẻ hoạt động tại bể vầy nước tại sân trường
Trẻ được trải nghiệm giờ học Khám phá tại vườn cây ăn quả