Thực hiện Kế hoạch số 56/KH-BGDĐT ngày 25/01/2017 của Bộ GDĐT về kế hoạch triển khai chuyên đề “Xây dựng trường MN lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2016-2020. Hưởng ứng Hội thi “Xây dựng môi trường GD lấy trẻ làm trung tâm trong các cơ sở GDMN” của Sở GDĐT Hà Nội. Trường MN B xã Liên Ninh đã triển khai sâu rộng đến toàn thể CBGVNV và phụ huynh toàn trường. Trong quá trình triển khai thực hiện nhà trường có một số thuận lợi và khó khăn sau:
* Thuận lợi: Nhà trường luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của HĐND, UBND Huyện Thanh Trì, chính quyền địa phương xã Liên Ninh, đặc biệt được sự ủng hộ nhiệt tình của cha mẹ trẻ. Trường nằm ở vị trí trung tâm khu dân cư nên thuận lợi trong công tác tuyên truyền và đưa đón trẻ đến trường. CSVC cơ bản đáp ứng yêu cầu chăm sóc, nuôi dưỡng và GD trẻ mầm non trên địa bàn Huyện, năm 2011 trường được UBND Thành phố công nhận trường đạt Chuẩn quốc gia mức độ 1. Đội ngũ CBGVNV tâm huyết, sáng tạo, có năng lực chuyên môn, luôn đoàn kết nhất trí phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.
* Khó khăn: Nhà trường có 3 điểm trường cách xa nhau nên gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý chỉ đạo và tổ chức các sự kiện, ngày hội, ngày lễ. Trường xây dựng năm 2010 nên có nhiều hạng mục đã xuống cấp, một số phòng xây dựng theo thiết kế cũ không còn phù hợp. Sân trường bê tông hóa, chưa quy hoạch tổng thể, thiếu các khu vực cho trẻ được khám phá, trải nghiệm.
Các giải pháp cải tiến đổi mới điều kiện hoạt động của nhà trường
1. Xác định tầm nhìn, sứ mệnh, các giá trị cốt lõi của Trường MN B Liên Ninh.
Xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường chính là cách để mỗi nhà trường phát triển vững chắc, phù hợp với điều kiện thực tế và hiệu quả trong giai đoạn đổi mới của GDMN Hà Nội hiện nay. Trường MN B xã Liên Ninh đã xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển dựa trên điều kiện kinh tế - xã hội của Xã Liên Ninh, ý kiến đóng góp của mỗi CBGVNV, phụ huynh học sinh và chính quyền địa phương. Với mong muốn được đổi mới toàn diện về môi trường nhà trường và tác phong làm việc chuyên nghiệp của đội ngũ CBGVNV trong giai đoạn hội nhập.
- Tầm nhìn: Trường MN B Xã Liên Ninh phấn đấu xây dựng trở thành một ngôi trường thân thiện, chất lượng và hiệu quả. Một chiếc nôi rèn luyện để mỗi CBGVNV được cống hiến có khát vọng vươn lên khẳng định bản thân. Phụ huynh tin cậy đặt trọn niềm tin. Trở thành trường đạt chuẩn chăm sóc, GD trẻ MN theo hướng đổi mới hội nhập. Trẻ em Trường MN B Liên Ninh là những thế hệ công dân đầy khát vọng với 5 chìa khóa thành công bền vững “Nhân cách- trí thức - năng lực - sức khỏe - tư duy toàn cầu”
- Sứ mệnh Trường MN B xã Liên Ninh:
“Truyền cảm hứng - Trao yêu thương
Tôn trọng sự khác biệt - tạo cơ hội trải nghiệm
Mang đến hạnh phúc và thành công cho mọi trẻ”
Với phương châm làm việc “Hãy là trẻ để hiểu trẻ” Nhà trường xác định rõ mọi thay đổi, đổi mới đều hướng đến đích cuối cùng là trẻ. Để tạo nên một đứa trẻ hạnh phúc thì trẻ phải được sống trong môi trường thực sự hạnh phúc, được tôn trọng phát triển, thể hiện bản thân.
- Các giá trị cốt lõi: Chú trọng phát triển nhân cách trẻ (các giá trị yêu thương, biết ơn, tự tin, tôn trọng, trách nhiệm); hoàn thiện tri thức (kiến thức, khoa học ứng dụng, văn hóa xã hội, công nghệ thông tin) và tư duy toàn cầu (Biết giao tiếp bằng tiếng Anh, khẳng định bản thân, sẵn sàng hội nhập).
Với việc xác định tầm nhìn, sứ mệnh, các giá trị cốt lõi được thông qua Hội đồng sư phạm nhà trường cùng bàn bạc và đi đến thống nhất cao. Các tổ, nhóm, các ban ngành của nhà trường cùng nhau xây dựng kế hoạch, phương châm hành động cụ thể để đạt được mục tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, Nhà trường xây dựng lộ trình bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao nhận thức cho CBGVNV nắm bắt nhanh những vấn đề cần đổi mới trong giai đoạn GDMN Hà Nội đang trên đà hội nhập. Mỗi cá nhân được học tập và mong muốn được thể hiện khả năng của bản thân trước tập thể và phụ huynh, học sinh. Điều cốt lõi của quá trình bồi dưỡng là khơi dậy được khát khao muốn đổi mới của mỗi CBGVNV.
2. Qui hoạch thiết kế tổng thể nhà trường tạo nét độc đáo, riêng biệt
Làm sao để tạo ra được môi trường GD theo yêu cầu đổi mới, mang được màu sắc riêng biệt của nhà trường, nhưng lại phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương? Đây là câu hỏi mà mỗi cá nhân của nhà trường đã cùng nhau trả lời tìm tòi và đi đến thống nhất.
Nhà trường tạo nét độc đáo, riêng biệt: Việc đầu tiên nhà trường lựa chọn tông màu trắng - tím làm điểm nhấn trong trang trí, với màu sắc dịu nhẹ tạo nên một cảm giác nhẹ nhàng và thu hút sự thích thú của trẻ khi đến trường. Được đồng bộ từ mầu sơn tường đến các trang thiết bị đồ chơi ngoài trời, giá, kệ đồ chơi, biểu bảng, đồng phục CBGVNV.... tạo điểm nhấn khác biệt giữa Trường MN B Liên Ninh với các trường MN trên toàn Thành phố Hà Nội.
Tông mầu Tím -Trắng mạng lại nét độc đáo riêng cho nhà trường
Không chỉ quan tâm đến không gian dành cho trẻ, với sự lắng nghe thấu hiểu những mong muốn của mỗi CBGVNV. Để xây dựng nhà trường có môi trường làm việc chuyên nghiệp, mang đến cảm hứng, hiệu quả cao trong công việc, mỗi CBGVNV coi đây là ngôi nhà thứ hai của mình. Nhà trường đã tận dụng mọi không gian trong trường sáng tạo để làm phòng ăn cho CBGVNV. Thiết kế bàn ăn treo tường, ghế treo gấp gọn gàng ngăn nắp, treo những bức tranh món ăn phù hợp. Tại đây GV được nghỉ ngơi ăn trưa theo ca, đúng quy chế mang lại sự thư giãn, nghỉ ngơi sau thời gian làm việc buổi sáng.
Ngoài ra, nhà trường còn bố trí sắp xếp 2 phòng dành cho GV và nhân viên được lắp đặt tủ cá nhân đủ cho mỗi người. Đây là nơi để tư trang cá nhân đảm bảo an toàn, riêng tư cũng là chỗ nghỉ ngơi, thư giãn ngoài thời gian làm việc. Ngoài giờ làm việc đoàn thanh niên, công đoàn sử dụng phòng đa năng để tổ chức các lớp Yoga; Zumba ...cho CBGVNV rèn luyện sức khỏe, thư giãn, sảng khoái sau mỗi ngày làm việc.
Phòng ăn của CBGVNV
Tủ đựng đồ cá nhâncủa CBGVNV
Các lớp yoga, zumba của CBGVNV
Qui hoạch tổng thể nhà trường: Với ưu thế có sân trường rộng hơn 4000m2, muốn trẻ có không gian chơi, tập, giao lưu an toàn. Được sự giúp đỡ của các bậc phụ huynh, nhà trường đã xây dựng sân bóng mini 200 m2, có khán đài, ghế ngồi cho trẻ cổ vũ tạo được cảm giác hào hứng, thích thú như đang ở sân vận động. Mong muốn trẻ có một không gian trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên, nhà trường đã quy hoạch Vườn cổ tích có sẵn kết hợp với khu trải nghiệm cát, sỏi và các con vật nuôi gần gũi được kết nối với nhau bởi những con đường được làm bằng các chất liệu khác nhau để tạo sự thích thú cho trẻ khám phá thế giới thiên nhiên tươi đẹp như trong truyện cổ tích ngay tại trường.
Để xây dựng ngôi trường thực sự xanh mát, Nhà trường đã quy hoạch lại tổng thể cây bóng mát, cây ăn quả, các vườn hoa tận dụng tối đa các cây đã có sẵn, bổ sung cây ăn quả ở các vị trí thích hợp. Điều đặc biệt là CBGVNV nhà trường đã tạo được một khu vườn sinh thái phía sau trường với các loại rau trồng thủy canh và đất sinh học. Đây là một không gian lý tưởng để cô và trò cùng trải nghiệm, mang lại rau xanh thêm vào bữa ăn cho cả cô và trẻ.
Khuôn viên sân bóng mini
Vườn rau, khu chăn nuôi
Ngoài ra, Nhà trường đã nghiên cứu, tận dụng tối đa các không gian khác nhau để cải tạo, sửa chữa tạo thành phòng chiếu phim với hệ thống máy chiếu, âm thanh nổi trẻ được thưởng thức các bộ phim lịch sử, hoạt hình... Buổi chiều trở thành lớp học tiếng Anh sôi động hứng thú cho trẻ. Khu không gian sáng tạo, thư viện, khu thí nghiệm trẻ được thỏa sức sáng tạo, thể hiện khả năng bản thân thỏa mãn nhu cầu vui chơi tìm hiểu và được làm những nghề trẻ yêu thích: Nhà thiết kế thời trang, tóc, sơn móng tay, làm thợ mộc... Các phòng đa năng, phòng máy tính được nhà trường đầu tư các trang thiết bị hiện đại luôn gây hứng thú cho trẻ nhằm phát triển tài năng riêng của mỗi cá nhân trẻ.
Không gian sáng tạo
Phòng chiếu phim - Lớp học tiếng Anh
3. Đẩy mạnh công tác tham mưu và phối hợp với cha mẹ trẻ
Để quy hoạch tổng thể lại nhà trường và đạt mục tiêu theo yêu cầu đổi mới thì công tác tham mưu với cấp uỷ, chính quyền là rất quan trọng, đóng góp phần lớn vào sự thành công. Nhà trường đã phân loại các hạng mục đầu tư để tham mưu với các cấp cho phù hợp. Nội dung tham mưu với HĐND - UBND Huyện là cải tạo sửa chữa tổng thể (Sơn lại toàn bộ trường, thay hệ thống cửa, cải tạo toàn bộ hệ thống điện nước, nhà vệ sinh...). Với Xã Liên Ninh và các ban, ngành, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn xã, nhà trường đề xuất hỗ trợ cải tạo hệ thống cây xanh, cây ăn quả, vườn hoa, vườn rau. Riêng với phụ huynh, mỗi CBGVNV là một tuyên truyền viên để mỗi gia đình góp công sức, ý tưởng cho việc đổi mới toàn diện trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và GD trẻ.
Cách thức, thời gian tham mưu cũng rất quan trọng. Với từng cấp nên linh hoạt, nội dung nào tham mưu trước, nội dung nào sau. Bên cạnh việc tham mưu bằng văn bản, nhà trường còn đề xuất nhận các nhiệm vụ như làm điểm, làm chuyên đề. Từ đó có cơ hội để trình bày kế hoạch phát triển nhà trường trước các đồng chí lãnh đạo huyện. Sự ủng hộ lớn nhất của các bậc phụ huynh chính là việc thấy trẻ thay đổi tích cực từng ngày.
Đoàn kiến tập của Sở GDĐT Hà Nội tham quan CSVC bếp ăn
và các hoạt động chăm sóc nuôi dưỡng trẻ
Nhà trường đã được HĐND- UBND huyện đầu tư sửa chữa cải tạo với tổng kinh phí là 11 tỷ đồng. Xã Liên Ninh và các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn giúp nhà trường cải tạo hệ thống cây xanh, vỉa hè quanh trường với trị giá 500 triệu đồng. Đặc biệt các bậc phụ huynh nhà trường đã tặng bằng hiện vật trang thiết bị hiện đại phục vụ chăm sóc nuôi dưỡng và GD trẻ như: điều hòa, sàn gỗ, bảng thông minh...với trị giá khoảng 700 triệu đồng.
* Kết quả
Với sự cố gắng và phấn đấu không ngừng nhà trường đạt Giải Nhất cấp Thành phố hội thi “Xây dựng môi trường GD lấy trẻ làm trung tâm trong các cơ sở GDMN”năm 2018 . Làm điểm kiến tập cho Thành phố về “Cải tiến, đổi mới điều kiện hoạt động trong trường mầm non khối huyện” năm học 2019-2020. Liên tục 10 năm qua, nhà trường liên tục đạt danh hiệu lao động tiến tiến, đạt“Tập thể lao động xuất sắc”; “Cờ đơn vị xuất sắc phong trào thi đua” Bằng khen của Bộ GDĐT “Đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”. Trường được UBND Thành phố công nhận trường MN đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 năm 2020.
Tập thể CBGVNV nhà trường luôn tâm niệm, muốn xây dựng nhà trường vững mạnh, thực sự là nơi nuôi dạy trẻ phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu, vị thế của GDMN Thủ Đô trong giai đoạn mới, thì mỗi cá nhân phải phát huy tinh thần đoàn kết, sự tâm huyết sáng tạo không ngừng của mình. Đây cũng là cơ sở tạo nền tảng vững chắc để trường tiếp tục đạt những thành tích cao hơn nữa trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và GD trẻ MN. Xứng đáng là điểm sáng “Xây dựng môi trường GD lấy trẻ làm trung tâm trong các cơ sở GDMN” của Huyện Thanh Trì và Thủ đô Hà Nội.