Một giờ học tại Trường Mầm non đô thị Sài Đồng.
Bên cạnh những thuận lợi, việc xây dựng trường CLC đối mặt với không ít thách thức, đặc biệt là câu chuyện thu không đủ chi. Đây là nội dung được đề cập tại hội thảo đánh giá kết quả thực hiện những chính sách phát triển GD-ĐT sau 3 năm thi hành Luật Thủ đô, do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức ngày 28-7.
Thuận lợi nhiều
Bà Lê Thị Kim Dung, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ GD-ĐT nhận định: Luật Thủ đô ra đời đã tạo điều kiện và cơ hội thuận lợi cho sự phát triển của Ngành GD-ĐT Thủ đô. Có thể nhận thấy, các quy định của Luật đã đi vào cuộc sống, tạo nên những kết quả nổi bật của Ngành GD-ĐT Thủ đô, trong đó có việc về đích trước một năm về đề án phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi; hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2 tại 30 quận, huyện, thị xã; nâng tỷ lệ trường chuẩn quốc gia lên hơn 50% vào năm 2015... Đến nay, Hà Nội là địa phương đầu tiên và duy nhất trên cả nước ban hành tiêu chí trường CLC và đang nhân rộng mô hình này ở các cấp học.
Theo Sở GD-ĐT, Luật Thủ đô với những quy định đặc thù đã tạo thuận lợi để GD-ĐT Thủ đô phát triển bền vững, trong đó có những chính sách phát triển để học sinh Thủ đô được học ở các ngôi trường ngang tầm khu vực về mọi mặt và mô hình trường CLC là ví dụ điển hình.
Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trịnh Thị Dung cho biết, Luật Thủ đô được thông qua năm 2013 là cơ sở cho việc ban hành nhiều chính sách về giáo dục, được nhân dân chờ đón, ủng hộ. Để xây dựng trường CLC, Cầu Giấy đã dành nguồn ngân sách lớn và ổn định ở mức 30%/năm xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học hiện đại, đồng bộ, làm chuyển biến chất lượng giáo dục toàn ngành với vị trí là đơn vị dẫn đầu thành phố về chất lượng học sinh lớp 9 thi vào THPT. Toàn quận có 3 trường đã được công nhận CLC với quy mô và được người dân tin tưởng.
Thách thức cũng không ít
Dù có những thuận lợi cơ bản về pháp lý và yêu cầu thực tiễn, song việc xây dựng và phát triển trường CLC ở Thủ đô trong 3 năm qua cũng đối mặt với nhiều thách thức. Đặc biệt, đây lại là mô hình mới, chưa từng có tại địa phương nào trên cả nước, với cách thức hình thành là cơ sở vật chất do Nhà nước đầu tư, đến năm thứ hai hoạt động thì đơn vị phải tự chủ về tài chính, tự bảo đảm các hoạt động.
Theo phản ánh từ cơ sở, đến nay, cơ chế tự chủ tài chính là một vấn đề hoàn toàn mới với các trường công lập khi được công nhận là CLC và kéo theo đó là không ít bất cập. Bà Hoàng Thị Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Nam Từ Liêm (quận Nam Từ Liêm) cho biết: Cũng như nhiều trường công lập khác, nhà trường đã quen với việc được Nhà nước bao cấp và tính toán sẵn toàn bộ chi phí, cán bộ quản lý, giáo viên chỉ tập trung cho chuyên môn, nay chuyển sang mô hình trường CLC, việc phải tự cân đối thu chi là một bài toán khó.
Bên cạnh đó, mức thu của nhà trường hiện là 1,6 triệu đồng/học sinh/tháng (khối 6, 7) và 1,9 triệu đồng/học sinh/tháng (khối 8, 9), thấp hơn mức trần do thành phố quy định (3,4 triệu đồng/học sinh/tháng) và thu trong 9 tháng học sinh học tập, nhưng lại chi cho 12 tháng hoạt động của trường. Sĩ số học sinh/lớp hiện tại cũng mới chỉ đạt 28,5 học sinh/lớp. Việc tăng học phí trong thời điểm này không phải là một giải pháp tốt, bởi mức sống của nhân dân trên địa bàn chưa thực sự cao. Mức thu hạn chế, nội dung chi nhiều, nên chế độ đãi ngộ với giáo viên có thành tích còn khiêm tốn, chưa tạo động lực cho đội ngũ này cống hiến hết mình.
Bà Trần Thị Hoàng Lâm, Hiệu trưởng Trường Mầm non đô thị Việt Hưng (quận Long Biên) cho rằng, ngân sách và kinh phí tổ chức các hoạt động cho trường CLC sẽ còn khó khăn, bởi khi tự chủ từ năm thứ hai, trường phải cân đối và tăng mức thu đối với học sinh. Nhưng thu càng cao thì số học sinh sẽ càng giảm, dẫn tới việc gây khó khăn cho gia đình phụ huynh, mà nhà trường cũng đứng trước không ít xáo trộn. Để bảo đảm duy trì hoạt động của các trường CLC, thành phố nên xem xét tiếp tục hỗ trợ ngân sách hằng năm cho trường, sau khi được công nhận là trường CLC, bảo đảm đủ chi trả lương, nhà trường tự chủ chi thường xuyên bằng nguồn thu học phí.
Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành, quận Cầu Giấy Nguyễn Thị Thu Anh cho biết: Mục tiêu phấn đấu của trường khi xây dựng CLC không đơn giản là đáp ứng đủ các tiêu chí của thành phố, mà trở thành ngôi trường có uy tín thực sự. Song, để đi đến mục tiêu ấy là một hành trình dài và đầy khó khăn. Đơn cử, tiêu chí 100% giáo viên của trường CLC phải được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp trường cũng rất khó, bởi nền tảng vẫn là một trường phổ thông công lập bình thường, không thể thuyên chuyển giáo viên chưa đạt yêu cầu đi nơi khác. Về tiêu chí dịch vụ CLC là phải đưa đón học sinh cũng không nên đưa vào là tiêu chí bắt buộc, bởi đặc thù các trường học khác nhau, nhu cầu của học sinh tại từng địa bàn khác nhau.
Trở thành trung tâm đào tạo có uy tín trong khu vực là mục tiêu Hà Nội nỗ lực vươn tới. Việc xây dựng, điều chỉnh các cơ chế, chính sách cho việc phát triển mô hình trường CLC rõ ràng là yêu cầu bức thiết.
Theo HNM