Sứ mệnh vinh quang
Từ Thủ đô thân yêu có biết bao chiến sĩ tình nguyện đăng ký đến những vùng đất xa xôi, hiểm trở để làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới của Tổ quốc Việt Nam, mang theo ý thức trách nhiệm cao cả là giữ từng mảnh đất mà ông cha để lại. Trong chuyến công tác cuối năm 2016, chúng tôi đã có cơ hội gặp gỡ và chuyện trò với những con người như thế.
Đại tá Nguyễn Lương Hòa - Chính ủy Bộ đội biên phòng Đắk Lắk sinh ra ở thôn Phú Lương Hạ, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa. Năm 23 tuổi anh đã tình nguyện xin vào công tác ở Đắk Lắk, địa bàn quan trọng của khu vực Tây Nguyên. Ngày rời quê hương để vào đây, chính anh cũng không thể nghĩ mình sẽ gắn bó với mảnh đất này lâu đến vậy bởi lúc đó người chiến sĩ trẻ chỉ nghĩ làm sao cố gắng dù khó khăn đến đâu cũng phải hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Thời gian thấm thoắt trôi qua và mảnh đất Đắk Lắk giờ đã trở thành quê hương thứ hai của người chiến sĩ ấy từ lúc nào không hay.
Hơn 30 năm làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tổ quốc tại địa bàn Đắk Lắk thế nhưng đại tá Nguyễn Lương Hòa không bao giờ quên được lần đầu đặt chân đến mảnh đất này, anh kể: “Là một học viên mới ra trường, được phân công về công tác tại đồn biên phòng. Đồng chí đồn trưởng đồn Biên phòng khi ấy có ưu tiên đặc biệt, thông cảm, sẻ chia với sinh viên mới ra trường nên đã nhờ bà con xã Krông Na, huyện Buôn Đôn dùng voi của gia đình đưa tôi vào đồn biên phòng, không phải đi bộ 60 km đường rừng. Đi từ sáng tới 11 giờ đêm mới đến nơi, trên đường đi không thấy một bóng người, hai bên là rừng và các loại muông thú. Cả khu rừng chỉ có chủ voi và 2 đồng chí bộ đội biên phòng. Những cảm xúc của buổi đầu tiên ấy đã để lại ấn tượng cả cuộc đời này tôi không thể nào quên.”
Tuần tra biên giới
Chính tại mảnh đất Đắk Lắk, đại tá Hòa đã gặp và nên duyên với người bạn đời của mình. Giờ đây, gia đình anh hạnh phúc với người con lớn đang công tác trong ngành công an của TP Buôn Ma Thuột. Người con thứ hai tiếp bước chân của cha, đang học ở học viện Biên phòng.
Chia sẻ về quê hương thứ hai của mình, Đại tá Hòa cho biết: Giờ đây tôi đã thành người của tỉnh Đắk Lắk. Qua quá trình sống ở cơ sở, tôi hiểu rằng để gắn bó với bà con phải xuất phát từ tinh thần trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ. Chính tình cảm của đồng bào dân tộc với bộ đội biên phòng đã làm nên nghị lực cho mỗi cán bộ, chiến sĩ bộ đội, tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ. Trong quá trình bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, bộ đội biên phòng được sự thương yêu đùm bọc của nhân dân. Sau chiến tranh biên giới, giao thông còn khó khăn, nhân dân xã Krông Na vẫn dùng voi giúp vận chuyển cán bộ, chiến sĩ, lương thực, thực phẩm. Những năm 1989 trở lại đây, tỉnh ủy Đắk Lắk có chương trình “đỡ đầu” kết nghĩa với các đồn biên phòng giúp đỡ và ấm tình các chiến sĩ biên phòng. Các huyện đối với từng đồn biên phòng rất gắn bó như người trong nhà, giúp bộ đội biên phòng nhiều việc không chỉ trong điều kiện sinh hoạt như điện, nước mà còn xây dựng các công trình phòng thủ biên giới cho các đồn biên phòng.
Hoa nở trên sỏi đá nhờ tình quân dân
Trong hơn 30 năm công tác tại mảnh đất Tây Nguyên, Đại tá Nguyễn Lương Hòa cùng các cán bộ, chiến sĩ của bộ đội biên phòng Đắk Lắk đã không chỉ làm tròn nhiệm vụ bảo toàn tuyến biên giới, thực hiện nhiệm vụ phân giới cắm mốc mà còn giúp nhân dân vùng biên phát triển kinh tế, ổn định đời sống.
Bộ đội biên phòng Đắk Lắk được giao nhiệm vụ quản lý chiều dài biên giới 73 km đường biên giới nằm trên 2 huyện (Buôn Đôn và Ea Súp), 4 xã biên giới, tiếp giáp với tỉnh Mondul Kiri của Campuchia. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các cán bộ, chiến sĩ đã cố gắng khắc phục, tập trung chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện việc biên giới cắm mốc, cho đến nay nhiệm vụ phân giới cắm mốc được triển khai theo đúng kế hoạch, không có vướng mắc phát sinh. Bộ đội biên phòng cũng tăng cường mối quan hệ với chính quyền và lực lượng vũ trang của Campuchia để xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển.
Bằng nhiều hoạt động thiết thực, bộ đội biên phòng Đắk Lắk đã xây dựng được mối quan hệ máu thịt với đồng bào dân tộc. Trong các chương trình được bộ đội biên phòng phát động có thể kể đến chương trình “Mái ấm người nghèo nơi biên giới”. Bộ đội biên phòng Đắk Lắk đã huy động sự giúp đỡ của các doanh nghiệp và nhà hảo tâm với tổng kinh phí là 2 tỷ đồng để giúp bà con xây các nhà đại đoàn kết, xây dựng các giếng ở các cụm dân cư giúp bà con khắc phục thiếu nước trong mùa khô rất tốt. Đặc biệt, Đại tá Nguyễn Lương Hòa cùng bộ đội biên phòng Đắk Lắk đã xây dựng được 2 phòng khám quân dân y chăm sóc tốt sức khỏe bà con nhân dân vùng biên giới.
Tuyến biên giới Đắk Lắk có đặc thù riêng là không có cửa khẩu nên giao thương qua lại biên giới không phát triển. Đây là đặc thù tạo nên khó khăn cho đời sống nhân dân của vùng biên giới, trong đó có bộ đội biên phòng. Không có động lực để đồng bào biên giới phát triển bền vững. Tất cả các xã biên giới là vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, có xã trên 50% hộ nghèo.
Theo Đại tá Nguyễn Lương Hòa, khó khăn lớn nhất với đồng bào ở khu vực biên giới Đắk Lắk là do điều kiện thổ nhưỡng, cụ thể là thời tiết nắng nóng, dưới tầng đất canh tác khoảng 20 đến 30 cm là lớp đá vôi. Mùa mưa nước dâng lên rất nhanh nhưng rút đi cũng rất nhanh. Đồng bào thiếu nước ngọt trong cả sinh hoạt và sản xuất. Vì vậy, bộ đội biên phòng đã giúp nhân dân có nước sạch bằng việc đào các giếng khoan, xây dựng các bồn chứa nước dẫn đến các nhà dân. Để giúp đồng bào phát triển kinh tế, bộ đội biên phòng cũng thí điểm trồng nghệ vàng để chiết suất các chất sản xuất thuốc, đồng thời thí điểm trồng mía đường theo phương pháp mới bởi các cây nông nghiệp khác mỗi năm chỉ sản xuất được một vụ vào mùa mưa.
Thực hiện chương trình “Nâng bước em đến trường”, bản thân Đại tá Nguyễn Lương Hòa cũng đang nâng bước cho 2 học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Một học sinh học lớp 11, em còn lại đang học lớp 9. Bố các em đều đã mất. Một em là con cả trong gia đình có tới 4 anh em. Một em là người đồng bào dân tộc, cuộc sống khó khăn, gia đình đã được bộ đội biên phòng xây dựng cho một ngôi nhà đại đoàn kết. Không chỉ trao số tiền 500 nghìn hàng tháng cho mỗi em, Đại tá Hòa còn thường xuyên liên lạc hỏi thăm tình hình học tập, động viên các em vươn lên trong cuộc sống.
Đồn là nhà, biên giới là quê hương
Đại tá Nguyễn Lương Hòa cho biết, đội ngũ cán bộ, chiến sĩ biên phòng tỉnh Đắk Lắk có hơn 80% là người đến từ các tỉnh phía bắc, được sự quan tâm, tạo mọi điều kiện của tỉnh Đắk Lắk, đến nay hơn 90% đã hợp thức hóa gia đình, có vợ, con, bố mẹ sống ở Đắk Lắk.
Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 7 đồn biên phòng, trong số đó Đồn Biên phòng Sêrêpôk (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) là một trong những đơn vị nằm ở địa bàn khó khăn nhưng đã vươn lên đứng đầu trong phong trào thi đua của toàn tỉnh, là “Đơn vị quyết thắng”. Trưởng đồn Biên phòng Sêrêpôk là Thiếu tá Đỗ Trung Long cũng là một người con của Hà Nội. Năm 1995, anh tình nguyện nhập ngũ vào lực lượng bộ đội biên phòng và huấn luyện tại Đắk Lắk. Trải qua hơn 20 năm công tác, học tập, sinh hoạt tại Biên phòng tỉnh Đắk Lắk, anh không ngừng cố gắng học tập rèn luyện phẩm chất đạo đức của người cách mạng, vượt qua khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đồng thời, người đồn trưởng ấy cũng thường xuyên quan tâm động viên cán bộ, chiến sĩ của đơn vị, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được nhà nước giao phó.
Cuộc sống của bộ đội biên phòng đóng quân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, sống xa nhà vừa thiếu thốn tình cảm và cũng còn nhiều khó khăn thế nhưng Thiếu tá Đỗ Trung Long chưa một lần nản chí. Anh chia sẻ: “Tôi luôn ý thức rằng thực hiện trách nhiệm của người công dân dù khó khăn gian khổ đến mấy vẫn quyết tâm thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, coi đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt để yên tâm công tác. Tôi thấy thật vinh dự được phục vụ tổ quốc ở biên giới. Đó là động lực thôi thúc tôi hoàn thành nhiệm vụ”.
Ở địa bàn biên giới nhưng đồn biên phòng Sêrêpôk đã làm tốt công tác hậu cần, bằng nguồn lực tại chỗ đảm bảo thực phẩm dự trữ để sẵn sàng chiến đấu và tăng gia cải thiện đời sống của bộ đội. Đơn vị đã chăn nuôi, trồng rau xanh, trồng được hơn 1,5 ha lúa nước hiện đã được thu hoạch. Cùng với đó trồng hơn 1 ha nghệ vàng phát triển kinh tế, nuôi hơn 50 con bò.
Thiếu tá Long cùng các chiến sĩ của đội trinh sát, đội phòng chống ma túy – tội phạm, đội vận động quần chúng, đội vũ trang, đội kiểm soát hành chính đã không chỉ làm nhiệm vụ giữ lãnh thổ quốc gia mà còn bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân ở biên giới. Xã Krông Na là xã du lịch cho nên rất nhiều đối tượng trà trộn, trộm cắp tài sản của nhân dân, các chiến sĩ biên phòng đã phát hiện và tham gia truy bắt các đối tượng, trả lại tài sản cho nhân dân. Đồng thời bộ đội biên phòng phối hợp với các lực lượng kịp thời phát hiện xử lý các tình huống, đặc biệt là tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao cảnh giác cho nhân dân.
Đại tá Nguyễn Lương Hòa, Thiếu tá Đỗ Trung Long đều tâm sự: Mỗi khi pháo giao thừa được thắp sáng trên bầu trời cũng là lúc họ lại bồi hồi nhớ về Hà Nội, nhớ về mảnh đất đã sinh ra mình. Nhưng đó không phải là nỗi nhớ bi lụy mà là nỗi nhớ xen lẫn niềm tự hào để nhắc nhở bản thân luôn cố gắng hơn nữa để gìn giữ từng tấc đất của Tổ quốc Việt Nam yêu dấu.