Nhà Chính trị giáo dục Phạm Văn Đồng bàn luận về "Giáo dục là quốc sách hàng đầu".
Trong tác phẩm “Về vấn đề Giáo dục và Đào tạo” (viết năm 1999 NXB.Chính trị Quốc gia), Phạm Văn Đồng nêu ra suy nghĩ:
“Quốc sách hàng đầu là gì? và vì sao nói giáo dục là quốc sách hàng đầu?”.
Ông trả lời: “Nói giáo dục là quốc sách hàng đầu, điều đó có nghĩa là sự nghiệp giáo dục và chính sách giáo dục của Đảng và Nhà nước ta có tầm quan trọng hàng đầu, các cơ quan có thẩm quyền và mọi người, mọi tầng lớp nhân dân trong cả nước đều phải coi trọng như vậy và phải làm đúng như vậy...”.
Ông bày tỏ chính kiến: "Tôi đặc biệt coi trọng chữ “Quốc”. Chữ “Quốc” dưới chế độ ta khác hẳn với chữ “Quốc” trong lịch sử nước ta trước đây cũng như lịch sử các nước khác trên thế giới. Bởi lẽ, chữ “Quốc” trong bối cảnh trước đây, thông thường chỉ có nghĩa là giai cấp thống trị. Trong lịch sử nước Pháp, vua Lui 14 thế kỷ XVII, từng nói "Nhà nước là ta". Như vậy là đủ rồi, không cần phải bình luận thêm gì nữa.
Trở lại tình hình nước ta, từ cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chữ Quốc dần dần giàu thêm ý nghĩa đích thực của nó là nước, là dân.
Ở đây phải thấy quốc sách hàng đầu trước hết là hưởng thụ và cống hiến, mọi người được hưởng thụ và mọi người phải cống hiến”.
Ông nhấn mạnh: “Trên đây nói về giáo dục là quốc sách, bây giờ nói thêm về hàng đầu. Vậy hàng đầu là thế nào? Nói hàng đầu có nghĩa là hàng thứ nhất và còn có nghĩa là đi trước một bước. Hiện nay ở nước ta, nhân dân đòi hỏi một cách thiết tha, một cách khẩn trương, một cách thiết thực, cả hai: giáo dục phải xếp hàng thứ nhất và đi trước một bước, chứ nhất định không để nó ở hàng bét và lẹt đẹt theo sau”.
Tầm nhìn chính sách giáo dục
Từ luận điểm phát triển nêu trên phải xác định các vấn đề của chính sách giáo dục. Có nhiều chính sách giáo dục phải được thiết kế và ban hành. Trong hoàn cảnh hiện nay có bốn việc cơ bản sau mà hoạt động quản lý phải có tầm nhìn bao quát và hợp nhất thành chỉnh thể bao gồm:
Chính sách trồng người
Dân tộc ta có minh triết: “Giáo tử anh hài” (Chăm sóc con người từ lúc hài nhi, từ trong bụng mẹ).
Sự trồng người không phải chỉ ở nước ta mà trên toàn thế giới đang gặp các thách thức do khủng hoảng về lối sống và sự xuống cấp, rạn nứt về văn hóa.
Ông Raja Roy Singh, nguyên Giám đốc UNESCO vùng Châu Á-Thái Bình Dương, trong tác phẩm “Nền giáo dục cho thế kỷ 21” đã có lời bàn sâu sắc:
“Giáo dục các giá trị phải được bắt đầu từ gia đình và được hình thành theo những giá trị của cha mẹ. Trách nhiệm của nhà trường là kết hợp với gia đình nhưng dần dần cùng với sự phát triển của trẻ” (Raja Roy Singh, 1998, tr 120).
Năm giá trị sau đây đang được các nhà giáo dục, văn hóa thống nhất là các giá trị phổ quát, cơ bản cần kiên trì giáo dục cho thế hệ trẻ:
- Yêu quý và tự trọng bản thân
- Yêu gia đình – Yêu tổ quốc
- Yêu hòa bình
- Yêu lao động
- Yêu quý và bảo vệ thiên nhiên.
Chính sách tôn vinh, đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ người thầy
Tác giả Raja Roy Singh nói về tầm quan trọng của người giáo viên trong bối cảnh hiện đại:
“Giáo viên giữ vai trò quyết định trong quá trình "Nhận biết - học - dạy" và đặc biệt trong việc định hướng lại giáo dục. Người ta luôn luôn nhận thấy rằng thành công của các cuộc cải cách giáo dục phụ thuộc dứt khoát vào “ý chí muốn thay đổi” cũng như chất lượng giáo viên. Không một hệ thống giáo dục nào có thể vươn cao quá tầm những giáo viên làm việc cho nó” (Raja Roy Singh, 1998, tr.115).
Nền Giáo dục cách mạng Việt Nam trong tiến trình phát triển đã hình thành được đội ngũ người thầy là vốn quý cho nguồn nhân lực đất nước. Đó là đội ngũ mà đa số phấn đấu làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: những “Sư hinh” (người thầy cao quý).
Trong cuộc đổi mới đang diễn ra, hoạt động quản lý phải tiếp tục có các chính sách để người thầy làm được sứ mệnh cao quý mà Bác Hồ kỳ vọng. Chính sách này phải được chú ý trên cả 2 mặt: kinh tế và giáo dục.
Mặt kinh tế: Người thầy giáo phải được đãi ngộ để có thu nhập trên mức trung bình của những lao động nhọc nhằn trong xã hội như chính sách đối với lực lượng vũ trang bảo vệ tổ quốc.
Mặt giáo dục: Người thầy phải được đào tạo chu đáo, bồi dưỡng thường xuyên để có thể là “Người hướng dẫn, người mẫu mực, người cố vấn” cho người học (Ý tưởng của Raja Roy Singh).
Chính sách đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao và bồi dưỡng nhân tài
Nguồn nhân lực có chất lượng cao và đội ngũ nhân tài có vai trò quyết định để “Dân tộc Việt Nam thành dân tộc thông thái” (Ý tưởng của Bác Hồ nói từ năm 1946).
“Nhân lực có chất lượng cao – Nhân tài” ở nước ta phải hài hòa cả hai mặt: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhân tố này có được không phải do ngẫu nhiên, ăn may. Đó là quá trình từ giáo dục gia đình, đến giáo dục nhà trường và điểm cuối là môi trường và cơ chế xã hội.
Quản lý giáo dục tác động vào cả ba giai đoạn này từ khâu phát hiện – tuyển chọn – sử dụng, đào tạo - bồi dưỡng. Giáo dục thế hệ trẻ có nhân cách đúng đắn luôn là bệ phóng để có nhân lực và nhân tài đích thực cho đất nước
Chính sách khai sáng Dân trí
Khai hóa và tiếp đó là đưa con người đến sự sáng tạo, đó là công cuộc khai sáng dân trí tích cực. Phạm trù dân trí đặt trong bối cảnh hiện đại được nhận diện trên ba chiều cạnh: “Dân trí – Quan trí - Doanh trí”.
Dân trí là trí thức để mỗi công dân có ý thức rõ ràng về nghĩa vụ công dân với đất nước và hành động hiệu quả thực hiện nghĩa vụ này.
Sự phân công lao động xã hội tạo ra một “bộ phận Dân” được làm nhiệm vụ quản lý cộng đồng hay hoạt động kinh tế. Do đó có thêm hai phạm trù “Quan trí – Doanh trí”.
Dân trí phát triển cao mà Quan trí hay Doanh trí phát triển không theo kịp thì kìm hãm Dân trí và như thế là kìm hãm sự phát triển chung.
Giáo dục nhà trường và quản lý giáo dục nhà trường phải chú ý bồi dưỡng cho thế hệ trẻ có tư duy khoa học cơ bản, tư duy kinh tế, tư duy chính trị, tư duy quản lý ... để đất nước có cả Dân trí – Quan trí – Doanh trí phát triển đồng bộ và hài hòa.
Tư duy chiến lược giáo dục
Chính sách giáo dục được minh định hóa vào Tư duy chiến lược giáo dục. Về phạm trù này, hoạt động quản lý cần quán triệt ba điểm tựa có tính nội sinh:
- Hiện đại hóa tinh hoa giáo dục đất nước.
- Việt Nam hóa giá trị giáo dục tiên tiến của thời đại.
- Lành mạnh hóa đời sống giáo dục thực tiễn.
Hiện đại hóa tinh hoa giáo dục đất nước
Đất nước ta có nền văn hóa rạng rỡ từ xa xưa, hoạt động quản lý biết khai thác các tinh hoa này làm cho chúng hiện đại với tình hình mới, thúc đẩy chúng cộng hưởng vào quá trình giáo dục đang diễn ra tại các nhà trường.
Không phải chỉ có tinh hoa tư tưởng giáo dục ở phát biểu và hành động của các cá nhân mà còn tinh hoa giáo dục ở thành quả thực tiễn. Trong thế kỷ XX, đất nước đã có những bài học sáng giá về cách đào tạo của Đông Kinh Nghĩa Thục, của Trường Bắc Lý, của Trường xã Cẩm Bình và nhiều thiết chế khác. Các điển hình này cần phải được hiện đại hóa về cách làm trong hoàn cảnh mới của nước ta.
Việt Nam hóa giá trị giáo dục tiên tiến của thời đại
Quá trình hội nhập giúp đất nước tiếp biến nhiều giá trị giáo dục tiên tiến của nhân loại.
Dân tộc ta đã Việt Nam hóa thành công các giá trị văn hóa Hán để xây dựng nền văn hóa của nhà nước Đại Việt tự chủ từ năm 939. Việt Nam hóa thành công các giá trị văn hóa của Tây phương để có nền giáo dục Tân học cách mạng làm thất bại các âm mưu nô dịch của chủ nghĩa thực dân cũ và thực dân mới kiến tạo nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trong thế kỷ XX.
Ngày nay ở bối cảnh hội nhập sâu với thời đại, Việt Nam không chỉ là thành viên của WTO, thành viên của cộng đồng kinh tế ASEAN mà còn tham gia TPP thì giáo dục phải tiếp biến nhanh với các giá trị kinh tế giáo dục tiên tiến của thời đại.
Lành mạnh hóa đời sống giáo dục thực tiễn
Từ những năm 80 của thế kỷ trước, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nêu ra phương châm hành động cho nền giáo dục:
“Trường ra Trường – Lớp ra Lớp
Thầy ra Thầy – Trò ra Trò
Dạy ra Dạy – Học ra Học”
Đó chính là sự “Lành mạnh hóa” đời sống giáo dục.
Trong những năm đầu thế kỷ XXI, Việt Nam có phong trào “Xây dựng Nhà trường thân thiện” (Chỉ thị số 40/2008/CT BGDĐT ngày 22/7/2008).
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân ở thời điểm đó đã nói về mục đích của phong trào này nhằm “Thiết lập lại môi trường sư phạm với 6 đặc trưng là: “Trật tự, trung thực, khách quan, công bằng, tình thương và khuyến khích hiệu quả”.
Đây có thể coi là sự tiếp tục để “Lành mạnh hóa đời sống giáo dục”. Đổi mới giáo dục lần này từ yêu cầu làm lành mạnh hóa đời sống nhà trường phải thực hiện được ba điều sau đây:
-Xây dựng được cơ sở vật chất sư phạm cho các nhà trường đạt yêu cầu tối thiểu của chuẩn để triển khai mục tiêu giáo dục.
-Xây dựng môi trường giáo dục: “Học hẳn hoi-Dạy hẳn hoi-Quản lý hẳn hoi”.
-Xây dựng được sự giao tiếp ứng xử trong tập thể tạo nên “Tổ chức biết học hỏi” (learning organization).
Lành mạnh hóa đời sống giáo dục lúc này đặt trọng tâm vào việc giảm thiểu bạo lực học đường, để mọi nhà trường sống có “Kỷ cương – Tình thương – Trách nhiệm”.
Hành động kế hoạch Giáo dục
Hành động kế hoạch giáo dục phải kết nối được ba nhân tố có vai trò nền tảng cho sự phát triển. Đó là:
- Đội ngũ người học là chủ thể của quá trình giáo dục.
- Nhà trường/mạng lưới nhà trường là nhân tố dẫn dắt trí tuệ nhân dân cộng đồng củng cố sự hòa hợp đời sống cộng đồng.
- Hệ thống giáo dục quốc dân là nhân tố kiến tạo được tính bền vững cho kết cấu hạ tầng đời sống tinh thần của xã hội.
Kế hoạch giáo dục coi nhân tố người học không chỉ là con số của nhân lực đơn thuần mà đó là một giá trị của sự phát triển văn hóa đất nước.
Người học là chủ thể, là sức mạnh của sự phát triển.
Kế hoạch giáo dục phải có sự chăm lo cho người học được phát triển toàn diện cả về kiến thức, kỹ năng, thái độ hành vi, cả trí lực, tâm lực và thể lực.
Kế hoạch giáo dục coi nhân tố nhà trường có vai trò vừa là vầng trán dẫn dắt trí tuệ nhân dân cộng đồng, vừa là trái tim hòa hợp nhân tâm cộng đồng. Kế hoạch giáo dục thúc đẩy nhà trường từ bỏ kiểu hoạt động "2-4-8" chuyển thành nhà trường dạy học tư duy.
Ngày nay nhà trường được mang nhiều danh hiệu: Nhà trường thân thiện, Nhà trường mới, Nhà trường chất lượng cao. Song dù có khoác lên mình bất cứ danh hiệu đẹp đẽ nào thì hoạt động quản lý phải tập trung tạo nên Nhà trường hiệu quả.
Kế hoạch giáo dục coi nhân tố “Hệ thống giáo dục quốc dân” không chỉ là ngành học theo sứ mệnh sư phạm thuần túy mà là tác nhân kiến tạo nên kết cấu hạ tầng bền vững của đời sống tinh thần xã hội
Hệ thống giáo dục quốc dân ngày nay bao gồm năm phân hệ:
- Giáo dục mầm non; Giáo dục phổ thông; Giáo dục kỹ thuật nghề nghiệp; Giáo dục Cao đẳng – Đại học; Giáo dục thường xuyên.
Quản lý giáo dục nối kết năm phân hệ này để chúng hỗ trợ, bổ sung cho nhau tạo điều kiện cho mọi công dân có cơ hội thụ hưởng.
NQ 29/NQ-TW khóa XI đã mở ra cánh cửa cho sự đổi mới tư duy giáo dục. Chắc chắn quan điểm nội dung của NQ này còn được bổ sung, hoàn thiện. Song vô luận hoàn cảnh nào thì tư tưởng được đề ra trong NQ: “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học” phải được mọi cấp quản lý giáo dục, mọi người có trách nhiệm với sự nghiệp giáo dục có quyết tâm hiện thực vào đời sống giáo dục của đất nước.