Những thầy cô giáo thường ngày quen với cách dạy truyền thống, trực tiếp trên lớp học, giáo án cũng phục vụ việc dạy học trực tiếp đã hiểu rằng không thể không đổi mới, tìm phương pháp dạy học mới trong thời điểm học sinh nghỉ học quá dài mà chương trình học thì cần tiếp diễn.
Những chiếc laptop trở thành công cụ đắc lực hơn bao giờ hết. Những bài giảng được nối tiếp đến với học sinh thông qua chiếc laptop của thầy cô, hệ thống mạng và phương tiện của trò. Chưa bao giờ, ngành Giáo dục có cuộc đổi mới cách thức dạy học ngoạn mục đến vậy. Vẫn bục giảng, vẫn bài giảng nhưng lớp học không còn một bóng học trò, các em truy cập rồi cập nhật kiến thức bài giảng qua màn hình các thiết bị thông minh. Dù lớp học và sân trường vắng lặng, sự kết nối và hào hứng vẫn đang tràn ngập trong các phòng học ảo của thầy trò nhiều nhà trường…
Với ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trong thời gian học sinh toàn thành phố nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19, Sở đã kịp thời triển khai nhiều hình thức hỗ trợ học sinh học tập tại nhà. Sở đã huy động các thầy cô giáo phát huy sức lao động sáng tạo trong thời đại Cácg mạng Công nghiệp 4.0 để có được những bài giảng trực tuyến chất lượng nhất đến với học trò. Theo đó, học sinh các khối lớp 8, 9, 11 và 12 có thể tự học qua hệ thống học tập trực tuyến Hanoi Study tại địa chỉ http://study.hanoi.edu.vn. Theo thống kê sơ bộ, đến nay hệ thống này đã thu hút hơn 250.000 học sinh tham gia với gần 2 triệu lượt học sinh tham gia học tập.
Ngoài ra, học sinh lớp 9 và lớp 12 trên địa bàn thành phố Hà Nội còn có thể học tập tại nhà qua chương trình "Học trên truyền hình", phát sóng hằng ngày từ thứ hai đến thứ bảy trên kênh HTV1, Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội. Học sinh lớp 9 có 3 môn học gồm: Ngữ văn, toán, tiếng Anh. Học sinh lớp 12 có 9 môn học gồm: Ngữ văn, toán, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân và tiếng Anh.
Tiếp đó, học sinh các lớp 4, 5, 6, 7, 8, 10 và 11 trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng được học tập qua truyền hình. Các bài giảng được phát qua chương trình "Dạy qua truyền hình", phát sóng trên kênh HTV1, HTV2 Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội.
Thực tế cho thấy, việc tổ chức ôn tập trực tuyến, dạy học qua truyền hình cho học sinh là giải pháp của Sở GDĐT Hà Nội cũng như nhiều nhà trường nhằm hỗ trợ học sinh củng cố kiến thức trong thời gian nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19.
Sáng tạo với các bài giảng trực tuyến
Nhiều giáo viên làm “nóng” kiến thức từ chiếc laptop cho rằng, ưu điểm của cách làm này là tạo cho học sinh kênh ôn tập hiệu quả, gần gũi trong khi nghỉ tránh Covid-19, giữ được "cảm giác" học, tránh lãng phí thời gian để học sinh "không chơi vơi khi nghỉ học kéo dài"… Tuy nhiên, nó cũng có nhiều khiếm khuyết. Một mình trong căn phòng với chiếc máy quay, giáo viên tập trung cho bài giảng nhưng mất cảm xúc truyền đạt, không thể tương tác chỉ bài cho từng em, giải đáp ngay thắc mắc hoặc tổ chức hoạt động nhóm. Cách dạy này cũng thiếu cơ chế kiểm soát nên không thể biết hết học sinh có thực học hay không. Dạy và học trực tuyến chưa có quy định chính thức nên không thể ép buộc học trò.
Với việc dạy học qua truyền hình, theo nhiều giáo viên trực tiếp tham gia thì dù chuẩn bị công phu đến đâu, giảng bài qua truyền hình vẫn là một chiều. Học sinh học ở nhà nếu không tự giác và chăm chỉ, không xác định được mục tiêu sẽ không chủ động tiếp thu, nghe một cách đối phó, qua loa. Dạy qua truyền hình cũng khiến giáo viên không thể đáp ứng nhu cầu của mọi học sinh với học lực khác nhau, không kiểm soát được mức độ lĩnh hội kiến thức của các em...
Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh hiện nay, dạy học trực tuyến và dạy qua truyền hình vẫn là giải pháp tốt nhất để kết nối với học sinh mà vẫn an toàn, đảm bảo việc học không bị ngắt quãng quá nhiều. Nó cũng có một số ưu điểm như giúp học sinh tiếp cận với nhiều giáo viên có phong các dạy khác nhau. Bài học trên truyền hình được lưu trên Youtube và các nền tảng khác giúp các em tiếp cận kiến thức mọi lúc mọi nơi.
Những cách làm mới để đạt được những hiệu quả như mong muốn thì cần có thời gian, sự điều chỉnh hợp lí trên các qui định đồng bộ. Song điều đáng nói ở đây là ngành Giáo dục đã chủ động và đội ngũ cán bộ giáo viên đã không ngại khó, nỗ lực để tiếp cận với phương pháp mới với mong muốn trang bị kiến thức cho học sinh dù tất cả đang trong thời điểm khó khăn nhất, khó lường nhất. Đây cũng là bước tập dượt cho những đột phá trong giáo dục con người ở thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Và thực tế cho thấy, muốn triển khai tốt việc dạy, học trực tuyến phụ thuộc vào rất nhiều tiêu chí, trong đó, giáo viên luôn là yếu tố nòng cốt. Điều đầu tiên, các nhà trường, giáo viên phải thật sự là những người tâm huyết, tạo ra sức hấp dẫn, sức hút thì sẽ không có học sinh nào muốn rời chiếc laptop hay máy tính bảng để đón nhận kiến thức…
*Cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp- Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa, quận Cầu Giấy:
Dạy- học trực tuyến có thể nhiều học sinh chưa quen nhưng là giải pháp phù hợp và thiết thực nhất trong giai đoạn này. Phương pháp này đòi hỏi người dạy và người học phải thay đổi môi trường dạy- học, thay đổi phương pháp dạy- học và thành công sẽ đến với ai biết thích ứng với sự thay đổi đó.
Để việc dạy- học trực tuyến hiệu quả thì vai trò then chốt là sự quản lý, quản trị của BGH nhà trường; vai trò quan trọng là sự chuẩn bị và kỹ năng của các thầy cô giáo và vai trò quyết định là ý thức và tính chủ động học tập của học sinh.
Không chỉ thiết kế bài dạy, dạy online mà vất vả hơn nữa là các thầy cô giáo giao bài tập và quản lý được chất lượng làm bài tập của học sinh để thông tin kịp thời tới BGH và CMHS. Đầy sinh khí làm việc, đội ngũ CBGV nhà trường đã và đang biến khó khăn thành cơ hội để nâng cao trình độ ứng dụng CNTT, đổi mới phương pháp dạy học.
*Thầy giáo Đặng Việt Hà- Hiệu trưởng trường THCS Chu Văn An, quận Tây Hồ:
Ngay khi học sinh được nghỉ học để phòng chống dịch, nhà trường đã lên kế hoạch dạy học trực tuyến, lúc đầu chỉ coi đây là cơ hội để giáo viên có thời gian, tâm trí tiếp cận phương pháp dạy học mới cũng như khuyến khích cha mẹ học sinh và học sinh cùng tham gia. Đồng thời cũng qua đây để hướng dẫn học sinh ôn tập kiến thức khi không đến trường. Giáo viên sau khi được hướng dẫn tiếp cận với phần mềm, kĩ năng dạy học trực tuyến đã triển khai dạy trực tuyến ưu tiên cho học sinh lớp 9 và các bộ môn Văn, Toán, Anh. Có sự tương tác với học sinh qua các bài giảng trực tuyến nên giáo viên khá hào hứng thực hiện, khắc phục những khó khăn ban đầu.
Tuy nhiên, với thời gian nghỉ học dài, phương pháp này đã được triển khai sâu rộng trong CBGV nhà trường. Nhà trường tiếp tục mở rộng việc dạy học trực tuyến đến tất cả các bộ môn, kể cả các môn Nhạc, Họa, Thể dục và thấy rằng cách làm này khá hiệu quả, thu hút được học sinh. Để dạy học trực tuyến đảm bảo yêu cầu, nhà trường xác định rõ mục tiêu qua kế hoạch dạy học chi tiết hàng tuần. Việc dạy học ở các bộ môn không theo như chương trình mà là có sự lựa chọn nội dung, chủ đề phù hợp để học sinh không thấy nhàm chán và khó tiếp thu. Những nội dung này sẽ tiếp tục được củng cố khi học sinh quay trở lại lớp học theo sự điều chỉnh chương trình học phù hợp với yêu cầu của Bộ GDĐT. Việc kiểm tra, đánh giá kết quả học của học sinh được nhà trường triển khai linh hoạt bằng nhiều biện pháp nhằm tránh tình trạng học đối phó, hời hợt của học sinh. Nhà trường cũng kết hợp với dạy học qua truyền hình để tránh chồng chéo kiến thức qua mỗi bài giảng trực tuyến.
Dạy học trực tuyến là giải pháp hỗ trợ trong những thời điểm học sinh nghỉ học dài. Tuy không thể thay thế phương pháp dạy học trực tiếp song đây sẽ là cơ hội tốt để giáo viên làm quen với một phương pháp dạy học mới theo xu thế hiện đại, có thể áp dụng vào việc ôn tập, bồi dưỡng kiến thức cho học sinh hoặc khi cần truyền tải kiến thức cần thiết đến các em ngoài thời gian học ở trường.
Phương pháp này sẽ hiệu quả hơn khi các nhà trường có sự chuẩn bị về tập huấn giáo viên, hướng dẫn học sinh, có phần mềm dạy học đồng bộ bên cạnh sự ủng hộ, cùng tham gia của cha mẹ học sinh…
*Thầy giáo Nguyễn Cao Cường- Hiệu trưởng trường THCS Thái Thịnh, quận Đống Đa:
Song song với việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, nhà trường thực hiện ngay các giải pháp dạy học trực tuyến từ những ngày đầu tiên học sinh được nghỉ học. 2 giải pháp mang tính đồng bộ mà nhà trường đã tích cực triển khai là:
Giải pháp 1: Giao bài trực tuyến, ghi hình giáo viên hướng dẫn chữa trực tuyến.
Để thực hiện giải pháp này: BGH chỉ đạo tổ chuyên môn thống nhất phiếu các môn (Toán, Văn, Anh) theo khối. Mỗi tuần 2 phiếu. Hạn hoàn thành khoảng 2-3 ngày/ phiếu. Nhà trường đăng tải các phiếu lên website của trường và thông báo bằng tin nhắn tới CMHS để CMHS tải phiếu về cho con làm. Trong thời gian học sinh làm bài dưới sự dõi theo của CMHS, nhà trường tiến hành ghi hình các thầy cô hướng dẫn chữa bài, BGH lên lịch ghi hình, các GV được phân công cùng tổ nhóm chuyên môn thực hiện sự chuẩn bị nội dung chữa. Nhà trường thiết lập 1 lớp học làm “trường quay” và thực hiện ghi hình. Trong quá trình ghi hình, tổ nhóm chuyên môn ngồi dự phía dưới để góp ý trực tiếp. Sau hậu kỳ, video sẽ được kiểm duyệt qua 2 vòng, vòng tổ chuyên môn và vòng 2 là BGH. Video được đăng tải lên fanpage Facebook của trường. Nhà trường nhắn tin tới CMHS để CMHS cho con xem phần chữa bài và học sinh tự chữa lại phần mình làm dưới sự giám sát, hỗ trợ của CMHS… Đến thời điểm hiện tại, nhà trường thực hiện ghi hình được hơn 40 video hướng dẫn. Phản hồi từ CMHS và HS là rất tích cực. Họ cảm thấy rất yên tâm khi các con được giao bài và được các thầy cô hướng dẫn chữa bài.
Giải pháp 2: Giáo viên thực hiện dạy học trực tuyến với lớp mình giảng dạy qua công cụ Hangouts và Zoom.
BGH nhà trường đi đầu trong việc sàng lọc, thử nghiệm các ứng dụng dạy học trực tuyến hiện nay và lựa chọn 02 ứng dụng dạy học trực tuyến hiệu quả: Hangouts và Zoom. Nhà trường thực hiện tập huấn những công cụ dạy học trực tuyến tới giáo viên theo cách thức “cầm tay chỉ việc”. Sau khi tập huấn, giáo viên thực hiện công tác phối kết hợp với CMHS và các GV khác cùng dạy lớp đó để lên lịch giảng online. Đến giờ hẹn, HS tương tác với giáo viên qua các thiết bị máy tính, smartphone. Các thầy cô thực hiện ôn tập, hướng dẫn chữa bài và nhận phản hồi của HS qua các ứng dụng đã được tập huấn.
Giải pháp này giúp GV tương tác và ghi nhận, hỗ trợ HS được những khó khăn của HS. Sự thống nhất của CMHS và GV về giờ dạy, thiết bị sử dụng và những ngày đầu CMHS giám sát cùng là rất quan trọng. Bên cạnh đó, số lượng học sinh tham gia cần chia nhỏ thành 2-3 nhóm của một lớp sẽ mang lại nhiều hiệu quả…