Vừa làm vừa học– Vừa học vừa làm
Ngày 3/9/1945 trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh có phát biểu:
“Sau tám mươi năm bị áp bức, bị bóc lột và dưới chính sách ngu dân của thực dân Pháp, chúng ta đều chưa quen với kỹ thuật hành chính.
Nhưng điều đó không làm cho chúng ta lo ngại. Chúng ta vừa làm vừa học, vừa học vừa làm. Chắc rằng, chúng ta sẽ phạm khuyết điểm, nhưng chúng ta sẽ sửa chữa, chúng ta có can đảm sửa chữa khuyết điểm” (Tập 4, tr.6, Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG HN 2011)
“Vừa làm vừa học, Vừa học vừa làm” trở thành phương thức giáo dục tiến bộ cho việc kiến tạo nền giáo dục phổ thông dân chủ, đại chúng trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước. Ngày nay là phương thức xây dựng xã hội học tập hữu hiệu trên toàn đất nước ta.
Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không… chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em
Trong thư gửi học sinh ngày khai trường năm học đầu tiên của chính thể dân chủ (tháng 9 năm 1945), Bác Hồ viết:
“Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em” (Tập 4, Tr.35).
Bức thư ngày khai trường năm học 1945-1946 không dài, song là văn kiện cương lĩnh có tính lâu dài cho sự phát triển của nền giáo dục Việt Nam, đặc biệt đối với cuộc đổi mới đang diễn ra khi nhấn mạnh giáo dục phát triển theo năng lực của người học.
Đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành
Ngày 21/1/1946, trả lời các nhà báo nước ngoài, Hồ Chí Minh nói rõ lý tưởng của mình: “ Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn dự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” (Tập 6, tr.187)
Xây dựng “Gia đình học hiệu”, “Tiểu giáo viên”
Tháng 3/1947 về công tác tại Thanh Hóa, Bác Hồ yêu cầu tỉnh này xây dựng “Thanh Hóa kiểu mẫu” với tinh thần:
“Người đủ ăn thì khá giàu
Người khá giàu thì giàu thêm
Người nào cũng biết chữ
Người nào cũng biết đoàn kết yêu nước”
Thay mặt Chính phủ, người giao cho cụ Lê Thước và ông Đặng Thai Mai xây dựng Ban văn hóa với nhiệm vụ:
“Ban Văn hóa phải tìm những cách không cần tốn tiền mà học được như “gia đình học hiệu” (mỗi một gia đình phải là một nhà trường),“tiểu giáo viên”, cả làng chung gạo nuôi một thầy giáo. (Tập 5, tr.83)
Gia đình học hiệu (learning family) ngày nay là nhân tố quan trọng mà UNESCO đề ra để xây dựng xã hội học tập tại các quốc gia.
Sự học tập ở trong nhà trường là tương lai của nước nhà
Năm 1947, viết tác phẩm “Đời sống mới”, Người khẳng định: Sự học tập ở trong nhà trường có ảnh hưởng rất lớn cho tương lai của thanh niên và tương lai của thanh niên là tương lai của nước nhà. (Tập 5, tr.120)
Người nêu những việc quan trọng trong đời sống nhà trường:
- Dạy cho học sinh biết yêu nước thương nòi
- Dạy cho học sinh có ý chí tự lập – tự cường quyết không chịu thua kém ai, quyết không chịu làm nô lệ
- Phải tẩy sạch óc kiêu ngạo, tự phụ ở học sinh.
- Khuyên học sinh tham gia tăng gia sản xuất.
"Lấy tự học làm cốt. Do thảo luận và chỉ đạo giúp vào" và “ Học ăn, học nói, học gói, học mở"
Năm 1947, tại chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, cuốn sách từng là tài liệu định hướng cho cuộc cải cách giáo dục lần thứ nhất tiến hành năm 1950. Trong tác phẩm này, Bác Hồ dành nhiều trang nói về việc huấn luyện, học tập. Bác nhấn mạnh:
“Lấy tự học làm cốt. Do thảo luận và chỉ đạo giúp vào” và hai lần khuyên“Học ăn, học nói, học gói, học mở” (Tập 5, tr.287,312, 342)
“Lấy tự học làm cốt” (là nội lực). Tuy nhiên như Bác chỉ ra còn phải có môi trường (do thảo luận), có sự chỉ đạo (quản lý) thì nội lực mới phát huy được kết quả. Bối cảnh ngày nay yêu cầu mọi người phải biết: Học cách “Lĩnh hội” (học ăn); Học cách “Diễn đạt” (học nói); Học cách “Triển khai vấn đề" (học mở); Học cách “Kết thúc vấn đề” (học gói).
Học không biết chán, dạy không biết mỏi
Ngày 6/5/1950, trong hội nghị bàn về công tác huấn luyện và học tập lần thứ nhất, đến khai mạc hội nghị, Bác Hồ có lời dạy:
“Lênin khuyên chúng ta “Học, học nữa, học mãi”… Người huấn luyện nào tự cho mình biết đủ cả rồi, thì người đó là dốt nhất…
Khẩu hiệu “Học không biết chán, dạy không biết mỏi” treo trong phòng họp chính là của Khổng Tử. Tuy Khổng Tử là phong kiến và tuy trong học thuyết của Khổng Tử có nhiều điều không đúng, song những điều hay trong đó thì chúng ta nên học” (Tập 6, tr.356)
Học để sửa chữa tư tưởng, tu dưỡng đạo đức cách mạng, học để tin tưởng, học để hành
Cũng tại hội nghị 6/5/1950, Bác Hồ nêu ra câu hỏi “Học để làm gì?” và giải đáp cho người tham dự:
a) Học để sửa chữa tư tưởng… Tư tưởng đúng thì hành động mới khỏi sai lạc….
b) Học để tu dưỡng đạo đức cách mạng. Có đạo đức cách mạng thì mới hy sinh tận tụy với cách mạng, mới lãnh đạo được quần chúng đưa cách mạng đến thắng lợi hoàn toàn.
c) Học để tin tưởng:
Tin tưởng vào đoàn thể
Tin tưởng vào nhân dân
Tin tưởng vào tương lai dân tộc...
d) Học để hành: Học với hành phải đi đôi.
Học không hành thì học vô ích
Hành mà không học thì hành không trôi chảy"
(Tập 6, tr.360 -361)
Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân
Ngày 21/7/1958 đến thăm trường Đại học Nhân Dân, nói chuyện với các vị nhân sĩ thủ đô đang tham dự khóa huấn luyện chính trị, Người có lời tâm tình: “Theo ý riêng của tôi, thì hạt nhân ấy có thể tóm tắt trong 11 chữ “Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân”.
Người nhấn mạnh thêm:
“Nói tóm tắt: Minh minh đức là chính tâm
Thân dân tức là phục vụ nhân dân
Đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết
Nói một cách khác, tức là:
“Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu
Hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc”
(Tập 10, tr. 377)
Cuộc đổi mới giáo dục đang diễn ra phải kiên trì đường lối giáo dục Thân dân mà Hồ Chí Minh đã đề ra: cái gì có lợi cho dân thì làm, cái gì có hại cho dân thì tránh. Viết Di chúc trước lúc đi xa, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân.
Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời
Cũng ở lần thăm này, Người góp ý với nhân sĩ thủ đô:
“Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế, không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân” (Tập 10, tr.377).
Ngày nay “Giáo dục thường xuyên” (tác động vào con tim-heart), Đào tạo liên tục (tác động vào đôi tay-hands), Học tập suốt đời (tác động vào bộ óc-head) vừa phải được mỗi công dân coi là phương châm hành động, vừa phải được nhà quản lý quán triệt trong việc thiết kế, triển khai chính sách quốc gia.
Học đi với lao động, lý luận đi với thực hành, cần cù đi với tiết kiệm
Ngày 31/12/1958 đến thăm trường Chu Văn An (trường Bưởi cũ), Hồ Chí Minh tâm tình với học trò nhà trường:
“Trước: đi học về vứt sách, ăn cơm rồi chơi, không làm việc nhà, vì cho mình là cô, cậu học trò, nhất là học trò trường Bưởi là oai lắm.
Bây giờ các cháu đã ngăn nắp, trật tự hơn.
Cũng do thế mà chí khí các cháu tốt hơn.
Bác nói các cháu chớ giận.
Trước các cháu ăn bám bố mẹ.
Bây giờ bước đầu ít nhiều các cháu đã biết tự lực cánh sinh như làm vườn, làm mộc, các cháu học tập những người lao động, các cháu không muốn ăn bám bố mẹ, ăn bám xã hội.
Trước: các cháu chỉ học trong sách.
Bây giờ học và thực hành kết hợp với nhau.
Ví dụ: trước học về nông nghiệp, thầy và trò chỉ học trong sách vở.
Bây giờ: các cháu về nông thôn, cấy cày, trồng trọt, làm phân. Như thế là học kết hợp với hành.
Do lao động, tri thức tăng thêm.
Do lao động, sức khỏe tăng thêm.
Đó là kết quả của lao động sản xuất…”
Kết luận bài nói chuyện, Bác Hồ đề ra 3 việc cho học trò Chu Văn An:
- Học đi với lao động
- Lý luận đi với thực hành
- Cần cù đi với tiết kiệm
(Tập 11, tr.594)
Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt
Ngày 15/10/1968 lúc đế quốc Mỹ đang tiến hành chiến tranh phá hoại ác liệt trên hai miền của Tổ quốc, khai giảng năm học 1968-1969, Bác Hồ viết Bức thư cuối cùng cho ngành Giáo dục có lời căn dặn:
“Dù khó khǎn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng vǎn hóa và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật.” (Tập 15, tr.507).