Giáo viên phải chuyển mình
Khi đề cập về nhiệm vụ của năm học 2018 – 2019, trên Cổng thông tin của Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã khẳng định: "Về phát triển đội ngũ, đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Thành bại của đổi mới giáo dục là ở nhiệm vụ này. Trong năm học 2018-2019, chúng tôi vẫn tiếp tục coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Trước hết, chúng tôi đã ban hành Thông tư về chuẩn giáo viên và chuẩn hiệu trưởng. Đây là bước tiến rất lớn. Vì muốn nâng cao chất lượng giáo viên cũng như đội ngũ quản lý giáo dục thì việc đầu tiên là phải sửa các chuẩn. Tránh tình trạng hiện nay một số địa phương cứ nói rằng, thừa chuẩn, vượt chuẩn nhưng chuẩn đó chưa phản ánh đúng yêu cầu thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực".
Ảnh minh họa
Để phát triển đội ngũ, thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các chuyên gia nước ngoài, tiến hành khảo sát thực tiễn, lấy ý kiến góp ý của đội ngũ giáo viên qua nhiều vòng để ban hành được các chuẩn này. Bước đầu, sau khi ban hành, đội ngũ giáo viên ở các cơ sở giáo dục đã rất quan tâm theo hướng tự soi, tự sửa để tự học, tự phát triển. Ngành sẽ có chương trình bồi dưỡng, hỗ trợ. Năm học 2018 - 2019, căn cứ vào lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, căn cứ vào các chuẩn giáo viên và hiệu trưởng, Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ này, chú trọng kết hợp giữa đào tạo trực tuyến và trực tiếp.
Một nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục trong năm học 2018 – 2019 là chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2019-2020. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã khẳng định: "Hai điều kiện rất quan trọng để triển khai chương trình là đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất trường lớp vẫn là vấn đề cần phải quan tâm. Chương trình có tốt đến mấy nhưng người thực hiện là đội ngũ giáo viên và điều kiện cơ sở vật chất không đáp ứng được yêu cầu cũng khó thành công. Lần đổi mới này có khác biệt là chuyển từ chú trọng truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực, vì vậy, đội ngũ giáo viên cũng phải chuyển mình. Nếu giáo viên không được bồi dưỡng kiến thức, không được chuẩn bị sẵn sàng về tâm thế, rủi ro sẽ rất cao. Về cơ sở vật chất trường lớp, nhất là với lớp 1 phải đảm bảo dạy và học được 2 buổi/ngày mới giảm tải được. Nhưng hiện nay vẫn còn khoảng 1/3 địa phương chưa đảm bảo 2 buổi/ngày. Đây cũng là một khó khăn".
Máy móc không thể thay thế giáo viên
Cách mạng 4.0 - xu hướng kết hợp giữa các hệ thống ảo và thực thể, vạn vật kết nối internet - đang thách thức ý niệm của chúng ta về vai trò thực sự của con người, trong đó có người thầy. Vai trò giáo viên trong thế kỉ XXI trở nên phức tạp ở một thế giới thay đổi nhanh chóng, nơi mà tri thức hầu như vô tận.
Bắt kịp với xu thế phát triển của công nghệ, để nâng cao hiệu quả chất lượng công tác giảng dạy, đồng thời đảm bảo công bằng, minh bạch, khách quan trong giáo dục, ngành GD&ĐT đã tích cực ứng dụng CNTT trong quản lý, giảng dạy và trong thi cử. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh, dù CNTT thông tin phát triển đến mấy thì giáo viên cũng là những người không thể thay thế. Bởi trong công tác giảng dạy, công việc của người thầy không chỉ là truyền thụ kiến thức một chiều, mà còn làm việc hướng dẫn, giúp trò sửa lỗi, truyền cảm hứng cho trò, động viên học trò. Mỗi học trò là một cá tính, hoàn cảnh khác nhau, năng lực khác nhau đòi hỏi thầy cô phải có cách tiếp cận riêng, có phương pháp riêng.
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội phân tích: "Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra thách thức ngành giáo dục phải thay đổi cách dạy học cho phù hợp. Nếu nhà giáo chỉ cung cấp, truyền dạy thông tin tri thức của các bộ môn khoa học thì ngày nay, người máy và các thiết bị thông minh sẽ làm tốt hơn các nhà giáo. Nhưng người máy và thiết bị thông minh không thể thay thế thầy giáo, cô giáo trong các trường học vì thầy giáo, cô giáo còn có nhiệm vụ giúp học sinh phát triển phẩm chất, năng lực. Học sinh không chỉ học để có điểm cao, thi đỗ mà phải có phẩm chất và năng lực của người công dân thế kỷ 21".
Ảnh minh họa
Công việc dạy học của các nhà giáo ngày nay khác trước nhiều. Mọi kiến thức, hiểu biết của học sinh không chỉ được hình thành qua sách vở, qua internet mà phải được bổ sung qua các hoạt động trải nghiệm, biết học hỏi lẫn nhau, biết vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống. Thông qua giờ dạy trên lớp và hoạt động giáo dục trong và ngoài nhà trường, nhà giáo giúp học sinh biết tự học một cách sáng tạo. Nhà giáo phải thật sự là nhà giáo dục, nhà sư phạm. Chỉ có thấu hiểu tính cách, hoàn cảnh của từng học sinh, nhà giáo mới đưa ra được những phương pháp giáo dục phù hợp, làm cho các em thích học, biết cách học, có thói quen học và học hiệu quả.
Để làm tròn sứ mệnh vẻ vang của mình, trong khi chờ đợi chính sách Nhà nước thay đổi, nhà giáo phải biết tự phát huy nội lực để có thể đóng góp cho sự nghiệp trồng người. Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, trước hết, thầy, cô giáo phải chuẩn bị cho mình có đủ nội lực để phát huy mọi tiềm năng của bản thân cho mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực của mỗi học sinh. Thầy, cô chỉ nói hay, truyền đạt kiến thức giỏi là chưa đủ mà phải có đủ kiến thức về tâm lý học, giáo dục học để có khả năng thấu hiểu từng học sinh; phải có những quan điểm giáo dục tiên tiến kịp thời khích lệ học sinh, dẫn dắt học sinh tự chiếm lĩnh kiến thức thông qua các hoạt động trải nghiệm trên lớp, ngoài nhà trường… Dạy học kiểu áp đặt, khuôn mẫu cứng nhắc chắc chắn sẽ không thành công. Dạy học theo kiểu bắt học sinh răm rắp nghe lời, học sinh nào cũng phải giỏi toàn diện các môn, môn nào cũng quan trọng như nhau là cách dạy không theo hứng thú và sự phát triển khác nhau của mỗi học sinh.
Không chỉ trong giảng dạy, trong thi cử, vai trò của người thầy càng quan trọng. Những bài học từ kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 đã cho thấy, CNTT càng phát triển thì đạo đức và năng lực của người thầy càng phải được nâng lên. Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) Mai Văn Trinh đã khẳng định: "Dù quy trình, quy chế, các quy định có mạch lạc, đầy đủ đến mấy, nhưng người tham gia vào quy trình này có tinh thần trách nhiệm không cao, thậm chí có ý đồ thì hoàn toàn có thể tìm mọi cách để thay đổi hoặc cắt xén quy trình đó. Do đó, một trong những bài học quan trọng là việc lựa chọn con người, nhân sự cụ thể để tham gia vào từng khâu của kỳ thi, đặc biệt là những khâu có tính bảo mật cao".
Để giáo viên không đơn độc
Đổi mới là yêu cầu tất yếu của mỗi giáo viên hiện nay, thế nhưng bên cạnh yếu tố tự thân, sự nỗ lực và khả năng tự học, rèn luyện và tự đổi mới thì các giáo viên cần có sự ủng hộ, tạo điều kiện từ trong chính nhà trường và từ các cấp quản lý giáo dục.
Nhà giáo Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy chia sẻ: Với tốc độ phát triển quy mô nhanh chóng do việc tăng dân số cơ học trên địa bàn, cùng với tiến trình phát triển và hội nhập sâu rộng đòi hỏi công tác chỉ đạo, quản lý giáo dục ngày càng nhiều nội dung mới với những giải pháp mới. Cầu Giấy tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên, nhân viên tham dự các khoá học bồi dưỡng nâng cao trình độ trong nước và nước ngoài. Tăng cường liên kết với trường Đại học Sư phạm, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Thủ đô, trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục Hà Nội để thực hiện các chương trình bồi dưỡng, trong đó tập trung nhiều nội dung cốt yếu nâng cao về chất lượng giảng dạy, kỹ năng giảng dạy, kỹ năng giao tiếp ứng xử, kỹ năng xử lý các tình huống sư phạm, nhằm giảm thiểu tối đa các tai nạn nghề nghiệp trong môi trường giáo dục hiện nay. Trong năm 2018, ngành đã triển khai các chương trình bồi dưỡng gồm: mời chuyên gia theo từng lĩnh vực tập huấn về nhiều nội dung gắn với thực tiễn và yêu cầu đổi mới giáo dục như: Công tác truyền thông trong giáo dục; Kĩ năng vượt qua khủng hoảng; Thầy cô giáo hạnh phúc làm thay đổi thế giới (hơn 100 CBQL các trường Mầm non, Tiểu học và THCS tham gia); Ứng dựng CNTT trong quản lý và giảng dạy; Thiết kế bài giảng E-learning (250 giáo viên cốt cán các trường tham gia); Sử dụng phần mềm sổ điểm điện tử, phần mềm quản lý kết quả giáo dục Tiểu học. Phòng GD&ĐT quận còn phối hợp với trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục HN tổ chức tập huấn đại trà cho 100% cán bộ quản lý, giáo viên mầm non về chuyên đề “Đổi mới hình thức dạy học lĩnh vực phát triển ngôn ngữ”.
Trong khi đó, Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân lại tổ chức các chuyên đề đổi mới phương pháp dạy học, xây dựng mô hình bồi dưỡng giáo viên theo chuyên đề, theo bộ môn tập trung giải quyết những vấn đề giáo viên còn khó khăn, vướng mắc như: phương pháp dạy học các dạng bài, chủ đề khó; dạy học phân hóa đối tượng học sinh, dạy học theo định hướng phát triển năng lực, ... Đồng thời, tích cực đăng cai các chuyên đề Thành phố ở các cấp học nhằm tăng cường giao lưu, học hỏi chuyên môn với các đơn vị trên toàn Thành phố.
Với công tác bồi dưỡng, mỗi trường cũng có những giải pháp khác nhau. Nói cụ thể hơn về bồi dưỡng chuyên đề trong nhà trường, cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa phân tích: "Thực tế, khi giáo viên chắc về kiến thức sẽ xác định rõ đâu là kiến thức trọng tâm của bài. Khi giáo viên giỏi phương pháp sẽ biết sử dụng phương pháp dạy học nào để truyền đạt kiến thức trọng tâm đó đến với học sinh một cách đơn giản nhất, dễ hiểu nhất. Vì thế các chuyên đề bồi dưỡng, các ví dụ được nêu ra trong buổi bồi dưỡng cần phải có sự cập nhật, củng cố cả kiến thức và phương pháp. Sự tương tác giữa kiến thức và phương pháp trong chuyên đề bồi dưỡng sẽ làm cho giáo viên thấy nhận được nhiều điều mới và cần cho công việc của họ vì thế mà họ quan tâm hơn và hứng thú hơn với việc bồi dưỡng và tự bồi dưỡng".
Giảng dạy trong thời điểm có những thay đổi liên tục tạo áp lực không hề nhẹ lên vai những thầy cô giáo trong các nhà trường hiện nay. Thế nhưng, đổi mới sẽ không đáng sợ nếu như các giáo viên nhận được sự đồng hành và thấu hiểu từ các cấp quản lý, từ CMHS và toàn xã hội. Quá trình đổi mới sẽ mang đến thành công và cả sự thú vị cho mỗi nhà giáo nếu như họ tâm huyết với nghề, như lời bộc bạch của cô giáo Nguyễn Kim Anh - Giáo viên Ngữ văn, trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa: "Suốt hơn 20 năm đứng lớp, ngày ngày tôi vẫn đi tìm con đường nói hay giảng sâu. Mong muốn ấy không chỉ để giúp tôi trụ với công việc mà còn ngầm thể hiện niềm tri ân cuộc sống đã cho tôi được làm một nghề cao quý. Tôi luôn biết, mình may mắn khi được học trò, phụ huynh ghi nhận. Và tôi hiểu con đường duy nhất để sáng nghề dạy học là cần không ngừng đổi mới và sáng tạo".