TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội trả lời phỏng vấn.
Trong hệ thống giáo dục phổ thông, có ba giai đoạn chuyển cấp quan trọng. Trước tiên, xin ông cho biết, những vấn đề mà trẻ em từ mẫu giáo bước vào lớp 1 sẽ gặp phải?
Sắp vào năm học mới, những điều chúng ta quan tâm không chỉ là vấn đề xây dựng, sửa sang trường lớp, mua sách giáo khoa mới, hay kế hoạch dạy học của các thầy cô giáo sẽ thế nào; mà chúng ta còn phải có kỹ năng chuẩn bị tâm thế cho các em học sinh vào những lớp đầu cấp ra sao cho việc học có hiệu quả? Đặc biệt quan tâm đến tâm lý của học sinh mầm non khi bước vào lớp 1.
Các bậc cha mẹ cần hiểu rằng, ở cấp học mầm non, các cháu chơi mà học - học mà chơi. Các cháu khám phá thế giới chung quanh hoàn toàn bằng cảm nhận. Vậy khi vào học lớp 1, trước hết, bố mẹ cần tạo cho các cháu biết được những điều gì sẽ xảy ra ở đây: đông bạn bè hơn và học thêm nhiều kiến thức về cuộc sống.
Song, quan trọng là thời gian học được chia ra thành từng tiết học kéo dài. Như vậy, thời gian các cháu phải ngồi học sẽ nhiều hơn, yêu cầu tập trung cao hơn.
Vì thế, bố mẹ cần rèn luyện trước cho các cháu làm quen việc ngồi tập trung, làm quen dần với các bảng chữ cái, những con số để lên lớp 1, để các cháu không cảm thấy bỡ ngỡ, sợ sệt.
Tuy nhiên, tùy đặc điểm sở thích của từng học sinh, bố mẹ không nên áp đặt việc học cho các cháu. Việc các cháu sẽ có thêm nhiều bạn bè, cũng cần nhẹ nhàng phân tích cho các cháu hiểu là phải chơi với bạn ra sao, cần phải trình bày với cô giáo thế nào cho đúng.
Đầu cấp tiểu học thì như vậy, còn với những học sinh lớp 5 chuẩn bị lên lớp 6 thì thế nào, thưa ông?
Với các cháu lên THCS sẽ có đặc điểm phát triển theo từng ngành khoa học, khả năng tư duy được đẩy lên cao hơn. Vì thế phát huy khả năng chủ động ghi chép, học tập, quan sát là yêu cầu quan trọng. Ở giai đoạn này, cả phụ huynh và thầy cô giáo cần có kỹ năng gợi cho các cháu trí tò mò, ham học.
Giai đoạn này, cha mẹ cũng cần phải xem con mình còn thiếu những kỹ năng gì để phát triển năng lực vận động, năng lực tư duy. Khác với lứa tuổi tiểu học, trẻ con lớn lên vì ăn và ngủ, còn lên cấp II các em lớn lên do vận động. Vì thế, cần chú trọng việc hình thành thói quen luyện tập thể dục, thể thao cho học sinh.
Đây cũng là giai đoạn học sinh đã có những mối quan hệ bạn bè khác giới, phụ huynh cần lưu ý sự thay đổi tâm sinh lý của con em mình. Nên nhớ, không được áp đặt các em ý chí của người lớn, vấn đề ở đây là chúng ta thăm dò tiềm năng của một con người đang hình thành nhân cách, chứ không phải “làm bánh”.
Học sinh lớp 5 trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học xã Yên Lập, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình hào hứng tham gia Lớp học Đa thông minh, thuộc Dự án iTeach, do ĐSQ Mỹ tại Việt Nam tài trợ.
Như vậy, chắc chắn với học sinh lớp 9 lên lớp 10 sẽ có nhiều đặc điểm khác biệt hơn nữa?
Đúng như vậy. Đối với các cháu lên THPT, cha mẹ cần kiểm tra rất chặt chẽ khả năng tự học. Bước sang cấp học này, học sinh phải biết tự tóm tắt, tự ghi chép những điều cô giáo giảng.
Trước tiên, phải biết tự học; thứ hai là tự lập (tức là tự làm được những việc cá nhân); thứ ba phải tự tin vào bản thân, biết điểm mạnh điểm yếu của mình; thứ tư là tự trọng, biết phân biệt đâu là những việc làm tốt để phấn đấu, biết xấu hổ trước những hành vi không đẹp; thứ năm là tự chịu trách nhiệm trước mỗi hành vi tốt hay xấu của mình.
Đó là những điều các bậc phụ huynh cần lưu ý. Vậy đối với nhà trường, các thầy cô giáo cần làm gì để các em vượt qua áp lực chuyển cấp, thưa ông?
Rất nhiều việc phải làm, trong đó, các thầy cô cũng cần lưu ý như với các bậc cha mẹ. Ở đây, tôi chỉ xin lấy một ví dụ cần phải thay đổi ngay, đó là cách tổ chức lễ khai giảng (nhất là những năm đầu cấp). Lễ khai giảng ở ta bây giờ thường bắt các cháu phải ngồi ngay ngắn nghiêm chỉnh để chờ lãnh đạo phát biểu, chờ cấp trên cho ý kiến hàng giờ đồng hồ dưới sân trường.
Đấy là cách tổ chức khai giảng hết sức cổ điển và kém hiệu quả. Vì thế, ngay từ lễ khai giảng, nhà trường cần phải ý thức vì các em. Đây phải là một buổi lễ diễn ra vui vẻ, nhẹ nhàng trong thời gian ngắn (nhất là khai giảng vào lớp 1). Làm sao để buổi lễ khai giảng - buổi gặp mặt đầu tiên đúng nghĩa, hãy tạo điều kiện cho các em được giao lưu với nhau, nói lên những điều mình thích, điều mình mong muốn…
Ông có thể cho biết, liệu có những bất cập nào trong chương trình học hiện nay khiến các em tăng thêm áp lực khi học lên cấp học cao hơn?
Về chương trình học, đặc biệt quan tâm ở cấp tiểu học, làm sao phải tạo niềm vui cho các em, “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, không được tạo áp lực. Ngoài ra, cần chú ý tổ chức thêm những hoạt động dạy kỹ năng sống.
Chương trình mới là dạy theo hứng thú học tập, theo năng lực của học sinh. Hạn chế của nhà trường hiện nay là thiếu sáng tạo, bản thân nhiều giáo viên cũng yếu về kỹ năng sống. Cần phát huy sức sáng tạo của giáo viên, tăng cường kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, sự hợp tác giữa các giáo viên.
Chúng ta có thể học hỏi được gì từ kinh nghiệm ở các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, thưa ông?
Đối với nhà trường ở các nước phát triển, họ rất quan tâm việc đón học sinh vào lớp 1. Người ta luôn phải suy nghĩ cách thức tổ chức thế nào để tạo không khí tưng bừng vui chơi khiến các em náo nức chào đón lớp học mới.
Cùng với đó, chương trình học của họ cũng không đưa ra những yêu cầu cao với các học sinh đầu cấp. Quan trọng, chúng ta phải biết luôn lắng nghe để thấu hiểu các em.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!