Địa phương nào cũng có cụm thi
Đáp lại sự mong mỏi của các nhà trường, thí sinh (TS) và xã hội, ngay sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Bính Thân năm 2016, Bộ GD&ĐT đã ban hành thông báo chính thức về những thông tin cơ bản của kỳ thi THPT quốc gia năm 2016. Theo đó, kỳ thi THPT quốc gia năm nay sẽ diễn ra trong 4 ngày, từ 1 đến ngày 4/7. Các môn thi được giữ ổn định như năm 2015, bao gồm 8 môn: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học và Ngoại ngữ. Trong đó, TS dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT phải đăng ký dự thi 4 môn (gọi là 4 môn thi tối thiểu), gồm ba môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, môn còn lại do thí sinh tự chọn trong số các môn nêu trên.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Điểm mới của kỳ thi THPT quốc gia năm nay là cho phép mỗi tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương đều có thể tổ chức hai loại cụm thi: Cụm thi cho TS dự thi để xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ (do trường ĐH chủ trì); cụm thi cho TS dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT (do Sở GD&ĐT chủ trì). Tuy nhiên, tùy theo tình hình cụ thể của địa phương và nguyện vọng của TS, các địa phương có thể chỉ tổ chức một loại cụm thi do trường ĐH chủ trì, dành cho cả hai đối tượng TS dự thi. Đây cũng là điểm mới đã được đưa vào dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi THPT quốc gia ban hành kèm theo Thông tư 02/2015/TT-BGDĐT vừa được Bộ GD&ĐT công bố để thu thập ý kiến đóng góp trước khi hoàn thiện, ban hành.
Thí sinh lưu ý thời điểm đăng ký dự thi
Về sự điều chỉnh này, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhận định: Năm 2015, toàn quốc chỉ có 38 cụm thi do các trường ĐH chủ trì, còn năm nay, chủ trương chung là ở địa phương nào cũng có thể tổ chức cụm thi. Việc cho phép tổ chức cụm thi tại từng địa phương nhằm tạo thuận lợi tối đa cho TS và người nhà TS trong quá trình dự thi. Cách thức này cũng góp phần hạn chế tình trạng TS phải di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác dự thi như tại kỳ thi năm 2015, bớt đi những vất vả, căng thẳng, lo lắng không cần thiết cho TS, gia đình TS và cả những người đảm nhận nhiệm vụ tổ chức kỳ thi.
Tăng câu hỏi mở
Kỳ thi THPT quốc gia là kỳ thi vô cùng quan trọng với mọi TS với "mục tiêu kép" vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa làm căn cứ xét tuyển vào ĐH, CĐ. Bởi vậy, việc ôn tập ra sao là điều được các nhà trường, TS và phụ huynh quan tâm nhất thời điểm này. Thầy Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho biết: Năm nay khối 12 của trường có hơn 200 HS. Kế hoạch ôn tập cho HS đã được xây dựng và triển khai từ đầu năm học với ba môn cứng là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Ngày 3/2, khi Bộ GD&ĐT thông báo chính thức các môn thi của kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, nhà trường đã xây dựng kế hoạch tổ chức ôn tập theo các nhóm môn thi, trong đó đặc biệt quan tâm bồi dưỡng HS có học lực trung bình, yếu. Đây cũng là giai đoạn nhà trường tập trung tới việc định hướng, tư vấn cho HS lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực của HS để các em đạt kết quả tốt nhất.
Để đạt kết quả tốt trong kỳ thi THPT quốc gia, đề thi được xây dựng như thế nào là mối quan tâm lớn nhất của các TS hiện nay. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Đề thi năm nay về cơ bản vẫn ổn định như năm ngoái. Nội dung đề thi xây dựng theo hướng đánh giá năng lực HS, nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là ở lớp 12. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng "bật mí": Nhằm bảo đảm độ phân hóa cao hơn, đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh ĐH, CĐ, đề thi năm nay sẽ tăng cường câu hỏi mở, câu hỏi gắn với thực tiễn và câu hỏi vận dụng.
Lý giải về chủ trương không xây dựng hai đề riêng cho TS dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT và TS có cả hai nguyện vọng là xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ như một số ý kiến đã đề xuất, thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Ý kiến này đã được Bộ GD&ĐT xem xét kỹ và xin ý kiến của nhiều chuyên gia, cán bộ quản lý, giáo viên trước khi quyết định. Để TS phát huy tối đa năng lực của bản thân, việc thống nhất một đề thi với cùng một yêu cầu từ dễ đến khó là phù hợp.
Những điều TS cần lưu ý
Điểm mới trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay mà TS cần lưu ý, đó là mỗi TS chỉ được cấp một Giấy chứng nhận kết quả thi với mã số xác định duy nhất. TS sử dụng mã số ghi trong Giấy chứng nhận kết quả thi của mình để đăng ký xét tuyển trong các đợt xét tuyển ĐH, CĐ. Cách thức này giúp TS có thể đăng ký xét tuyển trực tuyến trên website của trường mà không cần phải gửi qua đường bưu điện hoặc đến đăng ký xét tuyển trực tiếp tại trường. Vì vậy, các TS cần lưu giữ Giấy chứng nhận thật cẩn thận, không để thất lạc.
Điểm thứ hai cần nhớ là trong mỗi đợt xét tuyển, TS không được thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển của mình. Ở đợt xét tuyển đầu tiên, mỗi TS được đăng ký xét tuyển vào tối đa 2 trường, mỗi trường tối đa là 2 ngành đào tạo. Thời gian đăng ký xét tuyển và xét tuyển của đợt đầu này là 12 ngày. Ở các đợt xét tuyển kế tiếp (thời gian mỗi đợt là 10 ngày), mỗi TS được phép đăng ký xét tuyển tối đa 3 trường/đợt, mỗi trường tối đa 2 ngành đào tạo. Việc giảm số lượng nguyện vọng ở mỗi đợt xét tuyển (năm trước TS được đăng ký tối đa 4 ngành đào tạo/đợt) được Bộ GD&ĐT nhận định là cần thiết. Số lượng nguyện vọng là 2 ngành đào tạo/đợt phù hợp hơn, vừa giúp TS có nhiều lựa chọn để tăng cơ hội trúng tuyển, vừa khắc phục tình trạng TS ồ ạt rút phiếu đăng ký xét tuyển ở trường này để nộp sang trường khác như đã xảy ra trong kỳ thi năm ngoái.
Lúc này, cùng với việc ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi, các TS cũng cần lưu ý chuẩn bị cho việc đăng ký dự thi triển khai vào cuối tháng 3. Đây là khâu vô cùng quan trọng, nếu các em lơ là, nhầm lẫn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của mình. TS cần nhớ, các em đang học tại cơ sở giáo dục nào thì đăng ký dự thi tại cơ sở giáo dục đó. Riêng TS tự do được phép chọn địa điểm thi thuận tiện nhất. Để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm nay, tại mỗi quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố đều sẽ bố trí địa điểm thu nhận hồ sơ của các TS tự do, nhằm tạo mọi thuận lợi nhất cho các em trong khâu chuẩn bị bước vào kỳ thi.
-Các môn thi theo hình thức tự luận: Toán, Văn, Sử, Địa. Thời gian làm bài 180 phút/môn.
-Các môn thi theo hình thức trắc nghiệm: Lý, Hóa, Sinh. Thời gian làm bài: 90 phút/môn.
-Đề thi môn Ngoại ngữ có hai phần: Viết và trắc nghiệm. Thời gian làm bài 90 phút.
-TS dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT: Đăng ký thi 4 môn, trong đó 3 môn bắt buộc (Toán, Văn, Ngoại ngữ) và 1 môn tự chọn.
-TS dự thi để xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ: Dự thi 4 môn tối thiểu và dự thi thêm các môn khác để xét tuyển sinh.
-TS đã tốt nghiệp THPT quốc gia dự thi chỉ để xét tuyển sinh ĐH, CĐ thì dự thi các môn để xét tuyển sinh.