Xây trường chuẩn từ khâu quy hoạch
Đan Phượng là huyện duy nhất trong thành phố Hà Nội có một cấp học (cấp Tiểu học) đạt 100% trường đạt CQG. Cụ thể, toàn huyện có 52 trường thì đã có 43 trường đạt CQG (tỷ lệ 82,7%), trong đó bậc tiểu học đạt Chuẩn 100% từ năm 2014. Đan Phượng phấn đấu năm 2019, 100% trường mầm non đạt Chuẩn; năm 2020, tất cả các trường trên địa bàn huyện đều đạt chuẩn.
Bà Đào Thị Hồng – PCT UBND huyện Đan Phượng chia sẻ: Tuy là huyện ngoại thành, chưa cân đối được ngân sách giữa nguồn thu và chi nhưng với quan điểm chuẩn quốc gia mới chỉ là chuẩn để các vùng miền trong cả nước phấn đấu đạt được, Hà Nội phải phấn đấu các tiêu chí trên chuẩn, toàn huyện đã dành nhiều tâm huyết và kinh phí để xây dựng trường Chuẩn, tạo điều kiện học tập tốt nhất cho con em nhân dân.
Theo bà Hồng, công tác xây dựng trường chuẩn muốn thành công trước hết phải có nhận thức đúng về tầm quan trọng của nhiệm vụ này. Phải xác định xây dựng trường CQG là giải pháp mang tính đồng bộ để nâng cao chất lượng giáo dục. Đây không phải là nhiệm vụ riêng của ngành giáo dục mà cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trước hết là sự tập trung lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền bởi muốn đạt trường CQG thì cần đạt 5 tiêu chí về: tổ chức, quản lý; chất lượng đội ngũ; chất lượng giáo dục; cơ sở vật chất; công tác xã hội hóa. Đạt được 5 điều này cũng là giải pháp tổng thể đồng bộ để nâng cao chất lượng giáo dục. Cách làm của Đan Phượng là phân công giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, các xã, thị trấn. Lãnh đạo huyện phải tháo gỡ những khâu khó, vướng mắc hoặc tập trung những điểm mới.
Học sinh rèn luyện thể chất trong trường đạt chuẩn quốc gia
Trong công tác xây dựng trường CQG hiện nay, có hai khó khăn lớn nhất mà các địa phương gặp phải là thiếu đất hoặc thiếu kinh phí. Với vấn đề khó khăn về đất, ngay từ khi quy hoạch xây dựng các nhà trường, huyện Đan Phượng đã xác định dành diện tích đất trên mức đạt chuẩn theo quy định. Các trường đã được công nhận Chuẩn nếu có cơ hội mở rộng diện tích đất, Đan Phượng sẽ cho quy hoạch và mở rộng. Chính vì vậy, đến nay các trường trong huyện đạt bình quân 10 – 13m2/học sinh, có những trường đạt 15m2/học sinh.
Trước khó khăn về nguồn lực đầu tư, theo PCT UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng, mặc dù chưa cân đối được nguồn thu và nhiệm vụ chi nhưng Đan Phượng đã tập trung mọi nguồn lực để thực hiện tiêu chí CQG về giáo dục. Đầu tư xây dựng trường học, dành trên 40% kinh phí xây dựng cơ bản. Trong đầu tư cơ sở vật chất, Đan Phượng quan tâm 3 vấn đề: Đầu tư phải mang tính đồng bộ, hiện đại hóa, chuẩn hóa; phát huy cao nhất công năng hiệu quả sử dụng; phát huy vai trò của hiệu trưởng là người quản trị trường học trong việc đóng góp ý kiến về thiết kế xây dựng trường học và vai trò khai thác sử dụng cơ sở vật chất trường học.
Cụ thể, các phòng học, phòng chức năng không chỉ nâng đủ về số lượng mà còn đạt chuẩn về diện tích sử dụng. Đan Phượng cũng quan tâm đến các khu vận động ngoài trời, các khu giáo dục thể chất cho học sinh, khung cảnh sư phạm, cây xanh, chiếu sáng, nhà vệ sinh… để đáp ứng yêu cầu giáo dục toàn diện. Đan Phượng có đề án dành 7 tỷ đồng để cải tạo, sửa chữa, xây mới hơn 100 phòng vệ sinh cho 22 trường, ngoài ra khuyến khích xây dựng các nhà vệ sinh thân thiện với môi trường, giáo dục ý thức cho học sinh trong việc giữ môi trường chung. Đầu tư xây dựng 8 sân bóng đá mini, 10 sân bóng rổ, 8 bể bơi thông minh. Ngoài xây dựng các phòng thư viện chuẩn, Đan Phượng cũng xây dựng các thư viện mở, thư viện xanh để khuyến khích văn hóa đọc cho học sinh.
Chính vì sự đầu tư nghiêm túc nên kết quả xây dựng trường CQG của huyện Đan Phượng luôn nằm trong tốp đầu thành phố. Nhân dân trong huyện phấn khởi, tin tưởng vào quyết sách của chính quyền. Cán bộ, giáo viên có thêm động lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ "trồng người". Không chỉ đầu tư cơ sở vật chất, Đan Phượng còn tổ chức các hội thảo về việc nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất trong các nhà trường. Chỉ đạo các trường đạt chuẩn mức độ 1 đăng ký, phấn đấu đạt chuẩn mức độ 2.
Góp ý thêm về cơ chế xây dựng trường CQG hiện nay, bà Đào Thị Hồng cho rằng, thành phố có cơ chế hỗ trợ cho các đơn vị đang gặp khó khăn và tỷ lệ trường đạt CQG thấp là việc nên làm. Bên cạnh đó, cũng nên có cơ chế thưởng cho các đơn vị có tỷ lệ đạt chuẩn cao một số công trình để nâng cao chất lượng của các trường đã đạt chuẩn.
Phát huy hết công năng của cơ sở vật chất
Để có thể giữ và nâng chuẩn thì bên cạnh sự đầu tư về cơ sở vật chất của địa phương cần có tài năng của đội ngũ cán bộ quản lý nhà trường. Câu chuyện của trường TH Lý Nam Đế (quận Nam Từ Liêm) là một ví dụ.
Trường TH Lý Nam Đế (quận Nam Từ Liêm) được thành lập ngày 1/8/2016 trên cơ sở tách ra từ trường TH Tây Mỗ. Trường được xây mới với diện tích 11, 8 nghìn mét vuông, là trường công lập được công nhận đạt Chuẩn quốc gia mức độ 2 vào tháng 1/2017.
Nhà giáo Ngô Thị Thúy – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để đạt được 5 tiêu chí của trường Chuẩn quốc gia là cả quá trình phấn đấu khó khăn, việc giữ được các tiêu chí của trường đạt chuẩn lại càng khó khăn hơn. Lãnh đạo nhà trường thường xuyên đôn đốc chỉ đạo các bộ phận trong hội đồng sư phạm nhà trường kiểm tra, rà soát các tiêu chuẩn và đưa ra một số giải pháp để duy trì trường đạt chuẩn quốc gia, đó là: duy trì thường xuyên các phong trào thi đua, ngày càng có nhiều đề tài, sáng kiến được trải nghiệm mang lại hiệu quả cao; sâu sát về chuyên môn; thực hiện tốt nguyên tắc dân chủ, kỷ cương.
Trường TH Lý Nam Đế cũng chú trọng công tác xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ, tạo điều kiện cho giáo viên được học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ chính trị. Đến nay 100% cán bộ giáo viên đạt chuẩn, trong đó 83% trên chuẩn. Giáo viên trẻ, mới ra trường được nâng cao trình độ chuyên môn qua các buổi tập huấn của Sở, của phòng GD&ĐT và của nhà trường. Trường mời các chuyên gia về hướng dẫn cho giáo viên về CNTT, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, phương pháp dạy học đồng thời tổ chức dự giờ để các thầy cô giao lưu, học hỏi lẫn nhau.
Theo nhà giáo Ngô Thị Thúy, công tác giáo dục học sinh là nhiệm vụ trọng tâm, được đặt lên hàng đầu. Ngoài việc giảng dạy theo chương trình, SGK, nhà trường còn tăng cường các hoạt động giáo dục ngoài trời, hoạt động trải nghiệm, khám phá, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.
Nhà giáo Ngô Thị Thúy khẳng định: "Trường được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại với 100% các lớp học đều có máy chiếu, giáo viên trường TH Lý Nam Đế cố gắng khai thác triệt để các phương tiện dạy học hiện đại, biến các giờ học trở nên sinh động. Muốn nâng cao chất lượng giáo dục, giữ chuẩn và nâng chuẩn thì mỗi cán bộ, giáo viên phải tự nâng cao trình độ, có ý thức bảo quản và sử dụng hiệu quả, phát huy hết công năng của hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường".
\Box: Hà Nội hiện có 1.372 trường đạt CQG chiếm tỷ lệ 52%, trong đó công lập có 1.336 trường đạt CQG chiếm tỷ lệ 62%. Năm 2018, chỉ tiêu Thành phố giao xây dựng thêm 80 trường đạt CQG (mầm non 34 trường; Tiểu học 17 trường; THCS 23 trường; THPT 6 trường).