Thí sinh tự do không được ngồi riêng
Theo quy chế cũ thì từ năm 2019, nội dung thi THPT quốc gia sẽ bao hàm tất cả chương trình THPT, còn quy chế mới quy định trong năm nay, nội dung đề thi vẫn sẽ nằm trong chương trình THPT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12. Trước đây, thí sinh (TS) tự do được xếp phòng thi riêng ở một hoặc một số điểm thi do Giám đốc Sở GD&ĐT quyết định, TS giáo dục thường xuyên cũng được bố trí phòng thi riêng khi dự thi bài thi khoa học xã hội. Tuy nhiên, quy định này đã thay đổi. Điểm mới của Quy chế thi THPT quốc gia 2019 là TS tự do, thí sinh giáo dục thường xuyên được bố trí dự thi tại một số điểm thi cùng với TS giáo dục THPT và do Giám đốc Sở GD&ĐT quyết định. Đây là điều chỉnh nhằm tránh kẽ hở gian lận với thí sinh tự do, khi mà năm 2018 đã xảy ra sai phạm nghiêm trọng, đặc biệt diễn ra ở một số hội đồng thi dành riêng cho thí sinh tự do. Năm nay, tại các điểm thi, việc lập danh sách để sắp xếp phòng thi được thực hiện theo quy định, không phân biệt thí sinh tự do hay thí sinh giáo dục thường xuyên.
Đối với việc chấm bài thi trắc nghiệm, Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ cho các trường đại học chủ trì tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm tại các hội đồng thi. Trường đại học, cao đẳng cử người đúng thành phần để thành lập ban chấm thi trắc nghiệm. Người có người thân dự thi trong năm tổ chức kỳ thi không tham gia ban chấm thi trắc nghiệm tại địa phương nơi người thân dự thi.
Ảnh minh họa
Trưởng ban chấm thi trắc nghiệm do lãnh đạo trường đại học đảm nhiệm. Trưởng ban chấm thi trắc nghiệm điều hành công tác chấm thi trắc nghiệm và chịu trách nhiệm trước Trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia về thời gian, quy trình và chất lượng chấm thi.
Ngay sau khi hoàn thành việc chấm toàn bộ bài thi trắc nghiệm của hội đồng thi, phải lưu các tập dữ liệu xử lý và kết quả chấm thi trắc nghiệm chính thức (được xuất ra từ phần mềm, đảm bảo cấu trúc và yêu cầu theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT) vào 3 bộ đĩa CD hoặc DVD giống nhau, được niêm phong dưới sự giám sát của tổ giám sát, công an và lập biên bản. 1 bộ đĩa gửi về Bộ GD&ĐT, 1 bàn giao cho chủ tịch hội đồng thi để gộp chung (qua phần mềm chuyên dụng) vào cơ sở dữ liệu kết quả thi cùng với kết quả chấm thi các bài thi tự luận và lưu giữ; 1 được Trưởng ban chấm thi trắc nghiệm lưu trữ, đồng thời dùng để chuyển các tệp dữ liệu xử lý và kết quả chấm thi trắc nghiệm chính thức qua hệ thống quản lý thi THPT quốc gia về Bộ GD&ĐT.
Bộ GD&ĐT thực hiện thanh tra trực tiếp tất cả các nhiệm vụ của ban chấm thi trắc nghiệm theo quy định. Tỷ lệ điểm bài thi và điểm trung bình cả năm học lớp 12 được điều chỉnh để đảm bảo đúng tính chất của kỳ thi THPT quốc gia theo tỷ lệ 70% điểm bài thi, 30% điểm học bạ.
Camera ghi hình quy trình sử dụng và bảo quản đề/bài thi
Về bảo quản, sử dụng đề thi và bảo quản bài thi tại điểm thi: Đề thi và bài thi phải được bảo quản trong các tủ riêng biệt. Tủ đựng đề thi, tủ đựng bài thi phải đảm bảo chắc chắn, phải được khóa và niêm phong (nhãn niêm phong phải có đủ chữ ký của Trưởng điểm và Phó Trưởng điểm thi -là người của trường ĐH, CĐ phối hợp). Chìa khóa do Trưởng điểm thi giữ. Khi mở niêm phong phải có chứng kiến của công an và những người ký nhãn niêm phong; đồng thời lập biên bản ghi rõ thời gian mở, lý do mở, tình trạng niêm phong, biên bản phải có đủ họ và tên, chữ ký của Trưởng điểm thi và những người chứng kiến.
Khu vực bảo quản đề thi, bài thi của thí sinh có lực lượng công an trực và bảo vệ 24 giờ/ngày; đảm bảo an toàn phòng chống cháy, nổ. Phòng bảo quản đề thi, bài thi phải đảm bảo an toàn, chắc chắn; có camera an ninh giám sát ghi hình các hoạt động tại phòng 24 giờ/ngày; có công an trực, bảo vệ 24 giờ/ngày và 1 cán bộ làm nhiệm vụ tại Điểm thi của trường ĐH, CĐ (Phó Trưởng điểm thi hoặc thư ký) thường trực đêm tại phòng trong thời gian đề thi, bài thi được lưu tại Điểm thi.
Cộng 2 điểm nếu có Giấy chứng nhận nghề loại giỏi
Học sinh giáo dục THPT, học viên GDTX trong diện xếp loại hạnh kiểm, học viên GDTX tham gia học đồng thời chương trình trung cấp kết hợp với chương trình văn hóa theo chương trình GDTX cấp THPT có Giấy chứng nhận nghề, Bằng tốt nghiệp trung cấp do Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đào tạo và dạy nghề, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cấp trong thời gian học THPT được cộng điểm khuyến khích căn cứ vào xếp loại ghi trong Giấy chứng nhận nghề, Bằng tốt nghiệp trung cấp như sau:
Loại giỏi đối với Giấy chứng nhận nghề, loại xuất sắc và giỏi đối với Bằng trung cấp: cộng 2 điểm. Loại khá đối với Giấy chứng nhận nghề, loại khá và trung bình khá đối với Bằng trung cấp: cộng 1,5 điểm; Loại trung bình: cộng 1 điểm.
Do công tác chấm thi kỹ lưỡng hơn nên năm nay, việc công bố kết quả thi dự kiến muộn hơn năm ngoái vài ngày. Dù vậy, việc này không ảnh hưởng đến TS, cũng như lịch trình tuyển sinh của các trường. Dự kiến kỳ thi THPT quốc gia diễn ra từ ngày 24 đến 27/6. Sau khi kỳ thi kết thúc, các hội đồng thi cập nhật vào phần mềm quản lý thi và gửi về Bộ số liệu và tình hình coi thi, chậm nhất vào trưa 28/6.
Ngay sau khi cơ quan này cập nhật kết quả thi vào phần mềm, các hội đồng thi sử dụng đĩa lưu trữ tại đơn vị đối chiếu với kết quả trên phần mềm, nếu có bất thường phải báo cáo ngay về Ban chỉ đạo thi quốc gia để xử lý. Việc đối chiếu kết quả thi hoàn thành chậm nhất vào ngày 13/7 và 2 ngày sau đó, hội đồng thi công bố, thông báo kết quả cho TS.
Hà Nội sẵn sàng cho kì thi THPT quốc gia năm 2019
Để chuẩn bị cho kì thi THPT quốc gia năm 2019, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức hội nghị phổ biến công tác thi cho lãnh đạo các phòng GD&ĐT, các trường THPT, Trung tâm GDNN-GDTX, yêu cầu các đơn vị phổ biến quy chế thi tới tất cả CBGV-NV. Sở cũng yêu cầu các trường rà soát chuẩn bị hồ sơ, cơ sở vật chất của kì thi; tổ chức cho HS học tập quy chế thi nhất là các điểm mới của kì thi. Quy định các điểm tiếp nhận hồ sơ đăng kí dự thi của thí sinh, phát hành hồ sơ đăng kí dự thi và hướng dẫn thí sinh đăng kí dự thi.
Sở đã thành lập Tổ trực hướng dẫn thí sinh đăng kí dự thi THPT quốc gia và đăng kí xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ, TC. Số điện thoại liên hệ của Tổ trực hướng dẫn đã được đăng tải trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và trên website của Sở GD&ĐT Hà Nội.
Vừa qua, Sở đã tổ chức khảo sát cho HS lớp 12 toàn TP các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, bài thi KHTN, bài thi KHXH với mức độ khảo sát như đề thi THPT quốc gia để HS làm quen với quy trình thi mới; trên cơ sở đó, nhà trường đã xây dựng kế hoạch tổ chức ôn tập cho HS một cách hiệu quả nhất.
Sở GD&ĐT Hà Nội đã có công văn đề nghị các Sở, ban, ngành của TP, Đoàn Thanh niên Cộng sản HCM thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã giới thiệu cán bộ tham gia Ban chỉ đạo, trên cơ sở đó trình UBND thành phố ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia TP Hà Nội năm 2019. Đồng thời phối hợp với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội để tổ chức in sao đề thi. Dự kiến số thí sinh ĐKDT tại Hà Nội vào khoảng 78.000, với trên 3300 phòng thi tại khoảng 125 điểm thi.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng kí dự thi của thí sinh, Sở sẽ tổ chức chia phòng thi, tổ chức các điểm thi; tiến hành kiểm tra các điều kiện cơ sở vật chất, đảm bảo an toàn điểm thi; lắp đặt hệ thống camera giám sát tại phòng giữ bài thi, đề thi tại các điểm thi và tại các phòng chấm thi…
K.G