Quốc hội khóa XIII, một nhiệm kỳ hoạt động dân chủ, đoàn kết, trí tuệ, sôi động và đổi mới
Nhìn nhận lại hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII, nhiều đại biểu cho rằng, nhiệm kỳ này Quốc hội đã tạo được nhiều điểm nhấn quan trọng. Đầu tiên là việc thực hiện Hiến pháp năm 2013, Quốc hội đã thông qua 107 Luật, bộ Luật, cụ thể hóa các điểm mới. Đây là một dấu ấn quan trọng trong thực hiện chức năng lập hiến, lập pháp của Quốc hội. Đồng thời, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đã có sự thay đổi cách thức hoạt động: đối với mỗi vấn đề, Quốc hội đều phân tích, mổ xẻ kỹ trên cơ sở có những căn cứ về khoa học cũng như thực tiễn để quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Điển hình như: quyết định đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; quyết định theo thẩm quyền của Quốc hội về việc phân bổ sử dụng ngân sách Nhà nước; việc kết hợp các chương trình mục tiêu Quốc gia…
Với chức năng giám sát, tại nhiệm kỳ khóa XIII, Quốc hội đã tiến hành giám sát một cách đồng bộ, bài bản nhiều chuyên đề quan trọng, đặc biệt là việc chất vấn và trả lời chất vấn đối với Thủ tướng và thành viên của Chính phủ được tiến hành một cách bài bản, thường xuyên. Qua hoạt động này, Quốc hội ra Nghị quyết để Chính phủ có căn cứ thực hiện, bảo đảm thực hiện lời hứa trước cử tri và nhân dân. Đó là việc thực hiện các nhiệm vụ rất quan trọng đối với chức năng của Quốc hội.
Hướng tới những tầm cao mới
“Nhìn lại cả nhiệm kỳ, có thể khẳng định Quốc hội khóa XIII đã làm tròn trọng trách ban hành Hiến pháp năm 2013 và căn bản hoàn thành việc cụ thể hóa Hiến pháp trong các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước; bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, đối ngoại và hội nhập quốc tế…”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định.
Quốc hội khóa XIII đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tạo tiền đề quan trọng để Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV có những hoạt động bài bản hơn, cụ thể hơn trên các lĩnh vực công tác. Quốc hội khóa XIV sẽ kế thừa được những kết quả quan trọng của Quốc hội khóa XIII và truyền thống tốt đẹp của Quốc hội Việt Nam để tiếp tục có những bước phát triển mới trong nhiệm kỳ mới cũng như giai đoạn phát triển tiếp theo của đất nước.
HĐND Thành phố Hà Nội khoá XIV, coi trọng lợi ích của nhân dân Thủ đô
Với phương châm hoạt động "Đổi mới, dân chủ, trách nhiệm, hiệu quả, vì dân", HĐND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2011-2016 đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Theo Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc, 5 năm qua, HĐND TP và các cấp cơ sở tiếp tục có nhiều đổi mới về tổ chức và phương thức hoạt động, chất lượng hiệu quả từng bước được nâng lên. Việc quyết định các vấn đề quan trọng ở địa phương bảo đảm đúng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đáp ứng được yêu cầu đặt ra và nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Nhiệm kỳ 2011- 2016, HĐND thành phố Hà Nội đã tổ chức 16 kỳ họp, trong đó có mười kỳ họp thường kỳ, sáu kỳ họp bất thường và chuyên đề để thông qua các quy hoạch ngành, lĩnh vực, miễn nhiệm, kiện toàn bầu các chức danh của HĐND và UBND thành phố. Với sự chuẩn bị lỹ lưỡng, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, có sự phối hợp chặt chẽ giữa Thường trực HĐND và các cơ quan hữu quan, trong 5 năm qua, HĐND thành phố đã ban hành 143 nghị quyết, quyết định nhiều vấn đề quan trọng đối với sự phát triển của Thủ đô. Trong đó, nhiều nhất là lĩnh vực kinh tế với 69 nghị quyết; lĩnh vực tư pháp, lĩnh vực xây dựng chính quyền địa phương có 40 nghị quyết; các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa xã hội, thông tin, thể dục thể thao có 18 nghị quyết… Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành nghị quyết về xây dựng khu vực phòng thủ được nhiều địa phương học tập kinh nghiệm.
Kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ này là HĐND thành phố đã ban hành 37 nghị quyết về công tác quy hoạch ngành, lĩnh vực và 13 nghị quyết cụ thể hóa Luật Thủ đô. Được thông qua tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII, Luật Thủ đô là một dấu mốc quan trọng tạo lập những cơ sở pháp lý ổn định lâu dài, vững chắc, vừa giúp cho Hà Nội phát triển đúng tầm vóc trong tương lai, vừa giải quyết những vấn đề mang tính thời sự, những khó khăn, bức xúc đang đặt ra trong quá trình phát triển của thành phố.
Luật Thủ đô đã xác lập cơ chế đặc thù cho Hà Nội trong 7 lĩnh vực: quy hoạch, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, môi trường đất đai, kinh tế tài chính, an ninh an toàn xã hội. Trên cơ sở đó, HĐND thành phố đã ban hành các nghị quyết cụ thể hóa những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về các cơ chế, chính sách đặc thù được Luật Thủ đô quy định. Từ vấn đề "nóng" như quản lý dân cư khu vực nội thành, các quy định về tỷ lệ diện tích đất ở, nhà ở để phát triển nhà ở xã hội trong các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới đến tăng mức phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực văn hóa, đất đai, xây dựng hay cơ chế, chính sách trọng dụng nhân tài, huy động xã hội hóa xây dựng công trình văn hóa, công viên, vườn hoa…
Tất cả đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp, các ngành của Thủ đô triển khai thực hiện những cơ chế đặc thù mà Luật Thủ đô đã xác định, qua đó giúp Hà Nội phát huy hiệu quả hơn nữa tiềm năng, thế mạnh, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân Thủ đô, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.
Cũng trong nhiệm kỳ qua, HĐND đã không ngừng nâng cao chất lượng công tác giám sát, góp phần tích cực vào công tác chung của thành phố. Trong 5 năm, HĐND thành phố đã tổ chức 97 cuộc giám sát, trong đó có 23 cuộc giám sát của Thường trực và 74 cuộc giám sát của các ban. Nét mới trong hoạt động giám sát của HĐND thành phố nhiệm kỳ này là xác định đúng vấn đề, đúng trọng tâm, nội dung, đối tượng cần giám sát; giám sát, tái giám sát đến cùng. Vì vậy, hoạt động giám sát của HĐND thành phố đã được đông đảo cử tri và nhân dân ghi nhận.
Mùa tuyển sinh năm 2011, tại Hà Nội diễn ra cảnh phụ huynh xếp hàng thâu đêm, chen lấn đạp đổ cả hàng rào, để đăng ký được một suất cho con học tại trường mầm non, tiểu học công lập, khiến nhiều người dân bức xúc. Qua giám sát thực tế, các đại biểu HĐND thành phố phát hiện trong khu vực nội thành có tới sáu phường "trắng" trường mầm non công lập. Ngay tại kỳ họp thứ hai của HĐND thành phố Hà Nội khóa 14, thực trạng thiếu trường mầm non công lập đã trở thành một chủ đề nóng được đưa ra chất vấn và một năm sau, đã có ba dự án xây dựng trường mầm non được triển khai và đạt yêu cầu. Tại kỳ họp thứ năm, vấn đề này lại được tái chất vấn. Chính từ những tiếng nói tâm huyết của các đại biểu HĐND thành phố, vấn đề “trắng” trường mầm non đã trở thành vấn đề chung của toàn thành phố và được Thành ủy, UBND, các sở, ngành chỉ đạo khắc phục quyết liệt. Kết quả, đến năm 2014 thành phố đã hoàn toàn "xóa" điểm trắng về trường mầm non công lập.
Cùng với đó, hàng loạt vấn đề "dân sinh bức xúc" như dự án chậm tiến độ khiến hàng chục nghìn héc-ta đất "vàng" bị bỏ hoang, những bất cập trong quản lý quỹ nhà chuyên dùng, nhà siêu mỏng, siêu méo, tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, trung tâm thương mại bỏ hoang, sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đã được Thường trực và các ban HĐND thành phố giám sát. Theo sát vấn đề đến cùng, tại kỳ họp 14, kỳ họp nội dung cuối cùng, HĐND thành phố đã tổng hợp các vấn đề bức xúc mà cử tri đã kiến nghị nhiều lần ở nhiều nơi với 768 kết luận, kiến nghị để chuyển đến UBND thành phố trả lời. Và những vấn đề này sẽ tiếp tục được xáo xới, giám sát cho đến khi các vụ việc được giải quyết thỏa đáng.
* UVBCT, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải: Cấp ủy các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tốt phương án nhân sự, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.
Nhiệm kỳ 2011 - 2016, HĐND TP đã tiếp tục khẳng định vị thế, thực hiện tốt vai trò cơ quan quyền lực tại Thủ đô. Công tác giám sát nhân sự do HĐND TP bầu thông qua việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt, theo Nghị quyết số 35 Quốc hội khóa XIII, được HĐND các cấp thực hiện thận trọng, nghiêm túc, đúng quy định, đạt tỷ lệ cao.
Trong thời gian tới, toàn thành phố, các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương cần phối hợp chặt chẽ, triển khai tốt công tác chuẩn bị và tổ chức để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 đảm bảo dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm.
Thực hiện nhiệm vụ nhiệm kỳ 2016 – 2021 cũng là thời điểm Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp chính quyền Thành phố củng cố, hoàn thiện tổ chức và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Theo quy định của Luật, cơ cấu tổ chức và hoạt động của HĐND, UBND các cấp được quy định chi tiết, cụ thể, bám sát thực tiễn. Vì vậy, cấp ủy các cấp phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chuẩn bị thật tốt phương án nhân sự, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong điều kiện mới.
* Trưởng ban Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2011 – 2016 Nguyễn Thị Thùy: Tạo điều kiện để Thủ đô ngày càng phát triển, hội nhập thành công với thế giới
Nhiệm kỳ 2011 – 2016, ban Văn hóa – Xã hội đã tham mưu cho HĐND Thành phố ký và ban hành 29 Nghị quyết thuộc lĩnh vực văn hóa, xã hội, trong đó có 8 Nghị quyết về công tác quy hoạch, 4 Nghị quyết thực hiện Luật Thủ đô, 17 Nghị quyết kinh tế xã hội và nghị quyết chuyên đề. Các Nghị quyết đã phát huy hiệu quả trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Hoạt động chất vấn tại các kỳ họp được các thành viên của Ban hết sức quan tâm, coi đây là nhiệm vụ của đại biểu, là giải pháp quan trọng để làm rõ trách nhiệm, tháo gỡ khó khăn trong tổ chức thực hiện. Thực hiện phương châm “chất vấn, tái chất vấn, chất vấn đến cùng”, tại các kỳ họp, Ban đã chất vấn 38 vấn đề thuộc lĩnh vực của Ban, trong đó 34 vấn đề đã được thực hiện, 4 vấn đề đã được thực hiện nhưng còn chậm là: nước sạch nông thôn, an toàn thực phẩm, vườn hoa sân chơi, cơ chế khai thác thiết chế văn hóa.
Về giám sát, khảo sát, từ năm 2011 đến nay, Ban đã tham mưu 4 nội dung giám sát của thường trực. Sau giám sát đã kiến nghị 30 vấn đề và được UBND thành phố chỉ đạo các ngành liên quan, các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện. Ban đã tổ chức 32 đoàn giám sát, khảo sát. Nội dung giám sát tập trung vào các lĩnh vực: Giáo dục và đào tạo; y tế, dân số, kế hoạch hóa gia đình, vệ sinh an toàn thực phẩm; văn hóa thể thao; thông tin truyền thông… Sau mỗi cuộc giám sát, khảo sát đều có kết luận, báo cáo lên thường trực HĐND thành phố và gửi tới các cơ quan hữu quan, trong đó nêu rõ những kết quả đạt được, những tồn tại và đề xuất, kiến nghị của Ban. Cụ thể, qua giám sát, khảo sát, Ban đã kiến nghị với UBND thành phố và các ngành liên quan 255 vấn đề, trong đó đã có 240 vấn đề được giải quyết. Nhìn chung, hoạt động giám sát, khảo sát của Ban tích cực và chủ động, phương thức giám sát ngày càng gọn nhẹ, kết hợp các phương thức giám sát, nghiên cứu văn bản và khảo sát thực tế. Cùng một nội dung có thể giám sát tại nhiều địa bàn, làm việc với nhiều cơ quan, đối tượng khác nhau để có thông tin nhiều chiều. Tuy nhiên, đa số các thành viên của Ban đều hoạt động theo phương thức kiêm nhiệm dẫn đến việc thu xếp thời gian còn khó khăn.
Tôi mong muốn đợt bầu cử HĐND nhiệm kỳ 2016 – 2021 sẽ chọn lựa được những đại biểu có năng lực và tâm huyết. Đội ngũ nhân sự của Ban văn hóa – xã hội khóa mới tiếp tục giám sát, tái giám sát và giám sát đến cùng những kiến nghị, kết luận trên lĩnh vực văn hóa – xã hội đến nay chưa được thực hiện hoặc thực hiện chưa hiệu quả. Từ đó, tạo điều kiện để Thủ đô ngày càng phát triển, hội nhập sâu rộng và thành công với thế giới.