Kỳ thi Olympic Quốc tế về Thiên văn học và Vật lý thiên văn (International Olympiad on Astronomy and Astrophysics, viết tắt: IOAA) dành cho học sinh trung học được tổ chức để ghi nhận vai trò to lớn của lĩnh vực Thiên văn học và Vật lý thiên văn trong đời sống, trong giáo dục thanh thiếu niên và tăng cường giao lưu quốc tế. Lần đầu tiên kỳ thi IOAA được tổ chức ở Chiang Mai, Thái Lan vào tháng 11 năm 2007. Năm 2016, kỳ thi IOAA lần thứ 10 được tổ chức tại thành phố Bhubaneswar, Ấn Độ, với 43 quốc gia tham dự, trong đó có những nước phát triển về Vật lý thiên văn, Thiên văn học và Vũ trụ như Mĩ, Nga, Anh, Canada, Trung Quốc, Ấn Độ. Các nước Đông Nam Á tham dự: Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia, Philipin, Việt Nam. Tổng số có 234 học sinh tham gia dự thi, trong đó mỗi nước có một đội gồm 5 học sinh, một số nước phát triển có hai đội gồm 10 học sinh. Các học sinh dự thi phải trải qua bốn bài thi bao gồm: Bài thi thực hành (gồm 3 phần: thi quan sát Sao trong nhà chiếu hình, thi bản đồ Sao và thi quan sát bầu trời đêm qua kính thiên văn), Bài thi lý thuyết, Bài thi xử lý số liệu và Bài thi đồng đội. Học sinh làm các bài thi bằng tiếng Anh.
IOAA lần thứ nhất tại Chiang Mai, Thái Lan
Từ kinh nghiệm của các lần tham dự thi Olympic quốc tế, trên cơ sở khảo sát, nắm bắt thực tế về câu lạc bộ Thiên văn học tại trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam, Sở GD&ĐT đã tổ chức nghiêm túc kỳ thi, lựa chọn được đúng học sinh có năng lực đáp ứng yêu cầu của kỳ thi, và đã chính thức thành lập đội tuyển gồm 05 học sinh đều là học sinh lớp 11 chuyên Lý của trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam, gồm các em: Trần Đức Huy, Đỗ Lê Duy, Trần Quang Thành, Nguyễn Tiến Nhân, Lê Hồng Long. Đây là lần đầu tiên đoàn học sinh Việt Nam tham dự kỳ thi này, với mong muốn tham gia để giao lưu, học hỏi trên cơ sở nỗ lực hết mình.
National Institute for Science Education and Research
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong công tác bồi dưỡng đội tuyển trên cơ sở khung chương trình do ban tổ chức IOAA đưa ra, trong đó có sự giúp đỡ, giảng dạy tận tình của nhiều chuyên gia là các Giáo sư, Tiến sĩ thuộc lĩnh vực Thiên văn học và Vật lý thiên văn đến từ Viện vật lý thiên văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, trường Đại học Sư phạm Hà Nội; đặc biệt là sự giúp đỡ, giảng dạy tâm huyết của Giáo sư Pièrre Darriulat thuộc Viện Vật lý thiên văn (là người thành lập phòng thí nghiệm Vật lý tia vũ trụ đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2001, nay là Phòng thí nghiệm Đào tạo Vật lý thiên văn); Với sự nỗ lực cao nhất của lãnh đạo đoàn, giáo viên và học sinh; các thầy cô trong đoàn Việt Nam đã làm việc hết mình, không quản ngày đêm để gửi đến cho học sinh những bài dịch chuẩn xác nhất, những lời động viên kịp thời nhất, 5/5 học sinh của đoàn Việt Nam đều đoạt giải với 01 Huy chương Bạc (học sinh Trần Đức Huy) và 04 giải Khuyến khích.
Học sinh làm bài thi IOAA phần lý thuyết
Kết quả trên là rất ấn tượng, vượt so với mục tiêu đề ra. Thành tích cao nhất của đoàn Việt Nam cũng ngang với nhiều đoàn mạnh trong khu vực và có truyền thống thi nhiều năm như Thái Lan, Singapore, Indonesia là Huy chương Bạc. Nước chủ nhà và một số đội bạn xung quanh đều chia vui, đặc biệt ngài Trưởng ban tổ chức IOAA 2016, Subhasis Basak đã đến gặp trực tiếp đoàn để chúc mừng thành tích đoàn Việt Nam vì lần đầu tiên tham dự đã đạt thành tích cao.
Đoàn Việt Nam dự thi IOAA lần thứ 10
Thành tích của đoàn Việt Nam tại kì thi IOAA lần thứ 10 đã góp thêm vào thành tích xuất sắc của Việt Nam trong các kỳ Olympic quốc tế; nó đã đánh dấu một sự trưởng thành trong việc nghiên cứu về lĩnh vực Thiên văn học, Vật lý thiên văn, Vũ trụ của nước nhà, mở ra một chặng đường mới, thúc đẩy niềm đam mê nghiên cứu, học tập của học sinh trong lĩnh vực Thiên văn học và Vật lý thiên văn trong thời gian tới, đồng thời tạo đà cho đoàn Việt Nam tham dự các kỳ IOAA tiếp theo../
Một số hình ảnh của Đoàn Việt Nam dự thi IOAA lần thứ 10