KẾ HOẠCH
Hành động triển khai thực hiện công tác bình đẳng giới
Vì sự tiến bộ của phụ nữ Ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội
Năm 2016
Căn cứ Quyết định số 2351/QĐ-TTg ngày 24/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020; Quyết định số 970/QĐ-BGDĐT ngày 09/3/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt Kế hoạch hành động về bình đẳng giới của Ngành giáo dục giai đoạn 2012-2015; Kế hoạch số 100/KH-UBND ngày 22/8/2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới thành phố Hà Nội giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến 2020;
Căn cứ kế hoạch 45/KH-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội ngày 22 tháng 2 năm 2016 về triển khai thực hiện công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ Hà Nội năm 2016;
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ban hành Kế hoạch Hành động triển khai thực hiện công tác bình đẳng giới Vì sự tiến bộ của phụ nữ Ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Năm 2016 với những nội dung như sau:
I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH.
Giáo dục và Đào tạo Thủ đô có quy mô lớn hàng đầu cả nước, mạng lưới trường lớp phát triển đa dạng. Hà Nội hiện có: 2.622 cơ sở giáo dục và 1.719.404 học sinh, trong đó Mầm non có 1003 trường với 484.387 trẻ; Tiểu học có 711 trường với 610.310 học sinh; THCS có 609 trường với 376.900 học sinh; THPT có 207 trường với 189.732 học sinh; Giáo dục chuyên nghiệp có 46 trường; có 31 trung tâm Giáo dục thường xuyên và 584 trung tâm học tập cộng đồng; 15 Trung tâm Giáo dục KTTH và 68 cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài. Có 118.306 cán bộ, giáo viên, nhân viên các cấp học, ngành học.
Tổng số các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội là 320 đơn vị (182 đơn vị công lập, 138 đơn vị ngoài công lập), trong đó:
- Mầm non thực hành: 02
- Tiểu học chuyên biệt: 01
- Trường PTCS chuyên biệt: 02
- Trường THPT: 207 (Ngoài công lập 98)
- Trung tâm GDTX: 31
- Trường TCCN, trường BDCBGD: 46 (Ngoài công lập 36)
- Trung tâm Giáo dục KTTH: 15
- Trường Cao đẳng: 14 (Ngoài công lập 04)
- Ban Quản lý dự án: 01
- Tạp chí Giáo dục Thủ đô: 01
1. Thuận lợi.
- Công tác xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện các mục tiêu vì sự tiến bộ phụ nữ được thực hiện thuận lợi do có các văn bản hướng dẫn thực hiện của Bộ, Ngành và của UBND Thành phố.
- Sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các các cấp lãnh đạo ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.
- Đảm bảo đủ các nguồn kinh phí cho hoạt động của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Giáo dục và Đào tạo.
- Đa số các đồng chí lãnh đạo tại các cơ ở giáo dục đã có nhận thức đúng đắn về vai trò của phụ nữ, tầm quan trọng của hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ và công tác nữ trong các cơ sở giáo dục.
2. Khó khăn.
- Địa bàn Thành phố Hà Nội rộng lớn với quy mô phát triển về giáo dục nhất cả nước kể cả về số lượng và chất lượng vì vậy trong công tác tổ chức triển khai chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá các nội dung hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ gặp nhiều khó khăn.
- Tính chất không đồng đều giữa các vùng miền về kinh tế nên trình độ nhận thức của đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên, học sinh còn khác nhau về công tác này.
- Công tác Vì sự tiến bộ phụ nữ của ngành hoạt động mang tính chất kiêm nhiệm nên chưa được sự quan tâm sát sao của các cấp quẩn lý.
- Một bộ phận cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh chưa nhận thức đúng đắn, chưa coi trọng thực sự các hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ.
II. MỤC TIÊU.
1. Mục tiêu chung.
1.1. Nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể trong chỉ đạo thực hiện công tác bình đẳng giới và hoạt động Vì sự tiến bộ của phụ nữ; tuyên truyền, phổ biến và vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, của thành phố Hà Nội liên quan đến bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ trên địa bàn Thành phố.
1.2. Nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của phụ nữ. Tạo mọi điều kiện để thực hiện có hiệu quả các quyền cơ bản và phát huy vai trò của nữ cán bộ, giáo viên ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô trong mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội; tạo cơ hội tham gia và thụ hưởng bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới.
1.3. Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong các cơ sở giáo dục theo tiêu chí: có lòng yêu nước; có sức khoẻ; có tri thức, kỹ năng nghề nghiệp; năng động, sáng tạo; có lối sống văn hoá và lòng nhân hậu nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của nữ cán bộ, giáo viên, học sinh trong việc giữ gìn, phát huy và xây dựng phẩm chất, đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước”.
2. Chỉ tiêu cụ thể.
2.1. Mục tiêu 1: Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị
- 45% Tỷ lệ nữ trở lên tham gia các cấp ủy Đảng ở các cơ sở giáo dục;
- 80% các đơn vị, cơ sở giáo dục có nữ cán bộ là lãnh đạo chủ chốt.
2.2. Mục tiêu 2: Giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động.
- Hàng năm tổ chức tuyển dụng viên chức ngành giáo dục khoảng 4500 người trên toàn Thành phố.
2.3. Mục tiêu 3: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, từng bước bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo.
- Tỷ lệ biết chữ của nam và nữ trong độ tuổi từ 15 đến 40 ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số đạt 90% vào năm 2016.
- Tỷ lệ mù chữ Mức độ 1, 2 (Theo Nghị định số 20/NĐ-CP ngày 24/3/2014).
+ Tỷ lệ mù chữ của nam và nữ trong độ tuổi từ 15 đến 35 (chưa hết lớp 3): < 0.13%.
+ Tỷ lệ mù chữ của nam và nữ trong độ tuổi từ 15 đến 60 (chưa hết lớp 5): < 0.33%.
- Tỷ lệ nữ thạc sỹ đạt 45% và tỷ lệ nữ tiến sỹ đạt 21% vào năm 2016 trên tổng số người có cùng học vị.
2.4. Mục tiêu 4: Bảo đảm bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
- Hàng năm, 100% các cơ sở giáo dục tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho đội ngũ cán bộ giáo viên nhân viên.
- Các cơ ở giáo dục tuyên truyền giáo dục về sức khỏe sinh sản và Cơ cấu giới tính khi sinh không vượt quá 116 bé trai / 100 bé gái vào năm 2016.
- Tỷ lệ nữ công chức, viên chức, lao động hợp đồng thai sản được tiếp cận dịch vụ y tế đến năm 2016 là 100% .
- Tuyên truyền trong toàn Ngành giảm tỷ lệ phá thai xuống dưới 25/100 trẻ đẻ sống vào năm 2016.
2.5. Mục tiêu 5: Bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hóa và thông tin.
- Bảo đảm 100% đội ngũ công chức, viên chức, lao động hợp đồng của Ngành được tiếp cận các thông tin văn hóa và các dịch vụ văn hóa.
2.6. Mục tiêu 6: Đảm bảo bình đẳng giới trong đời sống gia đình, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới tính.
- Tuyên truyền rút ngắn khoảng cách về thời gian tham gia công việc gia đình của nữ so với nam xuống 1.5 lần vào năm 2016.
- Tuyên truyền, tư vấn tại các cơ sở giáo dục về phòng, chống bạo lực trong gia đình.
2.7. Mục tiêu 7: Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bình đẳng giới.
- Ngành Giáo dục và Đào tạo bố trí đủ cán bộ làm công tác bình đẳng giới ở cấp thành phố và cấp quận, huyện; và các cơ sở giáo dục.
- Đảm bảo 100% cán bộ, công chức làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các cấp, các ngành được tập huấn nghiệp vụ ít nhất 1 lần/ năm.
2.8. Mục tiêu 8: Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước .
- 80% Nữ cán bộ, giáo viên, nhân viên trong toàn Ngành được tuyên truyền, giáo dục về phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;
- 80% học sinh trung học và sinh viên các trường chuyên nghiệp trong toàn Ngành được tuyên truyền, giáo dục về phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Thực hiện công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ.
a. Thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới
- Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 100/KH-UBND ngày 22/8/2011 về kế hoạch hành động triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020.
- Nâng cao nhận thức của lãnh đạo, công chức, viên chức trong toàn Ngành về nội dung bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ.
- Thực hiện lồng ghép giới trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Ngành, địa phương và các cơ sở giáo dục.
- Xây dựng các chương trình, dự án từ Thành phố đến cơ sở và triển khai thực hiện thực chất, thiết thực, hiệu quả, nhằm thực hiện mục tiêu về bình đẳng giới.
b. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật và kiến thức về giới và bình đẳng giới.
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 01/12/2009 của Chính phủ về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Luật Bình đẳng giới, Nghị định số 70/2008/NĐ-CP ngày 4/6/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bình đẳng giới; Luật phòng chống bạo lực gia đình và các văn bản của Trung ương và Thành phố liên quan đến công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ.
- Tổ chức hội thảo, tọa đàm cho đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý các cấp nhằm nâng cao kiến thức về vấn đề giới và nội dung luật pháp, chính sách về bình đẳng giới .
- Đa dạng hóa các hoạt động thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú: như tập huấn, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông trực tiếp tại cơ sở.
c. Phối hợp tổ chức triển khai thực hiện chỉ thị số 07/CT-TU ngày 30/12/2011 của Thành uỷ Hà Nội về tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ đảng trong công tác quy hoạch, đào tạo và sử dụng cán bộ trẻ, cán bộ nữ.
Chủ động phát hiện, tạo nguồn, xây dựng quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Mạnh dạn đề xuất, đề bạt, bổ nhiệm, bố trí sử dụng cán bộ trẻ, cán bộ nữ được đào tạo cơ bản và đã trải qua công tác cơ sở vào các vị trí lãnh đạo quản lý.
d. Tăng cường các hoạt động của Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ.
- Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã và các cơ sở giáo dục nghiêm túc tổ chức thực hiện Quyết định số 1855/QĐ-TTg ngày 11/11/2009 của Thủ tướng chính phủ về việc thành lập, kiện toàn Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp.
- Xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, đánh giá hoạt động của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ các cơ sở giáo dục.
- Tổ chức giao ban đánh giá kết quả hoạt động của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Ngành định kỳ 6 tháng và một năm.
- Duy trì hoạt động Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ theo quy chế đã đề ra. Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các Phòng GD&ĐT và các cơ sở giáo dục rà soát, bổ sung Quy chế hoạt động cho phù hợp với tình hình thực tế.
- Phối hợp với ngành Tài chính triển khai thực hiện Thông tư số 191/2009/TT-BTC ngày 01/10/2009 của Bộ Tài chính tạo điều kiện cho hoạt động Vì sự tiến bộ phụ nữ Ngành và các cơ sở giáo dục.
2. Thực hiện tiểu Đề án 2 “Tuyên truyền giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước trong trường học, giai đoạn 2010-2015” (Tiểu đề án 2 - Đề án 343).
- Tổ chức kiện toàn Tiểu ban thực hiện Tiểu Đề án 2 tại phòng giáo dục các quận, huyện, thị xã. Đối với 6 quận, huyện (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hà Đông, Từ Liêm, Mê Linh, Ba Vì) được Thành phố chỉ đạo Xây dựng các mô hình điểm về công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước; Phòng GD&ĐT làm tốt công tác tham mưu với UBND quận, huyện; xây dựng, bổ sung, hoàn thiện Kế hoạch; Tổ chức các hoạt động tại các mô hình điểm, cuối năm tiến hành đánh giá mô hình phục vụ cho hoạt động sơ kết, tổng kết các Tiểu đề án 2, xây dựng, giới thiệu các gương cá nhân, tập thể trong lĩnh vực này làm cơ sở cho việc nhân rộng mô hình trong những năm học tiếp theo.
- Ban vì sự tiến bộ phụ nữ ở các cơ sở giáo dục thành lập, kiện toàn tiểu ban đề án 2 “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong trường học”; tăng cường phối hợp với các tổ chức, đoàn thể, trong nhà trường để triển khai có hiệu quả nội dung giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
- Tiếp tục tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước “Tự tin – Tự trọng – Trung hậu – Đảm đang” tới nữ cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng phù hợp với các nhóm đổi tượng, địa bàn, lứa tuổi.
- Tiếp tục bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, báo cáo viên, tuyên truyền viên làm công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong hệ thống giáo dục toàn Thành phố (Tổ chức tập huấn cho 100% báo cáo viên, tuyên truyền viên).
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN.
1. Phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã: Tổ chức triển khai, thực hiện tại đơn vị và các cơ sở giáo dục theo địa bàn quản lý.
- Căn cứ kế hoạch chung của ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và các văn bản hướng dẫn của cơ quan nhà nước cấp trên, Phòng Giáo dục và Đào tạo xây dựng và triển khai Kế hoạch tới các cơ sở giáo dục năm 2016.
- Các phòng Giáo dục & Đào tạo quận, huyện, thị xã tiếp tục kiện toàn tổ chức và hoạt động của Ban VSTBPN ở các cơ sở giáo dục.
- Tổ chức kiện toàn Tiểu ban thực hiện Tiểu Đề án 2 “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong trường học” tại phòng giáo dục các quận, huyện, thị xã và các cơ sở giáo dục.
- Tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên trong các Ban vì sự tiến bộ phụ nữ ở các cơ sở giáo dục; đội ngũ cán bộ, báo cáo viên, tuyên truyền viên làm công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
- Thực hiện chế độ báo cáo kết quả triển khai Kế hoạch vào tháng 6 và tháng 12 hàng năm.
2. Đối với các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở.
- Thành lập Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ đối với những trường mới thành lập; kiện toàn tổ chức và hoạt động Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ kịp thời khi có thay đổi về nhân sự. Việc thành lập hoặc kiện toàn Ban được thực hiện theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban VSTBPN ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.
- Thành lập hoặc kiện toàn Tiểu ban thực hiện Tiểu Đề án 2 “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong trường học”
- Căn cứ kế hoạch chung của ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và các văn bản hướng dẫn của cơ quan nhà nước cấp trên, xây dựng và triển khai Kế hoạch tại đơn vị Kế hoạch hành động VSTBN năm 2016.
- Tăng cường phối hợp với các tổ chức, đoàn thể, trong nhà trường để triển khai có hiệu quả nội dung giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
- Thực hiện chế độ báo cáo kết quả triển khai Kế hoạch vào tháng 6 và tháng 12 hàng năm.
3. Phòng Kế hoạch tài chính.
Bố trí nguồn kinh phí theo Kế hoạch để Sở GD&ĐT tổ chức triển khai công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ Ngành Giáo dục đảm bảo chất lượng và hiệu quả.