Tôn vinh nét đẹp tài năng, duyên dáng
Hội thi Cô giáo tài năng duyên dáng những năm qua đã trở thành hoạt động nổi bật của ngành GD&ĐT của nhiều địa phương trên cả nước. Thế nhưng không phải ai cũng biết, hội thi đầu tiên đã diễn ra tại Hà Nội và nhờ sự thành công cộng với ý nghĩa thiết thực của cuộc thi mà nó đã lan tỏa tới mọi miền của Tổ quốc. Ngược dòng thời gian, cách đây hơn 20 năm, ngành GD&ĐT Hà Nội khi đó rất đông cán bộ, giáo viên là nữ giới. Các cô giáo không chỉ giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ mà còn rất tài năng, duyên dáng. Chính vì vậy, Chủ tịch CĐGD Hà Nội lúc bấy giờ là ông Nguyễn Tùng Lâm đã đưa ra ý tưởng tổ chức hội thi “Cô giáo tài năng duyên dáng” nhằm tạo ra sân chơi cho các cô giáo, bên cạnh những hội thi về chuyên môn, văn hóa, văn nghệ. Sau thành công của hội thi lần đầu tiên năm 1995 đến nay, nó đã trở thành hoạt động được tất cả nữ nhà giáo Thủ đô mong chờ.
12 thí sinh tham dự vòng chung kết cuộc thi
NGƯT.TS Nguyễn Tùng Lâm – Nguyên Chủ tịch CĐGD Hà Nội nhớ lại: Song song với cuộc vận động “Dân chủ - Kỷ cương – Tình thương – Trách nhiệm”, ngành GD&ĐT Hà Nội đã làm được một việc hết sức có ý nghĩa, đó là tổ chức Hội thi “Cô giáo tài năng duyên dáng”, cứ 5 năm tổ chức một lần cùng với việc tổng kết cuộc vận động “Dân chủ - Kỷ cương – Tình thương – Trách nhiệm” và “Cô giáo người mẹ hiền” cho nữ CBGV trong ngành. Không có cuộc thi nào của ngành lại hấp dẫn và thu hút được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính quyền và nhân dân của các quận huyện như các lần tổ chức thi “Cô giáo tài năng duyên dáng”. Từ hội thi này, xã hội hiểu hơn về nghề dạy học, từ đó huy động nguồn lực xã hội hóa đóng góp cho sự phát triển của xã hội.
Trong hội thi lần đầu tiên được tổ chức, cô giáo Trần Thị Thu Hà là một giáo viên trẻ vừa mới ra trường về công tác tại trường THPT Lý Tự Trọng đã hồ hởi tham gia hội thi. Tại hội thi cấp trường, cô được NGƯT Nguyễn Tùng Lâm đặt câu hỏi ứng xử “Là một giáo viên, theo cô, có được nói dối hay không?”. Hội thi là kỷ niệm không thể phai mờ trong cuộc đời làm nghề giáo của cô. Và hơn 20 năm sau, cô giáo Trần Thị Thu Hà, giờ đã là Chủ tịch CĐGD Hà Nội không ngừng nỗ lực duy trì tổ chức cuộc thi ngày một hấp dẫn, thiết thực để các nữ nhà giáo được thể hiện bản thân.
Nếu như hội thi Cô giáo tài năng duyên dáng lần thứ 2 đến lần thứ 4 chủ yếu dành cho các nữ nhà giáo đến từ các trường MN, TH và THCS thì trong lần thứ 5 tổ chức đã có sự tham gia sôi nổi của các nữ nhà giáo đến từ các trường THPT, một lực lượng đông đảo của đội ngũ nhà giáo Thủ đô. Theo Chủ tịch CĐGD Hà Nội Trần Thị Thu Hà, đây chính là điểm mới tích cực so với các hội thi năm trước. Thêm vào đó, do điều kiện kinh tế xã hội ngày càng phát triển nên ở hội thi lần này các nữ nhà giáo Thủ đô cũng có sự đầu tư lớn hơn cho các phần thi (từ trang phục, trang điểm, đạo cụ biểu diễn…). Chất lượng thí sinh cũng tăng, rất nhiều giáo viên từng đoạt giải cao tại các hội thi GVDG và các hội diễn văn nghệ cấp quận, cấp Thành phố, là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở nhiều năm liền.
Ứng xử làm nên nét riêng của nữ nhà giáo
Hội thi Cô giáo tài năng duyên dáng lần thứ V năm học 2015 – 2016 được tổ chức từ tháng 11/2015 tại các trường, cụm trường trên địa bàn Thành phố. Trải qua vòng thi cấp quận, huyện và cụm trường trực thuộc, những giáo viên xuất sắc nhất được tuyển chọn dự thi cấp Thành phố được tổ chức vào ngày 3/3/2016 tại trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam. Theo thống kê, hội thi các cấp đã quy tụ được tổng số hơn 1000 giáo viên dự thi và đã tạo ra không thí thí đua sôi nổi giữa các thí sinh khi tham gia hội thi mà còn là đợt sinh hoạt chuyên môn thú vị tại các nhà trường.
Có thể nói, hội thi đã thổi luồng gió mới vào đời sống tinh thần của các nữ nhà giáo Thủ đô. Các hội thi luôn thu hút sự quan tâm, cổ vũ, trợ giúp của đông đảo đồng nghiệp, học sinh và CMHS. Và tại các hội thi, những người theo dõi đều không khỏi trầm trồ trước sự hiểu biết sâu sắc của các nữ nhà giáo trong phần thi ứng xử. Không giống như các cuộc thi người đẹp, thi hoa hậu, mỗi nữ nhà giáo phải trả lời 2 câu hỏi về hiểu biết xã hội và ứng xử nghề nghiệp. Những câu hỏi như: hiểu biết về cuộc vận động “Dân chủ - Kỷ cương – Tình thương – Trách nhiệm”; xử lý thế nào khi trẻ bị hóc; làm gì khi phụ huynh đề nghị cô giáo dạy trước chương trình lớp 1; ứng xử ra sao khi thấy phụ huynh đánh mắng học sinh; khi vào lớp dạy thay mà học sinh chê cô giáo cũ… đòi hỏi người giáo viên không chỉ có kiến thức rộng, nắm chắc luật giáo dục mà còn phải có lối ứng xử phù hợp, khéo léo, văn minh.
Đặc sắc phần thi năng khiếu
Nhà giáo Tạ Thị Thu Hương - Phó trưởng phòng GD&ĐT, Chủ tịch CĐGD huyện Chương Mỹ cho biết: Tất cả các nữ giáo viên của huyện đã tham gia với tinh thần hứng khởi. Mỗi nhà trường đã tổ chức hội thi cấp trường trong dịp 20/11, vừa lấy thành tích chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam, đồng thời lựa chọn những giáo viên tài năng, duyên dáng nhất dự hội thi cấp cụm. Từ 4 cụm thi, những giáo viên xuất sắc nhất được lựa chọn tham gia vòng thi chung khảo hội thi cấp huyện. “Hội thi là sân chơi bổ ích, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cũng như nâng cao kỹ năng sống, gắn kết việc dạy học với thực tế đời sống xã hội. Đồng thời cũng khơi dậy và phát huy tinh thần trách nhiệm và ý thức của mỗi nữ nhà giáo trong việc học tập, nâng cao hiểu biết, chuyên môn nghiệp vụ sư phạm. Đơn cử, hội thi có phần thi hiểu biết, chúng tôi ra câu hỏi về các phong trào, cuộc vận động của ngành GD&ĐT đòi hỏi các nữ nhà giáo phải kể tên, nêu ý nghĩa của các cuộc vận động đó. Những câu hỏi như vậy, các giáo viên phải tìm hiểu về các cuộc vận động của ngành, không chỉ bản thân các nữ nhà giáo tham gia thi mà còn lan tỏa để cả BGH và giáo viên, nhân viên trong toàn trường cũng cùng tìm hiểu. Thêm vào đó, phần thi ứng xử cũng đòi hỏi họ đặt ra các tình huống và cùng ngồi thảo luận cách xử lý đúng đắn và khéo léo nhất. Rõ ràng, đây là đợt sinh hoạt chuyên môn sâu rộng” - nhà giáo Thu Hương khẳng định.
Sân chơi không chỉ dành cho nữ nhà giáo trẻ
Thêm một điểm nữa làm nên sự khác biệt thú vị cho cuộc thi “Cô giáo tài năng duyên dáng” của ngành GD&ĐT Hà Nội là cuộc thi không phải chỉ dành riêng cho những nữ giáo viên có tuổi đời còn trẻ. Theo thống kê, trong hội thi năm nay, thí sinh trẻ nhất sinh năm 1994. Thí sinh lớn tuổi nhất là cô giáo Bùi Thị Thanh trường THCS Sơn Lộc (thị xã Sơn Tây) nay đã 54 tuổi với hơn 35 năm tuổi nghề.
Nhiều nữ nhà giáo tham gia hội thi đều khẳng định: Hội thi cô giáo tài năng duyên dáng là hội thi của những nữ nhà giáo đang đứng lớp chứ không phải chỉ dành riêng cho những cô giáo trẻ trung, xinh đẹp. Hội thi là cuộc thi tài, thi đức của những nữ nhà giáo vừa hồng, vừa chuyên. Trong thời đại ngày nay, một cô giáo tài năng là cô giáo có chuyên môn nghiệp vụ giỏi, có lòng yêu thương học sinh, tâm huyết với nghề. Người giáo viên ấy cũng phải biết không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nhận thức bằng con đường tự học, học qua bạn bè, đồng nghiệp và đôi khi học qua chính học trò của mình. Bên cạnh việc tự học, cần sự sáng tạo để đổi mới, tìm ra những cái mới, khác biệt trong nội dung, hình thức, phương pháp dạy học để giúp học trò phát triển toàn diện.
Cô giáo Bùi Thị Thu Thủy (trường MN Xuân La, quận Tây Hồ) phân tích: Tại sao tên gọi của hội thi không phải là “cô giáo đẹp” mà là “cô giáo duyên dáng”, theo tôi đẹp chưa đủ, đẹp chỉ là ánh mắt của mọi người nhìn từ bên ngoài, “vẻ đẹp không nằm trên đôi má hồng của cô thiếu nữ mà trong mắt của kẻ si tình”. Nói về vẻ đẹp bên ngoài, chúng ta có thể đẹp trong mắt 1 người, 2 người nhưng không thể đẹp trong mắt tất cả mọi người khi cô giáo chưa duyên dáng. Một cô giáo duyên dáng là nữ nhà giáo có tâm hồn trong sáng, lối sống lành mạnh, yêu thương học sinh, tận tâm với nghề, truyền cảm hứng tới học trò bằng tình thương yêu.
Theo cô giáo Thu Thủy, mỗi cô giáo tham gia hội thi đều phải có ý thức về mọi lời nói, hành động và tác phong để xứng đáng với danh hiệu “Cô giáo tài năng, duyên dáng” của Thủ đô Hà Nội. Họ có trách nhiệm lan tỏa những phẩm chất tốt đẹp của một cô giáo tài năng duyên dáng tới đồng nghiệp, học trò. Đồng thời sau cuộc thi cũng phải trau dồi hơn nữa nghiệp vụ để góp phần thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới giáo dục.
NGƯT.TS Nguyễn Hữu Độ - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội: Hội thi cô giáo tài năng, duyên dáng nhằm tôn vinh tài năng, vẻ đẹp trí tuệ, phẩm chất đạo đức, phong cách sư phạm của nữ cán bộ, giáo viên trong toàn ngành; là điều kiện để các cô giáo được thể hiện năng lực, tình yêu nghề nghiệp, hiểu biết xã hội, kỹ năng xử lý các tình huống sư phạm; là cơ hội để các cô giáo được giao lưu, học tập, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, khẳng định bản lĩnh, sự tự tin. Hội thi cho thấy dù bất kỳ độ tuổi nào, cương vị công tác nào, các cô vẫn luôn thể hiện được tài năng và sự duyên dáng của mình để góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục và đào tạo. Tham gia hội thi cấp quận, huyện, thị xã, các nữ nhà giáo Thủ đô đã khẳng định, họ không chỉ giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ mà còn rất duyên dáng, tài năng, là những nghệ sĩ tài ba, nhà giáo tâm huyết, yêu nghề, có phong cách sống đẹp, giao tiếp ứng xử thông minh, biết dung hòa các nét văn hóa để trở thành những người phụ nữ, mang vẻ đẹp vừa truyền thống vừa hiện đại.
Nhạc sĩ Giáng Son: Lần đầu tiên làm giám khảo của hội thi này, tôi đã rất bất ngờ bởi sự toàn tài của các nữ nhà giáo Thủ đô. Không chỉ hát, múa, nhiều cô giáo còn diễn chèo, nhảy dancesport, khiêu vũ, vẽ tranh cát… Các tiết mục đều có sự đầu tư công phu với sự trợ diễn của đông đảo giáo viên và học sinh. Phong thái biểu diễn rất chuyên nghiệp. Các nữ nhà giáo Thủ đô không chỉ tài năng, duyên dáng mà còn rất xinh đẹp, cô giáo nào cũng trông như hoa hậu trên sân khấu. Các cô đầu tư rất nghiêm túc cho cuộc thi, điều này được thể hiện qua những bộ áo dài được thiết kế tỷ mỉ, trang phục dạ hội lộng lẫy tôn được vẻ đẹp của mỗi nữ nhà giáo. Đặc biệt, các cô giáo đã để lại ấn tượng mạnh khi thể hiện sự hiểu biết sâu sắc, thông minh, khéo léo khi xử lý các tình huống và rất xứng đáng với danh hiệu “cô giáo tài năng duyên dáng” của Thủ đô.