Tại
hội thảo, các chuyên gia của tổ chức Plan và Sở GD&ĐT Hà Nội đã
đánh giá sơ bộ kết quả của Dự án "Trường học an toàn, thân thiện và bình
đẳng" đang được thí điểm tại 20 trường (10 trường THCS, 10 trường THPT)
trên địa bàn Thủ đô. Khảo sát 3.000 học sinh của 20 trường thực hiện
thí điểm dự án và 10 trường đối chứng cho thấy, bạo lực tinh thần là
hình thức phổ biến nhất trong số các hình thức bạo lực mà học sinh đang
gặp phải. Bạo lực tinh thần bao gồm các hành động cố ý tẩy chay một
người nào đó; đánh giá về ngoại hình, tôn giáo, điều kiện gia đình; gán
ghép tên gọi dựa trên ngoại hình hoặc gia cảnh; bắt phạt đứng trong góc
lớp hoặc bên ngoài lớp học; bị nhốt trong lớp; sỉ nhục thông qua ngôn
ngữ xúc phạm.
Nghiên
cứu cũng chỉ ra, giáo viên sử dụng bạo lực tinh thần đối với học sinh
nam nhiều hơn với học sinh nữ. Các hình thức kỷ luật tích cực chưa được
nhiều thầy cô thực hiện hiệu quả. Hầu hết học sinh thường tự ứng phó với
bạo lực tinh thần mà không muốn kể lại sự việc cho CMHS và thầy cô
giáo. Ngoài hình thức bắt nạt trực tiếp, nhiều học sinh hiện nay còn bị
bạo lực tinh thần qua mạng internet và phần lớn các em không biết ai là
người bắt nạt mình.
Tại
hội thảo, nhiều giải pháp đã được đưa ra để giải quyết vấn đề bạo lực
giới trong trường học như tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền;
tạo ra môi trường thân thiện để học sinh chia sẻ vấn đề của mình; xóa bỏ
phương pháp giảng dạy có sử dụng hình thức xử phạt dùng bạo lực và phân
biệt giới tính…