Hội thảo được tổ chức nhằm làm rõ và khẳng định những quan điểm, phương pháp giáo dục hiện đại đã được vận dụng sáng tạo, thành công ở trường THPT Đinh Tiên Hoàng; những vấn đề cần phát huy tác dụng trong công tác giáo dục đạo đức lối sống hiện nay như vai trò của Hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm trong công tác giáo dục đạo đức lối sống; làm sao để phát huy nội lực tạo động lực và phát triển năng lực cho các nhà giáo chuyển mạnh từ dạy chữ sang dạy người…
Phát biểu tại Hội thảo, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho biết: Tháng 10/1989, trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng được thành lập với mục đích thu nhận những học sinh không được vào trường quốc lập hoặc đang học tại các trường quốc lập nhưng xếp loại yếu kém về văn hóa, đạo đức, vi phạm kỷ luật bị các trường từ chối không cho học. Xây dựng mô hình giáo dục Đinh Tiên Hoàng, UBND TP Hà Nội, Sở GDĐT Hà Nội và Công đoàn ngành GDĐT Hà Nội mong muốn thực hiện Công ước quốc tế về quyền trẻ em, góp phần thực hiện công bằng giáo dục đối với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Những năm đầu thành lập (1989-2005), nhà trường tiếp nhận và đào tạo học sinh theo mô hình “giáo dục đặc biệt” trong đó 60% học sinh yếu kém về khả năng học tập văn hóa. Còn lại là những học sinh có hoàn cảnh khó khăn như gia đình ly tán, kinh tế sa sút. Từ năm 2005, trường Đinh Tiên Hoàng đã chuyển từ mô hình “giáo dục đặc biệt” sang mô hình “giáo dục không chọn lọc đầu vào” cho sát với thực tiễn đời sống và giáo dục Việt Nam. Mô hình giáo dục này dựa trên mô hình đánh giá chất lượng giáo dục của UNESCO “Giáo dục cho mọi người. Yêu cầu khẩn thiết về chất lượng”.
Toàn cảnh hội thảo
Bằng những giải pháp hiệu quả như tạo niềm tin và động lực cho học sinh rèn luyện phấn đấu; tạo thói quen tốt, dạy học sinh biết tự học; quan tâm đến giáo dục hướng nghiệp, giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh; xây dựng văn hóa trường học và lớp học hạnh phúc… chất lượng giáo dục của trường THPT Đinh Tiên Hoàng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT trong nhiều năm đạt từ 95% đến 98%; học sinh tự chủ, tự tin, tự trọng và biết tự chịu trách nhiệm về các việc mình làm...
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, khi chuyển từ mô hình “giáo dục đặc biệt” sang mô hình “giáo dục không chọn lọc đầu vào”, trường THPT Đinh Tiên Hoàng luôn chăm lo, đặt việc dạy người lên hàng đầu nhằm đảm bảo công bằng trong giáo dục. Một nền giáo dục văn minh, tiên tiến trước hết phải chăm lo, ưu tiên cho những học sinh gặp khó khăn.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tham luận trao đổi xoay quanh các giải pháp giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh phổ thông hiện nay như: “Giáo dục đạo đức học sinh qua các giờ học Ngữ văn- Cần chạm đến trái tim để mở cửa trái tim”; “Hiệu trưởng với việc phối hợp các lực lượng giáo dục nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh”; “Phát huy nội lực, tạo động lực và nâng cao năng lực giáo viên chủ nhiệm để hoàn thành sứ mệnh người thầy”; “Tăng cường các hình thức giáo dục ngoài nhà trường trong công tác giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh”…