TS. Nguyễn Ngọc Ân cho rằng thời gian gần đây các nhà quản lý giáo dục và thầy cô luôn trong trạng thái phải đối phó với các tình huống trong nhà trường và ngành do các phương tiện thông tin đại chúng mang lại, nhưng chủ yếu là các tin tiêu cực. Nhà giáo, người lao động đang lúng túng trong cách ứng xử, hành vi, trong cách dạy học của mình trong nhà trường. Đó là do nguyên nhân: Giáo viên đang chú trọng dạy chữ mà thiếu kiến thức kỹ năng giáo dục học sinh, giáo viên không tiếp cận được với các quy định của pháp luật, của ngành về quy định đạo đức nhà giáo về những hành vi được làm và không được làm trong nhà trường.
Chủ tịch CĐGD Hà Nội Trần Thị Thu Hà phát động kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm
Đồng chí Trần Thị Thu Hà, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Hà Nội chính thức phát động, triển khai Kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới và xây dựng trường học hạnh phúc. Đồng thời đề nghị lãnh đạo các nhà trường trên cơ sở kế hoạch liên tịch của Sở và Công đoàn Ngành sẽ xây dựng kế hoạch và triển khai một cách hiệu quả đến 100% cán bộ, giáo viên và nhân viên, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc.
Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết: Ngày 22/4 vừa qua Công đoàn GD Việt Nam đã phát động chương trình xây dựng trường học hạnh phúc, với 21 tiêu chí nhưng có 3 tiêu chí cụ thể, gồm yêu thương, an toàn và tôn trọng. Khái niệm trường học hạnh phúc trước đây trong cuộc vận động đã có, như xây dựng môi trường giáo dục dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm; xây dựng nhà trường văn hóa, nhà giáo mẫu mực, học sinh thanh lịch; trường học thân thiện, học sinh tích cực. Tuy nhiên, trường học hạnh phúc chứa đựng nhiều nội dung hơn, nằm trong các khái niệm bao trùm trước đó.
Muốn xây dựng được trường học hạnh phúc, giáo viên phải thay đổi, hiệu trưởng phải thay đổi, các phòng ban Sở, kể cả Giám đốc Sở cũng phải thay đổi, như thế mới phù hợp với xu thế chung của xã hội.