Các đội thi tìm hiểu kiến thức SKSS
Tham gia buổi sinh hoạt chuyên đề, học sinh các khối lớp 10, 11, 12 của trường THPT Hoàng Cầu đã thi tìm hiểu kiến thức SKSS vị thành niên qua các hình thức: thi chào hỏi, thi trả lời câu hỏi kiến thức, thi tài năng, vận động và thi vẽ tranh. Các em đã thể hiện hiểu biết sâu sắc, không ngại ngùng khi đề cập đến các vấn đề liên quan đến các biện pháp quan hệ tình dục an toàn, các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, hậu quả của nạo phá thai… Đặc biệt, thông qua tài năng thiết kế thời trang, hùng biện, diễn hài kịch, học sinh đã truyền tải thông điệp và kiến thức tới bạn bè một cách dễ hiểu, hài hước.
HS trường THPT Hoàng Cầu diễn thời trang tuyên truyền về SKSS vị thành niên
Nói về ý nghĩa của hoạt động này, cô giáo Lưu Thị Lập - Hiệu trưởng trường THPT Hoàng Cầu nhận định: “Công tác tuyên truyền giáo dục về SKSS vị thành niên tuy đã được triển khai rộng rãi, dưới nhiều hình thức nhưng chưa thực sự sâu sắc, nhìn thẳng vào sự thật dưới lăng kính khách quan và khoa học. Vì thiếu hiểu biết về giới tính, SKSS, rất nhiều chuyện đau lòng đã xảy ra với các em như tự tử, tảo hôn, yêu theo trào lưu… Đây là mối lo lắng của nhà trường, gia đình và xã hội. Trước thực trạng cấp thiết đó, nhà trường ngoài nhiệm vụ cung cấp thông tin khoa học về SKSS, còn là môi trường để giáo dục, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, triển khai các hoạt động về SKSS tuổi vị thành niên cho các em”.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, trẻ em từ 10 đến 19 tuổi (học sinh lớp 5 đến sinh viên năm thứ 2) được coi là lứa tuổi vị thành niên. Tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ ở tuổi vị thành niên chiếm khoảng 23% dân số. Đây là lứa tuổi có nhiều thay đổi về thể chất, biến đổi tâm lý và các quan hệ xã hội, bước đầu hình thành nhân cách vì vậy nảy sinh nhiều rắc rối về tâm lý hơn các lứa tuổi khác và cần được nuôi dưỡng, chăm sóc trong môi trường an toàn, thân thiện, giúp các em vượt qua khủng hoảng tuổi dậy thì, trở thành người lớn thực sự.
Các bạn trẻ hào hứng theo dõi và tham gia chuyên đề giáo dục
Để giáo dục SKSS cho học sinh, tại Hà Nội, nhiều tài liệu chuyên đề đã được cấp phát đến giáo viên. Sở GD&ĐT Hà Nội cũng tổ chức các lớp tập huấn và bồi dưỡng cho giáo viên về nội dung này. Theo PGĐ Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống, đến nay các nội dung giáo dục SKSS vị thành niên đã được giáo viên và học sinh tổ chức dạy học nghiêm túc, khoa học. Học sinh đã có hiểu biết tương đối đầy đủ, xây dựng cho mình nếp sống lành mạnh. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của CNTT, mạng xã hội cũng bộc lộ nhiều mặt trái và vấn đề giáo dục SKSS vị thành niên cần được xem xét trong bối cảnh mới, với phương pháp và hình thức mới. Chỉ đạo của ngành GD&ĐT hiện nay với công tác giáo dục SKSS vị thành niên trong các nhà trường là nội dung phải toàn diện, phương pháp hình thức phong phú, chủ đề tích cực, giáo viên tạo điều kiện cho học sinh chủ động chiếm lĩnh kiến thức, từ đó biến thành vốn sống, làm chủ được bản thân trong mọi tình huống. Bên cạnh đó, công tác giáo dục SKSS vị thành niên cần được phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường bởi thống kê cho thấy trên 70% số trẻ vị thành niên hư và mắc các tệ nạn xã hội là do hoàn cảnh và phương pháp giáo dục của gia đình.