Học sinh trình diễn thời trang được làm từ rác thải và phế liệu
Hơn 600 học sinh trường THCS Kim Sơn đã rất thích thú với các nội dung thi tìm hiểu về môi trường và biến đổi khí hậu. Được tổ chức qua các vòng thi, 2 đội xuất sắc nhất bước vào phần chung kết với các nội dung thi chào hỏi (được sân khấu hóa), trình diễn thời trang (được học sinh thiết kế từ rác thải và phế liệu) và thi hùng biện. Ngoài ra, chuyên đề giáo dục tại trường còn có nhiều hoạt động phong phú, đa dạng thu hút sự tham gia tích cực của học sinh như: Trồng cây; viết và gửi thông điệp; thi vẽ tranh; thi sáng tạo các sản phẩm lưu niệm, đồ dùng học tập từ rác thải, phế liệu; tham gia trò chơi vận động…
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội và huyện Gia Lâm tặng quà cho các đội thi xuất sắc
Cô giáo Vũ Thị Lan Anh - Hiệu trưởng trường THCS Kim Sơn cho biết: Nội dung giáo dục bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu được nhà trường triển khai thường xuyên và trong cả năm học. Tuy nhiên, tháng 10 và tháng 11 là hai tháng cao điểm với nhiều hoạt động phong phú cho học sinh. Bên cạnh các nội dung giáo dục trong nhà trường, học sinh còn tham gia chương trình “Thứ Bảy xanh”. Chiều thứ Bảy hàng tuần, các em cùng quét dọn đường làng, ngõ xóm với người lớn. Đặc biệt, Kim Sơn là vùng nông thôn, chuyên trồng rau nên nhà trường cũng hướng dẫn học sinh, từ đó các em tuyên truyền tới gia đình và những người xung quanh về việc sử dụng thuốc trừ sâu đúng khoa học, an toàn.
Gian trưng bày sản phẩm sáng tạo làm từ rác thải thu hút đông học sinh tham quan
Nói về công tác giáo dục môi trường trong các trường học của huyện Gia Lâm, Trưởng phòng GD&ĐT Hoàng Việt Cường cho biết: Một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu là do nhận thức của người dân còn hạn chế, ý thức tự bảo vệ môi trường chưa trở thành thói quen trong cách sống. Để góp phần cùng thành phố thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, phòng GD&ĐT huyện đã đề nghị cán bộ, giáo viên, học sinh các trường thực hiện và tuyên truyền về ý nghĩa của việc trồng cây xanh, bảo vệ cây xanh tại các khu dân cư; hạn chế sử dụng túi nilon; tiết kiệm điện, nước và thực hiện tốt việc phân loại rác thải. Các trường học tổ chức chuyên đề giáo dục bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu một cách thực chất, phù hợp với điều kiện của từng đơn vị và lứa tuổi của học sinh. Giáo viên các trường tiểu học, THCS giáo dục lồng ghép nội dung này vào các môn học như Địa lý, Sinh học, Giáo dục công dân… Giáo viên mầm non lồng ghép vào các chủ điểm giáo dục.
Các cán bộ quản lý giáo dục thảo luận giải pháp nâng cao chất lượng công tác giáo dục bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu.
Sau khi dự chuyên đề của trường THCS Kim Sơn, Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, phòng GD&ĐT huyện Gia Lâm, chuyên gia về môi trường của Học viện Nông nghiệp Việt Nam cùng đại diện các trường trên địa bàn huyện đã tọa đàm về các giải pháp nâng cao chất lượng công tác giáo dục bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu cho học sinh. Phát biểu tại cuộc tọa đàm, PGĐ Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống đánh giá cao cách làm của trường THCS Kim Sơn và phòng GD&ĐT huyện Gia Lâm. PGĐ Sở cũng chỉ đạo các trường học của huyện Gia Lâm nói riêng và các trường trên địa bàn Thành phố nói chung thực hiện chuyên đề giáo dục bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu một cách thực chất để nâng cao nhận thức của học sinh, từ đó lan tỏa tới bạn bè, người thân có ý thức tự giác bảo vệ môi trường xung quanh. Đặc biệt, để học sinh dễ tiếp thu và hào hứng tham gia, các trường cần gắn với những nội dung gần gũi, thiết thực liên quan đến môi trường và biến đổi khí hậu như tình trạng ngập lụt, đốt rơm rạ, ô nhiễm tiếng ồn…