Giáo dục Ngoại ngữ ở phổ thông tới đây sẽ toàn diện cả 4 kỹ năng: Nghe - Nói - Đọc - Viết. Cùng với đó, có chuẩn trình độ cho từng cấp học. Chuẩn này được xây dựng có tham chiếu khung năng lực của Châu Âu, tức là có hội nhập chứ không “tắm ao nhà” nữa.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận
Về việc chuẩn bị cho hội nhập ASEAN để tránh bị động và có nguồn nhân lực chất lượng cao, theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, theo chức năng, nhiệm vụ của mình đã tham gia tích cực vào việc xây dựng khung tham chiếu trình độ của Asean đối với các trình độ: Dạy nghề, giáo dục chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học. Khung trình độ quốc gia về cơ bản đã xây dựng xong.
Bên cạnh đó, nhiều thỏa thuận công nhận lẫn nhau về các trình độ đào tạo và các bằng cấp cũng đã được ký kết. Ví dụ, ở trung cấp, dạy nghề ở 7 trình độ: Kỹ thuật, Điều Dưỡng, Nha khoa, Kế toán, Du lịch, Trắc địa, Kiến trúc. Ở trình độ ĐH, đã có công nhận bằng cấp giữa nhiều trường ĐH Việt Nam với các trường ĐH hàng đầu của Pháp, Đức và nhiều nước khác.
Bộ trưởng cho biết: Mới đây, Bộ GD&ĐT Việt Nam và Bộ Giáo dục quốc gia, Giảng dạy đại học và Nghiên cứu Pháp đã ký kết công nhận lẫn nhau bằng tốt nghiệp ĐH và công nhận lẫn nhau kết quả ĐH của các trường ĐH hai nước. Theo đó, sinh viên có thể học 1 năm ở Việt Nam sau đó sang Pháp học mà được bên Pháp sẽ công nhận kết quả học tập và ngược lại.
Bên cạnh đó, nhiều trường ĐH Việt Nam trong quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của mình đã chủ động liên kết với các trường ĐH nước ngoài để tham gia các chương trình đào tạo ĐH, sau ĐH và các chương trình nghiên cứu.
“Cùng với đó, chúng tôi đã chỉ đạo việc đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo của các cấp học, đặc biệt ở ĐH để chuyển sang phát triển năng lực và phẩm chất” – Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho hay.
>>> Việt Nam - Pháp ký Thỏa thuận hành chính công nhận các quá trình đào tạo và văn bằng
Mọi sao chép máy móc đều dẫn đến thất bại
Đây là khẳng định của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khi trả lời về vấn đề đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30.Bộ trưởng thẳng thắn chia sẻ: "Chúng tôi nói học tập kinh nghiệm quốc tế và có sự hỗ trợ của WB trước Quốc hội là để báo cáo với Quốc hội về sự hỗ trợ của bè bạn, cũng là lời cảm ơn trân trọng đối với những người đã giúp đỡ ngành Giáo dục. Còn học tập, chúng tôi cân nhắc có chọn lọc chứ không sao chép máy móc. Mọi sự sao chép máy móc đều dẫn đến thất bại.
Về triển khai thí điểm đánh giá học sinh tiểu học, chúng tôi đã cho triển khai ở những tỉnh rất khó khăn của đất nước như Hà Giang, Lào Cai, Kon Tum, Đắk Lắk, Hòa Bình, và triển khai trong điều kiện hiện tại của nhà trường, với thầy cô giáo, học sinh, với trường lớp, trang thiết bị như hiện nay không bổ sung thêm gì.
Và ở những địa bàn khó khăn như vậy, 3 – 4 năm nay triển khai rất tốt, hiệu quả. Nên ở đây có vấn đề về nhận thức, tâm lý, thói quen, và bước đầu tiên không thể ngay ngắn, thẳng hàng hết tất cả được. Ngoài ra, có thể công tác tập huấn của chúng tôi cũng cần rút kinh nghiệm".
|
Các đại biểu Quốc hội chăm chú lắng nghe phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận |
Tuyển sinh vào lớp 6 đã đi vào ổn định
Triển khai Nghị quyết 29, với tinh thần nói đi đôi với làm, nghiêm túc triển khai Nghị quyết, Bộ GD&ĐT khẳng định, quyết tâm phải bỏ trường chuyên lớp chọn và không tổ chức việc thi cử dẫn đến dạy thêm, học thêm, căng thẳng cho học sinh.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận
Liên quan đến quy định không thi tuyển vào lớp 6, theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, từ Nghị quyết Trung ương 2 khóa XIII đã khẳng định rõ không có trường chuyên, lớp chọn trong trường THCS để đảm bảo giáo dục toàn diện.
Bộ GD&ĐT từ những năm đó cũng liên tục chỉ đạo việc này, nhưng trên thực tế vẫn có hiện tượng trường chuyên, lớp chọn ở bậc THCS biến tướng.
Khi thực hiện không tổ chức thi tuyển lớp 6, bước đầu cũng có lúng túng ở những trường, những địa phương có điều kiện kinh tế xã hội phát triển. Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo Sở GD&ĐT chỉ đạo các Phòng GD&ĐT, các nhà trường lập phương án và báo cáo cơ quan có thẩm quyền tại địa phương xem xét, phê duyệt phương án phù hợp với điều kiện của từng địa bàn dân cư nơi trường hoạt động.
Đến nay, vấn đề tuyển sinh vào lớp 6 ở tất cả địa phương có trường chuyên, lớp chọn cũ biến tướng về cơ bản đã giải quyết xong.
Ở Hà Nội, Thành ủy, UBND thành phố chỉ đạo rất quyết liệt, Sở GD&ĐT, các quận, huyện vào cuộc rất tốt, nên nhiều trường chất lượng cao như Trường THCS Nguyễn Tất Thành, trường Amsterdam, Cầu Giấy… đều tuyển sinh rất tốt và được nhân dân ủng hộ, tán đồng.
“Khi vào thăm Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, được các đồng chí cho biết, địa phương có quy định tuyển sinh vào lớp 6, con em cán bộ chiến sĩ quân đội làm cảnh sát biển có thể vào học bất cứ trường nào trên địa bàn mà không có ý kiến thắc mắc, bì tị nào. Như thế là một sự công khai, dân chủ, có sự giám sát của phụ huynh sẽ nhận được sự đồng tình.
Hay ở Đà Nẵng đã quyết định chuyển Trường chuyên Nguyễn Khuyến thành một trường bình thường, tuyển sinh bình thường các học sinh trên địa bàn.
Có thể nói, việc chúng ta cố gắng giải quyết dứt điểm theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 2, khóa XIII vào thời điểm này không có khó khăn gì về mặt kỹ thuật, ngoài thói quen và một vài điều về mặt tâm lý” – Bộ trưởng chia sẻ.
Sẽ tiếp tục triển khai Mô hình Trường học mới
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định trước Quốc hội: Trong thời gian tới, chúng ta sẽ tiếp tục triển khai mô hình Trường học mới (VNEN). Điều này vừa là triển khai, điều chỉnh để thay đổi cách dạy, cách học, cách kiểm tra, đánh giá của lớp học sinh đang học chương trình hiện hành trong khi chưa có chương trình, sách giáo hoa mới để nâng cao chất lượng GD&ĐT.
Đây cũng là bước thực tập, làm quen về mặt phương pháp giảng dạy, tổ chức quản lý lớp học và nhà trường theo phương thức mới là phương thức phát triển năng lực và phẩm chất.
Đây đồng thời là hoạt động đào tạo, bồi dưỡng ở mức thấp đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên hiện hành, giúp các nhà giáo, các cán bộ quản lý giáo dục thích ứng dần với mô hình mới sẽ triển khai rộng vào năm 2018 như Quốc hội đã quyết định và chúng tôi đang phấn đấu thực hiện.
|
Phiên chất vấn Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri cả nước |
Tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh, không câu nệ địa giới
Việc học sinh thi THPT quốc gia tại địa phương, nếu địa phương có góp ý, Bộ sẽ sẵn sàng. Ví dụ, Long An có ý kiến, với các huyện giáp ranh thành phố HCM, học sinh về TP HCM thi sẽ thuận lợi hơn, Bộ GD&ĐT đã đồng ý. Nguyên tắc là tạo điều kiện tối đa cho học sinh, không câu nệ địa giới.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận
Kỳ thi THPT quốc gia năm nay có 38 cụm thi trong cả nước do các trường ĐH chủ trì, nguyên tắc mỗi cụm thi có ít nhất 2 tỉnh. Và vì triển khai 38 cụm nên có khoảng 30 tỉnh, thành không có cụm thi.
Quy định này là từ quá trình phân tích, tiếp thu ý kiến xã hội về ưu nhược điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh ĐH “3 chung”.
Trong hai tỉnh đó, tỉnh có điều kiện đảm bảo tốt nhất cho việc ăn ở, đi lại của thí sinh, phụ huynh, việc tổ chức thi cử, sẽ được lựa chọn.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định, Bộ GD&ĐT đã làm việc rất kỹ, nhiều vòng, nhiều lần với các Sở GD&ĐT và trong quá trình làm luôn chỉ đạo 3 việc:
Thứ nhất, đề nghị các Giám đốc Sở GD&ĐT báo cáo với tỉnh ủy, UBND tỉnh để tranh thủ sự chỉ đạo, lãnh đạo và ý kiến;
Thứ hai, truyền thông rộng rãi đến phụ huynh học sinh để có nhận thức, cập nhật với quá trình hình thành, xây dựng chính sách, đồng thời để tiếp nhận các ý kiến góp ý.
Thứ ba, thường xuyên cập nhật, báo về Bộ tất cả các phản hồi, từ tất cả các kênh và cả từ kênh Bộ GD&ĐT trực tiếp nhận được để thu nhận ý kiến cả xã hội. Cuối cùng, đi đến phương án quyết định.
Với vùng đặc thù “ba Tây”, Bộ GD&ĐT không chỉ làm việc với các địa phương mà còn làm việc với cả 3 Ban chỉ đạo “ba Tây” để lấy ý kiến. Với 2 tỉnh có điều kiện tương đương như nhau, có thể tính toán triển khai trên cả hai tỉnh, hoặc đăng cai luân phiên.
Công bố chương trình giáo dục phổ thông mới sau kỳ thi THPT quốc gia
Bộ GD&ĐT đã có bàn bạc, thống nhất là sẽ có tổng chủ biên toàn bộ chương trình, đồng thời sẽ có chủ biên của từng môn và từng cấp học. Nói nôm na là chỉ huy theo chiều dọc và chỉ huy theo cả chiều ngang để nhằm có cái nhìn tổng thể, đồng thời phân bố hài hòa, hợp lý, mang tính khoa học và phù hợp với nhận thức của học sinh, tránh các sai sót đã rút ra từ kinh nghiệm trước đây.
Trả lời vấn đề Đại biểu Quốc hội đưa ra về việc biên soạn chương trình, sách giáo khoa mới, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Các nước có nền giáo dục phát triển có những cán bộ, chuyên gia chuyên nghiệp trong các Viện thực hiện biên soạn chương trình, sách giáo khoa. Ví dụ, Hàn Quốc có Viện nghiên cứu phát triển chương trình, chuyên làm chương trình và sách giáo khoa.
Còn ở Việt Nam, qua nhiều lần thay đổi sách, viết sách đều huy động đội ngũ thầy cô giáo, cán bộ khoa học có kinh nghiệm, có điều kiện viết sách giáo khoa tham gia viết. Lần này chúng ta cũng làm như vậy.
Để chuẩn bị cho việc viết sách giáo khoa tới đây, rút kinh nghiệm, chúng tôi đang chuẩn bị, lựa chọn chuẩn bị những cán bộ tốt tại các trường sư phạm, các viện nghiên cứu sư phạm giáo dục để đi đào tạo về nghiên cứu phát triển chương trình cho chu kỳ tương lai.
Và lần soạn sách này, chúng ta vẫn huy động đội ngũ các nhà giáo, các cán bộ khoa học triển khai làm.
Bộ GD&ĐT cũng đã làm việc với các trường ĐH, các Sở GD&ĐT, với Liên hiệp hội Khoa học kỹ thuật và các Hội khoa học kỹ thuật thành viên để có được sự lựa chọn, giới thiệu về đội ngũ nhà giáo. Đến nay, đã huy động khoảng 200 thầy cô giáo, các cán bộ khoa học thuộc các lĩnh vực trong và ngoài giáo dục tham gia biên soạn chương trình.
Sau khi tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, sẽ công bố rộng rãi chương trình đã được sự góp ý nhiều vòng của các nhà khoa học, các nhà giáo và của Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật.
Nói về ưu điểm của chương trình mới, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tóm tắt: Đó là giảm quá tải và kiến thức khó, mang tính hàn lâm xa rời cuộc sống; đồng thời, chuyển chương trình nội dung và phương pháp dạy - học theo hướng phát triển năng lực, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực thời kỳ mới.
Chúng ta đang thay đổi cả cách dạy, cách học, cách thi cử và kiểm tra, đánh giá. Đồng thời, giảm tải chương trình, thay đổi chương trình hiện nay để các cháu đang học chương trình hiện hành không phải chịu quá nhiều vất vả và có thể phát triển năng lực theo cách tiếp cận mới.
Trả lời câu hỏi của Đại biểu Quốc hội về phân luồng, hướng nghiệp trong thời gian tới, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, theo tinh thần Nghị quyết 29, sẽ thiết kế chương trình dạy và học để học sinh học hết lớp 9, tức hết THCS sẽ có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau THCS; học THPT sẽ phải tiếp cận nghề nghiệp và có những bước chuẩn bị cơ bản cho giai đoạn sau phổ thông có chất lượng.
Theo tinh thần đó, trong chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ có định hướng nghề nghiệp, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo và một loạt các hoạt động kỹ thuật để hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS và định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau THPT.
Giúp các trường ĐH giải quyết tận gốc việc khó tuyển sinh
Có một sự thay đổi về nhận thức của phụ huynh và học sinh là không phải lựa chọn vào bất cứ trường học nào để có bằng ĐH mà họ cần vào một trường chất lượng để con em có công việc đảm bảo sau tốt nghiệp.
Do đó, các trường ĐH công lập và ngoài công lập có chất lượng, việc tuyển sinh vẫn rất tốt, tính lựa chọn, cạnh tranh rất cao. Ví dụ: Trường ĐH Thăng Long, Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng), Trường ĐH HUTECT (TP HCM)....
Một số đại biểu đặt vấn đề các trường ĐH ngoài công lập khó khăn trong tuyển sinh. Bày tỏ sự đồng tình, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chia sẻ: Trong mấy năm gần đây, việc tuyển sinh vào các trường ĐH cả công lập và ngoài công lập chất lượng không tốt đều gặp khó khăn.
Bộ trưởng cũng cho biết: Đã có nhiều giải pháp để giải quyết khó khăn của các trường khó tuyển sinh.
Thứ nhất, chỉ đạo việc tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng - đây là gốc của vấn đề. Cụ thể, trường nào thiếu giáo viên, phải tuyển đủ giáo viên; trường nào giáo viên chưa cập nhật, đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, chưa có bằng tiến sĩ, thạc sĩ, được tạo điều kiện có chỉ tiêu để trường đưa thầy cô đi đào tạo.
Cùng với đó, chỉ đạo các trường phải mua sắm trang thiết bị, xây dựng cơ sở vật chất, tránh chuyện đi thuê, đi mượn khiến nơi học của sinh viên không đảm bảo; tăng cường việc đảm bảo chất lượng.
Thứ hai, Bộ GD&ĐT đã dành một phần chỉ tiêu đào tạo 911 bằng ngân sách nhà nước cho các trường ngoài công lập để bổ sung, nâng cao trình độ đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý.
Thứ ba, sau khi Luật Giáo dục ĐH có hiệu lực đã cho phép các trường có phương thức tuyển sinh riêng. Hiện có khoảng trên 150 trường ĐH, CĐ, trong đó khá nhiều trường ngoài công lập đã thực hiện phương thức tuyển sinh riêng của mình.
Thứ tư, quy định về đào tạo liên thông từ trung cấp chuyên nghiệp lên ĐH cũng đã thay đổi để mở thêm nguồn tuyển cho các trường sau khi Luật Giáo dục ĐH có hiệu lực.
|
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Bộ GD&ĐT khuyến khích, trân trọng sự chủ động của các cơ sở nhằm tìm ra hướng đổi mới. |
Bộ GD&ĐT trân trọng sự chủ động của các cơ sở giáo dục ĐH
Liên quan kỳ tuyển sinh riêng đã diễn ra tại ĐHQGHN, Bộ trưởng cho biết:
Cũng như các trường khác có phương án tuyển sinh riêng, với ĐHQGHN, Bộ GD&ĐT đã cử Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục là cơ quan chuyên trách về hoạt động thi, tuyển sinh, tham gia các hội thảo góp ý hoàn thiện từ những ngày đầu khi trường xây dựng phương án. Sau đó, phê duyệt khi ĐHQGHN hoàn thiện phương án. Tinh thần là nghiêm túc triển khai Luật Giáo dục Đại học và khuyến khích, trân trọng sự chủ động của các cơ sở nhằm tìm ra hướng đổi mới.
Cho đến nay, ĐHQGHN mới kết thúc việc chấm, nhưng kết quả thi này chỉ thực sự có ý nghĩa sau khi học sinh tham gia đã tốt nghiệp THPT. Rồi còn các yếu tố kỹ thuật liên quan đến đề thi, đến phân hóa, các yếu tố liên quan đến điều kiện đảm bảo, thực hiện phương án, rồi bảo mật, an toàn,…
Khi kết thúc toàn bộ việc tuyển sinh, ĐHQGHN sẽ có báo cáo tổng thể. Bộ GD&ĐT sẽ cùng với ĐHQGHN xem xét, đánh giá, có phương án bổ sung, hoàn thiện.
Còn việc nhân rộng, Bộ trưởng cho rằng, vì tuyển sinh ĐH là quyền tự chủ của các trường ĐH, nên nếu phương án các nhà trường đang triển khai có hiệu quả, sẽ có tác dụng lan tỏa trong tương lai.
Tích cực chuẩn bị đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu mới
Tất cả các hoạt động chúng tôi đang triển khai như đổi mới như thi cử, đánh giá học sinh tiểu học, nghiên cứu khoa học, trải nghiệm sáng tạo ở các trường phổ thông hiện nay không chỉ nhằm vào học sinh mà còn nhằm vào các thầy cô giáo để thay đổi thói quen, thay đổi tập quán, từng bước từ thấp tới cao, từ đơn giản đến phức tạp, làm quen với phương thức tổ chức quản lý nhà trường của mô hình giáo dục phát triển theo năng lực mới
Một trong những vấn đề vô cùng quan trọng để triển khai chương trình, sách giáo khoa mới là có đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu.
Về việc này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chia sẻ với các đại biểu Quốc hội:
Chúng tôi đã chỉ đạo 7 trường ĐHSP lớn nhất của cả nước, chủ trì, đi đầu và cùng liên kết trong các hoạt động để khởi động, đổi mới các trường ĐHSP. Trên cơ sở đó, tổ chức, cuốn hút toàn bộ các trường ĐH, CĐ sư phạm trong cả nước tham gia vào góp ý, xây dựng, chỉnh sửa, hoàn thiện chương trình, sách giáo khoa mới.
Trên cơ sở của việc tham gia góp ý xây dựng, bổ sung, hoàn thiện chương trình, sách giáo hoa mới, các trường sư phạm này sẽ chủ động 2 việc:
Thứ nhất: Xây dựng, thay đổi chương trình, phương pháp, nội dung đào tạo của các trường sư phạm đáp ứng yêu cầu đầu ra là đội ngũ thầy cô giáo có năng lực giảng dạy chương trình, sách giáo khoa mới.
Thứ hai: Tham gia xây dựng, biên soạn và tổ chức thực hiện chuơng trình đào tạo lại, bồi dưỡng và bồi dưỡng định kỳ cho đội ngũ các thầy cô giáo và cán bộ quản lý hiện nay đang giảng dạy, công tác tại các nhà trường để có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu mới.
Chú trọng đào tạo quá trình và quản lý đầu ra
Liên quan đến vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra là việc thắt chặt đầu vào nhưng nới lỏng đầu ra ở bậc ĐH, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Trong thời gian dài của thời kỳ quản lý hành chính quan liêu bao cấp, đúng là chúng ta quản lý rất chặt đầu vào. Trong giáo dục cũng vậy, chú trọng tuyển đầu vào, nhưng sau đó thì quá trình đào tạo đến đầu ra chưa được chú trọng.
Trong quá trình đổi mới, càng những năm sau này, tư duy và nhận thức của chúng ta đã thay đổi. Hiện nay, cả Luật, Nghị định, cả Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng như quyết định của Bộ GD&ĐT và các bộ ngành đã chuyển hướng rất mạnh, tách biệt quản lý nhà nước ra khỏi quản trị nhà trường.
Các hoạt động chuyên môn liên quan đến đào tạo, nghiên cứu khoa học đã giao cho các trường và mới đây, giao rất mạnh theo tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong cả tuyển sinh ĐH của mình. Còn Bộ làm quản lý nhà nước và tăng cường quản lý chặt chất lượng, hướng tới việc quản lý đầu ra.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh bên cạnh chú trọng quản lý theo thắt chặt đầu ra, theo chất lượng sẽ phải có quản lý trong quá trình sinh viên học tập, để có giải pháp hỗ trợ.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời khiến cử tri yên tâm, không tạo cú sốc về đổi mới
|
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu kết luận phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận |
Quốc hội ghi nhận tinh thần trách nhiệm của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trong các nội dung giải đáp. Bộ trưởng vừa là nhà khoa học, vừa là nhà giáo có kinh nghiệm trong vấn đề đào tạo, bám sát thực tiễn các vùng miền nhà trường, lắng nghe tiếng nói của học sinh. Bộ trưởng đưa ra những cam kết để đồng bào cử tri nhà nước nghe yên tâm, không tạo cú sốc về đổi mới.
Chủ tịch Quốc hội
Nguyễn Sinh Hùng
Đây là nhận định của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng sau khi kết thúc phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ GD&Đ Phạm Vũ Luận diễn ra sáng nay (13/6).
Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã trả lời trực tiếp 23 đại biểu, 8 đại biểu đặt câu hỏi và một số đại biểu đặt câu hỏi lần hai sẽ được Bộ trưởng trả lời theo tinh thần trách nhiệm của mình.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ với sự tham gia tích cực của các nhà khoa học, chuyên gia, đồng bào cử tri, bố mẹ học sinh... đã quyết định chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện, đổi mới theo hướng hiện đại hóa trên cơ sở có hướng chuẩn hóa, đổi mới một cách dân chủ, tập trung, căn cứ vào tình hình thực tiễn để đổi mới GD - ĐT theo xu hướng hội nhập.
Thủ tướng và Chính phủ đã thảo luận rất kỹ, đã có chương trình thực hiện công cuộc đổi mới này đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Bộ trưởng GD&ĐT vừa tham mưu, vừa tổ chức thực hiện.
Tổng hợp các vấn đề đại biểu đặt ra, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định: Cuộc chất vấn chính là mong muốn lắng nghe Bộ trưởng Phạm Vũ Luận báo cáo việc thực hiện chủ trương của Chính phủ.
Các đại biểu cũng đặt vấn đề quan tâm rộng hơn các vấn đề liên quan đến GD – ĐT, từ đổi mới giáo dục nhà trường, liên thông quốc tế, chuyển đổi các trường ĐH cho tới vấn đề bức xúc xã hội như bạo lực học đường.
Đại biểu cũng quan tâm đển công tác quản trị nhà nước của Bộ, của giáo dục địa phương, của các nhà trường trong tiến trình đổi mới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng lưu ý: Trước những đổi mới của GD – ĐT, đồng bào cử tri cả nước tin tưởng nhưng cũng có lo lắng. Mong đổi mới căn bản toàn diện, đạt chuẩn, hội nhập quốc tế, dân chủ công bằng nhưng đổi mới phải vững chắc, bước đi phải thận trọng, phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước, của các địa phương, nhà trường, vùng miền, của học sinh để làm sao công cuộc đổi mới trôi chảy nhưng không gây ra tâm trạng bức bối, khó khăn, bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến từng gia đình, ảnh hưởng đến hiện tai, tương lai sự hát triển của đất nước.
Kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội vui mừng nhận thấy việc chuẩn bị tích cực có trách nhiệm qua nội dung báo cáo, trả lời của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và có nhận xét vui: Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời rất mượt mà!
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nghiêm túc tiếp thu ý kiến phát biểu của đại biểu quốc hội, lắng nghe ý kiến của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ý kiến đồng bào cử tri cả nước phản hồi không chỉ phiên chất vấn này mà trong quá trình triển khai đổi mới để triển khai cho tốt.
“Quốc hội không có yêu cầu cụ thể với Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và chờ đợi kết quả triển khai để đánh giá toàn diện.
Khi có kết quả về chương trình giáo dục, sách giáo khoa, kết quả lần đầu thi quốc gia, tổng kết đánh giá học sinh tiểu học và các công việc khác liên quan đến chương trình tổng thể triển khai đổi mới GD - ĐT, mong Bộ trưởng có báo cáo với Quốc hội lần nữa vào kỳ họp cuối năm nay hoặc cuối nhiệm kỳ để thấy vấn đề giáo dục - quốc sách hàng đầu sẽ được triển khai như thế nào.” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng kết luận.