Khó khăn chồng chất khó khăn
Phó
trưởng phòng GD&ĐT quận Tây Hồ Nguyễn Hoài Long cho biết: Từ năm 2013 –
2014, quận Tây Hồ đã tiến hành thí điểm triển khai mô hình trường học mới tại 2
trường tiểu học khó khăn nhất quận là TH An Dương và TH Tứ Liên với kỳ vọng sẽ
tạo được sự đột phá trong cách tiếp cận những vấn đề mới của giáo dục.
Lớp học theo mô hình VNEN tại trường TH Nhật Tân (quận Tây
Hồ)
Thế
nhưng quá trình triển khai mô hình này không đơn giản. Khó khăn đầu tiên là từ
phía giáo viên. Các thầy cô giáo vẫn nói đến đổi mới dạy học nhưng chỉ mới là
những sáng kiến, thay đổi nhỏ trên nền tảng cũ. Với mô hình VNEN không thể chỉ
tạo ra những sáng kiến, những thay đổi nhỏ trong quá trình dạy học mà phải thay
đổi toàn diện, thay đổi từ tư duy bài giảng đến phương pháp lên lớp. Và để làm
được việc đó, người giáo viên phải đào tạo lại mình. Khó khăn lớn hơn mà ít ngờ
tới chính là từ phía CMHS. Sau một thời gian học theo mô hình trường học mới,
CMHS trường tiểu học Tứ Liên đồng loạt kiến nghị chuyển con em họ sang lớp
khác, không học theo trường học mới, lớp VNEN với nhiều lý do mà tựu chung lại
là chưa tin tưởng vào hiệu quả của mô hình này. Thêm một khó khăn nữa mà Tây Hồ
gặp phải chính là cơ sở vật chất. Trường TH Tứ Liên từ năm 2004 đã có dự án xây
mới nhưng đến nay vẫn phải học tạm trên đất đình, chùa. Cho đến thời điểm thí
điểm mô hình VNEN, trường vẫn chưa có phòng chức năng. Trường TH An Dương một nửa
vẫn phải đợi trường cấp II chuyển đi mới được mở rộng.
Đứng
trước hàng loạt khó khăn đó, ngành GD&ĐT quận Tây Hồ đã phối hợp với Sở
GD&ĐT Hà Nội, chính quyền địa phương và các cơ sở giáo dục để giải quyết từng
vướng mắc. Về đội ngũ, bên cạnh động viên, khích lệ giáo viên, phòng GD&ĐT
Tây Hồ đã tham mưu với UBND quận xây dựng đề án bồi dưỡng đội ngũ giáo viên các
trường THCS và Tiểu học. Riêng năm học 2013 – 2014, với kinh phí 1,5 tỷ đồng từ
ngân sách quận, phòng đã tiến hành khảo sát, đánh giá chất lượng đội ngũ và tổ
chức 16 lớp bồi dưỡng với sự tham gia của 200 giáo viên. Kiến thức tại các lớp
bồi dưỡng là những vấn đề cơ bản, thiết thực, xuất phát từ những khảo sát khoa
học nên ngay lập tức trở thành kiến thức nền hỗ trợ giáo viên, đặc biệt là những
giáo viên tham gia chương trình trường học mới như: Phương pháp dạy học theo
nhóm, ứng dụng phần mềm Prezi, sử dụng CNTT trong dạy học, xây dựng hệ thống
câu hỏi hướng đến phát huy khả năng tự học của học sinh… Không những thế, Tây Hồ
còn lập ra nhóm giáo viên trực tiếp giảng dạy các lớp VNEN để thường xuyên trao
đổi kinh nghiệm, sinh hoạt chuyên môn hàng tháng.
Trước
đề nghị xin cho con em chuyển khỏi lớp VNEN của CMHS, phòng GD&ĐT quận Tây
Hồ cùng các trường đã mời lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội xuống trực tiếp trao đổi,
giải thích thấu đáo cho CMHS. Vì vậy, đã nhận được sự tin tưởng, ủng hộ và đồng
thuận của CMHS. Về cơ sở vật chất, với sự quan tâm của quận Tây Hồ, phòng
GD&ĐT quận đã tập trung ưu tiên nguồn ngân sách trang bị cơ sở vật chất cho
các lớp học VNEN. Năm đầu tiên thực hiện mô hình này, phòng trả toàn bộ chi phí
SGK cho các lớp học này.
Từ
kinh nghiệm tại trường TH Tứ Liên và An Dương, năm học 2014 – 2015, mô hình VNEN
đã được Tây Hồ mở rộng tại 4 trường nữa. Đến nay, Tây Hồ đã có 6 lớp học theo
mô hình VNEN tại 6 trường công lập của quận. Mô hình này đã nhận được sự đồng
tình và ủng hộ tích cực từ phía CMHS và các cấp, ngành trong quận.
Sĩ số đông vẫn có thể áp dụng VNEN
Năm học
2012 - 2013, Bộ GD&ĐT đã thí điểm mô hình trường học mới tại 1.447 trường học
trên cả nước. Hà Nội đã thí điểm mô hình này tại trường Tiểu học Tả Thanh Oai
(huyện Thanh Trì). Năm học 2014 – 2015 là năm thứ 3 ngành GD&ĐT Hà Nội triển
khai thí điểm mô hình này với tổng số 58 trường
tại 17 đơn vị quận, huyện. Một trong những
khó khăn lớn nhất mà các trường gặp phải chính là sĩ số. Mô hình này có cách tổ
chức lớp học khác với truyền thống, thay vì sắp xếp bàn ghế theo hàng ngang như
trước đây, các lớp VNEN sẽ sắp xếp theo nhóm học sinh. Người giáo viên phải thường
xuyên quan sát, kiểm tra và hỗ trợ kịp thời cho học sinh. Các quận nội thành,
sĩ số lớp học tương đối cao đã khiến không ít trường e ngại khi triển khai mô hình
này, thế nhưng vẫn có những trường mạnh dạn thí điểm và đã thành công.
Trường
TH Trưng Trắc (quận Hai Bà Trưng) có sĩ số mỗi lớp tương
đối cao, từ 55 đến 59 em nhưng nhà trường vẫn triển khai mô hình VNEN. Cô giáo Dương
Thu Hà – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để giải quyết bài toán sĩ số, trường đã
xây dựng hệ thống giáo viên dự trữ, hỗ trợ các lớp. Trong quá trình giảng dạy,
các cô giáo của các lớp VNEN có sĩ số đông rút ra kinh nghiệm là chọn ra các
nhóm trưởng cùng làm công tác kiểm tra, khảo sát kết quả của các nhóm, cùng cô
giáo kiểm tra đánh giá học sinh vừa sát sao lại vừa động viên được tất cả học
sinh trong lớp cũng như các tổ nhóm, đồng thời giảm áp lực lên giáo viên. Trường
cũng sắp xếp bàn ghế một cách khoa học để không ảnh hưởng đến sức khỏe học
sinh, đồng thời vẫn tăng sự tương tác giữa các em với nhau và giữa học sinh với
giáo viên. Khảo sát giữa các lớp VNEN với các lớp khác trong khối, chất lượng
các lớp VNEN tốt hơn, tỷ lệ học sinh khá giỏi cao hơn. Mô hình này ngày càng nhận
được sự ủng hộ nhiệt tình của CMHS và giáo viên trong trường.
Trực
tiếp đến dự giờ lớp học VNEN của trường TH Trưng Trắc, PGĐ Sở GD&ĐT Phạm
Xuân Tiến cho biết đã rất bất ngờ bởi dù sĩ số đông nhưng lớp học vẫn đảm bảo
được yêu cầu của mô hình VNEN. Theo PGĐ Sở, mỗi quận, huyện nên thí điểm ít nhất
tại 2 trường, và mỗi khối thí điểm ít nhất tại 2 lớp để các thầy cô giáo dễ
trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm. Đồng thời, các quận, huyện chưa thí điểm mô hình
VNEN cần tham quan, học hỏi kinh nghiệm triển khai mô hình này tại các đơn vị
đã triển khai thành công.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Định, Trưởng
ban Quản lý Dự án VNEN cũng khẳng định: Chúng ta đang thực hiện Nghị quyết số 29- NQ/TW về đổi mới căn
bản toàn diện giáo dục và mô hình VNEN đã làm tường minh nội dung đổi mới, đặc
biệt là đổi mới phương pháp dạy học. Khi thực hiện dạy học theo mô hình này, học
sinh được làm việc theo nhóm, giáo viên phải quan sát, đánh giá và "cứu trợ"
các nhóm một cách kịp thời. Lớp học có sĩ số đông vẫn có thể thực hiện được mô
hình VNEN nếu có thể kê bàn ghế theo nhóm, đồng thời giáo viên biết bao quát rộng.