Những chuyến xe đầy ắp nghĩa tình
Cuộc vận động “Hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng xa,
vùng đặc biệt khó khăn” được phát động khi nền kinh tế cả nước còn khó khăn, đặc biệt là những tỉnh vùng núi, vùng hải
đảo. Nơi ấy có nhiều học sinh không đủ áo ấm đến trường, không đủ chăn ấm chống
lại mùa đông giá lạnh. Khó khăn chồng chất khó khăn khi các vùng này còn phải đối mặt với thiên tai, bão lũ… Hiểu được ý
nghĩa nhân văn của cuộc vận động, các nhà giáo, học sinh Thủ đô đã tích cực
tham gia với nhiều hình thức, hoạt động khác nhau.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT
Hà Nội và Công đoàn ngành trao tiền hỗ trợ cho các tỉnh khó khăn
Với tinh thần
"mỗi nhà giáo dành 1 ngày lương, mỗi học sinh tiết kiệm 1 bữa quà
sáng", gần 116 nghìn giáo viên cùng hơn 1,5 triệu học sinh Thủ đô đã cùng chung
tay gửi những món quà giá trị ủng hộ, giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng xa,
vùng khó khăn trên địa bàn cả nước, đặc biệt là những vùng bị hậu quả của thiên
tai. Cụ thể, tháng 11/2012, ngành đã ủng hộ TP Hải Phòng 300 triệu đồng để khắc
phục cơn bão số 8. Trong năm 2013, toàn ngành đã ủng hộ 1,2 tỷ đồng hỗ trợ giáo
dục 5 tỉnh miền Trung (Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng) bị thiệt
hại năng nề do cơn bão số 10; thăm và tặng quà cho ngành GD&ĐT Lào Cai với
số tiền 100 triệu đồng để khắc phục hậu quả mưa bão; ủng hộ 300 triệu đồng giúp
ngành GD&ĐT Thanh Hóa khắc phục hậu quả lũ lụt... Bên cạnh đó, trong 3 năm
qua, ngành GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức các đoàn thăm và hỗ trợ ngành GD&ĐT
các tỉnh Thanh Hóa, Lai Châu, Quảng Bình, Quảng Trị, Điện Biên, Sơn La, Hà
Giang… hỗ trợ mỗi đơn vị từ 300 triệu đồng đến 800 triệu cùng nhiều đồ dùng, quần
áo, sách vở, chăn ấm…
Hàng năm, bên
cạnh các đơn vị được Công đoàn giáo dục Việt Nam phân công, ngành GD&ĐT Hà
Nội đã hỗ trợ ngành GD&ĐT các tỉnh miền núi phía bắc để động viên, chia sẻ
và giúp đỡ các giáo viên, học sinh vùng khó khăn. Trong 3 năm, ngành đã thăm và
hỗ trợ ngành GD&ĐT của 13 tỉnh gồm Cao Bằng, Bắc Cạn, Yên Bái, Sơn La, Điện
Biên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Hà
Tĩnh hỗ trợ mỗi tỉnh từ 100 đến 300 triệu đồng cùng nhiều quần áo, sách vở, đồ
dùng học tập… Ngành GD&ĐT Hà Nội cũng đã ủng hộ 1 tỷ đồng đóng góp xây dựng
trường học tại đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị) và tổ chức quyên góp, ủng hộ gia
đình các chiến sĩ đang công tác tại Trường Sa.
Theo thống kê
của Công đoàn ngành GD&ĐT Hà Nội, trong 3 năm qua, các trường học thuộc 30
quận, huyện của thành phố Hà Nội đã tổ chức 264 đoàn giao lưu và ủng hộ các đơn
vị, trường học các tỉnh bạn tại các tỉnh Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Quảng
Bình, Quảng Trị, Lai Châu, Yên Bái… với tổng số tiền hơn 7 tỷ đồng, cùng nhiều
quần áo, sách vở, đồ dùng học tập, máy vi tính với tổng trị giá khoảng 3,4 tỷ đồng.
Khối các đơn vị trực thuộc Sở đã tổ chức 173 đoàn đi thăm và hỗ trợ giáo dục
các tỉnh với tổng số tiền hơn 2,7 tỷ đồng cùng nhiều món quà ý nghĩa cho thầy
và trò các địa phương.
Phát biểu
trong hội nghị tổng kết 3 năm cuộc vận động "Hỗ trợ giáo dục miền núi,
vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn", ông Đặng Xuân Yên – Chủ tịch
CĐGD tỉnh Lào Cai xúc động bày tỏ: Lào Cai là tỉnh miền núi, địa hình hiểm trở,
học trò đi học xa, hơn thế lại thường xảy ra thiên tai ảnh hưởng đến công tác dạy
và học cũng như đời sống của thầy và trò. Từ năm 2008 đến nay đã có 6 giáo viên
không may bị lũ cuốn trôi, trong đó có cả những thầy cô gấp rút chuẩn bị cho lễ
khai giảng. Những ngày đông giá lạnh, nhiều học sinh không có đủ áo ấm, đi chân
trần đến lớp… Sự hỗ trợ, giúp đỡ của ngành giáo dục Thủ đô rất cần thiết và có
ý nghĩa to lớn, là một trong những yếu tố giúp ngành giáo dục Lào Cai hoàn
thành thắng lợi nhiệm vụ các năm học.
Bài học sâu sắc về cuộc sống
Ông Đặng Xuân
Yên cũng chia sẻ: Khó có thể thống
kê hết những gì ngành giáo dục Hà Nội đã giúp đỡ cho giáo dục Lào Cai. Những
món quà được gửi tới nơi đã giải quyết được những khó khăn mà học sinh và giáo
viên vùng cao gặp phải. Thêm vào đó, các trường học của Hà Nội đã tổ chức những
chuyến đi vượt hàng trăm km để đến với các trường vùng cao khiến thầy trò nơi
đây vô cùng xúc động. Các thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh miền xuôi cùng
tham gia nấu cơm, đốt lửa trại, múa hát với thầy trò vùng cao. Sự gần gũi, thân
thiện đã tạo cơ hội cho học sinh Lào Cai được tiếp nhận những điều mới, thêm tự
tin, phấn khởi. Các thầy cô giáo như được tiếp thêm nguồn động viên lớn để tiếp
tục bám lớp, bám trường.
HS vùng cao vui mừng
đón nhận quà của thầy trò Thủ đô
Theo chia sẻ của
các nhà trường tại Hà Nội, điều đáng quý của cuộc vận động "Hỗ trợ giáo dục
miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn" là không chỉ thầy và
trò thuộc các vùng khó khăn được hưởng lợi mà thông qua hoạt động hỗ trợ, thầy
và trò Thủ đô đã học được nhiều bài học sâu sắc về tình người. Hoạt động quyên
góp đã giúp các em học sinh biết tiết kiệm, biết quan tâm đến người khác. Những
chuyến đi thực tế, từ thiện là cơ hội để thầy và trò trải nghiệm, mở rộng vốn
hiểu biết và rút ra nhiều bài học quý báu trong cuộc sống.
Chủ tịch CĐGD
trường THPT Chu Văn An Nguyễn Minh Hà cho biết: Thực hiện cuộc vận động, ban đầu
nhà trường gặp khó khăn vì cả thầy và trò đều chưa có nhiều kinh nghiệm tổ chức,
những địa điểm đến ủng hộ lại ở xa, đường đi trắc trở, trong khi đó, việc dạy
và học của nhà trường vẫn phải đảm bảo đúng chương trình quy định nên khó tổ chức
những chuyến đi dài ngày. Tuy nhiên, vượt lên những khó khăn đó, trong suốt 3
năm từ 2011 đến 2014, trường đã ủng hộ giáo dục các tỉnh miền núi khó khăn hơn
860 triệu đồng tiền mặt và nhiều hiện vật cần thiết. Tổng số tiền quy đổi lên tới
gần 1,2 tỷ đồng. Trong những ngày quyên góp, các thầy cô, CMHS và học sinh sẵn
sàng ở lại trường sau giờ học, giờ dạy để sắp xếp, phân loại, đóng gói thật sạch
đẹp mọi món đồ để chuyển đến tay những người có hoàn cảnh khó khăn một cách
trang trọng nhất.
Theo cô Minh Hà,
hoạt động từ thiện của nhà trường trong 3 năm qua không chỉ giúp đỡ cho những mảnh
đời khó khăn mà còn tạo ra sợi dây vô hình gắn kết cộng đồng và những tấm lòng
biết yêu thương, chia sẻ. Đồng thời, mỗi chuyến đi từ thiện là một bài học cuộc
sống, một trải nghiệm có ý nghĩa với cả thầy và trò. "Chúng tôi học được
bài học về nghị lực sống và nỗ lực vươn lên trong hoàn cảnh khó khăn, học được
giá trị của tình nghĩa và sự sẻ chia, biết trân trọng hơn những gì mình đang có"
- cô Hà chia sẻ.
Đánh giá về cuộc vận động, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn
Hữu Độ khẳng định: "Hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc
biệt khó khăn" là cuộc vận động có ý nghĩa to lớn. Các cơ sở
giáo dục của Thủ đô đã tổ chức những hoạt động riêng, thiết thực để giúp đỡ
giáo dục các tỉnh khó khăn, đồng thời góp phần nâng cao ý thức, giáo dục nhân
cách, phẩm chất đạo đức cho học sinh. Thời gian tới, ngành giáo dục Thủ đô sẽ
tiếp tục tuyên truyền về ý nghĩa nhân văn của cuộc vận động này và tích cực
tham gia với nhiều hoạt động thiết thực, gắn hoạt động này với việc nâng cao chất
lượng giáo dục toàn diện của học sinh.