Ảnh tư liệu - nguồn: internet
Những việc cần làm để có “đời sống mới” của một trường học
Bác nhấn mạnh để có “đời sống mới trong một trường học” thì các thầy nên thi nhau tìm cách dạy sao cho dễ hiểu, dễ nhớ, nhanh chóng và thiết thực. Các trò nên thi nhau học, đồng thời phải biết tiết kiệm giấy bút, biết giữ kỷ luật.
Bác khẳng định: “Sự học tập ở trong nhà trường có ảnh hưởng rất lớn cho tương lai của thanh niên và tương lai của thanh niên là tương lai của nước nhà. Vì vậy, cốt nhất là phải dạy cho học trò biết yêu nước, thương nòi. Phải dạy cho họ có ý chí tự lập, tự cường quyết không chịu thua kém ai, quyết không chịu làm nô lệ… Phải tẩy sạch óc kiêu ngạo, tự phụ mà giáo dục thực dân còn để lại. Phải khuyên học trò tham gia việc tăng gia sản xuất” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, tr 120,121). Theo Bác, điều thứ ba rất cần thiết: “Một là làm cho họ biết kính trọng sự cần lao. Hai là tập cho họ quen lao khổ. Ba là cho họ cái chí khí tự thực kỷ lực (tự làm lấy mà ăn), không ăn bám xã hội. Bốn là có ích cho sức khỏe của họ”. Bác khuyên: “Lớp này nên thi đua với lớp khác, trường này với trường khác, làm cho học trò thêm hăng hái” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, tr 121).
Đời sống mới cho hợp với hoàn cảnh
Theo Bác “đời sống mới” có thể chia làm hai thứ: cho riêng từng người và cho từng nhóm người (cộng đồng) trong “các nhà máy”, “các trường học”, “các công sở”… Bác khuyên mỗi người, mỗi cộng đồng người cần thực hiện “đời sống mới cho hợp với hoàn cảnh”. Ví dụ của Bác về đời sống mới trong hoàn cảnh một em nhi đồng “… khi ở nhà thì siêng giúp đỡ cha mẹ anh em, ăn ở sạch sẽ, không gặp đâu nằm đó, không gặp gì ăn nấy… Lúc đến trường thì siêng học, giữ kỷ luật, biết tiết kiệm giấy bút, yêu anh em. Lúc ra đường biết giúp đỡ gia đình các chiến sĩ, an ủi đồng bào…”.
Đoạn văn rất ngắn mà thật sâu sắc. Lời khuyên của Bác không chỉ cho “nhi đồng”, phải chăng cho mọi học sinh, sinh viên, cho mọi người trong xã hội. Từ lời của Bác ta càng thấy muốn nên người, thành người phải thực hiện đồng bộ “tu thân, xử thế, dưỡng sinh” trong sự tự đổi mới để thích nghi với cuộc sống.
Từ tháng 9/1945 và đặc biệt từ ngày ra đời tác phẩm “Đời sống mới” (1947) đến nay, nền giáo dục cách mạng nước ta đã phát triển vượt bậc. Một mạng lưới nhà trường được hình thành và ngày càng mở rộng từ thành phố đến nông thôn, từ vùng núi đến hải đảo, từ mầm non đến đại học. Từ các mái trường này đã có nhiều thế hệ những con người Việt Nam mới vào đời góp phần xứng đáng vào công cuộc kháng chiến, kiến quốc.
Lúc này trong bối cảnh kinh tế thị trường, nhà trường Việt Nam đang gặp rất nhiều thử thách về việc thực hiện được mục tiêu, nội dung, phương pháp đào tạo có kết quả góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhiều hội thảo, diễn đàn đã nói đến đổi mới giáo dục. Song đổi mới theo quan điểm nào, đổi mới thế nào thì còn nhiều lúng túng.
Chúng ta có nhiều điều mừng, song không ít nỗi lo về lối dạy: thầy giảng – trò ghi, thầy đọc – trò chép, về lối đào tạo thiên về từ chương coi thường lao động, nghiên cứu sáng tạo, về hành vi của một bộ phận học sinh, sinh viên sống ỷ lại, thiếu ý chí tu thân lập nghiệp. Không kịp thời uốn nắn những hiện tượng này, nhà trường và nền giáo dục nước ta sẽ tụt hậu và lạc điệu với cuộc sống đang đổi mới một cách sôi động.
Không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới
Ngoài những chỉ dẫn chủ đề nêu trên, tác phẩm “Đời sống mới” còn có những lời khuyên rất quý báu cho phương pháp luận đổi mới sự nghiệp giáo dục, đào tạo trong bối cảnh đổi mới hôm nay, Bác chỉ rõ: “Không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới, cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ… Cái gì cũ mà không xấu nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý… Cái cũ mà tốt thì phải phát triển thêm… Cái gì mới mà hay thì ta phải làm…”.
Ôn lại lời Bác dạy, chúng ta mỗi cán bộ giáo dục, giáo viên vừa thấy mình có ưu điểm, song cũng không ít thiếu sót trước nhiều vấn đề cải cách, cải tiến giáo dục thời gian qua. Đương nhiên chúng ta không bao giờ hài lòng với “trạng thái nhà trường” ta đã đạt được. Vì sự hội nhập của nhà trường ta với xu thế phát triển chung của thế giới, các nước trong khu vực, vì mong muốn cho giáo dục vừa đáp ứng vừa đón đầu với phát triển kinh tế, văn hóa của đất nước, ta đã có một số đổi mới về cơ cấu hệ thống, về chương trình, về phương pháp dạy học. Có đường bóng ta thành công, song cũng có đường bóng “việt vị” và có đường bóng còn “ngập ngừng” nên những việc làm được chưa nhiều so với sự mong mỏi của xã hội, của nhân dân.
Bước vào thế kỷ mới các nhà trường, nền giáo dục của ta đang phải đối mặt với câu hỏi lớn: Đổi mới thế nào để mọi người dân từ trẻ đến già đều “được học” trong một nền giáo dục thường xuyên, “học được” những kiến thức mang lại lợi ích đích thực cho cuộc sống bản thân, cuộc sống cộng đồng và được phát triển năng lực, tài năng theo yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tổ chức “Đời sống mới” trong nhà trường, trong hệ thống giáo dục luôn luôn là điều cấp thiết. Chính với yêu cầu này mà tác phẩm của Bác viết từ năm 1947 vẫn còn nóng hổi với chúng ta hôm nay. Lời Bác dạy từ tác phẩm: “Người ta ai cũng muốn sung sướng mạnh khỏe, ai cũng muốn nhà cửa sạch sẽ, con cái tốt tươi. Mục đích của đời sống mới là làm cho mọi người thỏa lòng mong ước” là kim chỉ nam cho mỗi chủ trương, mỗi giải pháp đổi mới giáo dục.