Thực hiện Thông tri số 23-TT/TU của Thành ủy Hà Nội về việc hát Quốc ca trong nghi thức chào cờ, đặc biệt để học sinh hiểu hơn về ca khúc thiêng liêng của dân tộc, trường THPT Phan Huy Chú đã triển khai một giờ học đặc biệt đồng loạt trong các khối lớp. Đó là một bài học ngoài chương trình, và cũng không xếp thuộc bộ môn nào nhưng là bài học cần cho mọi trái tim, khối óc của mỗi học trò - bài học: "Hát Quốc ca từ trái tim mình".
Cô giáo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nhiếp bộc bạch: Điểu mà cô và CBGV nhà trường ước ao là được đưa tất cả học sinh vào thăm nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, nghĩa trang Liệt sĩ Đường Chín, Thành Cổ Quảng Trị... để giữa bạt ngàn những phần mộ Liệt sĩ vô danh, những người hiến dâng tuổi xuân cho đất nước, các em sẽ cất lên bài hát Quốc ca. Đứng giữa ngàn vạn cuộc đời mãi mãi tuổi 20, quên mình vì ngày hôm nay, các em sẽ hiểu hơn việc hát Quốc ca là thiêng liêng đến nhường nào. Hát Quốc ca là cách dâng nén tâm hương tri ân các Anh Hùng Liệt sĩ. Hát Quốc ca là thể hiện niềm tự hào và tình yêu với ngôi trường đang ngày ngày dệt nên những kỷ niệm trong cuộc đời học trò. Hát Quốc ca cũng là niềm hạnh phúc của mỗi người Việt Nam được sống trong một đất nước có chủ quyền và có hòa bình.
Mang theo lời tâm tình của cô giáo Hiệu trưởng vào tiết dạy, mỗi giáo viên đã truyền tải đến học sinh ý nghĩa của bài hát Quốc ca theo sự sáng tạo của riêng mình. Cô giáo Kim Anh, lớp 12D2 đã khơi dậy trong học trò niềm tự hào dân tộc, tình yêu với ngôi trường, cảm xúc thiêng liêng khi hát Quốc ca qua những hình ảnh sống động được dàn dựng trong các clip cùng những câu hỏi xoáy vào trái tim của các em. Từ đó cung cấp cho các em những hiểu biết sâu sắc về bài hát Quốc ca. Còn cô giáo Nguyễn Thu Hằng, lớp 10A1 lại mang đến cho học trò kiến thức về sự kiện lịch sử của dân tộc, về sự ra đời của bài hát Quốc ca thông qua những câu hỏi trắc nghiệm dễ hiểu, dễ nhớ…
Ủy viên thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Hồ Quang Lợi:
Chào cờ, hát Quốc ca là nghi thức thiêng liêng, hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, bồi đắp lý tưởng cách mạng. Cảm phục biết bao các chiến sĩ cộng sản hiên ngang chào cờ và hát quốc ca trong ngục tù để có thêm sức mạnh và khí tiết đương đầu với đòn tra tấn tàn bạo của quân thù. Lòng ta rưng rưng khi thấy vận động viên Việt Nam đoạt huy chương vàng tại các cuộc thi đấu quốc tế miệng hát Quốc ca mà nước mắt chảy tràn trên má khi lá cờ Tổ quốc được kéo lên. Ta cũng thấu hiểu vì sao có bà mẹ Việt kiều tại Anh hằng ngày dạy con gái 3 tuổi hát Quốc ca, những mong sớm gieo vào lòng con trẻ tình yêu đất nước quê hương nguồn cội. Biết bao người đã trào nước mắt khi chứng kiến cảnh các em học sinh khiếm thính Trường PTCS Xã Đàn hát Quốc ca bằng tay. Quốc ca vang lên trên đỉnh Phan Xi Păng - nóc nhà Đông Dương - từ 60 trái tim giàu nhiệt huyết sáng tạo của FPT. Quốc ca bay trên những ngọn sóng ở Trường Sa, Hoàng Sa từ lồng ngực của những người lính trẻ kiên cường bám trụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc nơi đầu sóng.
|
Tiết học của lớp 12D4 chan hòa trong nước mắt của cô giáo Lê Thị Hồng Hạnh và học trò. Bắt đầu bài giảng bằng hình ảnh chân thực, xúc động về các anh hùng Liệt sĩ đang nằm ở nghĩa trang Trường Sơn, Quảng Trị…, cô giáo Hạnh mang đến cho học trò những cung bậc cảm xúc thiêng liêng và sâu lắng. Giọt nước mắt của thế hệ trẻ hôm nay thể hiện lòng biết ơn cha ông đi trước đã ngã xuống vì độc lập hòa bình của dân tộc. Từ đó các em hiểu rằng không có lí do gì để không cất vang bài hát Quốc ca từ trái tim mình. Khi cất lên tiếng hát, mỗi câu từ của bài hát như ngấm vào máu của mỗi người, làm bừng lên lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm với Tổ quốc… Vẹn nguyên sự xúc động khi kết thúc bài giảng với lời hát Quốc ca vang vang trong tim cô và trò, cô giáo Hạnh chia sẻ: Nói với học trò mà như nói với chính mình, chúng ta có được ngày hôm nay càng phải trân trọng quá khứ hào hùng của dân tộc ngày hôm qua. Để rồi được đứng dưới Cờ hát vang bài Quốc ca là hạnh phúc của bất kỳ người con đất Việt nào, thế hệ trẻ hôm nay hãy hát bằng cả trái tim mình để nhân lên niềm hạnh phúc lớn lao này…
Học trò được học hát Quốc ca từ khi mới bước chân vào trường học. Thế nhưng, không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa thiêng liêng của bài hát để hát vang mỗi khi đứng dưới Cờ. Tiết dạy đặc biệt đầy tính sáng tạo của trường THPT Phan Huy Chú không chỉ giúp các em hiểu sâu sắc về ca khúc này mà còn khơi dậy ở các em niềm tự hào dân tộc và tự tin cất lên tiếng hát từ trái tim mình, từ tiếng lòng mình.
Cô, trò say sưa tìm hiểu về bài Quốc ca
Em Trần Mạnh Long- Học sinh lớp 10A1 không giấu nổi vẻ xúc động, tự hào: Khi đứng dưới Cờ chúng em vẫn hát Quốc ca, nhưng ngày bước chân vào ngôi trường Phan Huy Chú cũng là ngày em hiểu hơn về ca khúc thiêng liêng mang hồn núi sông này. Giờ đây, chắc chắn chúng em sẽ không ngại ngần gì mà không hát vang bài hát Quốc ca, hát để bày tỏ sự biết ơn với các anh hùng Liệt sĩ đã ngã xuống, để thể hiện tình yêu Tổ Quốc, yêu ngôi trường và quyết tâm phấn đấu phát huy sức trẻ của mình, vững tâm thế hướng đến tương lai rạng ngời đang chờ đón chúng em ở phía trước.
Em Trà My, lớp 12D6 bộc bạch: Hiểu sâu sắc về bài hát Quốc ca qua lời dạy của các thầy cô giáo, chúng em cảm nhận rõ ràng hơn vì sao các thầy cô vẫn nhắn nhủ với chúng em, hát Quốc ca nhạt nhẽo là biểu hiện của những người sống vô ơn. Nếu hát bằng miệng mà lòng thờ ơ là người thiếu tình cảm với ngôi trường. Và nếu chỉ im lặng chờ bạn hát trong lễ chào cờ thì mình đã là người vô cảm, đáng trách biết bao nhiêu…
Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc; Trường phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các trường THCS, TH, MN thuộc địa bàn tiếp tục việc giáo dục, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Lễ chào cờ Tổ quốc, hát Quốc ca để cán bộ, giáo viên, học sinh trong nhà trường nhận thức rõ, đầy đủ về tình yêu Tổ quốc, lòng tự hào dân tộc thông qua việc hát Quốc ca. Duy trì nền nếp nghi Lễ hát Quốc ca trong Lễ chào cờ Tổ quốc đầu tuần, các buổi Lễ kỷ niệm, Lễ tổng kết, tuyên dương khen thưởng... đảm bảo đúng lời, đúng nhạc. Trong các buổi Lễ, yêu cầu tất cả cán bộ, giáo viên và học sinh thực hiện hát Quốc ca (kể cả có hoặc không có nhạc đệm) để việc chào cờ Tổ quốc và hát Quốc ca trở thành nền nếp trong hệ thống giáo dục của Thủ đô.
|