Bỡ ngỡ khi chạm cửa khoa học
Nhà khoa học Einstein từng cho rằng mình không thông minh hơn người thường và thông minh không phải là yếu tố quyết định cho thành công. Ông nói “tôi không có sự thông minh đặc biệt nào, tôi chỉ tò mò một cách đam mê”. Trong nghiên cứu khoa học, sự tò mò chính là khởi nguồn cho những thành quả lớn. Chính sự tò mò, tìm hiểu quan tâm đến cuộc sống xung quanh đã đưa những học sinh Thủ đô đến với những công trình nghiên cứu khoa học có giá trị.
Nhận thấy sự ô nhiễm nước thải ở ngôi làng mình đang sống, hai học sinh Lê Minh Huyền và Nguyễn Đức Toàn đến từ lớp 11A1 của trường THPT Nguyễn Trãi – Thường Tín đã quyết định thực hiện đề tài “Khảo sát khả năng xử lý nước thải làng nghề tại huyện Thường Tín bằng vật liệu Graphene”. Các em đã tiến hành điều tra và đưa ra kết quả có tới 62,7% nước thải sản xuất xả thẳng ra môi trường. Từ đó, sử dụng kiến thức hóa sinh được học trong nhà trường, các em đã sử dụng những vật liệu đơn giản, gần gũi để cải thiện điều kiện môi trường sống xung quanh.
Chia sẻ về chặng đường thực hiện công trình nghiên cứu, hai học sinh cho biết: Khi chúng em tiến hành điều tra, khảo sát thực trạng nguồn nước, nhiều hộ dân không muốn hợp tác. Điều này đòi hỏi chúng em phải giải thích, thuyết phục bằng cách nói lên ý nghĩa của việc chúng em đang làm là giúp đỡ họ, giúp bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe của chính họ. Khó khăn thứ hai là do chưa có kinh nghiệm nên khi điều chế Graphene nhiều lần hỏng hóc, sai lầm. Vì vậy đề tài nghiên cứu của chúng em phải thực hiện từ tháng 7 đến cuối tháng 10 mới hoàn thành.
Không phải ai cũng biết những thảm họa trên mạng internet gần đây, cụ thể là một số bạn trẻ tự huyễn hoặc bản thân, có những hành động phản cảm, ăn mặc hở hang, lời nói thô tục rồi up lên mạng là một dấu hiện của căn bệnh Ái kỷ. Đây là một căn bệnh xã hội đang có chiều hướng gia tăng mạnh mẽ và rất dễ lan truyền đặc biệt trong thời đại xã hội bùng nổ công nghệ thông tin và mạng internet. Tuy nhiên, rất ít người từng nghe nói đến, có hiểu biết đúng đắn về căn bệnh cũng như có những nhận thức đúng về mức độ ảnh hưởng tiêu cực của nó. Chính vì vậy, hai học sinh Ngô Anh Thái, Nguyễn Phương An (học sinh trường THPT Việt Đức) đã thực hiện đề tài “Hiện tượng ái kỷ ở học sinh trung học phổ thông”.
Các em cho biết, lúc đầu khi quan sát và trực tiếp phỏng vấn, trò chuyện với một số bạn có dấu hiệu cao của bệnh ái kỷ, họ phản ứng khá gay gắt và không chấp nhận việc mình bị ái kỷ. Chính vì vậy, nhóm phải chuyển sang hướng điều tra bằng phiếu khảo sát, cụ thể là khoảng 300 học sinh của cả 3 khối lớp 10, 11,12. Thêm vào đó, ở Việt Nam chưa có công trình nghiên cứu nào về hiện tượng ái kỷ đối với học sinh, chính vì vậy, hai bạn trẻ phải tìm các nguồn tài liệu từ tiếng nước ngoài.
Trong khi đó, hai học sinh Nguyễn Quang Hưng và Ngô Tăng Thu Hà (trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam) khi thực hiện đề tài “Chế tạo xà phòng sinh học thân thiện với môi trường sử dụng trong nước nhiễm mặn” phải trực tiếp đi đến địa bàn sông Cửu Long để thu thập nguồn nước và đánh giá tình trạng nước mặn ở khu vực này. Các em cũng phải tìm đặt mua qua hệ thống mạng các sản phẩm của hải quân Mỹ để so sánh với sản phẩm do mình tạo ra. Ngoài ra, phải tìm kiếm các chất hoạt động bề mặt phù hợp, nghiên cứu tỷ lệ phù hợp. Để thực hiện đề tài nghiên cứu, hai học sinh phải nhờ đến trang thiết bị, phòng thí nghiệm của Viện Khoa học và Công nghệ quân sự - Bộ Quốc phòng.
Tuổi nhỏ biết lo việc lớn
Dù còn nhỏ tuổi nhưng hai học sinh Nguyễn Tuấn Minh và Lê Quỳnh Anh (lớp 9A2, trường THCS Thượng Thanh, quận Long Biên) lại có ý tưởng khá lớn là thiết kế máy tập thể dục giúp lọc nước ở ao, hồ công viên. Sau khi tìm hiểu, hai học sinh nhận ra rằng, Hà Nội có hệ thống ao, hồ, sông và kênh khá dày đặc. Riêng khu vực nội đô trước đây đã có hơn 110 ao, hồ lớn nhỏ. Tuy nhiên, sau nhiều năm đô thị hóa, diện tích ao hồ của Hà Nội đã bị giảm đi nhiều. Thêm vào đó, hiện tượng ô nhiễm nước ao, hồ và bồi lắng bùn đáy đang là vấn đề bức bách cần sớm được giải quyết. Hầu hết các hồ đều có nước thải chảy thẳng vào, đảm bảo chức năng điều hòa nhưng lại chưa có hệ thống xử lý nguồn nước, nên đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nhiều hồ bị tảo xanh, tảo độc. Bên cạnh đó, rác thải sinh hoạt thải đổ không đúng quy định cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến gia tăng ô nhiễm, ao hồ.
Các em chia sẻ: “Hàng ngày chúng em vẫn đi học bằng xe đạp, và chúng em đã nảy ra ý tưởng tận dụng việc đạp xe đạp để tạo ra điện năng. Năng lượng điện tạo ra làm chạy máy bơm giúp bơm nước từ hồ lên bể lọc. Bể lọc lọc sạch nước rồi lại đưa nước về hồ. Tuy nhiên khi thực hiện, chúng em mất nhiều thời gian để tìm máy phát điện công suất phù hợp, có bộ phận giảm tốc. Thiết kế bể lọc cũng khá vất vả. Sau nhiều lần thử nghiệm, thử đi thử lại cuối cùng chúng em cũng đã tạo ra được sản phẩm ưng ý”. Để thực hiện đề tài nghiên cứu, hai học sinh đã áp dụng tính chất của than hoạt tính trong chương trình lớp 9; kiến thức về máy phát điện, bộ phận chuyển động áp dụng kiến thức môn Vật lý mà các em đã được học.
Cũng liên quan đến nguồn nước, nhưng hai học sinh Đỗ Thị Mỹ Châu và Nguyễn Văn Tuấn (lớp 9A1, trường THSC Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ) lại có ý tưởng “Hệ thống tưới tiêu tự động trong nông nghiệp”. Các em cho biết: “Nhân loại đang phải đối mặt với nguy cơ khan hiếm nước ngọt. Ngành nông nghiệp thì sử dụng nhiều nước ngọt. Cụ thể ở địa phương chúng em đang sống, người nông dân luôn sử dụng các biện pháp tưới cây trồng thô sơ, vừa tốn sức, mất nhiều thời gian nhưng lại gây lãng phí nước. Chính vì vậy, việc thiết kế một mô hình tưới cây khoa học, hợp lý sử dụng được nguồn năng lượng có sẵn trong tự nhiên là vấn đề rất cần thiết. Khi thiết kế xong, chúng em đã áp dụng vào việc tưới tiêu ở vườn nhà mình và thấy hệ thống hoạt động tương đối hiệu quả”.
Lần đầu nghiên cứu khoa học, các bạn trẻ đã gặp khó khăn như phải tính toán để máy bơm hoạt động, thiết kế bộ điều khiển từ xa, xây dựng khung cho hệ thống… Nhưng chính nhờ sự động viên, giúp đỡ của bố mẹ, anh chị nên các em cuối cùng đã hoàn thiện được công trình nghiên cứu của mình.
PGĐ Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng: Với chủ trương tạo cơ hội cho học sinh thực hiện nghiên cứu khoa học, công nghệ, kĩ thuật, vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống, từ năm học 2011 – 2012, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức cuộc thi Nghiên cứu khoa học học kỹ thuật dành cho học sinh trung học. Qua 7 lần tổ chức, cuộc thi thực sự mang lại ý nghĩa lớn, là nơi khơi nguồn cho nhiều sáng tạo khoa học, kỹ thuật. Những sản phẩm nghiên cứu khoa học tham gia hội thi khẳng định hướng đi đúng của chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và yêu cầu dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học.
PGS.TS Mai Văn Hưng – Đại học Quốc gia Hà Nội – Đại diện BGK cuộc thi: Cuộc thi chính là nơi thỏa mãn những sáng tạo khoa học của học sinh. Thông qua sân chơi này, các em được là những nhà khoa học trẻ, trình bày những dự án khoa học tiên tiến, liên quan đến những vấn đề nóng trong xã hội như: bệnh ung thư, bệnh zika, trò chơi ký hiệu cho người điếc… Hà Nội được coi là chiếc nôi của khoa học nước nhà, thành tích nghiên cứu khoa học của học sinh Hà Nội từ lâu đã là niềm tự hào cho ngành giáo dục Thủ đô, là niềm kiêu hãnh của đất nước trên đấu trường quốc tế. Thành công này chứng tỏ học sinh cùng với thầy cô của mình có sức sáng tạo đáng khâm phục, chứng tỏ khoa học là của tất cả mọi người, mọi lứa tuổi.