Vất vả nơi đất liền…
Cô giáo Đỗ Thị Thơm sinh năm 1989 (trường mầm non Đông Sơn, huyện Chương Mỹ) và chiến sĩ Nguyễn Viết Tưởng sinh năm 1984, bộ đội hải quân đóng tại đảo Trường Sa đã kết hôn được 8 năm. Tình yêu của một người lính với cô sinh viên trường sư phạm đã qua không ít rào cản bởi khoảng cách địa lý. Những cuộc hẹn của họ ngoài đời chỉ đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu họ hẹn hò qua thư. Anh dùng thư để "tán" cô sinh viên 19 tuổi trong vòng 2 năm.
"Kết hôn với lính hải quân sẽ vất vả", đó là nhận xét mà cô Thơm nghe được từ bạn bè khi yêu anh Tưởng. Tuy nhiên khi đã yêu nhau và lấy nhau, cô giáo Thơm tình nguyện chọn cuộc sống thường xuyên thiếu vắng chồng ở nhà. Quả thực như vậy, cô vừa làm mẹ, vừa thay anh Tưởng trở thành cha của hai bé trai thông minh, kháu khỉnh. Về chung một mái nhà nhưng thời gian hai người gần nhau rất ít vì chủ yếu anh Tưởng làm nhiệm vụ ngoài đảo. Khi cô Thơm có bầu đứa con đầu, anh lại nhận nhiệm vụ ra đảo. Khi sinh con thứ 2, cô Thơm tiếp tục vượt cạn vắng anh. Khi anh về phép, các con đều đã chập chững biết đi. Bởi hai năm anh mới được về phép một lần. Mỗi lần về phép, nếu thời tiết thuận lợi cũng phải mất 15, 16 ngày mới về được đến nơi. Còn nếu như gặp thời tiết xấu, tàu phải tạm lánh để chờ biển yên thì coi như không còn phép.
Ngành Giáo dục Hà Nội luôn quan tâm, động viên nữ nhà giáo có chồng công tác nơi đảo xa
Đồng cảm với cô Thơm là cô giáo Nguyễn Thị Vy (trường THCS Phương Trung, huyện Thanh Oai) có chồng là chiến sĩ Lê Xuân Thanh thuộc đoàn 128 Hải quân, từng đóng quân ở đảo Song Tử Tây, nhưng 2 năm trở lại đây, anh chuyển sang công việc lái tàu, bảo vệ các giàn khoan. Lấy nhau được 11 năm nhưng chồng về nhà đúng vào dịp Tết Nguyên đán mới được một lần. Đó cũng lần duy nhất vợ chồng cô được ăn Tết cùng nhau. Một năm rưỡi được gặp nhau khoảng 30 ngày. Con thứ hai năm nay 4 tuổi, thời gian được gặp bố mới chỉ khoảng 4 tháng.
Cô giáo Vy “thấm” khổ nhất là mỗi khi trái gió trở trời, con ốm đau bởi cô phải một mình chủ động xoay sở, đưa con đi khám. “Có lần cả 2 con cùng bị ốm mà chỉ có một mình. Tôi còn nhớ mãi hình ảnh của chính mình ở bệnh viện nhi khi bác sĩ gọi vào khám, một tay bế cháu hơn tháng tuổi, tay kia bế cháu 3 tuổi” - cô Vy ngậm ngùi.
Cũng như vậy, cô giáo Nguyễn Thị Mai (trường Tiểu học Song Phương, huyện Hoài Đức) có chồng là chiến sĩ Nguyễn Văn Quang hiện công tác tại đảo Hòn Khoai, tỉnh Cà Mau nên thường phải 1 đến 2 năm vợ chồng mới được gặp mặt một lần vào đợt nghỉ phép của anh. Mỗi lần về được khoảng 1 tháng. Khi cô sinh cháu đầu tiên, anh Quang đã đăng ký xin về để đón con, nhưng biển động nên không về được. Cô lại trở dạ sớm, sinh con non 1 tháng. Là vợ chiến sĩ, cô giáo Mai đã quen với việc “một nách hai con” không có chồng bên cạnh để san sẻ từ những việc nhỏ nhất. “Đêm giao thừa phải gói bánh, thịt gà,… tất cả mọi thứ tôi phải học tự chuẩn bị hết thay chồng. Những ngày thường, ống nước hay điện hỏng, chồng không ở nhà tôi cũng phải học cách làm hết” - cô Mai tâm sự.
Cô giáo Trịnh Thị Phương Liên (trường THPT Đào Duy Từ) có chồng là sĩ quan đang công tác tại Đại đội 37, tiểu đoàn đảo Ngọc Vừng, Lữ đoàn 242, quân khu 3 cũng chia sẻ: “Trong mỗi dịp Tết đến Xuân về, ai cũng có một gia đình để quây quần bên nhau, được chúc nhau những điều hạnh phúc nhất. Nhưng là người vợ lính, tôi cảm nhận rõ sự thiếu vắng của người chồng, người cha. Vì nhiệm vụ, anh phải thường xuyên công tác xa nhà, mọi việc trong gia đình đều do đôi bàn tay của tôi cáng đáng”.
…nhưng vẫn đong đầy hạnh phúc
Vất vả là thế nhưng các giáo viên Thủ đô có chồng công tác tại đảo xa chưa bao giờ băn khoăn về sự lựa chọn của mình, bởi với họ, hạnh phúc luôn chan đầy nếu như vợ chồng cùng cố gắng vun đắp và hướng về nhau. Đảo xa với họ lúc này không còn xa bởi họ vẫn luôn cảm nhận được sự quan tâm và tình yêu của chồng mình.
Nhiều người nói người lính đảo rất tình cảm, cách thể hiện tình cảm của họ cũng rất đặc biệt và cô giáo Đỗ Thị Thơm có lẽ là một trong những người cảm nhận rõ nhất điều này. “Bó hoa ốc 21 bông là bất ngờ đầu tiên anh dành tặng tôi. Chưa bao giờ tôi được thấy những cánh hoa làm bằng ốc lạ, đẹp đẽ và chứa đựng nhiều tình cảm như thế”, cô Thơm khoe chùm hoa ốc được cắm rất cẩn thận trong một chiếc lọ đẹp, để cạnh giường ngủ. Nói thêm về sự quan tâm của chồng, cô Vy kể: “Mỗi dịp nghỉ của anh, dài nhất là 2 tháng, ngắn nhất là mấy ngày. Khi hết đợt nghỉ phép, anh ấy không bao giờ cho tôi đi tiễn ở ngoài ga vì sợ nhìn thấy tôi khóc. Chúng tôi đều biết cả hai sẽ không thể chịu được khi phải chia tay người kia chóng vánh như vậy".
Với cô giáo Nguyễn Thị Vy, câu hỏi mà con trẻ hay hỏi là "sao mẹ lại lấy bộ đội, cô giải thích đó là một điều tự hào bởi bố đang ngày đêm bảo vệ Tổ quốc, biển đảo. Cô Vy cho biết: “Tôi vẫn thường cho các con xem những clip chồng gửi về từ biển đảo để các con thấu hiểu hơn. Dù có buồn khi chồng vắng nhà nhưng rồi cũng quen. Hơn nữa, mặc dù xa nhưng được sự động viên, quan tâm của chồng, được sự giúp đỡ của ông bà, đồng nghiệp ở trường nên tôi vẫn thấy mình thật may mắn”.
Cô giáo Nguyễn Thị Mai lại cho rằng sự xa cách như là thử thách tình yêu của vợ chồng cô, đồng thời nó cũng làm cho tình cảm vợ chồng trở nên thú vị hơn. Cô Mai chia sẻ: “Xa chồng nên mỗi khi chồng về tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Bạn bè của tôi hay trêu nhà này cứ khoảng 1 đến 2 năm lại như tân hôn lại một lần”. Đặc biệt, ngoài những khó khăn, cô giáo Mai còn luôn cảm thấy tự hào khi có một người chồng không chỉ biết nghĩ đến bản thân mà còn có trách nhiệm với Tổ quốc và gia đình.
Cô giáo Phương Liên cũng cho biết: “Bận rộn, vất vả là thế nhưng tôi luôn cảm thấy hạnh phúc và tự hào vì được làm vợ người lính. Tôi tâm sự với con rằng, cuộc sống dù phải xa bố nhưng bên con còn có mẹ. Đặc biệt, dù bố ở xa nhưng luôn nghĩ và quan tâm tới mẹ con mình. Chính vì vậy, chúng ta hãy cố gắng, mạnh mẽ, là hậu phương vững chắc nhất cho cha”.
Gia đình cô giáo Đỗ Thị Thơm
Các nữ nhà giáo Thủ đô luôn cảm thấy tự hào mỗi khi nhắc đến chồng mình, những cán bộ, chiến sĩ dũng cảm đang ngày đêm công tác tại đảo xa để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Các anh cũng là hình mẫu, là tấm gương, là động lực để cho các con luôn ngoan ngoãn, chăm chỉ như chia sẻ của em Nguyễn Thị Bích Ngân – học sinh lớp 3A1, trường Tiểu học Văn Yên, quận Hà Đông là con gái của bác sĩ Nguyễn Văn Cường, đang công tác tại đảo Nam Yết (Trường Sa): “Cuộc sống ở đảo tuy còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng bố vẫn không quản ngại gian khổ cứu chữa cho nhiều ngư dân, bộ đội tại đảo. Đó là động lực, là tấm gương khiến con phải chăm chỉ trong học tập và tích cực giúp đỡ mẹ các công việc nhà. Học kỳ 1 vừa qua, con và anh trai tiếp tục đạt học sinh giỏi khiến bố con rất vui. Con nghĩ với bố con, đây chính là món quà ý nghĩa nhất mà chúng con gửi tặng bố mẹ”.
Box: Nhân dịp đón xuân mới 2020, Sở GDĐT phối hợp với Công đoàn ngành giáo dục Hà Nội đã tổ chức gặp mặt, tặng quà các nữ nhà giáo là vợ, học sinh là con các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ tại các vùng biển đảo của Tổ quốc. Ngành GDĐT Hà Nội đã tặng hơn 90 phần quà cho 18 giáo viên và 73 học sinh. Mỗi nhà giáo được tặng quà và 4 triệu đồng. Mỗi học sinh được nhận quà tặng và 1 triệu đồng.
Chủ tịch CĐGD Hà Nội Trần Thị Thu Hà chia sẻ: “Đây là một hoạt động thường niên, thiết thực nhằm động viên các chiến sỹ và gia đình, thực hiện chính sách hậu phương quân đội, giúp các đồng chí yên tâm công tác. Những tình cảm, sự quan tâm chia sẻ từ phía hậu phương, từ những người thân nơi quê nhà là nguồn động viên lớn, động lực tiếp lửa cho các chiến sỹ công tác tại biển đảo. Những món quà tuy chưa có giá trị lớn về vật chất, song đó là tình cảm, sự quan tâm của Thành phố, ngành GDĐT gửi tới gia đình các chiến sỹ đang công tác tại biển đảo”.