Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, tính đến tháng 12/2017, trên địa bàn thành phố có 202 trung tâm ngoại ngữ; 274 trung tâm ngoại ngữ, tin học có yếu tố nước ngoài; 50 trung tâm giáo dục, đào tạo có vốn đầu tư nước ngoài; 7 văn phòng giáo dục đại diện nước ngoài; 46 trung tâm đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành; 93 trung tâm bồi dưỡng văn hóa; 47 trung tâm bồi dưỡng kỹ năng; 85 đơn vị tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động kinh doanh theo Nghị định 46/NĐ-CP.
Nhìn chung, các cơ sở giáo dục ngoài nhà trường có ý thức chấp hành nghiêm túc các quy định pháp luật của nhà nước và các quy định của ngành GD&ĐT trong quá trình tổ chức hoạt động. Kết quả hoạt động đào tào, bồi dưỡng của hệ thống các cơ sở giáo dục ngoài nhà trường góp phần đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội, của sinh viên, học sinh, người đi làm và con em người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội, đồng thời đóng góp tích cực thực hiện mục tiêu chiến lược của ngành GD&ĐT Hà Nội về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo.
Tuy nhiên, số lượng các cơ sở giáo dục ngoài nhà trường lớn; quy mô phát triển ngày càng gia tăng; loại hình hoạt động đa dạng trong khi địa bàn hoạt động rộng khắp ở tất cả các quận, huyện trên địa bàn thành phố là một thách thức đối với các cơ quan quản lý. Việc quản lý đỏi hòi phải am hiểu nhiều quy định quản lý như Luật đầu tư, Luật lao động, Luật phòng cháy chữa cháy, Luật doanh nghiệp, Luật xuất nhập cảnh, Luật thuế, Luật bản quyền và sở hữu trí tuệ…
Trong năm 2018, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn để kiểm tra định kỳ, thường xuyên hoạt động của các cơ sở nhằm đảm bảo việc tuân thủ các quy định trong lĩnh vực hoạt động. Chỉ đạo phối hợp với Ban kiểm tra liên ngành quận, huyện, thị xã, phòng GD&ĐT quận, huyện thực hiện kiểm tra định kỳ (về chuyên môn), đột xuất hoạt động đối với 30% cơ sở giáo dục ngoài nhà trường trên địa bàn các quận, huyện.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng phát biểu tại hội nghị
Tại hội nghị, đại diện của nhiều cơ sở giáo dục ngoài nhà trường đã chia sẻ kinh nghiệm quản lý, đồng thời trình bày những băn khoăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động và nêu lên những kiến nghị. Các nội dung liên quan đến cấp giấy phép lao động cho giáo viên người nước ngoài, thủ tục thành lập các cơ sở giáo dục ngoài nhà trường, hình thức xử lý với các trung tâm quảng cáo sai sự thật… đều được các đơn vị thẳng thắn trao đổi. Những băn khoăn của các đơn vị đã được Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục thường xuyên, Bộ GD&ĐT Vũ Thị Tú Anh; đại diện phòng GDTX- CN của Sở GD&ĐT Hà Nội ghi nhận và giải đáp.
Phát biểu tại hội nghị, TS Chử Xuân Dũng – Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định: Hoạt động các cơ sở giáo dục ngoài nhà trường góp phần quan trọng vào việc nâng cao hơn nữa nhu cầu học tập của cộng đồng. Nhiều đơn vị triển khai mô hình học tập tiên tiến, đáp ứng yêu cầu đa dạng của nhân dân Thủ đô. Giám đốc Chử Xuân Dũng đề nghị các cơ sở giáo dục năm 2018 thực hiện nghiêm túc đầy đủ các văn bản, hướng dẫn, các quy định của Bộ GD&ĐT, Thành phố và Sở GD&ĐT Hà Nội, trong đó chú trọng công khai các hoạt động, chương trình giảng dạy, chất lượng đầu ra. Phòng GDTX-CN đề xuất phương án với bộ phận CNTT bổ sung vào cổng thông tin điện tử của Sở chuyên mục giáo dục ngoài nhà trường để người dân dễ truy cập và tra cứu. Thời gian tới cũng cần xây dựng hệ thống phần mềm quản lý các hoạt động của các cơ sở giáo dục ngoài nhà trường. Đặc biệt, các đơn vị cần báo cáo thường xuyên, định kỳ (1 tháng 1 lần) lên cơ quan quản lý.